Chúng ta không sống trong thế giới ngày càng hoàn thiện hơn(1) (về công nghệ)

sponsorisés parMarco Morosini (nhà nghiên cứu về phát triển bền vững tại Đại học Bách khoa Liên bang ở Zurich)

Phạm Anh Tuấn dịch

Nhật Bản có lẽ là đất nước duy nhất có đủ khả năng – mặc dù là vạn bất đắc dĩ thôi – biến một thảm họa công nghiệp thành một cú phản đòn bật lại vào mặt những nhà tiên tri của siêu công nghệ. Ấy thế nhưng không chắc thảm họa động đất tại Nhật Bản – cũng như vụ động đất tại Lisbonne hồi năm 1755 – làm lung lay niềm tin của những ai ngỡ đang sống trong cái thế giới ngày càng hoàn thiện (về công nghệ).

Cái đất nước hiện đang ở mấp mé thảm họa hạt nhân này đâu phải là một xứ sở phát triển lệch lạc và ở đó người ta làm chuyện gì cũng ang áng đinh ninh, mà đó là một đất nước có sản phẩm công nghệ hoàn hảo tràn ngập thế giới (họ là người sáng tạo nên triêt lý “lỗi bằng không” – zero défaut) và xe hơi của họ có tỉ lệ gặp trục trặc thấp nhất, cái đất nước có hiểu biết đầy đủ nhất về động đất và sóng thần và có khả năng chống động đất giỏi nhất, cái đất nước có số lượng lò phản ứng hạt nhân nhiều nhất tính theo số dân (chỉ sau nước Pháp) và có nhiều kinh nghiệm nhất về sự thiệt hại do hạt nhân gây ra. Vậy nên rất nhiều người đang tự hỏi: nếu những kỹ thuật viên giỏi nhất thế giới không biết cách kiểm soát các lò phản ứng của họ thế thì lẽ nào chúng ta lại buộc phải tin vào những người đang hứa hẹn với chúng ta là còn có những người khác nữa đủ khả năng làm chuyện đó?

Chỉ bằng cái lương năng mà những chuyên gia nào đó dường như đủ can đảm bỏ qua chúng ta cũng có thể dễ dàng hiểu được những thảm họa công nghệ và kinh tế nhất định nào đó rồi sẽ xảy ra tiếp theo. Lấy ví dụ máy bay Concorde chẳng hạn, loại máy bay hành khách siêu thanh mà giờ đây đang nằm trong viện bảo tàng. Vào năm 2000 chắc hẳn đó là loại máy bay được bán chạy nhất thế giới, theo lời các nhà sản xuất. Hôm nay thì có lẽ người ta thấy một điều kỳ cục là có không biết bao nhiêu nhà kỹ thuật từng tin rằng trong một thế giới mà chi phí và tác động tới khí hậu của xăng dầu ngày càng tăng thế mà người ta lại có thể bán được hàng trăm chiếc máy bay siêu thanh tiêu thụ nhiên liệu gấp ba các loại máy bay khác. Hoặc lấy ví dụ “tháp đôi”. Theo các nhà thiết kế thì tháp đôi có thể chịu được lực va đập cơ khí của một chiếc máy bay phản lực chở khách hạng lớn; trên thực tế, ở vụ 11 tháng 9 [máy bay đâm vào tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York] thì không phải lực va đập làm cho hai tòa tháp sụp đổ mà là ứng suất nhiệt sinh ra từ xăng dầu bị cháy – điều này thì các nhà thiết kế đã không tính toán tới.

Ở Fukushima có thể điều tương tự đã xảy ra: các Kỹ sư đã nghĩ tới rất nhiều giả thuyết – nhưng không phải là tất cả các giả thuyết. Các chuyên gia phân tích rủi ro đã khăng định: với siêu công nghệ thì khả năng xảy ra rủi ro khủng khiếp nhất là điều hoàn toàn có thực, song xác suất là quá nhỏ nên có những người nào đó trong số họ đã nói với công chúng là xác suất đó “trên thực tế” là bằng không. Vậy, nếu sự thực đúng như vậy, thế thì các công ty bảo hiểm đã tranh nhau bán bảo hiểm rủi ro để chỉ việc “chắc chắn” thu tiền mà chẳng mất gì. Thực tế lại khác hoàn toàn.

Ở Thụy Sĩ, chẳng hạn, mỗi nhà máy điện hạt nhân được mua phí bảo hiểm tối đa 1 tỉ đô để có thể được đền bù tới 100 tỉ đô la, theo ước tính của Cơ quan bảo vệ dân sự Liên bang. Một dự thảo luật của Martin Baeumle thuộc Đảng “Tự do xanh” đang nhắm tới việc ban hành luật bảo hiểm đền bù bắt buộc cho thiệt hại với số tiền là 500 tỉ đô la, điều này đưa đến hậu quả là phải tăng mỗi kW/giờ điện lên từ 5 đến 50 xu (hiện tại đang là 20 xu). Ở Đức, thiệt hại tối đa được bảo hiểm là từ 2,5 tỉ euro cho mỗi nhà máy điện hạt nhân so với thiệt hại tối đa được bảo hiểm là 5.500 tỉ euro theo ước tính của các nghiên cứu ở cấp Liên bang. Có những nghiên cứu khác đưa ra ước tính là 11.000 tỉ euro. Vì thế tại Đức một nhóm các tổ chức đang thu thập chữ ký để đưa ra một bảo hiểm bắt buộc thích hợp.

Một tín hiệu mạnh từ thị trường bảo hiểm

Theo các con số nói trên, các nhà máy điện hạt nhân, trái ngược lại với chiếc xe mô-bi-let chỉ là cái đồ vật vớ vẩn so với nhà máy điện hạt nhân, hoạt động hầu như chỉ bảo hiểm lấy lệ. Điều thú vị cần lưu ý là nếu như đối với những bộ óc tinh hoa nào đó thì “thị trường phải điều khiển mọi thứ” nhưng khi liên quan đến những rủi ro điện hạt nhân thì chính họ lại cố tính phớt lờ tín hiệu mạnh và rõ ràng từ thị trường bảo hiểm – đó là nơi mà nói chung người ta có thể ra giá cho mọi thứ.

Ngoài ra cần nhận thấy là trong trường hợp của rủi ro điện hạt nhân thì các hãng bảo hiểm phản ứng giống hệt các triết gia. Sự thực không nằm ở chỗ các hãng bảo hiểm tính toán một số tiền mua bảo hiểm quá cao cho các nhà máy điện hạt nhân. Sự thực chỉ đơn giản là họ không dám chấp nhận rủi ro này. Họ làm điều này mà chẳng phải trả bất cứ giá nào. Thông thường thì số tiền bảo hiểm phải trả cho một rủi ro được căn cứ trên tổng giá trị thiệt hại nhân với xác suất xảy ra. Nhưng trong trường hợp sự thiệt hại là không thể đền bù được và không thể tính toán được thì thực tế là cái xác suất ấy dù có được giả định là một phần triệu hay một phần tỉ thì điều đó cũng chẳng làm thay đổi điều gì.

Khi sự rủi ro là mất trắng, khi ấy đơn giản là làm sao có thể đổ trách nhiệm cho ai được. Vì thế, trong thời đại của những siêu rủi ro như hiện nay thì nếu là khôn ngoan thì nên chọn “phương pháp tìm ra điều lo sợ" [heuristique de la peur], tức là nên tính đến giả thuyết bất lợi nhất bất chấp xác suất của nó là thế nào, chẳng hạn đặt giả thuyết là một sự thiệt hại không thể chấp nhận được. Đây chính là thông điệp trung tâm của nhà triết học Han Jonas trong cuốn sách kinh điển của ông Nguyên tắc trách nhiệm. Một đạo đức dành cho nền văn minh công nghệ (Nhà xuất bản Flammarion, năm 1979), ở Pháp nguyên tắc này kể từ khi nó được đưa vào Luật thì nó thường bị người ta chế giễu là nhìn cái gì cũng thấy phải thận trọng.

“Quá rẻ nên chẳng cần phải đắn đo ("To-cheap-to-meter" – “trop-bon-marché-pour-être-mesurée”) cách đây 40 năm các nhà tiên tri của điện hạt nhân đã nói như vậy khi họ hứa hẹn công tơ điện sẽ biến mất khỏi ngôi nhà của chúng ta. “Cái giá phải trả quá đắt” ("Trop chère payée") dường như đang là thông điệp đến từ Nhật Bản.

P.A.T.

Dịch từ báo Le Monde ngày 6-4-2011

(1) Nhại lại câu nói của ông thày dạy triết Pangloss lạc quan tếu trong tiểu thuyết Candide - Chàng ngây thơ của nhà văn Pháp Voltaire.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn