Thư của Huỳnh Thục Vy gởi Khánh Duy từ Tam Kỳ

Lời bàn 1

Trên sách báo xưa nay, chưa bao giờ chúng ta được đọc một bức thư nào giản dị mà đẹp đến thế này của bạn trẻ Huỳnh Thục Vy.

Xin mời một ông họ Nông nào đó (và toàn Công ty) hãy công bố thư từ trong gia đình các ông bà cho bà con đọc đi. Xem có bao nhiêu người phải chảy nước mắt trước những bi kịch riêng mà chung của gia đình các ông các bà.

Hóa ra câu chuyện có gốc gác văn hóa. Huỳnh Thục Vy phải là con đẻ của một gia đình có giáo dục tử tế. Và giáo dục là việc mưa dầm thấm lâu, không phải chuyện "bổ túc công nông" ba năm học xong hai cấp cốt lấp đầy đội ngũ bằng những tiến sĩ mù chữ – và sau đó là những lớp tại chức do những giáo sư tiến sĩ mù chữ giảng dạy!

Xin ngỏ lời cám ơn Huỳnh Thục Vy và nhờ Vy chuyển lời chào tới toàn gia quyến nhé.

Chú Toàn

Lời bàn 2

clip_image001Huỳnh Thục Vy là một phụ nữ trẻ và xinh đẹp, mới nhìn qua ai cũng nghĩ chị là người “đào tơ liễu yếu”, người của lễ hội, của ăn chơi, của các trò "vui vẻ trẻ trung" mà báo chí nhà nước không tiếc giấy đưa tin mỗi ngày. Thế nhưng thật bất ngờ, chị lại sát cánh với chồng và các em vào Sài Gòn tham gia cuộc biểu tình yêu nước ngày 1-7-2012. Đó là một điều lạ. Khi chị và chồng bị công an TP Hồ Chí Minh bắt và cưỡng chế thô bạo đưa lên xe, lòng ai mà chẳng thấy nôn nao lo lắng. Vậy mà, ngày hôm sau, chồng chị được thả còn chị lại tiếp tục bị công an Quảng Nam vào tận TP Hồ Chí Minh áp giải đi đâu không rõ, cũng không trao lệnh bắt, là điều làm mọi người càng lo lắng đến quặn thắt – và cũng là điều lạ thứ hai khi cường quyền “dằn mặt” phái yếu, bắt vợ mà thả chồng.

Sở dĩ việc chị bị bắt và bị đưa đi suốt đêm khiến mọi người nơm nớp, rùng mình, bởi ai cũng nghĩ đến những ca tử vong trong đồn công an vốn đã thành "thông lệ" của "bộ máy" với những thông báo lạnh lùng: bị đột quỵ bất thình lình, hoặc tự treo cổ... Không lấy làm lạ sáng hôm sau tin chị được thả (tạm thả vì vẫn còn có giấy triệu tập chị vào ngày sau nữa) vừa loan trên các mạng, nơi nơi đều hoan hỷ reo mừng. Cho đến khi nghe chị trả lời phỏng vấn của đài BBC thì không còn là mừng nữa – mừng cho một người đẹp được trở về an lành với dương thế – mà trong tâm trạng nhiều người là một cái gì cao hơn thế nhiều, một sự phấn khích, tự hào, một niềm tin chắc nịch, về một con người, vâng, thuộc phái yếu, vẫn bằng cái giọng nhẹ nhàng vốn có chứ không chút cao giọng, nhưng là cái nhẹ nhàng đầy uy lực của học vấn, đã cất lên ý nguyện của cả một lớp trẻ: Dân chủ và Tự do.

Phải chăng, như một số ý kiến nhận xét, từ vài bốn năm nay, từ sau Kiến nghị Bauxite được hàng mấy nghìn người ký tên, cho đến các cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải Việt Nam trong suốt mùa hè năm ngoái, dù hết người này đến người khác bị thẩm vấn, sách nhiễu, đàn áp và bắt bớ bằng nhiều cách, một thế hệ mới vẫn lừng lững lớn lên, một thế hệ đã trưởng thành vững chắc, sẽ tiếp bước cha anh trên con đường giành quyền độc lập, tự do cho dân tộc.

Bắt chước chú Toàn, tạm xưng: chú Huệ Chi

(Lời bàn dành cho bài “Huỳnh Thục Vy nói về biểu tình và tự do” có audio trên BVN ngày 7-7-2012 nhưng biên tập viên đã bỏ sót)

Anh ơi,

Em xin lỗi anh.

Em biết rằng em đã làm nhiều người lo lắng cho em, em có lỗi với gia đình và tất cả những người yêu mến em.Từ hôm đi biểu tình bị bắt về công an phường Cô Giang, quận 1 đến lúc lại bị bắt ở Công an phường Tân Quy, quận 7 (Sài Gòn), rồi bị đưa về Quảng Nam em hiểu rằng có nhiều người đã vì thương yêu em mà mất ăn mất ngủ, đặc biệt là những người trong gia đình mình. Những tình cảm đó, những mối ưu tư đó của cô chú bác và bạn bè em không biết cuộc đời mình có dịp để đền đáp hay không?

Nhưng nếu có ai đó em phải xin lỗi trước tiên thì đó là anh. Ba và các cô lo cho em nhưng mọi người đã có nhiều kinh nghiệm khổ đau từ hai mươi năm về trước, khi ba em bị bắt; nên mọi người dễ hiểu và dễ chấp nhận. Còn anh, anh chưa từng đối mặt với cảnh huống như thế. Em xin lỗi anh.

Hôm ngày 1 tháng 7 chúng ta bị đạp, bị nắm tóc lôi lên xe khi tập trung biểu tình ở công viên 30-4, cùng với Minh Đức và Hiếu, anh bị đánh rất nhiều; anh đã hét to: “Các anh có phải người Việt Nam không?” “Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam” trong nước mắt. Em biết từ giây phút đó, anh đã rất hụt hẫng và lần đầu tiên trong đời, tự tâm can, anh đã cảm nhận sống động về sự nhỏ bé, yếu đuối của người dân Việt Nam chúng ta trong chế độ độc tài, cũng như sự tàn ác của công an Cộng sản và sự bất công tột độ trong thể chế này.

Từ trưa ngày 4 tháng 7, sau khi em làm việc với công an phường Tân Quy xong thì em bị giằng khỏi tay anh, bị xô lên xe, chở đi mất tích cho đến khi ngồi viết những dòng này, mình vẫn chưa được gặp nhau vì anh còn ở trong Sài Gòn. Hình ảnh cuối cùng mà em nhìn thấy khi rời khỏi đồn công an phường Tân Quy, Sài Gòn trong tức tưởi là khi anh khóc và nói: “Các anh bắt vợ tôi đi dâu? Các anh định làm gì vợ tôi?”. Khuôn mặt anh thất sắc, xám ngắt và nước mắt chảy ròng. Em có thể cảm nhận rõ nỗi đau khổ mà anh phải chịu đựng, cả con người anh lúc đó là một khối khổ đau.

Em xin lỗi anh, anh ơi…

Cho tới hơn 9h tối ngày 5 tháng 7 (34 giờ đồng hồ sau khi bị bắt ở Tân Quy) em bị an ninh tỉnh Quảng Nam bỏ giữa đường trong đêm tối, phải đi bộ về nhà. Em đã mất tất cả chút tự do còn lại của mình, em đã bị thẩm vấn liên tục, bị đói khát, bị khủng bố tâm lý, nhưng người mà em lo nghĩ nhiều nhất vẫn là anh. Anh đã từng nói với em rằng: “Em là tất cả hạnh phúc mà anh có trong cuộc đời này. Không có em, anh không còn gì cả”. Em hiểu anh cần có em biết bao! Em cũng biết mấy hôm nay anh như người mất hồn khi bị nhiều đe dọa từ những “kẻ lạ mặt côn đồ” rằng chuyến này Huỳnh Thục Vy sẽ hết đời. Tất cả những đau đớn đó, em thấu hiểu cả và… em xin lỗi anh.

Nhưng anh ơi, không có gì trên đời này mà không có nguyên nhân - kết quả và chúng ta biết rằng vạn vật tồn tại trong mối quan hệ tương tác. Nỗi sợ hãi của em đã giảm đi rất nhiều khi em nghĩ về nguyên lý đó. Với mỗi hành động mà chúng ta thực hiện, không sớm thì muộn chúng ta sẽ nhận lãnh phản lực của nó; vì thế chúng ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hậu quả của hành động do mình gây ra. Những người cộng sản biết rõ điều đó anh ạ.

Dù bị khủng bố tinh thần và mệt mỏi về thể xác, nhưng anh ơi, niềm tin của em, sự khao khát của em đối với tự do vẫn là cả một nỗi niềm to lớn không dứt. Anh hiểu em mà, phải không anh? Em là đứa không chịu nổi những sự lố bịch, những bất công và sự “chướng tai gai mắt”. Đối với những thứ đó, dù biết mình chỉ là một cá nhân nhỏ bé và bất toàn, em luôn muốn san phẳng chúng đi.

Ngồi trong đồn công an nhìn ra ô cửa kính, từ đáy lòng mình em đã tưởng nhớ và tri ân bao thế hệ người đã vì Việt Nam này mà lãnh nhận đau khổ, tù đày, thậm chí là cái chết. Dù bị thẩm vấn liên tục, em vẫn cố tạo cho mình những giây phút nghĩ ngơi bằng cách không trả lời những câu hỏi cá nhân hoặc nhưng câu hỏi liên quan đến bạn bè. Chỉ những gì người ta đã biết bằng cách rình rập, nghe lén điện thoại… thì em mới kể cho họ nghe. Những lúc em ngồi nhắm mắt, im lặng và hít thở sâu, em nghĩ rất nhiều về cuộc đấu tranh hôm nay, và em nhớ đến một người anh hùng trong lịch sử: Phó Đức Chính. Ông đã bị thực dân Pháp đưa lên máy chém khi mới 23 tuổi. Nhắc đến ông, chúng ta tự nhiên sẽ thấy bình an hơn, vì những đau khổ mà chúng ta đang chịu đựng làm sao có thể so sánh với sự hy sinh tính mạng của một người đang tuổi xuân xanh?

Không thể so sánh cuộc đấu tranh chống Pháp và cuộc đấu tranh hiện nay, nhưng nhìn vào lịch sử, chúng ta biết rằng “Freedom is not free”, phải không anh? Mọi thứ đều có cái giá của nó. Những ai hy sinh vì điều tốt đẹp, sẽ nhận được hoa quả tốt tươi. Nhưng ai hành động tàn ác, hy sinh nhân tính để bảo vệ quyền lợi của mình, sẽ nhận lấy những điều tồi tệ do chính mình tạo ra. Đó chính là Công lý anh ạ.

Vì vậy, anh ơi, anh đừng lo lắng, đừng đau khổ. Anh phải mạnh mẽ lên. Chúng ta phải mạnh mẽ lên. Mọi khó khăn còn chưa kết thúc, nhưng chúng ta cũng không đầu hàng.

Em biết rằng chỉ mới có năm ngày nhưng ông chồng 64 kg của em bây giờ đã gầy nhom. Em sẽ bồi dưỡng cho anh. Em sẽ dùng cả cuộc đời này để thương yêu anh, cũng như chúng ta sẽ dùng cả cuộc đời này để yêu thương đất nước này.

Nhiều cô chú bác, anh chị em tuy không ở bên chúng ta nhưng họ luôn giúp đỡ và ủng hộ chúng ta. Dù bị an ninh cộng sản tịch thu nhiều thứ mà anh chị em trong gia đình chúng ta đã nhịn ăn nhịn mặc để mua như: hai điện thoại di động, hai laptop; cho đến giờ chúng ta vẫn được bình an vì có mọi người. Chúng ta phải ghi nhớ ân tình đó, anh nhé.

Anh ơi, anh cố gắng lên. Chúng ta còn một lễ cưới phải lo thu xếp. Cả anh và em hãy cùng cầu nguyện nhé. Em tin chúng ta sẽ được bình an, hạnh phúc.

Em đang ở quê chờ anh. Hãy tha lỗi cho em vì đã làm anh phải lo lắng quá nhiều. Em yêu anh.

Vợ của anh

Huỳnh Thục Vy

Tam Kỳ ngày 6 tháng 7 năm 2012

----------------------------------------------

Trầm Tử

Cám ơn em!

Anh và Em. Đường sẽ còn dài, sẽ còn lắm chông gai, thậm chí hiểm nguy nhưng chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Anh yêu em, Thục Vy!

clip_image002

Nguồn: huynhngocchenh.blogspot.com

-----------------------------------------------------------------------

Facebook Chiêu Anh Nguyễn

viết cho cô gái có khuôn mặt thiên thần

Ánh mắt em

ám ảnh tôi

Mái tóc em

ám ảnh tôi

Giọng nói khản đặc em

Ám ảnh tôi

Cô gái ngoài hai mươi

Nước da tái xanh

Nhợt nhạt

Màu biển đông

vận vào em tiếng kêu xé lòng

Lũ bán nước

“Mọi người ơi bọn nó bán sạch rồi”

Tôi khóc

Người đàn ông ngoài 60 bên cạch tôi cũng khóc

Giờ ngồi đây gõ những dòng này

Tôi còn rơi nước mắt

…..

Vừa xong

Đọc tin em bị khóa tay bóp cổ lôi đi

Em rong kinh

Em tiều tụy

Người con gái Quảng Nam thuần túy

Giọng còn pha chút trẻ con

Gánh nặng nào trên vai em???

Cô gái ngoài đôi mươi tôi gặp một lần duy nhất

Qua tấm kiếng chắn cửa xe

Ánh nhìn em hốt hoảng

Mái tóc xổ tung

tôi e ngại,

em mới gội đêm qua

còn phảng phất mùi thơm của lòng can đảm

….

Giữa những thây ma

Những cỗ máy vận hành bằng lương thực

Em ở đâu lúc này

???????

Đoàn người đã tan rồi

Tiếng hô còn âm ỉ vang trời

Giữa một rừng bất trắc

……

Tất cả chỉ còn là hi vọng

Chắp tay cầu nguyện cho em

Cô gái can trường

Có khuôn mặt đẹp như thiên thần

Cầu mong thượng đế cho em đôi cánh

Tiếp cho em sức mạnh

Vượt qua….

Vượt qua….

C.A.N

-----------------------------------------------------------------------------

Facebook Đỗ Trung Quân

trong mùi hoa huệ thoảng qua – tôi biết cô gái ấy đã về nhà

Đỗ Trung Quân

tôi

con chiên ghẻ

hàng chục năm qua chưa từng về lại nhà Chúa

Ngày ấy tôi bỏ đi vì lý do vừa trẻ con vừa quyết liệt

Ông tôi chết không được phép xức dầu

Nhà quá nghèo, tiền đóng xây nhà Chúa thiếu như thiếu thuế

Ông tôi qua đời không có thiên sứ đi theo…

bà tôi âm thầm ngồi khóc...

tôi bỏ nhà thờ, bỏ xứ đạo ra đi

không bao giờ về nữa

thật ra

tôi, con chiên ghẻ lở

vẫn trở về những khi lòng tuyệt vọng

mùi hoa huệ thơm thơm trong tâm thức

an ủi mình xiết bao

hôm nay

Tôi đã quì trong góc riêng mình.

cô độc và tuyệt vọng

khẩn cầu chúa cứu giúp một người con gái trẻ tôi vừa gặp, rất dịu dàng, nhỏ nhẹ, khiêm ái và sắp lấy chồng.

Họ bắt,

cô ấy đã quen

Họ đàn áp

cô ấy đã quen

nhưng khi những lời không phải của con người dành cho con người “mày không còn cơ hội làm lại cuộc đời. mày mày sẽ không còn thiên chức làm mẹ nữa đâu…” gửi đến người chồng trẻ tuổi

đấy là lời quỉ dữ

không phải tiếng nói của loài người

Tôi sụp xuống trong nỗi đau đớn. “chúa ơi! tôi là con chiên ghẻ của người. xin cứ đày tôi vào luyện ngục. nhưng xin che chở cho cô gái ấy. xin người…”

Một ngày dài qua đi như thế

trong mùi hoa huệ thoáng qua

tôi nghe giọng nói

“bóng tối hãy lui ra…”

Và tôi rơi lệ

Tôi biết

Cô gái ấy

đã

về

nhà…

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn