Tại sao hôm nay chúng ta chậm chạp trong việc nghiên cứu Phan Châu Trinh?

Vương Trí Nhàn

Dù đã nhất trí với nhau trong nhận định rằng Phan Châu Trinh xứng đáng là nhân vật “đinh và đỉnh” của lịch sử hiện đại, nhưng hầu như chúng ta vẫn chưa tìm được câu trả lời tại sao như vậy và nếu thế thì tư tưởng chủ đạo ở Phan là gì, tại sao lại nói rằng có tìm ra câu trả lời này, may ra chúng ta mới tìm ra lối thoát cho dân tộc.

Nhưng trước hết tôi thử tìm hiểu lý do khiến chúng ta khó chấp nhận cụ Phan đến vậy.

MỘT TRONG NHỮNG NHẬN ĐỊNH KHÓ CHỊU NHẤT

Trong tất cả tư tưởng mà Phan đã phát biểu, có thể không phải quan trọng nhất, nhưng gây ấn tượng bậc nhất, theo tôi là cái câu viết trong “Đầu Pháp chính phủ thư” 1906:

“[...] Nước Nam dã lâu nay học thuyết sai lầm, phong tục hư hỏng, không có liêm sỉ, không có kiến thức... Trong một làng một ấp cũng cấu xé lẫn nhau, cùng nòi cùng giống vẫn coi nhau như thù hằn, có dẫu ai có muốn lo toan việc lớn, chưa kể rằng không có chỗ mà nương thân, không có khí giới mà dùng, không có tiền của mà tiêu, giá phỏng Chính phủ cho mượn trăm nghìn khẩu súng, cấp đất vài tỉnh cho ở, không thèm hỏi đến, tha hồ muốn làm gì thì làm, chẳng qua vài năm nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong thế giới này, lại còn chống cự ai được nữa”.

Tôi muốn mạnh dạn mà nghĩ rằng cái đoạn văn rất chua này giống như một sự dằn mặt thô bạo. 

Theo nghĩa nghiêm túc nhất, phải nói chúng ta không có gì cả, nói đúng hơn cũng có một vài thứ đấy, nhưng nhiều cái không dùng được. 

Chẳng những ta không có tư tưởng, mà dân ta còn đang sống theo những phong tục hôm qua tuy có tốt đẹp nhưng nay lại là một sự ràng buộc con người vào với quá khứ hoang dại. 

Liêm sỉ là cái tối thiểu làm nên tư cách một cá nhân ta đã không có thì làm sao để nên người. 

Mà kiến thức với tư cách nền tảng của trí tuệ không thì làm sao đi tới tương lai cho được.

Người mình trước thời hiện đại vốn không thích nghĩ, nhất là nghĩ ngược. Cái ý nói trên có đến trong đầu thì họ lại gạt đi cho nhanh.

HAI CÁCH PHẢN ỨNG 

Vào thời Phan viết những dòng trên, những đầu óc ưu tú nhất của đất nước còn đang chăm chăm hy vọng rằng nếu như có được ít súng ống cần thiết thì sẽ lấy ngay lại nước và người dân sẽ biết sống với nhau thuận hòa vui vẻ.

Trong những lời kêu gọi của nhóm các nhà nho yêu nước kiểu cũ, bao gồm cả những người chân thành tưởng mình là theo mới lắm rồi, bao giờ người ta cũng nghe một niềm lạc quan kỳ lạ. 

Những nhận định loại như dẫn trên của cụ Phan hẳn làm cho ai dó cười khẩy.

Giá như thời nay, cái tiếng nói thẳng thắn chân thành ấy sẽ bị coi không những là lạc lõng mà còn là đáng lên án.

Nhưng đầu thế kỷ XX, người Việt còn sáng suốt lắm. Cả những người chủ trương ngược với cụ Tây Hồ như cụ Sào Nam cũng lắng nghe, và trong cả nước nhiều người cảm thấy cùng với thời gian, Tây Hồ không chừng có lý hơn Sào Nam. 

Đám tang cụ Phan năm 1926 là một minh chứng mà tất cả các bộ sử viết về Việt Nam thời hiện đại viết ở trong nước cũng như nước ngoài đều ghi nhận là một sự kiện lớn, trừ các bộ sử được dạy trong nhà trường phổ thông hiện nay.

Sự lạnh lẽo khó chấp nhận Phan của người Việt hôm nay cũng rất dễ hiểu.

Nửa cuối thế kỷ XX chúng ta sống bằng những lý lẽ ngược hẳn với Phan. 

Ta nói với nhau ta có tư tưởng yêu nước nồng nàn và nền văn hóa rực rỡ. Để đánh Pháp, ta đã có vũ khí của người khác. 

Và không cần suy nghĩ gì về quá khứ tương lai, mỗi người hãy lo tiến lên là đủ. 

40 năm nay lòng chúng ta đầy tin tưởng, tin rằng sau khi độc lập, chúng ta sẽ sống một đời sống mà cách miêu tả tốt nhất là mang câu “nếu không báo thù lẫn nhau thì cũng tranh giành địa vị với nhau, nếu không cướp đoạt tiền tài thì cũng giành giật tước vị, tự chém giết nhau đến chết hết mới thôi, quyết không thể sống nổi trong thế giới này” đảo ngược.

Thế cho nên, chúng ta lảng tránh cụ Phan là phải.

Kịp đến khi đời sống hậu chiến người Việt bày ra đầy đủ cái tình trạng thoái hóa của nó, đoạn văn của Phan Châu Trinh vang lên như một lời tiên tri, ĐÚNG ĐẾN TỪNG CHỮ thì vốn sợ sự thật ta lại càng lảng tránh. 

Ta thích tìm hiểu những lời Phan khuyến khích ta tự học duy tân “đổi mới” hơn là những câu những đoạn gợi ý tự nhận thức nghiêm túc như câu dẫn ở trên. 

Kể thêm một chuyện nhỏ. Tôi biết được câu trên là nhờ đọc cuốn sách của Ðặng Thai Mai – Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX – bản in lần thứ ba, H. 1974, trong bụng chỉ nghĩ, thời ấy phi cụ Mai ra không ai dám dẫn câu đó ra trên mặt giấy. Cái cách nghiên cứu quá khứ của các nhà nghiên cứu sử học cũng như văn học ở Hà Nội là thế, thấy cái gì ngờ ngợ thì không bao giờ cho mọi người biết, coi như là không có. Gần đây câu nói có được trích dẫn nhiều hơn, nhưng phần nhiều không phải là các tài liệu chính thống như các luận án chẳng hạn.

V. T. N.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn