Cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt-Trung

clip_image001Nếu báo chí Việt Nam quả tình che giấu một phần sự thật trong khi báo chí Trung Quốc phơi ra những điều cốt tử, thì thiết tưởng không còn gì phải nói thêm. Mấy năm nay quốc tế quan tâm theo dõi mọi động thái của Việt Nam với chút ít niềm tin, rằng chú bé cứng đầu này hình như đang cố sức lèo lái sao cho câu chuyện Biển Đông bị chiếm cướp rất oái oăm của mình phải được đưa lên bàn hội nghị để thảo luận đa phương với Trung Quốc. Thì hôm nay mọi sự bỗng nhiên... sáng tỏ. Chiều thứ Sáu 03/06 bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore, ông Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh – theo Nhân dân nhật báo – tuyên bố trước mặt ngài Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc một câu theo nhà bình luận Trung quốc là “đã tỏ ra biết điều”: Việt Nam vẫn giữ tình hữu nghị thắm thiết với Trung Hoa và chấp nhận đối thoại song phương. Nếu quả thế thì thôi, thế là ván bài đã ù. Trước khi ngả bài, quan khách tứ phương còn trông ngóng. Nay bài ù rồi, thế giới hẳn chép miệng: Cũng là xong đi một việc. Còn hàng triệu dân chúng người Việt với những cái đầu bốc lửa từ mấy hôm nay bỗng thấy chưng hửng, trái tim chùng xuống nhói đau.

Lại thêm một nghịch lý góp vào một thời buổi đầy những nghịch cảnh trớ trêu. Hai bên từ xưa đến nay vốn là đối thủ mà hễ ngồi với nhau thì bao giờ cũng “thắm thiết” và khi xong cuộc rồi bên nào lại có cách nói riêng của bên ấy, nhất là phía Trung Quốc, bằng những câu sâu hiểm muốn “phơi lưng” láng giềng cho cả thế giới nhìn rõ. Thế thì còn hữu nghị vào đâu được mà cứ bám riết lấy? Nhưng trước tiên, hãy cứ xét ở phía mình. Từ nhiều năm nay, chỉ hơi nghe một tin dữ ngoài Biển Đông báo về, dân chúng bao giờ cũng thấp thỏm chờ vào “túi khôn” của cấp trên vạch cho mình đường đi nước bước. Vậy mà các “lệnh” ở trên ban xuống thường lại không như mình mong mỏi. Hình như các bậc tai mắt mà dân để hết niềm tin đều phụ niềm tin ấy bởi cái sự “run” sự “hốt” ở trong lòng? Chứ nếu không thì do đâu mà có chuyện không cho báo chí lên tiếng, chỉ được đưa tin bóng gió rằng “nước lạ” lỡ dạo chơi trên biển nhà mình? Và trong khi người dân ngóng cổ trông chờ sự hỗ trợ của cấp trên thì thực tế lại chẳng một lực lượng nào bảo vệ được mảy may tính mạng và tài sản của dân đang từng ngày từng giờ quên thân, vượt vời ra biển để vừa kiếm sống vừa bảo vệ từng thước biển của Tổ quốc. Trong khi người dân sẵn sàng vì đất nước mà đoàn kết lại, triệu người như một, bày tỏ tình cảm phẫn uất sôi trào như núi lửa đối với kẻ thù xâm lược, vậy nhưng hễ có đoàn thanh niên, sinh viên nào kéo đi khắp các phố xá bộc lộ những tình cảm phẫn uất cao quý đó là lập tức bị giải tán, hễ có người nào dán lên áo hoặc giương cao câu khẩu hiệu “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam” là bị gán ngay cho “âm mưu lật đổ” và bị tống vào lao với những bản án ngang ngược đến trẻ con nghe cũng thấy nực cười. Ai đấy vốn từ dân mà ra chẳng lẽ giờ lại quay lưng với dân hẳn 180 độ, và... kiên nhẫn “chịu chơi” với kẻ thù, nài nỉ chúng cho mình được gọi bằng “anh”, lại còn xin “anh” ban cho những cụm từ nghe kêu như mõ, nào “bốn tốt”, nào “16 chữ” – mỉa mai hơn nữa là ông anh mới chỉ bút phê có “16 chữ 十 六 字” thôi thì ông em đã mừng hú tự thêm vào một chữ “vàng” rồi rước về treo lên đầu giường làm phương châm đời đời kiếp kiếp cho thiên hạ cùng noi. Một tình cảnh mọi thứ ngược đời như thế hỏi có lạ lùng không và còn gì để mà trao đổi, luận bàn?

Đó là nhìn vào hiện tại. Giờ thì nhìn vào lịch sử. Thử xem, ở thế kỷ XIII, cũng một nhà nước Đại Việt, đã xử sự ra sao trước cũng chính kẻ thù phương Bắc ấy – lúc bấy giờ cũng có sức mạnh lớn hơn mình gấp bội? Vào khoảng cuối năm 1284, khi đạo quân của chúa tể nhà Nguyên Hốt Tất Liệt chia làm hai cánh, cánh chính gồm 50 vạn quân đánh thọc vào biên giới phía Bắc, cánh phụ là mấy vạn lính thủy đánh bộ dong thuyền kéo tít vào phía trong đánh vào sườn nước Chiêm Thành, rồi quay ngoặt sang phải biến thành một mũi từ phía Nam thần tốc đánh ra, để làm một gọng kìm hai bề khép chặt Đại Việt vào giữa, thì vua tôi nhà Trần đã có cách đối phó như thế nào? Ngay từ ba năm trước (1282), Hoàng đế Trần Nhân Tông đã cho hội họp vương hầu ở Bình Than, giữa sông nước Lục Đầu, để cùng nhau đứng ngay trên trận địa mà quan sát thực tế, rồi thống nhất ý chí, quyết tâm chống giặc và bàn bạc mọi kế sách đối phó với kẻ thù. Không chỉ có thế! Vào lúc giặc sắp động binh, nhà vua còn có một quyết định tưởng chưa bao giờ có trong lịch sử của các nước phương Đông cho đến thời điểm hiện tại: ông cho mời các vị phụ lão trong cả nước về họp ở điện Diên Hồng tại kinh thành để dân chúng được nói lên tiếng nói tối thượng “quyết đánh” của trăm họ. Một triều đình thân dân, biết đặt mình xuống ngang với dân tức là tin ở dân, biết hỏi ý kiến dân trên những vấn đề trọng đại liên quan đến vận mệnh sống còn của xã tắc, đó là một triều đình hết sức khôn ngoan, hiểu rằng nghìn vạn người hợp lại sẽ đúc nên một trí tuệ phi thường, cao gấp trăm lần cái trí mọn của vương triều, hoàng thất nhà mình. Lắng nghe từng lời góp ý của dân, quyết không đem lãnh thổ của cả một dân tộc ra bán rẻ cho bọn quỷ dữ chỉ vì chút quyền lợi của một nhúm những kẻ ăn trên ngồi trốc và một tập đoàn dù khôn đến đâu cũng trở thành ngu muội khi khư khư bảo vệ chút quyền lợi ích kỷ. Một nhà nước dưới sự lãnh đạo của một vị Hoàng đế tuyệt vời anh minh, không coi chỉ ý nghĩ của người cầm quyền mới là duy nhất đúng, có phải là mầm mống sơ khai của một nhà nước dân chủ, và có là hạnh phúc của dân tộc hay không?

Mà xin đừng có nghĩ rằng bọn Đại Hán ngày nay về thế và lực hơn xa triều đại Nguyên Mông xưa kia. Hãy cứ đặt vào hoàn cảnh lịch sử của từng thời đại mà so sánh. Đạo kỵ binh thần tốc của Thành Cát Tư Hãn chẳng đã ruổi rong như bão lốc khắp cựu lục địa, đến đâu làm cỏ sạch sanh ở đấy, suốt từ Hắc Hải đến Thái Bình Dương hay sao? Ở Đông Á chúng chỉ không đánh được Nhật Bản không phải vì binh lực chúng đã đuối khi đến xứ sở Mặt trời mọc, mà chỉ vì các đội binh thuyền của chúng hai lần vượt biển sang Nhật thì hai lần đều gặp bão chặn lại, đành phải xôi hỏng bỏng không trở về. Trong một tình thế mà đến mọi vương quốc trên các vùng đất mênh mông: Trung Á, Tây Á, Nga, Ba Lan, Hung, Iran, Irăc... đều bị san bằng, hàng triệu người bị đốt bị nướng trên lửa, một vị vua Đại Việt nhỏ tí tận Đông Nam Á hẳn phải run lắm chứ. Và khi đại quân chúng đã đánh vào Khâu Cấp, Nội Bàng khiến đại quân Trần do Trần Quốc Tuấn tổng chỉ huy tan vỡ, phải tháo chạy về Vạn Kiếp, thì tâm lý người lãnh đạo chắc là còn run hơn, bởi sự thất bại đã ở trong tầm tay. Vậy mà trên con thuyền ruổi ra Hải Đông, suốt ngày không được ăn một chút gì cho đỡ đói (không phải như bây giờ các ngài đi đến đâu bàn chuyện chiến hay hòa cũng tiệc tùng thừa mứa), vua Trần Nhân Tông vẫn viết vào đuôi thuyền hai câu nhằm động viên quần thần đi theo: “Cối Kê việc cũ [các] ông nên nhớ / Hoan Diễn đang còn mười vạn quân”.

Nói đến triết học biện chứng ngày nay các ngài cứ hay giở Mác – Lê ra khoe mà gần như người nào cũng mù tịt cái nghĩa lý thực tiễn của nó, trong khi ông vua Trần ở thế kỷ XIII lại nắm vững nó trong lòng bàn tay. Ông đã dự đoán chính xác xu thế chuyển hóa động – tĩnh / thắng – bại trong trận quyết chiến chiến lược trời long đất lở giữa mình và địch, nó cũng hệt như quân lính của Câu Tiễn bị quân Ngô dồn đến chân tường trên núi Cối Kê thuở trước, chỉ còn 1.000 người, tưởng chẳng chút hy vọng nào nữa, thì cuối cùng đã lật ngược thế cờ, đánh cho quân Ngô không còn mảnh giáp. Có được dự đoán thiên tài và tuyệt đối chính xác đó, ngay vào lúc tình thế quân Trần đang nghìn cân treo sợi tóc, vì điều cốt yếu như đã nói, bên cạnh tấm lòng yêu nước trong sáng, mãnh liệt, ông vua Trần đã biết tin vào sức mạnh của trăm họ mà vế sau câu nói của ông lại một lần nữa tỏ rõ – hậu phương chúng ta còn rất vững, chẳng việc gì mà sợ: Hoan Diễn còn kia mười vạn quân.

Ai thông minh, dũng cảm, được muôn đời khắc tên trên bảng vàng, và ai đớn hèn, ngu tối, phản bội lợi ích của dân tộc, bị đóng đinh vào lịch sử, tưởng không cần nói cũng rõ.

Tất nhiên, nghĩ cho cùng thì đúng là các ngài hôm nay đang ngồi trên chảo lửa. Khắp cả nước hiện đang là một... hý trường của vô số những khuôn mặt thừa mỡ và không biết bao nhiêu những cái bụng phệ mà tham nhũng đã ăn sâu vào cốt tủy và lấy đi hết trí khôn, sức lực, còn chút khí phách đâu mà chỉ đường dẫn lối cho dân. Còn nền kinh tế của cả nước thì đã xuống đến đáy, những vụ Vinashin công khai và cả những vụ ngấm ngầm đã và đang làm cho đất nước đảo lộn, nguồn dự trữ tính lại chẳng còn được bao nhiêu. Lạm phát ngày càng trầm trọng, dân chúng chỉ cuốn theo giá cả của từng mớ rau bát gạo leo thang hàng ngày cũng đủ ngột thở lắm rồi.

Nhưng lại phải nói quyết rằng, nhân dân dân sẵn sàng quên hết, đói khát thế chứ đói khát nữa vẫn cắn răng mà chịu, sẵn sàng không tiếc tính mạng mình, vì sự tồn vong của Tổ quốc. Bao nhiêu ngư thuyền cùng với tài sản bị chúng chiếm đoạt, bao nhiêu tính mạng bị bắn bị giết, bị giam cầm mà nào có một ai sờn lòng! Thế thì, chỉ mới một chút nắn gân của 3 chiếc tàu Hải giám làm đứt một đoạn dây cáp của chiếc tàu Bình Minh 02 mà sao đã phải chùn tay? Phải chăng đây là chuyện đặc quyền đặc lợi của một tập đoàn kinh tế khổng lồ đứng sau lưng ai đó – là cả một núi tiền của dăm ba nhóm lợi ích nào đấy – nên cần tính toán? Nhưng lãnh hải thiêng liêng muôn đời của của 85 triệu con dân nước Việt thì sao? Lùi một bước mà chúng để yên cho chăng, hay là chúng sẽ lấn tới nữa cho đến khi của cải của bao nhiêu nhóm lợi ích cũng đều hết sạch? Những lời tuyên ngôn nghe khí khái và hấp dẫn của ông Thứ trưởng Quốc phòng giờ đang “ngao du” ở đâu?

Bauxite Việt Nam

Truyền thông nhà nước Việt Nam và Trung Quốc tỏ rõ sự khác biệt khi tường thuật về cùng một sự kiện là cuộc gặp song phương giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh và Lương Quang Liệt bên lề diễn đàn an ninh khu vực.

Hai ông Bộ trưởng đã có cuộc gặp ngắn vào chiều thứ Sáu 03/06 bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore.

Chỉ có các hãng truyền thông chính thống nhất của quân đội và hai Nhà nước được tiếp cận đưa tin về sự kiện này.

Thông tấn xã Việt Nam và báo Quân đội nhân dân của Việt Nam cho hay trong bản tin sau được các báo đài trong nước đồng loạt đăng lại, rằng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã "nêu rõ với người đồng nhiệm Trung Quốc về sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26/05 đã bị tàu Hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Ông Thanh được dẫn lời nói với Tướng Lương của Trung Quốc: “Vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại”.

Báo Việt Nam nhấn mạnh chi tiết Thượng tướng Lương Quang Liệt tuyên bố: "Chúng tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra”.

Hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, theo TTXVN

Theo báo Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh "đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế".

Ông Thanh cũng được nói đã kêu gọi hai bên tích cực hợp tác và hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, vì "điều đó sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc".

Về phần mình, Thượng tướng Lương Quang Liệt được mô tả là "nhất trí với đánh giá của Đại tướng Phùng Quang Thanh".

Theo Quân đ̣ội nhân dân, ông Lương nói: “Trung Quốc sẵn sàng thảo luận vấn đề này ở các diễn đàn đa phương và phản đối các hành động đơn phương".

"Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai".

Đồng chí tốt, láng giềng tốt

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc khi nói về cuộc gặp hoàn toàn không nhắc tới sự kiện tàu Bình Minh 02.

Mâu thuẫn trên biển giữa hai nước chỉ được đề cập tới trong một bản tin ngắn của Tân Hoa xã phát đi từ Bắc Kinh hôm 03/06, và liên quan đến việc Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc đã nổ súng uy hiếp tàu cá và ngư dân Việt Nam gần quần đảo Trường Sa hôm thứ Tư 01/06.

Tân Hoa xã trích lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói cáo buộc này là "hoàn toàn bịa đặt" và "Trung Quốc luôn cam kết gìn giữ hòa bình và ổn định tại Biển Đông".

Trong khi đó tờ Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tường thuật từ Singapore rằng Bộ trưởng Phùng Quang Thanh phát biểu tại cuộc gặp với người đồng nhiệm Trung Quốc: "Bất đồng về Biển Đông cần phải được giải quyết trên cơ sở song phương, không có sự can thiệp của một nước thứ ba".

Câu trích dẫn này làm giới quan sát ngỡ ngàng vì nó ngược lại chủ trương lâu nay của Việt Nam là đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.

Nhân dân nhật báo nhắc lại lời ông Thanh nói rằng Trung Quốc là "anh em tốt, đối tác tốt, bạn bè tốt và đồng chí tốt của Việt Nam".

Bất đồng về Biển Đông cần phải được giải quyết trên cơ sở song phương, không có sự can thiệp của một nước thứ ba.

Đại tướng Phùng Quang Thanh, theo Nhân dân nhật báo

Báo này cũng trích lời một bình luận viên quen thuộc - ông Tô Hạo (Su Hao) từ Đại học Ngoại giao Trung Quốc, khen ngợi Việt Nam cuối cùng cũng tỏ ra biết điều.

Ông Tô nói trên Nhân dân nhật báo: "Các nỗ lực trước của Việt Nam hòng khơi gợi bất đồng trên mức độ quốc gia là vô lý. Thế nhưng lần này họ đã tỏ ra biết điều".

Báo này cho rằng căng thẳng Biển Đông gia tăng năm ngoái sau khi Hoa Kỳ tuyên bố có "lợi ích quốc gia" trong vùng biển này.

Nhân dân nhật báo nói Trung Quốc luôn khẳng định chủ quyền không thể chối cãi tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời thúc đẩy tìm phương cách giải quyết thông qua đàm phán hòa bình và đối thoại hữu nghị theo tinh thần luật pháp quốc tế và trên cơ sở song phương.

Vì báo chí nước ngoài không được phép theo dõi cuộc gặp giữa hai ông bộ trưởng nên các thông tin nói trên không thể kiểm chứng độc lập.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn