Nhìn lại tổng thể bài toán phát triển thủy điện

Tô Văn Trường

Lời nguyền tài nguyên có câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” ngẫm suy thật chuẩn xác vì đó là cái giá phải trả do đối xử tệ hại với môi trường sinh thái tự nhiên. Ngoài nguyên nhân do lâm tặc hoành hành, sự tiếp tay của những phần tử thoái hóa trong chính quyền, thì việc phát triển thủy điện tràn lan, tàn phá rừng đầu nguồn kể cả vườn quốc gia cũng là tác nhân gây nên các hiện tượng lũ quét, lũ ống, sạt lở núi đồi vv…phá hủy các cơ sở hạ tầng, làm nhiều người bị rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đặc biệt là cướp đi biết bao sinh mạng của người dân vô tội.

Công tác quy hoạch thủy điện

Chúng ta đều biết điện sử dụng bằng điện sản xuất cộng điện nhập khẩu trừ đi điện tiết kiệm. Phương trình này đơn giản nhưng không phải là bài toán dễ giải. Thủy điện là nguồn điện rẻ, sạch, có khả năng tái tạo cho nên các quốc gia có tiềm năng về thủy thế, nguồn nước đều ưu tiên coi trọng thủy điện. Tuy nhiên, nhìn tổng thể bài toán cơ cấu nguồn điện năng của nước ta thì thủy điện chiếm tỷ lệ quá cao trong tổng sơ đồ điện. Thủy điện đòi hỏi đầu tư rất lớn nhưng tác động đến môi trường cũng không nhỏ phải di dân tái định cư, thay đổi dòng chảy tự nhiên, môi trường sinh thái động thực vật, đa dạng sinh học, đặc biệt tàn phá rừng.

Nguồn năng lượng điện ở Việt Nam từ trước đến bây giờ vẫn chủ yếu dựa vào các nguồn nhiên liệu chính là than đá, khí (nhiệt điện), và nước mặt ở các dòng sông (thuỷ điện), trong đó nguồn thuỷ điện luôn duy trì tỷ trọng lớn khoảng 40% trong cơ cấu nguồn điện ở Việt Nam từ trước đến nay. Tiềm năng lý thuyết thủy điện Việt Nam khoảng 75.000MW, tiềm năng kỹ thuật khoảng 31.000MW và tiềm năng kinh tế-kỹ thuật khoảng 20.000MW. Năm 2001, công suất max hệ thống khoảng 6000MW nhưng đến năm 2009 con số này đã là khoảng 14.000MW (trung bình tăng 1000MW/năm với tỷ lệ tăng khoảng 12%/năm), trong đó thuỷ điện chiếm 6.500MW. Hiện tại, công suất thủy điện trong hệ thống khoảng 11.000MW. Dự báo đến các năm 2020 và 2030 tổng công suất hệ thống là khoảng 75.000MW và 150.000MW, trong đó thuỷ điện tương ứng là 17.000MW (23%) và 18.000MW (12%).

Như vậy, rõ ràng trong giai đoạn 2001-2010, một thập niên bùng nổ thuỷ điện, gần như tiềm năng kinh tế_kỹ thuật nguồn thủy điện đã được khai thác rất lớn. Trong những năm tiếp sau 2010 chỉ còn một vài dự án lớn như Sơn La_2400MW, Lai Châu_1200MW và một số thuỷ điện vừa và nhỏ khoảng 2100MW sẽ được khai thác đến năm 2015 là gần như hết tiềm năng thủy điện Việt Nam. Chỉ còn lại một vài dự án thủy điện tích năng sẽ được tiếp tục khai thác sau 2020.

Mặc dù vai trò nguồn thủy điện trong cơ cấu nguồn điện chiếm tỷ trọng lớn, nhưng việc đầu tư cho công tác Quy hoạch có thể nói là chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác Quy hoạch đã thực hiện ở các quy mô ở cấp Tổng sơ đồ điện quốc gia và Hệ thống lưu vực sông (thuỷ điện vừa và lớn, >30MW), và cấp Tỉnh (thủy điện nhỏ, dưới 30MW).

Đối với Quy hoạch Tổng sơ đồ điện từ trước đên nay, đã qua 07 kỳ quy hoạch và nhiều lần hiệu chỉnh quy hoạch, việc quy hoạch chủ yếu dựa trên tiêu chí tối ưu chi phí đầu tư và vận hành hệ thống điện và theo nhu cầu năng lượng của Quốc gia. Trong khi đó, lại không chú trọng đến tiêu chí ảnh hưởng đến môi trường. Chi phí cho một kì Quy hoạch Tổng sơ đồ phát triển điện quốc gia (mỗi 5 năm) rất hạn chế, cho nên khó đáp ứng cho việc đánh giá tác động môi trường từ các dự án nguồn, trong đó có thủy điện. Việc đánh giá tác động môi trường lại được “lồng ghép” cho quy hoạch từng dự án cụ thể hoặc đánh giá chung chung khi lập quy hoạch lưu vực sông và quy hoạch cấp Tỉnh nên chất lượng càng hạn chế.

Đối với Quy hoạch thuỷ điện theo lưu vực sông, chỉ một số ít có quy hoạch cụ thể và cũng chỉ có các dự án trên 30MW mới được xem xét. Một số lưu vực trước đây khi lập Quy hoạch EVN có thuê Tư vấn nước ngoài lập với chi phí đáng kể thì vấn đề môi trường được đánh giá khá chi tiết và có khuyến cáo cụ thể khi xếp hạng ưu tiên khai thác, hay nói cách khác là các dự án được xếp hạng theo tiêu chí kinh tế, kỹ thuật, môi trường. Đối với Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ thi được cấp Tỉnh phê duyệt thì nội dung nghiên cưu quy hoạch cũng chưa chú trọng nhiều đến vấn đề môi trường.

Các ảnh hưởng thực tại đến môi trường

Các tác động về thuỷ điện thì ai cũng nhìn thấy cả mặt lợi và hại. Xét trên tổng thể nền kinh tế quốc gia, nhu cầu năng lượng quốc gia, việc khai thác thủy điện để cung cấp năng lượng là tốt vì đây là nguồn năng lượng tái sinh. Vấn đề của Việt Nam là con người, kể cả người thực hiện, chủ đầu tư, và người quản lý (kể cả bên cấp vốn). Có một lỗ hổng trong quy trình quản lý nên việc quản lý, cấp phép và giám sát môi trường chưa chặt chẽ dẫn đến các tác động ngoài mong muốn mà một bên không thể dễ dàng nhận trách nhiệm. Một số tác động gần đây như lũ tăng bất thường, động đất kích thích, vỡ đập, phá rừng, biến đổi sinh thái, hình thái hạ lưu sông,… được báo chí đề cập đến là kết quả tất yếu của một quá trình lâu dài hơn 10 năm khai thác thuỷ điện nhưng các chế tài chưa phù hợp với sự phát triển bùng nổ của phong trào “nhà nhà làm thuỷ điện, người người làm thuỷ điện”.

Nguyên nhân dẫn đến sự huỷ hoại môi trường quá mức từ dự án thuỷ điện là do chúng ta chưa có tiêu chí đánh giá lựa chọn dự án khai thác tổng thể theo sự tiến bộ về nhận thức của xã hội, nghĩa là chỉ có tiêu chí kinh tế kỹ thuật mà chưa có tiêu chí kinh tế môi trường kỹ thuật. Dự án để được triển khai phải có tên trong Quy hoạch (Tổng sơ đồ điện quốc gia và quy hoạch thuỷ điện Tỉnh). Trong thực tế báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chất lượng rất hạn chế do kinh phí, nguồn nhân lực kể cả những người lập báo cáo lẫn hội đồng xét duyệt. Chính sự dễ dãi đó kể cả lơi lòng việc giám sát đã bắt môi trường tự nhiên và người dân phải hứng chịu mọi hậu quả.

Bộ công thương và các tỉnh, mới "trảm" hàng trăm thủy điện vừa và nhỏ càng chứng tỏ công tác quy hoạch thủy điện có vấn đề “lợi bất cập hại”! Nhìn xa hơn, ngay cả các công trình thủy điện lớn đã xây dựng như Hồ Tuyên Quang, 5 ngày vừa qua phải xả qua tràn mà không xả phát điện, do không bán được điện. Hồ Sơn La, hồ Hòa Bình cũng phải phát điện hạn chế mặc dù nước đầy hồ rất lãng phí. Năm nay, không có lũ lớn nhưng mưa dài ngày, lượng nước đổ vào các hồ chứa thừa mứa, đúng là “trời cho” nhưng lại không biết sử dụng cho hiệu quả. Hiện tượng thừa lượng nước giống như bài toán kinh tế năm 2007, Việt Nam bị động trong việc ứng phó với dòng vốn khổng lồ từ bên ngoài đổ vào chỉ biết tung tiền đồng để mua đô la, không có giải pháp trung hòa nên bị “ngập lụt” tiền đồng gây ra nguy cơ lạm phát.

Bài học kinh nghiệm

Khai thác tài nguyên nước, mặt lợi và hại luôn đan xen nhau đó là tính 2 mặt của quy luật phát triển. Lịch sử từ khi công trình thủy điện Hòa Bình khởi công, Nhà nước đã tách phần thủy điện ra khỏi thủy lợi đó là sai lầm khi đồng nhất quản lý và quản lý tài nguyên nước với quản lý và xây dựng công trình. Quản lý tài nguyên nước là một thể thống nhất , một công trình trên sông phải phục vụ đa mục tiêu , quy hoạch và quản lý nó phải thống nhất về đầu mối kể cả quản lý phòng chống thiên tai.

Ngay đến hiện nay đã có luật tài nguyên nước, Quốc hội lại tiếp tục cho soạn thảo luật thủy lợi vừa chồng chéo vừa không giống ai? Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn thực hiện quy hoạch sử dụng tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông trong đó có quy hoạch cấp nước, tiêu nước, phòng chống thiên tai (không có quy hoạch về môi trường). Bộ Tài nguyên & Môi trường thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông có nghĩa là nghiên cứu phân bổ nguồn nước hợp lý. Hai bên mạnh ai nấy làm, không có sự phối hợp, ăn khớp với nhau. Cho đến nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường chưa phê duyệt được quy hoạch tổng thể nào do chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu cho nên không tạo được khung định hướng chung, nhất là giải quyết mâu thuẫn giữa các ngành dùng nước. Thực tế, đã xảy ra các mâu thuẫn sử dụng nước ở Vũ Gia Thu Bồn, chuyển nước của công trình DakMi 4 và Đà Nẵng, các công trình ở An Khê, Gia Lai vv…

Năm nay, thủy điện “được mùa” khó bán, nhưng dân vẫn hứng chịu giá cao. Các công trình thủy điện nhỏ đã xây dựng (ngay cả các chuyên gia có tay nghề) tham gia cũng đang ngắc ngoải vì lỗ vốn như hồ Cấm Sơn (Thái Nguyên), thủy điện sông Mực (Thanh Hóa) vv…Hàng loạt các đại gia cũng đua nhau bán lại thủy điện nhỏ không có gì lạ!

Thay cho lời kết

Cơ cấu tổ chức để thực hiện quản lý tài nguyên nước và quy hoạch tổng hợp lưu vực sông không thể để chức năng nhiệm vụ ở Bộ Tài nguyên & MT nhưng số liệu cơ bản, nguồn nhân lực chủ yếu lại ở ngành thủy lợi trong Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Thuỷ điện bản chất là nguồn năng lượng tốt cho quốc gia về lâu dài. Tuy nhiên chúng ta cần quan tâm khắc phục đươc những mặt tiêu cực của dự án. Hiện tại, Ngân hàng thế giới (WB) đang có chương trình đào tạo “đánh giá nhanh sự phát triển bền vững của thuỷ điện”. Cần đặt vấn đề với kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế để chung tay nâng cao việc sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả và bền vững.

T.V.T.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn