Anh Nguyên Ngọc và tôi

Hoàng Tụy

clip_image002

Những năm đầu kháng chiến chống Pháp ở Liên Khu V có một ngôi trường khá đặc biệt: Trường trung học Lê Khiết. Học trò trường này về sau có nhiều người thành đạt, nổi tiếng cả nước trên nhiều lĩnh vực quan trọng: văn chương, âm nhạc, khoa học, chính trị. Điều đáng quý mà ngay cả người trong cuộc cũng không khỏi ngạc nhiên là tình bạn và tình thầy trò ở đây giữ được đằm thắm lâu bền hiếm có: dù ở Hà Nội, thành phố HCM hay Đà nẵng, các nhóm cựu Lê Khiết mà ai nấy đều đã qua cái tuổi xưa nay hiếm, hễ có dịp vẫn hồ hởi đến với nhau. Dường như giữa những người từng một thời đồng cam cộng khổ, hàng ngày chống chọi với bom đạn của địch để giữ vững giáo dục ngay trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt dễ có mối liên hệ gắn bó chân tình. Sự gắn bó càng thêm sâu đậm từ cái buổi chiều thày trò cả trường lặng lẽ đưa tang cô giáo trẻ dạy toán Trần Thị Cúc Hoa, cùng 17 học trò chết thảm trong trận bị máy bay địch ném bom bất ngờ hôm trước.

Và có lẽ một phần nhờ mối liên hệ ấy mà anh Nguyên Ngọc với tôi, cả hai cùng là cựu Lê Khiết, dù kẻ làm văn người làm toán – hai lĩnh vực khá khác biệt – lại đã dễ dàng đến với nhau thân tình khi gặp nhau lại sau mấy chục năm trời mỗi người mỗi ngả: anh Nguyên Ngọc trong suốt thời gian dài tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Nam, còn tôi thường xuyên bám trụ ở Hà Nội hoặc nơi sơ tán khi máy bay Mỹ đánh phá Miền Bắc.

Song, hơn cả mối liên hệ ấy, giữa anh Nguyên Ngọc và tôi còn có một liên hệ tri kỷ. Vốn cả hai đã từng hăm hở đi theo cách mạng và kháng chiến ngay từ buổi đầu, từng có hạnh phúc sống qua cái thời hoàng kim trong sáng đẹp đẽ của cách mạng trước 1950, rồi tiếp sau đó cái thời bão táp bi hùng của dân tộc, thật vĩ đại nhưng cũng pha nhiều mảng tối bi kịch đau thương, dễ hiểu chúng tôi có những trải nghiệm và suy ngẫm giống nhau về cách mạng, về thời cuộc, về trách nhiệm xã hội của trí thức, về thân phận của dân tộc, của con người, rồi sau này về văn hóa, giáo dục. Chính mối tri kỷ đó gắn kết chúng tôi trong nhiều hoạt động xã hội, dù là để phản biện, góp ý thẳng thắn và chân thành một số chủ trương, chính sách không phù hợp, hay để phản đối tiêu cực, chống tham nhũng, đấu tranh bảo vệ công bằng, dân chủ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bất chấp mọi sự ngăn trở, dọa dẫm bất cứ từ đâu.

Anh Nguyên Ngọc từng có nhiều năm, trong kháng chiến chống Pháp và cả sau này nữa, lăn lộn hoạt động ở Tây Nguyên, có thể nói ít có ai hiểu biết sâu sắc hơn anh về thiên nhiên, văn hóa và con người Tây Nguyên. Cũng không ai có một tình yêu nồng nàn đến thống thiết bằng anh cái vùng đất và người vô cùng quan trọng này của Tổ quốc. Anh như cuốn từ điển sống về Tây Nguyên, tuy vậy đã có lúc nhiều lời khuyên và cảnh báo sáng suốt của anh đã không được lắng nghe để tránh những chính sách bất cập một thời ít nhiều là nguồn gốc những bất ổn đáng tiếc ở đây.

Nguyên Ngọc cũng là người từ rất sớm đã nhận ra nguy cơ suy đồi văn hóa dẫn đến bất ổn nhiều mặt của xã hội, kể cả kinh tế, chính trị. Chính qua anh tôi mới hiểu hết tầm vóc của chủ trương cứu nước của nhà chí sĩ Phan Châu Trinh: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Mà trong văn hóa, quan trọng nhất là giáo dục. Còn nhớ đầu năm 2004, trước tình hình suy sụp kéo dài của giáo dục khiến toàn xã hội lo lắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có khuyến khích tôi đứng ra tập hợp một số anh em trí thức trong và ngoài nước để cùng nhau bàn bạc, trao đổi tìm ra giải pháp cấp bách chấn hưng giáo dục. Anh Nguyên Ngọc đã là một trong những người hưởng ứng nhiệt thành nhất công việc này, tham gia đều đặn và tích cực 5 buổi làm việc nghiêm túc, từ 8 giờ sáng đến trưa không ngưng nghỉ, của nhóm trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 5 - 2004. Kết quả là một bản kiến nghị tâm huyết “ Chấn hưng, cải cách, hiện đại hóa giáo dục là mệnh lệnh cuộc sống” của 24 trí thức gửi lên Trung ương tháng 6 - 2004. Mặc dù biết trước không thể kỳ vọng nhiều ở khả năng thay đổi của giáo dục, nhưng chúng tôi cũng được khích lệ bởi thái độ tiếp nhận khá tich cực từ phía Bộ trưởng Giáo dục và Thủ tướng Chính phủ lúc đó. Còn dư luận xã hội thì đương nhiên hưởng ứng nhiệt liệt, vì lần đầu tiên nhiều bức xúc khó nói được giải tỏa, đặc biệt nguyên nhân sâu xa níu kéo giáo dục trong trì trệ lạc hậu triền miên, và những vấn đề cốt lõi thuộc hệ tư tưởng lâu nay bất khả tranh luận được nêu ra thẳng thắn và phân tích nghiêm túc nhằm hướng tới một nền giáo dục lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp trào lưu tiến hóa chung của nhân loại và đáp ứng mục tiêu tối thượng của dân tộc: dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Tuy nhiên từ 2005 trở đi tình hình giáo dục chuyển dần theo hướng khác, chẳng những các căn bệnh trầm kha không giảm bớt, mà xuất hiện thêm những xu hướng tiêu cực mới khiến giáo dục vẫn tiếp tục tụt hậu, tệ hơn vẫn tiếp tục lạc điệu với thế giới mặc cho những cố gắng đầu tư của Nhà nước và nhân dân, cùng với nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhà giáo các cấp. Cùng với những khó khăn kinh tế tăng lên, ngày càng sáng tỏ sự thật đã được nêu lên trong bản kiến nghị là nguyên nhân sâu xa của những sai lầm, tiêu cực, bất cập của giáo dục chính là triết lý lỗi thời của nó. Đó là khuyết tật cấu trúc, đó là sai lầm hệ thống mà không chỉnh đốn thì giáo dục mãi mãi không vươn lên nổi, mãi mãi hụt hơi trong cuộc đấu tranh sinh tồn của dân tộc.

Là con người hoạt động không biết mệt mỏi, anh Nguyên Ngọc luôn sẵn sàng dấn thân, xông pha vào những việc đúng, dẫu biết khó khăn muôn trùng. Mấy năm nay phần lớn tâm trí và nghị lực của anh dành cho việc xây dựng lại Trường đại học Phan Châu Trinh. Số là trong quá trình thảo luận đi tới bản kiến nghị giáo dục năm 2004, nhiều anh em chúng tôi nảy ra ý kiến nên có một đại học mới thực hiện những ý tưởng mới về triết lý giáo dục. Anh Nguyên Ngọc lập tức đứng ra vận động thành lập một trường như vậy và nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam lúc đó, Trường đại học Phan Châu Trinh đã ra đời, sau ba năm chờ đợi vất vả mỏi mệt. Thật không may chúng tôi đã đánh giá quá thấp tất cả khó khăn thực tế đẻ ra từ môi trường xã hội, thể chế quản lý, với cả núi những hệ luận tiêu cực có thể làm nản lòng bất cứ ai, dù can đảm dấn thân đến mấy. Riêng tôi cảm thấy có lỗi, dù hết sức muốn góp phần cùng anh vượt lên mọi trắc trở để thực hiện sự nghiệp bất vụ lợi có ý nghĩa khai sáng cao quý này, nhưng lực bất tòng tâm. Không ngờ chỉ nhằm mục đích góp phần chấn hưng giáo dục trong một xã hội đã có truyền thống văn hiến lâu đời mà khó khăn đến như vậy. Cho hay xã hội nhiễu nhương, văn hóa suy đồi, kinh tế lụn bại, tất cả những tai họa ấy bao giờ cũng đồng hành, mà kết quả cuối cùng, nếu không kịp tỉnh ngộ để chấn chỉnh, như thế nào ai cũng biết và chắc không người Việt nào mong muốn.

Những người như anh Nguyên Ngọc hành động là vì họ không thể chấp nhận cái viễn cảnh đen tối đó để con cháu chúng ta sau này oán giận thế hệ đi trước đã không biết giữ nước cả và trước hết trên mặt trận văn hóa, giáo dục. Đất nước còn có những người như vậy, thì chúng ta vẫn có quyền hy vọng, dù đôi khi cũng cảm thấy, nói như nhà văn Bảo Ninh, trời đất đen sầm, sự thế vô phương.

H.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn