Miên man chuyện lễ tang tướng Giáp

Võ Văn Tạo

Gần 24 giờ sau khi đại tướng Võ Nguyên Giáp trút hơi thở cuối cùng tại Quân y viện 108 (18h09 ngày 4-10-2013, theo Võ Hồng Nam - con trai út ông), rất nhiều lão thành cách mạng, cựu chiến binh, trí thức và người dân rốt cuộc cũng nhẹ nhõm. Cuối chiều 5-10, một số báo điện tử nhà nước đưa tin: Văn phòng TW ĐCSVN vừa ra thông báo, sẽ tổ chức theo nghi thức quốc tang trong 2 ngày 12&13-10.

Trừ những người có quan hệ thân thiết với gia đình và thư ký tướng Giáp, phần lớn người biết sớm tin ông từ trần nhờ các hãng thông tấn nước ngoài kịp thời đăng tải. Các báo quốc doanh, phần sợ bị “trên” quở phạt, buộc “bóc” xuống như vụ cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần (!), phần bị chỉ đạo chờ “nhạc trưởng” TTXVN (!) “vung đũa”, ít nhiều đều có phần chậm trễ. (Trừ Tuổi TrẻThanh Niên là 2 tờ báo “quốc doanh” đã nhạy bén đưa tin ngay chiều muộn 4/6 – BVN)

Rất chuyên nghiệp, các hãng thông tấn nước ngoài hiểu, thông tin tướng Giáp, lẫy lừng danh tiếng thế giới, tạ thế ở tuổi ngoài bách niên, đặc biệt thu hút công chúng, không chỉ tại Việt Nam. Với báo giới, đó là sự kiện lớn, là tin “sốt”, đăng trước là thắng. Điều đó không phải nhận định chủ quan. Thực tế, hầu hết các báo, tạp chí lớn và có uy tín trên thế giới đều kịp thời đăng trên trang nhất, tin, bài, ảnh lớn nhân sự kiện tướng Giáp từ trần.

Liền đó, vấn đề nhiều người quan tâm là câu hỏi: “Việt Nam sẽ tổ chức tang lễ ông theo nghi thức nào? “Quốc tang” hay “tang lễ cấp Nhà nước”? Đó cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm từ dạo tướng Giáp tròn trăm tuổi. Sau tin ông từ trần, một vài báo nhà nước mon men đề cập, nhưng cũng chỉ dám đăng lại quy định tại Nghị định 105. Theo đó, tướng Giáp, chỉ kinh qua chức vụ cao nhất là Phó Thủ tướng thường trực, nếu Bộ Chính trị không quyết, sẽ chỉ tổ chức tang lễ theo nghi thức cấp Nhà nước.

Trong tâm tưởng công luận trong và ngoài nước, về những yếu nhân của thể chế Việt Nam đương đại, Võ Nguyên Giáp liền kề Hồ Chí Minh. Và khoảng cách giữa hai người với các yếu nhân khác là quá xa. Tang lễ ông, nhất định phải là quốc tang, quốc tang đặc biệt.

Hãy tạm gác sang một bên, quan điểm của một số người đánh giá công - tội của tướng Giáp đối với đất nước và động thái nhẫn nhục đến lạ lùng của ông trước nhiều lãnh đạo cấp cao nhiều nhiệm kỳ. Lịch sử - như tướng Giáp nói nhân 30 năm Điện Biên Phủ - “giống như chậu bột sắn dây. Vừa mài xong mà thọc tay xuống, chỉ lõng bõng những nước. Để lắng ít bữa, bột ra bột, nước ra nước”. Xã hội luôn là thế, mỗi người mỗi nhãn quang, mỗi thái độ phục thiện và ở các điều kiện, hoàn cảnh, thời đại khác nhau, hậu thế sẽ còn tranh cãi, phán xét.

Dưới con mắt đa số công chúng trong và ngoài nước tán thành chiến tranh giành độc lập dân tộc, tướng Giáp là tượng đài lẫy lừng. Rất nhiều tướng lĩnh, chính khách tên tuổi khắp thế giới, kể cả đối phương một thuở, bày tỏ lòng khâm phục và kính trọng ông như danh tướng vĩ đại số 1 của Việt Nam, của châu Á, của thế giới, của thế kỷ XX và của mọi thời đại, hãnh diện đã có dịp thăm, đàm đạo và chụp ảnh cùng ông.

Trở lại thông báo tổ chức tang lễ tướng Giáp. Căn cứ Nghị định 105/2012 ngày 17-12-2012, tang lễ ông do Bộ Chính trị (xem xét) quyết định (thông thường, quốc tang chỉ dành cho người đứng đầu 4 tổ chức: Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Ông chỉ là Phó Thủ tướng, nếu Bộ Chính trị không quyết, sẽ chỉ theo nghi thức cấp Nhà nước). Như vậy, quyết định tổ chức quốc tang tướng Giáp, Bộ Chính trị làm đúng chức năng và thẩm quyền, cơ bản hợp lòng dân và đa số công chúng.

Nói cơ bản vì rất nhiều người lấy làm tiếc khi tang lễ ông sẽ chỉ diễn ra chính thức trong 2 ngày (tuân thủ quy định về quốc tang tại Nghị định 105). Ngày 12 viếng. Ngày 13, sau lễ truy điệu bắt đầu lúc 7 giờ sáng, đã phải lo di quan về quê nhà mãi tận Quảng Bình để kịp an táng trong ngày. Tướng Giáp là một trường hợp hết sức đặc biệt, chỉ những đoàn viếng theo nghi thức của các tổ chức, đoàn thể, cơ quan, ban ngành và địa phương, đã khó đủ thời gian. Rất đông lão thành cách mạng, tướng lĩnh, đồng đội, người dân và bạn bè quốc tế thật lòng muốn đến nhìn mặt ông lần cuối tại nhà tang lễ ở Hà Nội, khó có cơ hội. Sẽ hợp lý hơn, nếu tang lễ ông thêm 1-2 ngày, không quá cập rập đến vậy. Hơn 2 ngày là “phá lệ”. Nhưng có lẽ sau ông, Bộ Chính trị có muốn “phá lệ”, cũng chẳng còn ai. Có người bảo, “phá lệ” gây phật ý mấy vị “đa, đề” vẫn hậm hực nhìn ông như cừu địch. Chẳng biết có đúng vậy không? Nhưng nếu “phá lệ”, có lẽ sẽ được tuyệt đại đa số lão thành cách mạng, tướng lĩnh, quân nhân, người dân và bạn bè quốc tế hoan nghênh (dù truyền thông phải hoãn vui chơi, giải trí). Điều đó chắc chắn sẽ giúp Bộ Chính trị cũng như Đảng CSVN lấy lại phần nào thiện cảm.

Những ai biết những khúc mắc éo le trong cuộc đời tướng Giáp, mới hiểu phần nào ý nghĩa của của quyết định quốc tang. Theo Nghị định 105, tang lễ tướng Giáp không đương nhiên tổ chức theo nghi thức quốc tang. Rất có thể, sau ông, một vài vị khác, tuy không thuộc diện “tứ trụ triều đình”, nhưng cũng sẽ được tổ chức tang lễ theo nghi lễ quốc tang. Nhưng có lẽ, với những trường hợp ấy, Bộ Chính trị sẽ dễ quyết hơn.

Sinh thời, tướng Giáp được đa số đồng chí, đồng đội, cán bộ và nhân dân yêu mến, kính trọng. Nhưng ông cũng bị không ít kẻ ganh ghét, hiềm tị, vu khống (“con nuôi một tên thực dân”, “bị CIA mua chuộc”!), oan khiên thấu trời xanh. Nhiều chục năm, ông bị nhiều lãnh đạo, tướng tá hãm hại hay hèn hạ và cơ hội sợ liên lụy, xa lánh một cách quá tệ bạc, nhiều trường hợp đến thô bỉ. Bị bạc đãi là thế, nhưng ông lại rất có ý thức bảo vệ đồng đội, cấp dưới. Người viết bài này chứng kiến, dịp 1984-1985, tướng Giáp vào Nha Trang dự Hội nghị khoa học toàn quốc tại Khách sạn Hải Yến. Giải lao, có vị sư đoàn trưởng ở địa bàn ngỏ lời mời ông thăm đơn vị. Ông chân thành cảm ơn, nhưng từ chối khéo, nói “không muốn gây phiền phức cho anh em”.

Một cách ôn hòa và kiên nhẫn, nhiều lần tướng Giáp gửi đơn đến Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Bộ Chính trị và BCH TW Đảng, yêu cầu xác minh và xử lý, đều vô vọng. Về chuyện này, lãnh đạo Đảng còn mắc nợ ông, mắc nợ quân đội và nhân dân. Nhiều người xem quyết định tổ chức tang lễ ông theo nghi thức quốc tang như một động thái “sửa sai” nho nhỏ và muộn màng của Bộ Chính trị.

Chẳng biết trong những ngày này, có ai trong Bộ Chính trị và lãnh đạo cấp cao nghỉ hưu tự vấn: để vị đại tướng bậc nhất trung thần ra đi, ôm theo mối oan khiên tột cùng cùng trĩu nặng ưu tư thế sự, mình có phần trách nhiệm?

Nhiều người nghĩ cuộc đời tướng Giáp là tấn bi kịch lớn. Ông từng thống lĩnh QĐNDVN đánh bại nhiều đạo quân sừng sỏ, danh tiếng lẫy lừng 5 châu lục, nhưng lại thất bại trước “đồng chí” và “tổ chức”. Nhưng có vẻ như trong “trận đánh cuối cùng”, ông lại thắng, khi trước lúc nhắm mắt xuôi tay, kịp quyết định sẽ trở về với người dân bình dị nơi quê nhà. “Quan nhất thời, dân vạn đại”, chỉ có đất nước, quê hương và nhân dân mới là điều quan trọng và vĩnh cửu.

Phải, chưa nói đến cái tầm, ở Mai Dịch hay Nghĩa trang quốc gia mới xây, có mấy người đích thực cùng cái tâm như ông? Có ai được nhân dân, công chúng trong và ngoài nước kính phục và tưởng nhớ như ông?

V.V.T.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn