Ý kiến rất ngắn về Thác Bản Giốc

Nguyễn Thái Nguyên

Trước hết, tôi rất hoan nghênh Bauxite Việt Nam đã đăng tải những ý kiến trao đổi còn có những chỗ khác nhau để bạn đọc cùng suy ngẫm. Đây là một cách góp phần “nâng cao dân trí” rất thiết thực.

Những việc liên quan đến vận mệnh quốc gia như vấn đề Thác Bản Giốc thì nói như người xưa, đến kẻ “thất phu” cũng “hữu trách”. Lúc đang làm việc, tôi vốn không làm những công việc liên quan trực tiếp đến vấn đề biên giới và do đó, tôi không dám góp lời tranh luận về những vấn đề cụ thể này. Tuy nhiên qua ý kiến của các ông Mai Thái Lĩnh, Trần Công Trục cùng những tài liệu liên quan đến vấn đề này, tôi xin có vài ý kiến rất ngắn như thế này:

Ý kiến chung của tôi và rất đông những người như tôi là rất bất bình về việc không chỉ có Thác Bản Giốc mà có hàng trăm điểm dọc biên giới trên bộ với Trung Quốc trong nhiều chục năm qua đã xảy ra tình trạng bị phía Trung Quốc lấn chiếm theo kiểu “tằm ăn dâu”. Những chỗ nào họ chiếm được rồi, dù lớn dù bé gì thì không chỉ họ mà “phía ta” cũng lờ đi, coi như đã an bài. Rồi đến lượt các nhà đàm phán coi những chỗ ấy cũng là theo “bản đồ Pháp Thanh” như ông Trục nói, vì trên thực tế, làm sao mà cãi nhau cụ thể được đối với những mốc giới rất chi ly cụ thể trên cái bản đồ đã vẽ ra cách nay hàng trăm năm, chưa nói đến kỹ thuật hay công nghệ cổ xưa mà thủa ấy làm gì có đường nào để cho mấy “ông Tây” thay mặt người An Nam đi khảo sát thực địa… Những chỗ họ không lấn chiếm êm xuôi được thì họ la làng rằng “điểm tranh chấp” để đem ra “đàm phán” với đoàn Việt Nam, trong đó ông Trần Công Trục là một trong những người chịu trách nhiệm chính trong việc đàm phán. Tôi rất thông cảm với những gì ông Trần Công Trục đã nói.

Theo tôi thì sự hiểu biết của ông Trần Công Trục về hàng nghìn vụ việc liên quan đến hàng trăm điểm tranh chấp và thực trạng đường biên qua các thời kỳ không chỉ đơn giản và hời hợt như những gì ông đã giải thích. Tôi hoàn toàn không tin ông chỉ biết có vậy. Nhưng nói cho cùng thì từ chủ trương, nguyên tắc, cho đến các nội dung đàm phán thì ông Trục chỉ là tham mưu chứ không phải là người quyết định được, và trên một chừng mức nhất định, ông Trục cũng không thể biết hết được. Vấn đề là ông Trục có đủ dũng cảm và có được nói ra những sự thật buồn này hay không mà thôi.

Không nên vội cho chúng tôi suy luận cảm tính hay vì hiểu biết hạn chế. Về hiểu biết thì chúng tôi đúng là hạn chế thật vì chỉ định tính được, còn định lượng như thế nào phải là những người như ông Trần Công Trục. Nếu đã nói thì nhân dân ta cần một sự trình bày như thế, một sự trình bày như một lời tạ tội với tổ tiên, tạ tội với đồng bào cả nước rằng ngày nay, các thế hệ lãnh đạo và có phần trách nhiệm của mỗi một chúng ta đã để mất một phần lãnh thổ của Tổ quốc mà trải qua các triều đại từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn chưa bao giờ để xảy ra đại sự cố như thế. Thác Bản Giốc thì còn có thể nói loanh quanh như ông Trục đã trình bày, thế còn Hoàng Sa, Trường Sa và hàng trăm điểm khác liệu có đem bản đồ Pháp Thanh ra để đàm phán tiếp nữa không? Bao giờ thì chúng ta lấy lại được. Hoặc giả đàm phán như thế là thành công tốt đẹp rồi, ta đã thỏa mãn rồi?

Bị Trung Quốc mất cướp một phần đất đai trời biển là thực tế. Nếu có ý định nói cho rõ ràng những chuyện như thế này thì phải có đủ dũng khí nói ra sự thật, nói hết sự thật. Nhược bằng chỉ giải thích theo chủ trương đường lối mà chủ trương đường lối ấy đã là nguồn gốc gây ra hậu quả ấy thì không nên “giải thích” và những người khác cũng không nên tranh luận.

Hà Nội ngày 15/9/2013

N. T. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn