Tản mạn đầu tháng 6 năm 2012

Tô Văn Trường

Theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng (đặc biệt là báo mạng) thấy rõ bức xúc đánh giá rất thẳng thắn của người dân về “lỗ hổng” năng lực trình độ (tâm và tầm) của nhiều vị chính khách chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của đất nước.

Trước Đại hội Đảng XI, tôi đã đề cập trong một bài viết muốn biết đầy đủ cách thức làm công tác nhân sự của một Đảng chính trị, với mọi "đầu dây-mối dợ" thường phức tạp và có khi ngoắt ngoéo, thì phải thật sự là người trong cuộc. Tuy nhiên, dù không thật sự trong cuộc, thì vẫn thấy được cái phần bên ngoài của công tác nhân sự, để nêu yêu cầu hoặc kiến nghị về cái phần bên ngoài ấy.

Theo tôi nghĩ, vắn tắt có mấy nguyên nhân liên quan đến công tác nhân sự như sau:

- Chức, quyền, danh, lợi cá nhân.

- Lộng hành của các nhóm lợi ích trong và ngoài chính quyền.

- Tư duy giáo điều sai lệch.

- Hiểu biết và kinh nghiệm yếu kém, không đủ để cải cách có hiệu quả.

- Tác động đòi hỏi, thúc đẩy của dân tộc chưa đủ mạnh vv…

Đối với công tác nhân sự của Đảng cộng sản Việt Nam, bất kỳ người Việt Nam nào, trong Đảng hay ngoài Đảng, đều có thể nêu công khai, trên báo chí, hai loại ý kiến như sau:

1. Mong đợi và đòi hỏi Đảng thực hiện đúng thực chất dân chủ trong nội bộ Đảng. Đã là bầu cử, thì thật sự có dân chủ trong ứng cử, đề cử, tranh cử, bầu cử.

2. Mong đợi và đòi hỏi từng cấp bộ Đảng, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương có cách thích hợp để hỏi ý kiến nhân dân về công tác nhân sự của Đảng.

Trong các bài báo đã đăng, có nhiều đề xuất thiết thực. Ví du : Tổ chức bầu cử các cơ quan và chức danh nhà nước trước ở tất cả các cấp (ở cấp Trung ương thì bầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chính phủ, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, Chánh án toà án tối cao..., sau đó mới họp Đại hội Đảng bầu Trung ương Đảng và Trung ương Đảng bầu Bộ Chính trị, bầu Tồng Bí thư). Sự tín nhiệm và kết quả bầu cử của dân là căn cứ rất vững chắc cho Đảng bầu cử các cơ quan và người lãnh đạo của Đảng. Trong chuyện này của nước ta, ảnh hưởng của tình hình thế giới, như khủng hoảng, bất ổn, nhiều rủi ro vv... là thứ yếu, không nên phóng đại. Dã tâm và thủ đoạn của một số thế lực bên ngoài cũng là thứ yếu, không nên thổi phồng. Chỉ khi nào thấy rõ trách nhiệm của chính chúng ta, thì tìm được giải pháp và thực hiện thành công giải pháp.

Đầu tháng 6 năm nay, tôi cùng đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Cà Mau, và Cục Thẩm định đánh giá môi trường… đi khảo sát tuyến kè Mũi Cà Mau. Từ Năm Căn, đi thuyền dọc kênh Cái Nai, kênh Ông Trang, kênh Cụt gặp trận mưa rát mặt, đến Đất Mũi thì nắng lại cháy da. Nhìn hình ảnh hai anh công an đang giúp thường phạm xúc cát xây dựng đoạn 2 của tuyến kè mũi Cà Mau thấy dễ chịu, ấm lòng, khác hẳn với hình ảnh buồn, bất nhẫn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Vụ Bản (Nam Định), Cần Thơ, v.v. khi mà các lực lượng công quyền xem ra ngày càng rời xa dân, ngày càng xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp và tư cách công dân.

Ngay ở phía sau của cột mốc cao độ Mũi Cà Mau có hàng cây lưu niệm của nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Các cây xanh (họ nhà si thì phải) của Thủ tuớng Nguyễn Tấn Dũng trồng ngày 27/4/2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ngày 23/2/2009, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 8/12/2009, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ngày 7/4/2012, v.v. Riêng cây của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trồng ngày 26/12/2004 thuộc họ cây đa nên trông bề ngoài không đuợc xanh tốt như các cây họ nhà si! Lúc đó, một số người nông dân đứng trước hàng cây, ngắm nhìn, công khai bình luận đại ý “Nhổ quách cây của ông Mạnh cho rồi vì chúng tôi đọc trên mạng thấy con gái ông ấy là Nông Thị Bích Liên đã viết thư tố cáo bố đẻ và mẹ kế Đỗ Thị Huyền Tâm (đại biểu Quốc hội) thất đức làm xấu hình ảnh Đảng Cộng sản Việt Nam Sắp đến ngày nhà báo 21/6, thấy ngay cả những người nông dân chất phác bây giờ cũng thích đọc báo mạng (để biết các thông tin đa chiều, tôn trọng sự thật) hơn là tìm đọc báo chính thống, càng thấy buồn tủi cho nghề làm báo có định hướng!

Nhìn ra biển, trầm ngâm suy nghĩ đến quy hoạch phát triển kinh tế biển lại não cả ruột. Không phải chỉ vì riêng Vinashin, Vinalines đua nhau vỡ nợ, 15 khu trọng điểm kinh tế biển èo uột mà là chủ quyền biển đảo của đất nước. Trung Quốc không chịu bàn hai vấn đề cốt lõi là chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa và quyền đánh bắt cá mà chỉ thảo luận các vấn đề đơn giản như hợp tác nghiên cứu khoa học, phòng tránh thiên tai. Ở Cà Mau ngày 3/6, tình cờ gặp ông Geive Nanvati (người Úc) Giám đốc công ty Bowpan đến tỉnh thu mua tôm xuất khẩu. Ông Nanvati ca ngợi sự dũng cảm bám biển vừa sản xuất vừa bảo vệ chủ quyền đất nước của ngư dân Việt Nam cũng như khí phách của Chính phủ Philippines trước sự bành trướng của Trung Quốc. Trong lúc mạn đàm về nội dung bức thư của nhóm trí thức Việt Nam ký gửi đại sứ Philippines, tôi giải thích rõ hơn đường lưỡi bò là không thể chấp nhận được, không thể dùng để định chủ quyền hay quyền chủ quyền. Vùng Macclesfield Bank là vùng đá chìm dưới biển khi nước thủy triều lên cao, nên không thể là đảo và do đó cũng không thể có chủ quyền 12 hải lý. Có chủ quyền ngay ở đó không thôi (chứ không phải vùng chung quanh) là vấn đề tranh cãi nằm ngoài Luật biển. Không nước nào có đủ cơ sở để chứng minh rằng họ đã thiết lập chủ quyền thật sự ở Scarborough. Do đó, quyền chủ quyền của Scarborough là dựa vào việc nó nằm trong vùng EEZ 200 hải lý tính từ đảo lớn Luzon của Philippines.

Nhóm trí thức Việt Nam, dựa vào suy nghĩ trên nên cho rằng có thể ủng hộ Philippines và chỉ liên quan đến quyền chủ quyền của Scarborough. Hiện nay, chưa thể biết các cá nhân quan tòa nghĩ gì vì Luật biển không đủ rõ ràng, nhưng chính vì thế mà trí thức Việt Nam dựa vào luật lệ quốc tế hiện có, có thể có quan điểm nhằm khuyến nghị quan tòa như thế. Philippines muốn dùng luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề thì đó là phương pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Điểm cuối cùng: phải thấy là Luật quốc tế có giá trị cao hơn Luật quốc gia khi quốc gia đã ký vào Luật quốc tế. Cho nên không thể dùng Luật quốc gia của Philippines để chống lại Luật biển, mà phải ngược lại. Hiện nay, cơ chế quốc tế để thực hiện Luật biển quá yếu vì ngay cả Mỹ cũng chưa chịu ký. Nhưng WTO chẳng hạn đã rất hiệu nghiệm vì nó có quyền đòi hỏi quốc gia phải thay luật nếu không thì sẽ bị cộng đồng quốc tế trừng phạt, v.v.

Nói chuyện biển lại nhớ đến báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cảng Lạch Huyện, Hải Phòng. Đây đúng là dự án "nhạy cảm" cần phải được cân nhắc thận trọng trước khi phát biểu ý kiến. Dù là ý kiến ủng hộ hay phản đối đều phải có bằng chứng khoa học rõ ràng trên cơ sở nhận diện các tác động môi trường chính, tính toán cụ thể về bài toán lan truyền bùn cát, tác động của việc xây đê chắn sóng, đánh giá việc bồi lắng trở lại sau khi nạo vét, v.v. Thời gian đầu, UBND Hải Phòng phản đối chủ trương đổ bùn nạo vét ra vùng biển Cát Bà, họ muốn tận dụng bùn này để san lấp mặt bằng khu công nghiệp Đình Vũ 2. Tuy nhiên, mới đây chính quyền Hải Phòng lại quay ngoắt, tỏ thái độ tán thành!? Lý do sâu xa tại sao thì chưa rõ, nhưng rõ ràng sự thay đổi quan điểm như vậy là có ý đẩy "trái đắng" sang cho Bộ Tài nguyên & Môi trường và gánh nặng của Hội đồng thẩm định sẽ lớn hơn, nhất là khi truyền thông chính thống vừa rồi làm um sùm (kể cả tác động đến Vịnh Hạ Long), nhưng rồi bất ngờ "tắt điện" như chưa từng nói đến việc này!

Đọc bài báo “Vịnh Cam Ranh: Chuyện thật như bịa", tác giả kể đã từng đến dự án sân golf ở Móng Cái ngay sát cửa khẩu sông Bắc Luân. Bên kia là đất láng giềng, nơi có dự án nhà máy điện hạt nhân, còn bên này là dự án sân golf". Người bạn (NAT) bình luận: “Ô hay, Trung Quốc có dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ngay cạnh biên giới nước mình mà Chính phủ chẳng có ý kiến gì, trong khi Lào định làm đập thủy điện Xayaburi trên sông Mê Công thì ta có rất nhiều ý kiến. So với đập thủy điện thì nhà máy điện hạt nhân còn nguy hiểm gấp nhiều lần. Không thể vì ta cũng định xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận mà bỏ lơ cho Trung Quốc việc định xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở gần biên giới nước ta”.

Người ta hay nói tới nguy cơ của "diễn biến hòa bình", nhưng có người nước ngoài đã nhận xét: "Việt Nam đã và đang diễn biến hòa bình", nhưng cái mà Việt Nam đang làm thì không nói, và nói ngược lại, đó là "một xã hội tư bản dã man" (không có Nhà nước pháp quyền). Việt Nam cũng có Nomenklatura, những người được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi chỉ vì các quan hệ thân quen hoặc có đi, có lại với các chóp bu trong chính giới, khác những người cũng được hưởng các quyền lợi đó ở phương Tây, có khả năng thực sự, ngoài các mối quan hệ thân quen. Chúng ta đang ở vòng xoáy ngày càng mạnh, khó thoát ra được, nhưng kèm theo vòng xoáy đó là sự cắn xé lẫn nhau giữa các con thú răng dài sắc, nhưng tim bé, và óc thì chỉ toàn mưu mẹo hại người, lợi mình.

Viết đến đây, chợt nhớ đến bài phát biểu mới đây trên diễn đàn Quốc hội của nhà sử học Dương Trung Quốc nhắc lại lời của người xưa đúc kết về thuật trị nước. Đó là câu đối của một viên quan thời Hậu Lê (Hoàng Ngũ Phúc) vào một thời kỳ lịch sử rối ren đã nhắc nhở: “Nước lấy dân làm gốc, lúc bình yên, nước hãy để dân yên. Dân lấy nước làm lòng khi hữu sự dân sẽ ra gánh vác”. Thử đặt ra một câu hỏi, vào thời điểm này “khi hữu sự” liệu dân có ra gánh vác như những thời kỳ đầy thử thách trong quá khứ lịch sử hào hùng hay không? Đặt lòng câu hỏi ấy, Đảng và Nhà nước thấy phải biết lắng nghe, còn rất nhiều việc phải nghĩ, phải làm cho hợp lòng dân.

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn