Trò chơi quyền lực trên dòng sông Mê Công

Bangkok Post (Nguyễn Thúy Hằng dịch)

Việc Lào cứ một mực xúc tiến dự án đập Xayaburi làm lộ rõ sự bất lực của cơ quan ủy hội vốn là nơi có trọng trách giám sát các công trình phát triển trên dòng sông, khiến cho những quốc gia khác chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nhưng lại không được lên tiếng.


MẸ NƯỚC: Nhiều nơi cư trú khác nhau trên sông Mê Công, bao gồm chỗ nước xoáy, ghềnh thách, cồn cát, bãi sỏi, v.v. là nới cư trú của nhiều loài thuỷ sinh cung cấp thực phẩm và kế sinh nhai cho người dân.
Cuối cùng chúng tôi không thể đi tiếp được nữa. Xa xa phía trước mặt là tuyến đê quai đổ đá dăm cao một mét nổi lên trên dòng nước màu hơi nâu nâu của sông Mê Công tại vị trí dự kiến sẽ xây dựng công trình đập Xayaburi đang gây ra nhiều tranh cãi. Tới gần hơn, chúng tôi có thể thấy tấm tường đê quai đổ đá đã chặn gần hết bề ngang dòng sông chỉ còn lại một luồng nước nhỏ chảy qua sỏi đá và ghềnh đá chỉ đủ để cho loại tàu thuyền hẹp lòng dài đuôi mới luồn lách xuôi dòng được.
Người lái tàu kỳ cựu của chúng tôi rất lo lắng. Ông cho tàu chạy chậm lại rồi nghển cổ lên để nhìn cho rõ hơn.“Tôi không dám chắc là tôi có thể lái tàu qua được chỗ ấy đâu”, người lái tầu nói với chúng tôi và thế là ai nấy trên tàu cũng đều trở nên bất an chẳng kém gì ông.
Sông Mê Công đang vào mùa nước dữ nhất trong năm, dòng nước trên sông vốn đã chảy mạnh, chỗ này bây giờ lại càng chảy dữ dội hơn vì bị ngăn dòng phải luồn qua đường kênh hẹp.
Khi tàu chúng tôi đang dập dềnh trên sóng nước, nhìn về phía bờ cách đó 100m chúng tôi có thể thấy 10 chiếc xe hạng nặng đang bận rộn thi công xây dựng công trình đổ đá đê quai. Chúng tôi không muốn tới quá gần vì nhóm của chúng tôi đang trên hành trình kiểm tra xem việc thi công công trình đập này đã làm được đến đâu rồi ở cái nơi rừng núi hẻo lánh xa tầm nhìn của công chúng này nhưng chuyến đi của chúng tôi không được ai cho phép.
Chúng tôi thấy xem thế cũng đã đủ rồi nên quyết định quay về. Nhưng những gì chúng tôi đã thấy và những gì chúng tôi được biết sau này từ những người đã đến kiểm tra công trình đập thì rõ ràng là việc thi công chưa bao giờ dừng lại mặc dù có nhiều thông điệp lúc thế này lúc thế kia từ phía Chính phủ Lào rằng họ đang lắng nghe các nước láng giềng sông Mê Công.
Ủy hội sông Mê Công (MRC) được thành lập năm 1995 có các nước thành viên là Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam, vẫn chưa chính thức phê chuẩn dự án này mặc dù đã diễn ra rất nhiều các cuộc họp ở các cấp khác nhau.
Cách đây một năm, báo Bưu điện Băng Cốc (The Bangkok Post) cũng đã tổ chức một chuyến đi không phép đến địa điểm này và cũng đã thấy công trường mở đường cho dự án lúc đó đã làm được khá nhiều. Lần đi này chúng tôi thấy việc thi công giờ đã mở rộng hơn từ phía núi nay đã xuống tận dòng sông rồi và những hoạt động của Ủy hội sông Mê Công dường như vô vọng vì đã không đình được việc thi công.
Nếu hoàn thành, công trình đập 810m chặn ngang dòng sông gần khu ghềnh đá lớn Kaeng Luang, khoảng 30km về phía đông thị xã Xayaburi ở vùng bắc Lào. Vốn là dự án đã từng được đề xuất từ 50 năm trước, tới cuối những năm 2000 thì công ty CH Karnchang là công ty xây dựng lớn thứ ba của Thái Lan lập lại hồ sơ dự án. Sau nhiều cuộc thảo luận với chính phủ Lào, công ty CH Karnchang đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Viêng Chăn vào năm 2007.
Công trình xây dựng đập sẽ phải mất tám năm mới hoàn thành với chiều cao đập khoảng 32m và phía đuôi vùng lòng hồ kéo dài đến tận Luang Prabang là địa điểm thuộc danh mục di sản thế giới. Với công suất thiết kế của công trình là1.260MW, dự kiến là 95% công suất phát điện sẽ được xuất khẩu sang Thái Lan với giá bán cực rẻ chỉ có 2 bạt cho một kilowatt-giờ.
Một năm sau đó công ty CH Karnchang ký hiệp định phát triển dự án với chính phủ Lào và tới năm 2010 thì công ty này trình lên chính phủ báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Cũng trong năm đó, chính phủ Lào đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng Công ty Điện lực Thái Lan (Egat) về việc mua điện. Công ty cũng trình dự án lên Ủy hội sông Mê Công, để bắt đầu quá trình tham vấn lần đầu tiên theo yêu cầu của Ủy hội.
Trong hai năm tiếp theo đó đã diễn ra hàng loạt các cuộc họp nhưng Lào và các nước thành viên khác trong Ủy hội đã không thể đi đến một thỏa thuận chính thức cho phép thực hiện dự án, đó quả là một cuộc tranh đấu đã làm nổi bật những yếu kém căn bản về khả năng của Ủy hội trong việc giải quyết những bất đồng như thế.
ĐI LẠI: Người dân Lào dùng thuyền làm phương tiện giao thông chủ yếu.
Điều càng ngày càng rõ ràng là Ủy hội sông Mê Công thiếu quyền lực trừng phạt để buộc chính phủ Lào phải hãm phanh đối với dự án. Nguyên nhân của nhiều sự rắc rối là do những câu chữ của Hiệp định năm 1995 và giữa Lào với ba nước thành viên khác của Ủy hội lại có những cách hiểu khác nhau về nội dung của Hiệp định.
Theo quy trình tham vấn đã được thống nhất trước đây đối với bất kỳ dự án nào trên dòng chính sông Mê Công thì dự án phải đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên trước khi bắt đầu. 
Sau cuộc họp Viêng Chăn ngày 19/4 năm ngoái, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam ra về với cách hiểu là bốn nước đã nhất trí hoãn quyết định đối với dự án đến cuộc họp toàn thể của hội đồng Ủy hội vào tháng 12 năm ngoái.
Tại cuộc họp tháng 12, ba nước một lần nước tin rằng họ đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc rằng sẽ tiến hành các nghiên cứu tiếp theo về tổng thể phát triển đập trong khu vực mà không nhắc đến dự án đập Xayaburi.
Tuy nhiên, bây giờ Lào tranh luận rằng chưa bao giờ có sự đồng thuận chính thức về đập Xayaburi, và Lào có quyền tiếp tục dự án trong khi những quan điểm chính thức của các nước thành viên khác là để ghi nhận.
Quan điểm đó đã tỏ cho người ta thấy là Lào đã thẳng thừng bất chấp yêu cầu của Ủy hội về việc phải đạt được sự đồng thuận và làm tan vỡ bất cứ uy quyền gì mà cơ quan khu vực về quản lý nước này hy vọng áp đặt lên các nước thành viên.
Ông Viraphonh Viravong, thứ trưởng Bộ Năng lượng và Khai khoáng của Lào phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho tờ Bưu điện Băng Cốc rằng tại cuộc họp tháng 4, Lào đã không đồng ý kéo dài quy trình tham vấn trước tới cuộc họp hội đồng của Ủy hội vào tháng 12. Ông tranh luận rằng quy trình tham vấn đã được hoàn tất trong vòng 6 tháng đúng theo quy định của Ủy hội nhưng đã không đạt được sự nhất trí.
 
Cư dân người Lào phơi lưới. Day là dụng cụ bắt cá giản đơn, như cuộc sống của dân làng.
''Hồi tháng 4, chúng ta đã không đạt được đồng thuận. Nếu chúng ta thực hiện đúng theo hiệp định thì điều tốt nhất chúng ta có thể làm được là ghi nhận tất cả các quan điểm (của các quốc gia thành viên khác) để sau này Lào sẽ cân nhắc”, ông Viraphonh nói.
Để làm dịu mối lo ngại của các nước láng giềng, Lào đứng ra thuê công ty tư vấn kỹ thuật độc lập là công ty Poyry có trụ sở tại Thụy Sỹ để nghiên cứu về thiết kế đập và nghiên cứu kết luận việc công trình có làm đúng theo các hướng dẫn của Ủy hội hay không.
Khi được hỏi rằng Lào có còn cam kết thực hiện quyết định của Ủy hội hay không, thì ông Viraphonh do dự một lúc rồi mới trả lời: “Cũng phần nào thôi. Nhưng điều đó không nên là yếu tố làm căn cứ để đánh giá vấn đề có xây hay không xây công trình đập Xayaburi.”
UỶ HỘI SÔNG MÊ CÔNG BỊ CHỈ TRÍCH
Ông Tô Văn Trường, thành viên của Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, từng là chuyên gia tư vấn quốc gia về sông Mê Công, nói dự án đập Xayaburi là một phép thử axit đối với Ủy hội sông Mê Công, nếu dự án vẫn cứ thế triển khai thì Ủy hội sẽ bị coi là một sự thất bại.
 
Một người dân Lào kiểm tra dụng cụ bắt cá, gọi là “sai lan”, thường dùng khi nước sông dâng cao đến mức ngư dân không đánh cá được.
''Trong khi quá trình tham vấn còn chưa xong mà nhà chức trách Lào lại cho phép công ty xây dựng Thái Lan cứ bắt đầu thi công tức là đi ngược lại tinh thần hợp tác”, ông Trường phát biểu. Ông nói thêm rằng nếu là một công ty Lào thi công thì sẽ còn gây tranh cãi quá nữa do tác động tiêu cực có thể của con đập đối với các cộng đồng ở hạ du.
 
Một người dân làng Ban Houay Souy, buộc phải rời làng để nhường chỗ cho việc xây đập, đang cầm ảnh chụp gia đình, nhắc họ nhớ thời gian còn sống trong làng.
''Sông Mê Công kết nối sáu quốc gia với nhau và kết nối sự phát triển hòa bình của những  nước này”, ông Trường nói. “Khả năng tác động xuyên biên giới là rất lớn, vì thế việc phải có  cơ chế quản lý ở quy mô toàn lưu vực là hết sức quan trọng. Tôi hy vọng cơ chế quản lý như thế sẽ vẫn tiếp tục được dựa trên nền tảng là lòng tin và sự trông cậy vào nhau.”
Ông Nathanial Matthews, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học King's College London và là tác giả của báo cáo mang tiêu đề “Chiếm đoạt nước ở lưu vực sông Mê Công - Phân tích về người thắng và kẻ thua trong việc Thái Lan phát triển thủy điện cho mình tại CHDCND Lào”. Ông cho rằng, rõ ràng là Lào đã quyết định vấn đề xong từ tháng 4 năm ngoái rồi và đã duy trì quan điểm đó tại cuộc họp tháng 12.
''Trên thực tế, dự án này hoàn toàn không phải là việc nội bộ”, ông Matthews nói. ''Đây là việc xuyên biên giới và cần phải được quyết định bởi tất cả các quốc gia'' ông nói thêm rằng nhân dân ở lưu vực sông Mê Công cần phải được cảnh giác trước những diễn tiến về hướng phát triển đập Xayaburi.
Ông Matthews cho rằng tác động của dự án này chủ yếu là tiêu cực đối với khu vực cũng như đối với vai trò quản trị của Ủy hội sông Mê Công. Theo ông, quy trình tham vấn hiện nay đang rối như canh hẹ, là biểu hiện cho thấy Ủy hội sông Mê Công đã bất lực khi phải giải quyết những vấn đề bị chính trị hóa.
''Công trình đập này là một thách thức đối với năng lực của tổ chức Ủy hội,'' ông Matthews nói. ''Theo tôi thì chính trị, quyền lực và tính kinh tế của các công trình đập lớn sẽ luôn luôn là những điều quan trọng được đặt cao hơn là sứ mệnh và mục tiêu của Ủy hội sông Mê Công.''
Ông Matthews nói, điều rõ ràng là Ủy hội sông Mê Công không có quyền bắt buộc đối với các nước thành viên, điều này có những nguyên nhân sâu xa từ tình hình địa-chính trị xung quanh việc thành lập Ủy hội vào năm 1995.
'Ủy hội sông Mê Công muốn tiến tới sự phát triển bền vững cho khu vực thì phải được trao cho sứ mệnh hoạt động mạnh mẽ hơn với các quy trình cứng rắn hơn, nhưng tôi không tin là tình hình chính trị trong khu vực sẽ cho phép Ủy hội có được những quy định mạnh hơn,'' ông nói.
Ông Matthews nói, Ủy hội sông Mê Công chủ yếu là một tổ chức được các nhà tài trợ cấp kinh phí hoạt động, được các nước thành viên chấp nhận chừng nào mà Ủy hội không can thiệp vào việc chính trị quốc gia. Ông không tin tổ chức này được chính phủ các nước thành viên tôn trọng.
''Việc gì mà Lào với Thái Lan lại đi bằng lòng cho Ủy hội có quyền mạnh hơn khi điều mà họ quan tâm là làm sao khai thác thủy điện lưu vực sông Mê Công không bị hạn chế?'' ông Matthews nêu câu hỏi.
QUYỀN LỰC CHO NGƯỜI DÂN
Từ lâu thủy điện đã được coi là nguồn năng lượng hiệu quả về chi phí ở Lào, với tiềm năng thủy điện khoảng 26.500MW – đó là chưa kể tiềm năng trên dòng chính sông Mê Công-  theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Khai khoáng Lào.
Trong đó khoảng 18.000MW là tiềm năng có thể khai thác về mặt kỹ thuật, với 12.500MW tại các tiểu lưu vực chính của sông Mê Công, phần còn lại là tiềm năng có thể khai thác ở các tiểu lưu vực nhỏ của sông Mê Công hoặc tại các lưu vực sông khác.
Cũng theo báo cáo của Bộ Năng lượng và Khai khoáng Lào, trong hơn 30 năm qua, Lào khai thác chưa đến 2% tiềm năng thủy điện của đất nước. Hiện nay, chính phủ đề ra chính sách với mục tiêu tăng cường phát triển thủy điện để đến năm 2020 đưa Lào thoát khỏi nhóm các nước kém phát triển nhất.
Báo cáo của Bộ cũng cho biết là khu vực xuất khẩu điện đã chiếm khoảng 30% tổng khối lượng xuất khẩu của cả nước và cho tới nay Lào đã ký kết các hiệp định xuất khẩu điện trong tương lai sang Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
 
VẮT KIỆT: Chỉ còn lại một kênh nhỏ dành cho tàu thuyền qua lại trong tiến trình xây dựng đập Xayaburi.
A MATTER OF SCALE: Clockwise from top: Lao villagers catch a ‘pla wa’, one of the common fish found in the river; small fish on sale in a local market in Laos; children play with a fish caught by their parents in the Mekong.
Đến nay, Lào đã ký biên bản ghi nhớ sẽ cung cấp 7.000MW điện cho Thái Lan kể từ năm 2015 trở đi, và sẽ cung cấp 3.000MW điện cho Việt Nam từ nay tới năm 2020.
Dự án đập Xayaburi là một trong sáu dự án lớn được quy hoạch cho dòng chính Mê Công ở Lào.Theo ông Viraphonh, chính phủ Lào đã ký kết hiệp định ưu đãi với công ty xây dựng dự án.
Tổng Công ty Điện lực Thái lan (Egat) đã ký thỏa thuận mua điện vào tháng 10 năm ngoái và đã phát biểu với Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan hồi tháng 2 rằng nước này cần mua điện bởi vì nguồn điện trong nước có giới hạn và cho biết thêm là ủy ban mua điện quốc gia đã đặt mục tiêu hạn chế nguồn điện nhập khẩu không vượt quá 25% tổng nhu cầu cấp điện từ năm 2010 đến 2030.
Công ty CH Karnchang cũng cho hay là họ đã thành lập một công ty khác tại Lào gọi là Công ty Điện lực Xayaburi mà chính phủ Lào cũng có cổ phần. Công ty CH Karnchang nhấn mạnh rằng chính phủ Lào đã tuân thủ những yêu cầu của Ủy hội sông Mê Công về việc phải thông báo và việc phải tham vấn trước với các nước thành viên.
''Nước Lào đã nêu câu hỏi rằng Lào vốn là nước nghèo nay muốn phát triển để cải thiện đời sống nhân dân thì tại sao các nước khác lại ngăn cản?'' người đại diện của công ty CH Karnchang đã phát biểu tại cuộc họp như thế.
Công ty này nói họ đã đầu tư khoảng bốn tỉ bạt vào dự án này và nếu Thái Lan rút lui thì Trung Quốc có thể nhảy vào để thế chân. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng việc dự báo nhu cầu điện tương lai đã dựa trên những con số cao tới mức vô lý khi tính toán lượng điện dự trữ. Theo Ủy ban này thì mức ước tính khoảng 1.400MW một năm là cao hơn nhiều so với mức sử dụng điện hiện nay là khoảng 830MW một năm.
Ủy ban nêu quan điểm rằng vì lợi ích an ninh quốc gia chính phủ cần phải giảm mức nhập khẩu điện để giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài. ÔngMatthews thuộc Đại học King's College cho rằng dự án đập Xayaburi có cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực.
'Chính phủ Lào và chính phủ Thái Lan, công ty CH Karnchang và các ngân hàng Thái đầu tư vốn cho dự án tất cả đều được hưởng lợi, nhưng ở cấp cộng đồng thì nguồn công ăn việc làm có thể biến mất. Nhưng đây có vẻ là trường hợp “nhanh tay chiếm đoạt nước” khi một nhóm nhỏ những nhân vật quyền lực sẽ kiểm soát nguồn lợi từ công trình đập trong khi hàng triệu người khác vì sinh kế và vì an ninh lương thực phải lệ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của lưu vực, thì họ chính là những người bị thua thiệt nhất.” Ông nói thêm, phần thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều so với phần lợi ích, nhất là tính về lâu dài.
NHỮNG KẺ THUA ĐẬM
Tại vùng hạ lưu sông Mê Công có khoảng 40 triệu người tức là bằng khoảng hai phần ba dân số đang sinh sống bằng nghề chài lưới, theo báo cáo đánh giá dự án của Ủy hội sông  Mê Công.
Tại Lào, có tới hơn 70% hộ dân ở nông thôn sống phụ thuộc với mức độ khác nhau vào nghề cá và đánh bắt các giống loài hải sản khác làm nguồn sinh kế và kiếm thêm thu nhập. Ông Matthews nêu câu hỏi liệu món lợi do khai thác công trình, dù biết đó sẽ là nguồn vốn đang vô cùng cần thiết nhưng có đáng để đổi lấy việc làm mất đi nguồn sống của những người dân đang sống dọc dòng sông hay không?
“Quá trình chi tiêu cho xã hội ở Lào thật là thê thảm với nền y tế nghèo nàn và các cơ sở giáo dục vô cùng thiếu thốn ở mọi nơi trên đất nước. Số tiền thu được nhờ khai thác các công trình đập thủy điện đã có và từ nguồn khai khoáng đã chẳng mang lại ích lợi tích cực nào cho người dân Lào cả”  ông Matthews nói.
''Trách nhiệm giải trình sẽ là vấn đề thật sự đáng lo ngại bởi số tiền hàng tỉ đô la cho đầu tư xây dựng dự án và thu nhập do công trình mang lại sau này.” Điều làm cho người ta không kém phần lo ngại là khi công trình đập Xayaburi đã làm được như thế rồi thì việc chấp nhận các dự án dòng chính Mê Công đã nằm trong quy hoạch sẽ chỉ là vấn đề hình thức để tượng trưng mà thôi.
''Đó là sự phát triển tự do ai muốn làm cứ tha hồ, thế là ai cũng cố kiếm tiền bằng cách khai thác tiềm năng thủy điện của lưu vực,'' ông Matthews nói. ''Kiểu phát triển thiển cận với động cơ kinh tế như thế có thể dẫn đến những xung đột chính trị đối với tài nguyên chung của lưu vực, nhất là khi những tác động gây ra bị lan tới các nước láng giềng.''
 
DÒNG SÔNG CHẢY QUA MỌI THỨ: Sông Mê Công cung cấp thực phẩm và kế sinh nhai cho nhiều người sống hai bên bờ.
Bà Pianporn Deetes, nhà hoạt động vận động Thái Lan thuộc tổ chức Các dòng sông Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, phát biểu rằng các công trình được đầu tư xuyên biên giới hiện đã gây ra những tác động làm ảnh hưởng tới đời cuộc sống của người dân ở các nước khác, bà cũng nói thêm rằng sông Mê Công là nguồn tài nguyên chung của khu vực.
''Thật là ảo tưởng khi mong ước hòa nhập Asean trong khi việc quản lý nguồn tài nguyên chung là sông Mê Công vẫn không xong”, bà Pianporn nói. ''Họ không chờ để đạt được đồng thuận mà cứ thế làm luôn chỉ vì họ đã nhìn thấy lời lãi rồi.''. Tuần tới, 'Spectrum' sẽ đề cập tác động của đập Xayaburi đối với các cộng đồng trong vùng.
 
Trẻ con chơi đùa trên bãi cát bên bờ Mê Công. Một số bãi cát, cồn cát trên sông trở thành linh thiêng, nơi tổ chức nghi lễ, như cồn cát Don Chai ở Luang Prabang chẳng hạn.
Nguồn: Bangkok Post
Người dịch: Nguyễn Thúy Hằng
Hiệu đính: Tô Văn Trường
Người hiệu đính gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn