Phải nói trước với Tập Cận Bình

Ngô Nhân Dụng
Sau khi hai chiến hạm thuộc Hạm đội số 7 Hải Quân Hoa Kỳ vừa hoàn tất một đợt tuần tra tại Biển Ðông, ngày 14 Tháng Bảy, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Cộng Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying, 华春莹) đã phản đối, cảnh cáo rằng “tự do hàng hải không có nghĩa là đem chiến hạm và chiến đấu cơ của một nước đi vào lãnh hải và không phận của một quốc gia khác”.
Hôm qua Ðô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội 7, nhân gặp gỡ các nhà báo Phi Luật Tân đã nói như để đáp lời bà Hoa Xuân Oánh. Ông nói thẳng rằng những hòn đảo nhân tạo Trung Cộng mới xây dựng trong vùng Trường Sa vẫn là nơi còn đang tranh chấp giữa các nước, đối với Chính phủ Mỹ chúng không thuộc nước nào. Vì vậy, hoạt động của Hải quân Mỹ trong vùng đó không bị giới hạn: “Tôi không thấy trong viễn tượng quân sự có một thay đổi nào về các hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương.” Phải có chỉ thị từ cấp trên trong Chính phủ Mỹ ông Swift mới dám nói cứng rắn như vậy. Ông nói thêm: “Chúng tôi luôn luôn sắp sẵn để đối phó với mọi tình huống, chỉ chờ khi nào Tổng thống quyết định”.

Ðô đốc Swift trấn an các nhà báo Phi Luật Tân rằng Mỹ sẽ đưa thêm các chiến hạm khác tới vùng này, ngoài bốn chiếc đang có mặt, trong đó chiếc USS Fort Worth vẫn đóng ở Singapore và vừa mới đi qua khu vực Trường Sa. Hải quân Mỹ đang đặt thêm 52 chiến hạm thuộc loại dùng vũ khí tối tân nhất, một số sẽ được điều động tới vùng biển Ðông Nam Á.
Nước Mỹ đứng trung lập về vấn đề chủ quyền trên các hòn đảo, nhưng lúc nào cũng nhấn mạnh đến quyền tự do thông thương trên biển. Hôm qua, Ðô đốc Swift xác định: “Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đã trình bày ý kiến rõ ràng là chúng tôi không ủng hộ việc sử dụng vũ lực và áp chế”.
Dùng vũ lực áp chế, đó chính là chủ trương của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong vùng Biển Ðông nước ta. Năm 1974, Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa do các chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa tử chiến bảo vệ. Năm 1988 lại đánh chiếm thêm nhiều đảo ở Trường Sa, Hải quân [CHXHCN] Việt Nam được lệnh không kháng cự.
Trong mấy năm qua, Trung Cộng còn thách thức dân Việt với nhiều hành động áp chế khác. Sau khi đem giàn khoan Hồ Cẩm Ðào-981 tới thăm dò dầu lửa ngay trong vùng biển nước ta khiến dân Việt Nam phẫn nộ, Trung Cộng đem tới 113 chiến thuyền, đánh phá thuyền của dân Việt đi đánh cá. Gần đây nhất, Trung Cộng đã bước qua một lằn ranh khi xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm, xây phi trường và đóng quân, trực tiếp đe dọa bờ biển Việt Nam. Ðó là một thách thức công khai xem sức chịu đựng của dân Việt tới đâu.
Vào thế kỷ 11, vua quan nhà Tống bên Tàu đã khiêu khích dân Việt, nhưng cũng không tàn tệ đến như vậy. Chính quyền Khai Phong chỉ sai hai tỉnh Quảng Tây và Quế Châu tập luyện binh sĩ, chuẩn bị lương thảo, vẽ bản đồ và làm bản kê khai về địa thế, dân số, và tài nguyên nước Ðại Việt. Triều đình nước ta đã phản ứng trước, bằng một cuộc hành quân tấn công qua biên giới, cướp phá rồi rút về.
Triều đình Tập Cận Bình nuôi tham vọng lớn hơn nhà Tống, và ỷ vào sức mạnh quân sự áp đảo đối với nước ta, cho nên đã hung hăng áp chế hơn nhiều. Trước khi ông Tập Cận Bình sang Việt Nam như đang dự tính, phải nói trước cho ông biết rằng: Sự nhẫn nhục của dân tộc Việt Nam có giới hạn. Nếu những người đang nắm quyền ở nước ta không dám nói điều đó, người dân phải lên tiếng.
Việt Nam phải trình bày trước cả thế giới một cách công khai, nói rõ ràng các sự kiện Trung Quốc đã đánh chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mới xảy ra chưa đầy nửa thế kỷ. Cho nên dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận quân đội Trung Quốc có mặt tại các hòn đảo đó! Việc tăng cường binh lực, xây thêm căn cứ trên các hòn đảo chiếm đoạt bất hợp pháp càng không thể chấp nhận. Hãy hỏi chính quyền Trung Cộng rằng nếu Nhật Bản đưa một tiểu đội hải quân tới đồn trú tại Senkaku, hay Ðiếu Ngư Ðài, thì thái độ của người dân Trung Quốc sẽ ra sao?
Việt Nam phải cho ông Tập Cận Bình [biết] mình sẽ tiếp tục phản đối các hành động xâm lược trên một cách mạnh mẽ, với các biện pháp cụ thể. Việc làm ôn hòa trước tiên là chính thức phản kháng trên các diễn đàn và thưa kiện tại tất cả các tòa án quốc tế về những hành động thôn tính của Trung Cộng trong các năm 1974 và 1988. Từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn ngậm miệng không dám nói gì về các cuộc xâm lăng này, thậm chí còn cấm dân Việt Nam không được bày tỏ tình yêu nước trong những ngày kỷ niệm. Tại sao Phi Luật Tân chỉ bị đe dọa mất mấy bãi đá ngầm mà Chính phủ họ đã nộp đơn kiện Trung Cộng trước tòa án trọng tài thế giới ở Den Haag, Hòa Lan; còn Việt Nam đã mất bao nhiêu hòn đảo từ 40 năm qua mà không hề chính thức, công khai đòi lại?
Thái độ chịu nhục của Đảng Cộng sản Việt Nam khiến cho các nước khác coi đó là những “sự đã rồi” đã được dân Việt chấp thuận. Ðã đến lúc phải xóa bỏ hình ảnh nhục nhã đó trong dư luận thế giới, nhất là chính phủ các cường quốc và các nước trong vùng. Dù nước ta không thể đưa quân tới chiếm lại các hòn đảo đã mất, như chính Trung Quốc cũng không đem quân đội chiếm lại Ðiếu Ngư Ðài, nhưng cần phát động khắp nước những cuộc biểu tình “Ðòi Hoàng Sa! Ðòi Trường Sa!” Cứ tiếp tục như vậy cho cả loài người biết ý chí của dân Việt ra sao; và cho Trung Cộng biết không thể bước tới nữa. Người Việt bây giờ sẽ không làm như Lý Thường Kiệt, nhưng sẵn sàng dùng vũ khí bảo vệ ngư dân hành nghề kiếm sống.
Những hành động phản kháng của dân Việt là cách duy nhất có thể kiềm chế chiến lược thôn tính của Trung Cộng trong vùng biển Ðông Nam Á. Lâu nay, Bắc Kinh vẫn theo đuổi chiến lược leo thang từng bước trong cả vùng. Thành lập huyện Tam Sa. Ðưa hải quân tới tập trận tại chỗ. Ðưa giàn khoan dầu tới giữa hải phận Việt Nam. Xây dựng thêm các hòn đảo nhân tạo, lập các phi trường và căn cứ quân sự. Từng bước một, mỗi bước đều được tính toán trước, có trình tự, bài bản. Họ hoàn toàn kiểm soát tình hình, dự đoán trước phản ứng của các nước khác để đối phó. Họ gây tình trạng căng thẳng, rồi tạm ngưng cho mọi người quên đi, rồi lại gây căng thẳng tiếp. Họ tự coi có thể kiểm soát được mọi tình huống. Ðặc biệt là đối với Cộng sản Việt Nam thì khả năng kiểm soát của họ coi như hoàn toàn.
Giới lãnh đạo Trung Cộng còn đang tập sự đóng vai cường quốc; còn đang học tập. Các chiến lược gia của họ không học được một bài học mà hai siêu cường Nga Xô và Mỹ đã tỉnh ngộ ra trong “cuộc chơi Chiến Tranh Lạnh”, nếu dùng hình ảnh “lý thuyết trò chơi” (game theory). Bài học rất quan trọng là: Không thể leo thang mãi được. Leo thang có lúc rất nguy hiểm. Ðối thủ của mình trong cuộc chơi có thể có những phản ứng bất ngờ. Khi đó, cuộc chơi sẽ diễn biến không thể tính toán trước, đưa tình trạng căng thẳng tới chỗ không ai kiểm soát được nữa.
Thái độ của Chính phủ Mỹ thay đổi rõ rệt từ khi Trung Cộng xây dựng các phi trường quân sự trên các hòn đảo nhân tạo. Họ đã đưa pháo đài bay, xuất phát từ Guam, và chiến hạm đi từ Singapore đi qua vùng biển này. Ðô đốc Swift đã nhắc lại lập trường của Chính phủ Obama, và ông chỉ còn chờ lệnh của ông Obama hay người kế vị, sẵn sàng đối phó “với mọi tình huống.” Ðây là một thông điệp mà Bắc Kinh phải nhìn ra, phải tiếp nhận bài học cũ: Leo thang có lúc rất nguy hiểm! Chính phủ Mỹ đã vạch ra một lằn ranh cho Trung Cộng thấy họ không nên bước qua.
Cộng sản Việt Nam có dám gửi một thông điệp tương tự hay không? Ðâu là lằn ranh định giới hạn hạn cho chính sách leo thang của Trung Cộng?
Trong Tháng Chín năm nay, Tập Cận Bình sẽ qua Washington gặp Barack Obama. Họ sẽ kiểm điểm lại những thỏa thuận giữa hai người trong cuộc gặp gỡ ba năm trước. Có thể đoán ông Obama sẽ vạch ra một lằn ranh về hành động của Trung Cộng tại Biển Ðông; nếu bước qua thì tình hình sẽ khó kiểm soát. Ông Obama không hề thấy nước Việt Nam có ấn định một lằn ranh như vậy hay không. Vì vậy, trước khi ông Tập Cận Bình qua Mỹ, nếu chính quyền Việt Nam không làm gì thì người dân Việt Nam phải hành động. Phải cho chính quyền Trung Quốc biết dân Việt cũng có một lằn ranh giới của sự chịu đựng nhục nhã. Ðể ông Obama tham khảo!
Năm 1979, Ðặng Tiểu Bình qua thăm Mỹ, về rồi đưa quân qua đánh Việt Nam. Người ta hiểu rằng họ Ðặng được Mỹ hứa trước sẽ làm ngơ. Năm nay, sau khi Tập Cận Bình qua Mỹ về, nếu Bắc Kinh thêm một hành động tàn ác nữa trong vùng Biển Ðông, thế giới có thể tưởng rằng Mỹ đã biết trước [chuyện đó] hay không? Chính phủ Mỹ có phản ứng quân sự nào nếu Trung Cộng bắn, đốt một trăm thuyền đánh cá và tàn sát các ngư phủ Việt Nam hay không? Mỹ có đem tàu chiến tới ngăn cản nếu Trung Cộng đưa thêm vài giàn khoan vào hải phận Việt Nam hay không? Trung Cộng sẽ biện hộ rằng những vụ đó không gây một trở ngại nào cho đường hàng hải quốc tế, là điều nước Mỹ quan tâm! Nếu chính quyền Việt Nam không tự bảo vệ cho dân mình, biển đảo nước mình, thì ai quan tâm đến?
Tháng Tư vùa qua, ông Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh thề “duy trì đại cục quan hệ” giữa hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng sang để “nhất trí ‘kiểm soát tốt’ các bất đồng trên Biển Ðông” với Trung Cộng. Tức là vẫn “bốn tốt” như cũ. Ðược điểm tốt nhất là Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Qua nước Tàu, ông than rằng nhiều người dân Việt Nam ghét Trung Quốc là xấu, là nguy hiểm. Mới nhất, Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ (Zhang Gao, li 张高丽) mới qua Hà Nội, gặp Nguyễn Tấn Dũng rồi tuyên bố hai Đảng Cộng sản tiếp tục “đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt phát triển lành mạnh, ổn định, lâu dài!” Tức là vẫn như cũ.
Khó lòng chờ đợi Đảng Cộng sản Việt Nam làm bất cứ cái gì. Cho nên, dân Việt Nam phải tự hành động, báo trước cho ông Tập Cận Bình biết sức nhẫn nhục của mình có giới hạn.
N.N.D.
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=210481&zoneid=7#.VawANPlq2Xc

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn