Cần cơ chế đặc thù nào cho Ban Nội chính Trung ương?

Trường Sơn

Người bạn trẻ đang học tập ở xa Tổ quốc này có gửi về cho chúng tôi một bài góp ý rất chi tiết về cung cách tổ chức và điều hành Ban Nội chính TW mà anh tỏ ra hết sức tin tưởng rằng đây là chủ trương có ý nghĩa đột phá, nhiều khả năng thành công của Đảng CS Việt Nam. Anh cũng đặt hết niềm tin vào người đứng đầu Ban Nội chính vừa được Đảng CS Việt Nam đề bạt: ông Nguyễn Bá Thanh với cách ví von không chút ngập ngừng là “một Triệu Tử Long phò ấu chúa” của thời đại mới.

Chúng tôi chưa chuẩn bị cho mình đầy đủ một tâm lý để tin như vậy, chỉ vì trong suốt cuộc đời, có lẽ từng trải nhiều hơn anh, đã tận mắt nhìn thấy quá nhiều thứ màu sắc lóng lánh của những bong bóng xà phòng. Tuy nhiên, tự đặt cho mình tư cách một cơ chế truyền thông dân chủ trên mạng, cần tôn trọng những tiếng nói khác nhau, vì thế xin trân trọng đăng lên để cổ vũ mọi tâm huyết đối với đất nước, nhất là đối với các ý kiến phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo, mạch lạc, chứng tỏ người viết rất có trách nhiệm trước bạn đọc đối với vấn đề mình đặt ra, dù chưa tiên liệu được bản thân vấn đề thiết thực đến chừng nào cho dân cho nước.

Bauxite Việt Nam

Kết thúc Hội nghị 6, Trung ương Đảng đã nghiêm túc kiểm điểm nhận lỗi truớc nhân dân cả nước về tình hình yếu kém trong quản lý điều hành đất nước của Đảng với cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp là Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng đầu.

Sự thất thoát lãng phí, yếu kém và đi xuống toàn diện của nền kinh tế đã khiến nhân dân và cán bộ lão thành lo lắng, có nhiều người phản ứng tiêu cực, mất niềm tin vào năng lực và kết quả lãnh đạo của Đảng, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sau đó đã phát biểu rất quyết tâm. Thủ tướng cũng có lời xin lỗi trước Quốc hội và cầu thị tự nhận khuyết điểm. Nhiều cán bộ tốt đã hăng hái, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn trong tình hình cấp bách hiện nay.

Nhân dân lại gồng mình lên cho một „kỳ vọng“ mới...

Nhưng rồi với tư duy cũ, con người cũ, thể chế cũ, liệu rằng có kết quả gì mới không? Câu hỏi đó đã được nhiều người đặt ra, không phải ngẫu nhiên, mà rất có cơ sở.

Hầu hết các gương mặt lên tiếng cho „dự án mới“ này đều quen thuộc. Nhất là sau kết quả của hội nghị TW đình đám mà nhiều người cho là „thất bại“.

Tuy vậy, vẫn còn có một người làm cho mọi người kỳ vọng.

Đó là Nguyễn Bá Thanh.

Có vị cán bộ lão thành ví ông như Triệu Tử Long bên xứ Tàu trong truyện Tam Quốc.

Công bằng mà nói Triệu Tử Long khi ấy sống sót và trở thành huyền thoại trong trận Trường Bản là nhờ vào sự „trọng nghĩa,  mến tài“ của Tào Tháo đã nương tay không cho xạ tiễn bắn chết.

Không muốn để viên Đại tướng lừng lẫy bị thọ thương và bại trận mà tổn thương danh dự khi buộc phải quy hàng, Tào Tháo muốn dùng nghĩa trượng phu của đấng Minh quân mà thu phục anh hùng. Nhờ đó mà Triệu Tử Long có cơ hội anh dũng thoát thân và trở thành huyền thoại.

Nhưng ngày nay, bên đất Việt xa xôi, liệu có thế lực thù địch hay tham nhũng nào lại biết „trọng nghĩa, mến tài“ Nguyễn Bá Thanh như thế, để nương tay với ông ?

Nhất là khi ông được lệnh của Trung ương, cầm quân diệt tham nhũng, chống bọn sâu mọt tàn hại đất nước ?

Chúng ta cứ hình dung rằng, ngày nay giao cho Triệu Tử Long một cây giáo, một con ngựa, cùng ngót nghét trăm lính quân hầu bắt vượt qua vạn trùng gươm đao của trận Trường Bản, nhưng giờ đây Tào Tháo đã là một Tào Tháo khác, tàn độc, gian tham, và bất chấp thủ đoạn chứ không còn là Tào Tháo anh hùng, trọng nghĩa khí, mến tài năng khi xưa, thì liệu rằng Tử Long có thọ nạn, có vong mạng hay không ?

Giao việc và phó thác đại sự kiểu như thế khác nào bắt Triệu Tử Long đi vào cõi chết?

Vậy làm thế nào để tránh kết cục dễ biết trước này?

Triệu Tử Long – Nguyễn Bá Thanh ngày nay trên mặt trận chống tham nhũng không chỉ cần chức, có tước và quyết tâm cùng tiếng reo hò trên mặt báo là đủ.

Ngoài binh hùng, tướng giỏi bên cạnh, ông cần những vũ khí tinh nhuệ và sự toàn quyền định đoạt phương án tác chiến đủ tầm khống chế quân giặc.

Tựu trung lại, những yếu tố đó được gọi tên bằng ngôn ngữ hiện đại: Cơ chế.

Đó cũng là khái niệm mà biết bao quan chức, kể cả cựu cán bộ cấp cao nhất đều ngán ngẩm lắc đầu khi nhắc đến nó, cùng với sự thất bại trong bạc nhược và bất lực của chính mình.

Cơ chế cũ - thất bại cũ - đổ vỡ cũ . Sự quay vòng quen thuộc đó đã diễn ra suốt mấy chục năm. Nay lại làm thế, thất bại là cái cầm chắc!

Vậy nên, người tài là Bá Thanh - Triệu Tử Long đã có rồi. Ta giả định thế, thì nhất thiết và tiên quyết là còn phải có cơ chế mới phù hợp, để Nguyễn Bá Thanh xung trận.

Như vậy mới mong có thành công thực sự.

Với thiển ý đó, xin được mạnh dạn nêu ra đây một vài đề xuất cho cơ chế tổ chức, vận hành của Ban Nội chính TW, Cơ quan thường trực phòng chống tham nhũng như sau.

Về nhận thức chung

Đây là nhiệm vụ trọng yếu, then chốt trong thời kỳ này của Đảng nhưng đồng thời cũng là điểm yếu nặng nề nhất - nơi nhân dân đã phê bình và Đảng đã nhận lỗi rất nhiều lần.

Do vậy công tác này chỉ có thế quan trọng hơn hoặc tối thiểu cũng quan trọng y như các công tác hàng ngày, thường xuyên của Đảng như Tuyên huấn, Dân vận hay Tổ chức.

Hơn nữa công tác Nội chính – Chống tham nhũng có đặc thù riêng nên cách tổ chức, vận hành và bộ máy cũng cần có sự thiết kế đặc biệt cần thiết để đảm bảo có hiệu quả tương ứng.

Về địa vị pháp lý của Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng nói chung và Ban Nội chính TW nói riêng trong hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy Nhà nước.

Trước tiên, nhìn vào mục đích hoạt động và tổ chức bộ máy, ta thấy rõ đây là một Ban chỉ đạo Nhà nước với thành phần gồm đầy củ các Lão đạo chủ chốt của  Đảng và 3 nhánh quyền lực tối cao gồm: Lập pháp - Quốc hội ,  Hành pháp - Chính phủ , Tư pháp - Toà án tối cao và Viện KSND tối cao. Ban Chỉ đạo cũng có các cơ quan cấp thấp hơn tương ứng tại các địa phương.

Bằng các công cụ quyền lực của mình, Ban chỉ đạo có trách nhiệm thi hành những nhiệm vụ trọng yếu trên các lĩnh vực cán bộ, hành chính, pháp luật, chính trị, thậm chí an ninh Quốc gia và một số lĩnh vực quan trọng khác, đây đồng thời cũng là các lĩnh vực hành pháp trọng yếu còn nhiều yếu kém hiện nay.

Do vậy, xét thành phần tham gia ban chỉ đạo, dễ thấy có đa phần là người đứng đầu hoặc lãnh đạo chủ chốt các cơ quan hành pháp quan trọng.

Như vậy có thể thấy rõ, về bản chất Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng là một Ban chỉ đạo Nhà nước có chức năng Hành pháp đặc biệt trong lĩnh vực chuyên biệt Phòng chống tham nhũng.

Mặc dù là cơ quan hành pháp, song Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng không đặt dưới sự quản lý của Chính phủ, mà đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Ban bí thư, Bộ chính trị, mà đứng đầu là Tổng Bí thư BCH TW Đảng. Tức là cao hơn hẳn một bậc so với Chính phủ, tập trung quyền lực mạnh ở tầm lãnh đạo chính trị tối cao.

Do vậy, trong vai trò là Cơ quan thường trực, trực tiếp thực thi các chiến lược, các chỉ đạo cụ thể của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính TW có bản chất như là một cơ quan Hành pháp đặc biệt trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng. Xét trong chức năng chuyên biệt này, Ban nội chính, thậm chí còn có vai trò quyền lực cao hơn hẳn các Bộ ban ngành và cơ quan Trung ương khác, độc lập với Chính phủ và chỉ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư và Ban chỉ đạo do Tổng Bí thư đứng đầu.

Vậy câu hỏi cần đặt ra là :

Chọn cách tổ chức Ban Nội chính thực sự là một cơ quan hành pháp đặc biệt có chức năng trực tiếp chống tham nhũng, hay chỉ đơn thuần là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban chỉ đạo đồng thời hoạt động với chức năng là một Ban Đảng thông thường ?

Theo logic đã trình bày ở trên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, và tình tình cấp bách hiện nay, rõ ràng Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính cần được tổ chức theo mô hình của một Cơ quan hành pháp với đầy đủ công cụ, nhân lực và chế tài cần thiết để thực thi mọi hoạt động cần thiết của mình một cách hiệu quả theo luật định.

Theo đó, đã là cơ quan Hành pháp thì cơ chế vận hành phải được xác lập theo nguyên tắc Thủ trưởng lãnh đạo để tập trung được sức mạnh cho người đứng đầu thực thi công tác cũng như buộc người đứng đầu phải nhận trách nhiệm toàn diện trong công tác của mình, loại bỏ kiểu nhận trách nhiệm tập thể, trách nhiệm chính trị chung chung như trước.

Chống tham nhũng bằng cơ chế Lãnh đạo tập thể, đa số phuc tùng thiểu số và tổ chức theo kiểu Đoàn thể - Ban bệ rình rang do Thủ tướng đứng đầu, chưa xét, chưa tra cả làng đã biết như vừa qua, với những thất bại thảm hại như thế nào, cần được phân tích mổ xẻ thấu đáo để rút kinh nghiệm cho việc tổ chức mô hình mới thật hiệu quả.

Bên cạnh đó, do cũng là một ban Đảng TW nên ngoài lĩnh vực phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính vẫn chịu sự lãnh đạo của Ban Bí thư và Bộ chính trị trong công tác hàng ngày của Đảng về mảng Nội chính, vấn đề này cần xử lý thế nào để không ảnh hưởng và tác động đến vai trò, chức năng chính là Cơ quan Thường trực chống tham nhũng với bản chất là cơ quan hành pháp đặc biệt, có lực lượng và cơ chế đặc biệt được giao triển khai công tác độc lập?

Một cơ quan chịu sự lãnh đạo của hai thực thể chính trị tối cao có nguyên tắc vận hành khác nhau về bản chất, liệu có khi nào nhầm vai, nhầm việc và thậm chí lạm dụng quyền lực Đảng để lấp chỗ trống cho sự thiếu hụt các công cụ thực thi có bản chất quy phạm pháp luật trong hoạt động của một cơ quan hành pháp mà đáng ra nó phải được thiết kể đầy đủ, hữu hiệu?

Tất cả những vấn đề trên phải được tính đến kỹ càng và xây dựng chi tiết, chặt chẽ, đầy đủ trong Luật phòng chống tham nhũng nói chung cũng như Quy định về Nguyên tắc hoạt động, tổ chức và vận hành của Ban chỉ đạo PCTN TW và Cơ quan thường trực là Ban Nội chính TW nói riêng.

Về vấn đề nhân sự chủ chốt của Ban chỉ đạo PCTN TW và Cơ quan thường trực – Ban Nội chính TW

Khi Ban PCTN TW và cơ quan thường trực - Ban nội chính TW xác lập cơ chế vận hành theo nguyên tắc Thủ trưởng lãnh đạo, Trưởng ban phải  là người lãnh đạo trực tiếp đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của Ban.

Do vậy, các Phó ban là người giúp việc cho Trưởng ban, phải do Trưởng ban chọn lựa, bổ nhiệm và quyết định công tác cụ thể.

Đi kèm nguyên tắc này, BCT, BBT cần nghiên cứu thiết kế thêm các quy định, tiêu chuẩn  chặt chẽ khác về cách chức, buộc thôi chức hoặc từ chức cho cá nhân Trưởng ban và các vị trí lãnh đạo khác của Ban với các mức quy định, đánh giá định lượng cụ thể rõ ràng khác nhau trong sai phạm hoặc vận hành kém hiệu quả.

Cụ thể, đối với Ban Nội chính – Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo PCTN vấn đề nhân sự chủ chốt cần được xem xét như sau:

Không chỉ giữ vai trò to lớn trên cương vị Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo PCTN TW, Thủ trưởng cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, vị trí Trưởng ban Nội chính còn là chức vụ đứng đầu một ban Đảng quan trọng của Trung ương Đảng, có vị trí chiến lược sống còn của Đảng, đồng thời cũng là công tác cấp bách hàng ngày của Đảng, do vậy nhất thiết Trưởng ban Nội chính TW phải là Ủy viên Bộ chính trị,  Bí thư Trung ương Đảng, tham gia lãnh đạo công tác hàng ngày của TW Đảng.

Trên phương diện là cơ quan Hành pháp đặc biệt – Thường trực Ban chỉ đạo PCTN TW, để đảm bảo tính chịu trách nhiệm tuyệt đối về bộ máy của mình, đồng thời tăng cao nhất hiệu quả làm việc, đề phòng trường hợp cài người giám sát, phong tỏa công tác từ phe nhóm quyền lực cấp cao khác nhau (giả sử nếu có), hoặc thậm chí từ các thế lực thù địch chống phá bên ngoài , các Phó ban và các vị trí nhân sự khác của Ban phải do Trưởng ban chọn lựa và bổ nhiệm. Tổng bí thư / Bộ chính trị / Ban bí thư chỉ phê duyệt (hoặc không phê duyệt, một phần hoặc toàn bộ) dự kiến nhân sự và điều động giao về công tác dưới quyền lãnh đạo của Trưởng ban theo đề xuất của Trưởng ban.

Sau khi được điều động về công tác giúp việc Trưởng ban, (các) cán bộ kể trên còn cần được Trưởng ban ra quyết định bổ nhiệm mới có quyền công tác chính thức. Do vậy Trưởng ban phải chịu trách nhiệm tuyệt đối về việc đề xuất và bổ nhiệm, sử dụng cán bộ của mình.

Để đảm bảo Trưởng ban không lạm quyền hoặc có sai phạm ngoài ý muốn trong công tác cán bộ , TBT – BCT – BBT  có quyền bác đề xuất nhân sự dự kiến hoặc cách chức các cán bộ do Trưởng ban bổ nhiệm và phân công công tác (trong một số trường hợp đặc biệt được quy định chi tiết), nhưng không được đề xuất và bổ nhiệm cán bộ thay cho Trưởng ban.

Về thiết kế bộ máy của Ban Nội chính và mối quan hệ với các cơ quan, ban ngành TW có đại diện là Lãnh đạo cấp cao tham gia Ban chỉ đạo

Từ cách thức tổ chức Ban Nội chính là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo PCTN TW như đã công bố, chúng ta giả định từ góc độ thiết kế bộ máy, 3 phương án như sau:

Phương án 1: Ban Nội chính có chức năng thường trực tham mưu giúp việc, chuẩn bị nội dung các phiên họp của Ban chỉ đạo đồng thời giám sát đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ của mình theo nghị quyết / quyết định / chỉ thị của Ban Chỉ đạo. Lãnh đạo các ban ngành cơ quan TW tham gia Ban chỉ đạo có trách nhiệm phân công trực tiếp các công tác được giao tại cơ quan mình và phối hợp với Ban Nội chính để cập nhật, nắm bắt tiến độ, kết quả, phục vụ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo.

Phương án này Ban Nội chính có vai trò mờ nhạt và chỉ là cơ quan quan sát, nắm bắt tiến độ công việc.

Phương án 2 : Ban Nội chính có nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp hành động giữa các cơ quan được phân công nhiệm vụ theo trách nhiệm được phân công cho Lãnh đạo các cơ quan, ban ngành TW tham gia Ban chỉ đạo. Việc điều động các cá nhân, tập thể tại các cơ quan liên quan theo mỗi công việc cụ thể cần thiết, căn cứ kết luận phân công công tác tại các phiên họp thường kỳ / bất thường của Ban chỉ đạo, do Lãnh đạo tham gia Ban chỉ đạo thực hiện.

Phương án này Ban Nội chính có vai trò trung tâm làm đầu mối phối hợp hành động, nhưng vẫn hết sức phụ thuộc và hoàn toàn không có thực lực, thực quyền để tiến hành công tác chống tham nhũng.

Phương án 3 : Căn cứ đề xuất của Ban Nội chính, Ban chỉ đạo PCTN TW ra nghị quyết / quyết định việc điều động, biệt phái (có thời hạn hoặc vô thời hạn) các cá nhân, đơn vị tại các cơ quan, ban ngành TW có Lãnh đạo tham gia ban chỉ đạo, để tổ chức lực lượng chuyên môn cần thiết phục vụ công tác PCTN sẽ do Ban Nội chính lãnh đạo, chỉ huy và phân công công tác.

Các thành viên Ban chỉ đạo là Lãnh đạo cơ quan, ban ngành chịu trách nhiệm thực thi nghị quyết / quyết định điều động, biệt phái cán bộ trước Trưởng ban chỉ đạo – Tổng Bí thư và Ban chỉ đạo.

Đồng thời các Lãnh đạo này có trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến hỗ trợ Tổng Bí thư – Trưởng ban chỉ đạo, và Trưởng Ban nội chính – Phó trưởng ban TT Ban chỉ đạo, trong việc sử dụng, điều chỉnh, bổ sung cán bộ và lực lượng cần điều động trong trường hợp được yêu cầu.

Sau khi được điều động sang công tác phòng, chống tham nhũng tại Ban Nội chính theo điều động của Ban Chỉ đạo, các cá nhân, đơn vị này chỉ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Trưởng Ban nội chính – Thủ trưởng cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo.

Trưởng ban Nội chính chịu trách nhiệm toàn bộ về các đề xuất của mình về công tác cán bộ đã được phê duyệt, điều động và giao sử dụng, trước Trưởng ban chỉ đạo trong thời gian giữa hai kỳ họp và Tập thể Ban chỉ đạo tại mỗi kỳ họp.

Ban Bí thư, Bộ Chính trị dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, ban hành cơ chế chịu trách nhiệm của Trưởng ban Nội chính, để thực hiện quyền lãnh đạo cao nhất của mình với công tác của Ban chỉ đạo PCTN cũng như Ban Nội chính trong vai trò Cơ quan thường trực.

Với phương án này, Ban Nội chính xem như được trao „thượng phương bảo kiếm“ đủ mạnh về vấn đề nhân lực, vật lực cùng cơ chế hoạt động hiệu quả để thực thi chống – phòng tham nhũng một cách độc lập và tối ưu trên tất cả 6 nhóm nhiệm vụ được Trung ương giao phó.

Cụ thể hơn, với 6 nhóm nhiệm vụ chính của Ban Nội chính, xin có một số đề xuất như sau :

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất (nghiên cứu đề xuất những quan điểm định hướng lớn… là những đề án liên quan đến lĩnh vực Nội chính và PCTN) và thứ ba (thẩm định các đề án về Nội chính và PCTN) dễ tạo sự giẫm chân nhau và vướng vào hiện tượng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Trung ương nên xem xét kỹ vấn đề này để có cách điều chỉnh hợp, khách quan, độc lập.

Trong trường hợp Ban Nội chính có khả năng vận hành không tồn tại mâu thuẫn như trên thì nên gộp lại làm một nhóm nhiệm vụ „nghiên cứu đề xuất và thẩm định…“.

Đối với nhóm nhiệm vụ này, Ban Nội chính  cần tổ chức một số viện nghiên cứu độc lập, gọn nhẹ, hiệu quả, có trình độ cao. Đơn giản nhất là hình thành một số Think tanks trong các lĩnh vực tương ứng để tập hợp trí tuệ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động xã hội và cựu cán bộ lãnh đạo giàu tâm huyết, giàu kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, để tiến hành công tác nghiên cứu đồng thời tiếp thu, tham khảo thành tựu của  các quốc gia khác về các vấn đề tương ứng để nghiên cứu đề xuất vận dụng hiệu quả cho tình hình của nước ta hiện nay.

Đối với nhóm công tác thứ tư, về khen thưởng, nên giao trở lại cho VP TW Đảng (phụ trách khen thưởng) và Ban Tổ chức TW, Ban KT TW tham gia ý kiến. Đây là công tác hết sức đơn giản không cần quá nhiều cơ quan tham gia. Nhất là nên để Ban Nội chính tập trung thực thi hiệu quả những nhiệm vụ trọng yếu của mình.

Còn lại, đối với công tác cán bộ, nên quy định trong nhiệm vụ cụ thể về công tác chính trị nội bộ – Công tác Nội chính đặc thù – như sau: Chủ trì công tác bảo vệ chính trị nội bộ hàng ngày và công tác nội chính liên quan đến cán bộ thuộc diện  BCT - BBT quản lý. Tổ chức nghiên cứu, tham mưu đề xuất với BCT - BBT các chiến lược và biện pháp trọng yếu về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chống việc xâm nhập, cài người vận động hành lang, tác động đến chính sách của Đảng và Chính phủ cũng như các hoạt động mua chuộc cán bộ cao cấp nhằm  phá hoại kinh tế, phá hoại chính trị nội bộ, làm hư hỏng băng hoại cán bộ Lãnh đạo - Đảng viên, của các thế lực thù địch.

Về nhóm nhiệm vụ thứ hai, các công tác cụ thể về nội chính „là hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong lĩnh vực nội chính...“ đã nằm trong chức năng Ban Đảng về Nội chính. Còn các công tác „Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án…“ nên gộp vào nhóm nhiệm vụ thứ năm:

“Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN“.

Đối với nhóm nhiệm vụ này, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo được hiểu theo nghĩa cụ thể là thực hiện toàn bộ các công việc cụ thể của Trung ương Đảng theo các ý kiến chỉ đạo của Ban chỉ đạo do đích thân Tổng Bí thư đứng đầu.

Phòng là các việc xây dựng chính sách, tham mưu về chính sách.

Chống là nhiệm vụ trực tiếp, làm ngay, hàng ngày, thường xuyên, cấp bách, bí mật, quyết liệt.

Với chức năng nhiệm vụ chính này, Ban Nội chính cần tổ chức các cục chuyên ngành và các ban chức năng được quy định quyền hạn riêng.

Các cơ quan này theo thẩm quyền của mình, có quyền được độc lập điều tra, thu thập thông tin, bằng chứng để xử lý ngay lập tức các Đảng viên, tổ chức, cở sở Đảng có nghi vấn sau khi có kết luận tối mật của Lãnh đạo Ban Chỉ đạo, mà trực tiếp là Tổng Bí thư.

Công tác này là giai đoạn đầu tiên của quy trình Chống tham nhũng được trực tiếp thực hiện bởi Ban Nội chính – Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo PCTN TW tiến hành.

Sau đó Ban Nội Chính có quyền triệu tập các cơ quan chức năng liên quan để  tiếp tục giao, phối hợp hoặc lãnh đạo các cơ quan khác tiến hành theo trình tự quy định.

Đề xuất mạnh dạn tổ chức nhân sự và lực lượng chuyên môn của Ban Nội chính theo

Phương án 3 như trên, chính là để thực thi hiệu quả và tối ưu nhất nhiệm vụ trọng yếu này.

Thay lời kết:

Tham nhũng là vấn đề xã hội – thể chế hay chỉ là vấn đề hành vi cá nhân?

Đây là một câu hỏi không kém phần thú vị đối với nhiều quan chức và lãnh đạo, dù toàn dân đã biết câu trả lời.

Tuy vậy, trong diễn văn của Tổng Bí thư tại các kỳ Hội nghị TW vừa qua, cũng như các phát biểu của Thủ tướng trong sinh hoạt Quốc hội và Chính phủ, chúng ta dường như chỉ thấy cách nhìn nhận vấn đề thiên về quy kết về cá nhân, đặc biệt là về đạo đức, hành vi của các cán bộ tham nhũng, không hề nói đến sai sót, hư hỏng, khuyết thiếu (có tính hệ thống) của thể chế hay hệ thống chính trị.

Đó là điều nhân dân không hài lòng và lo lắng.

Nếu chỉ đơn thuần là vấn đề hành vi cá nhân, xét trong phạm trù đạo đức, lối sống, cách nghĩ có sai trái, hư hỏng của nhiều cán bộ, Đảng viên. Chúng ta chỉ cần tăng cường công tác của UBKTTW và Bộ CA, Thanh tra CP cùng các quy định về cán bộ công chức, đảng viên là đủ, không cần xây dựng ban bệ Ban PCTN TW với đủ mọi loại thành phần cao cấp làm gì.

Ngược lại, nếu nhìn nhận thẳng thắn một cách có trách nhiệm và dũng khí, để tìm thấy nguyên nhân khuyết thiếu từ lỗ hổng hay hạn chế của Hệ thống chính trị hiện nay, những lỗ hổng này có tính hệ thống ở những vấn đề nào, cần được nghiên cứu khắc phục ra sao, bằng những biện pháp gì, ai thực thi, ai đánh giá, ai giám sát….

Tất cả phải nhìn bằng con mắt xã hội, khách quan, biện chứng và minh bạch, đa chiều.

Có như vậy mới đảm bảo có thể gọi đúng bệnh nhân, cắt đúng thuốc và trị đúng bệnh một cách hiệu quả.

Ở góc độ khác, có nhiều ý kiến cho rằng, sai sót tập trung ở quản lý điều hành của Chính phủ.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến nhận định, trách nhiệm chính nằm trong công tác lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ.

Lại có luồng ý kiến khác trái chiều và gay gắt hơn: Do cả hai nội dung lớn, dân chủ trong Đảng và dân chủ trong Xã hội bị bóp nghẹt, chỉ nói mà không làm. Hô khẩu hiệu suông nhưng không có thực thi. Dân chủ giả hiệu trên mọi vấn đề. Do vậy mà mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều bung bét, tồi tệ. Tham nhũng chỉ là một biểu hiện dễ thấy mà dân bức xúc nhất mà thôi, v.v. và v.v…

Dù sao đi nữa, dưới góc độ biểu lộ nào của quần chúng nhân dân, mọi cái nhìn, mọi cách đặt vấn đề đều cần thiết cho Đảng để lắng nghe và xem xét để nghiên cứu nghiêm túc.

Mọi ý kiến của quần chúng nhân dân, dù phản động hay không theo cách nhìn của Đảng, vẫn  cần được nghiêm túc chắt lọc, cái gì cần thì tham khảo sử dụng ngay, cái gì chưa cần thì bảo lưu, cái nào còn quá mới mẻ hoặc khác biệt thì ghi chép lại để nghiên cứu về sau.

Nhất thiết không được quy chụp, không được sách nhiễu những ý kiến của dân, dù là dưới hình thức nào, với ý kiến gì, ai viết ra…

Chỉ có cách tiếp cận và đón nhận thiện chí như thế, Đảng mới chứng tỏ mình đã trưởng thành, thực sự là đại biểu cho nhân dân, cho quảng đại quần chúng, kể cả trong đó có những người khác biệt tư tưởng.

Có như vậy, Đảng mới có thể thành công trong cuộc chiến cuối cùng này.

Xin chúc Đảng thành công bằng tất cả sự chân thành chứa đựng trong những suy nghĩ được mạnh dạn viết ra qua bài viết nhỏ đầu năm của một công dân trẻ đang học tập ở xa Tổ quốc.

Mừng Xuân, mừng Đất nước kiên cường chịu đựng tiến lên trong khó khăn, giông bão.

Mừng một lần nữa Đảng quyết tâm đổi mới!

T.S.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn