Lao động Trung Quốc không phép: Xem thường pháp luật hay quản lý không nghiêm?

Trần Minh Quân

clip_image001  

Một góc công trình Nhà máy đạm Cà Mau có rất nhiều lao động Trung Quốc

 

Hơn 300 lao động Trung Quốc không phép ở Quảng Bình

Báo cáo kết quả kiểm tra công tác tuyển dụng, quản lý người nước ngoài làm việc trên địa bàn của Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình đến đầu tháng 6.2011 cho biết có 369 lao động đang làm việc tại 21 đơn vị, công trường.

Trong đó hầu hết là người Trung Quốc, tập trung chủ yếu ở Nhà máy xi măng Văn Hóa (huyện Tuyên Hóa), Nhà máy xi măng Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình. Đáng chú ý, chỉ có 39 lao động được cấp phép, còn lại là không phép và trong số đó rất ít người có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật, làm công tác quản lý.

Huệ Minh

Khi những băn khoăn về thực trạng thu mua hàng nông sản Việt Nam vừa tạm lắng xuống thì cũng là lúc nỗi lo về công ăn việc làm và bất ổn xã hội xuất hiện. Điều đáng nói là những băn khoăn, lo lắng này đều liên quan đến một tác nhân chính: Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn, người lao động đang có nguy cơ mất việc làm trong lúc giá cả tiêu dùng tăng cao. Có thể nói những khó khăn chồng chất đang treo lơ lững trên đầu người làm công ăn lương. Vậy mà tại rất nhiều dự án đầu tư của nhà nước do các nhà thầu nước ngoài thực hiện, số công ăn việc làm lại rơi vào tay lao động người nước ngoài, kể cả những công việc đơn giản nhất. Đó là bức tranh về lao động và việc làm tại Việt Nam hiện nay.

Trong khi chính quyền tại các nước khác như Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, … đang xử lý mạnh tay với các trường hợp lao động nước ngoài bất hợp pháp, thậm chí mới đây, Ủy ban lao động Đài Loan còn treo mức thưởng cao cho người tố giác lao động bất hợp pháp thì tại Việt Nam tình trạng này đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo thông tin từ báo chí thì trong thời gian qua tại hầu hết các công trình do các nhà thầu nước ngoài thực hiện, trong đó phần lớn là nhà thầu đến từ Trung Quốc đang có rất nhiều lao động phổ thông mang quốc tịch nước ngoài làm việc. Điều đáng nói là số lao động không phép đang chiếm tỉ lệ rất cao ở hầu hết các dự án và xuất hiện tại nhiều tỉnh thành khác nhau.

Mặc dù pháp luật đã quy định rõ (ngay khi mời thầu) các nhà thầu nước ngoài chỉ được phép mang theo lao động, kỹ sư, chuyên gia quản lý có trình độ cao, … mà lao động trong nước không thể đáp ứng được và mọi vị trí làm việc khác đều phải ưu tiên cho lao động Việt Nam nhưng dường như các nhà thầu, nhất là nhà thầu Trung Quốc, đã phớt lờ mọi quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngay cả quy định về việc phải đăng ký lao động người nước ngoài đang làm việc tại dự án cho chính quyền địa phương cũng bị các nhà thầu này gạt sang một bên. Theo phản ánh của báo chí thì rất nhiều lao động người Trung Quốc đã nhập cảnh bằng đường du lịch và ở lại làm việc chui tại các công trình. Lợi dụng khe hở của pháp luật là những lao động làm việc dưới 3 tháng thì không cần phải xin phép, hàng ngàn lao động Trung Quốc đã ngang nhiên đứng ngoài sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam.

Về phía Việt Nam, mặc dù đã có đầu đủ các quy định của pháp luật nhưng trách nhiệm quản lý và xử lý còn chồng chéo giữa sở Lao động – Thương binh – Xã hội và phía công an. Ngoài ra, để tồn tại tình trạng trên trong một thời gian dài chứng tỏ các cơ quan chức năng tại các địa phương đã chưa dành sự quan tâm đúng mức cho vấn đề này và thể hiện sự thiếu nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

Đầu tư của nhà nước là để phát triển kinh tế xã hội và tạo công ăn việc làm cho người dân. Trong khi hiệu quả kinh tế từ các dự án có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc trong thời gian qua chưa có gì rõ nét, nếu không muốn nói là đã gây rất nhiều khó khăn, phiền toái do công nghệ, máy móc lạc hậu lại thường hay hỏng hóc, thời gian thực hiện quá dài, gây tốn kém, … thì ngay cả mục đích thứ hai là tạo công ăn việc làm cho người dân cũng không đạt được. Thật đáng buồn khi người lao động Việt Nam lại bị ra rìa ngay trên chính quê hương của mình.

Trước áp lực về nguồn nguyên liệu và công ăn việc làm quá lớn từ trong nước. Trong vài chục năm trở lại đây, người Trung Quốc đã đẩy mạnh việc xuất khẩu lao động, kể cả xuất khẩu nông dân ra nước ngoài. Khi làn sóng di cư người Trung Quốc đến Châu phi có xu hướng giảm xuống thì cũng là lúc một làn sóng khác đang hình thành. Đó là xuất khẩu lao động theo các nhà thầu. Trong đó Việt Nam là một trong những thị trường chính với sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà thầu Trung Quốc tại hầu hết các công trình, nhất là các gói thầu EPC tại Việt Nam.

Khi những băn khoăn về thực trạng thu mua hàng nông sản Việt Nam vừa tạm lắng xuống thì cũng là lúc nỗi lo về công ăn việc làm và bất ổn xã hội xuất hiện. Điều đáng nói là những băn khoăn, lo lắng này đều liên quan đến một tác nhân chính: Trung Quốc.

Cũng như những lần trước, thương nhân Trung Quốc được tự do đến tận ruộng vườn thu gom nông sản của nông dân để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, thì lần này, người lao động Trung Quốc lại vẫn ngang nhiên đứng ngoài vòng pháp luật của Việt Nam.

Nhiều người sẽ tự hỏi rằng liệu người lao động, các nhà thầu đến từ Trung Quốc đã quá xem thường pháp luật Việt Nam hay các cơ quan quản lý nhà nước của các địa phương đã không làm tròn trách nhiệm? Hay là vì cả hai nguyên nhân trên?

Thực trạng này đã không dừng lại ở một dự án nào cá biệt mà nó đã phổ biến rộng khắp trên cả nước. Nơi nào có nhà thầu Trung Quốc thì hầu như nơi đó có vi phạm pháp luật về quản lý lao động xảy ra. Đến đây thì đã rõ, chúng ta đã quá dễ dãi trong việc quản lý lao động nước ngoài.

Để lý giải được hiện tượng này, thiết nghĩ trước tiên chúng ta nên lý giải tại sao có tình trạng hơn 90% các gói thầu EPC rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc? Đây là việc không hề đơn giản mà rất cần nhìn nhận một cách nghiêm túc, sự ra tay mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và quan trọng hơn là phải biết nghĩ đến những lợi ích lâu dài trước khi những hậu quả tệ hại có thể xảy ra.

T.M.Q.

Nguồn: tranminhquan.wordpress.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn