Báo chí Nhật Bản viết về dự án tàu cao tốc Việt Nam

Song Linh tổng hợp

Trong chuyến thăm Tokyo tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói với các quan chức Nhật Bản rằng Việt Nam sẽ thông qua chủ trương xây dựng hệ thống Shinkansen 1.500 km nối Thủ đô với thành phố lớn nhất nước - TP HCM.

Ồ thì ra các vị Bộ trưởng chúng ta muốn qua mắt Quốc hội thế nào cũng được, cứ được đi ra nước ngoài là hứa bừa đi. Thành viên Chính phủ các nước văn minh có thế không nhỉ?

Bauxite Việt Nam

clip_image001Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Seiji Maehara đi thử tàu hỏa tại ga Hà Nội đầu tháng 5. Ảnh: Kyodo

Khi chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc gần 56 tỷ USD đang chờ Quốc hội Việt Nam thông qua, báo chí Nhật Bản, nơi có thể là nhà thầu chính của dự án, liên tiếp có bài viết về vấn đề này.

Bài báo đăng trên tờ Asahi hôm 26/5 cho biết kế hoạch xuất khẩu hệ thống tàu tốc hành Shinkansen của Nhật Bản sang Việt Nam gần như đã hoàn tất, song trở ngại đang gia tăng bởi trong Quốc hội Việt Nam có nhiều ý kiến phản đối và đặt câu hỏi: Liệu đã cần đường sắt cao tốc ngay lúc này?

Chính phủ Việt Nam đã trình dự án ra kỳ họp Quốc hội khai mạc hôm 20/5 và theo kế hoạch, việc biểu quyết thông qua sẽ được tiến hành cuối tháng 6. Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản, với biểu tượng là hệ thống đường sắt cao tốc nhanh và hiện đại nhất nhì thế giới, luôn là hình mẫu mà Hà Nội muốn theo đuổi. Vì thế, Shinkansen thực sự là mối quan tâm lớn của đất nước này. 

Trong chuyến thăm Tokyo tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói với các quan chức Nhật Bản rằng Việt Nam sẽ thông qua chủ trương xây dựng hệ thống Shinkansen 1.500 km nối Thủ đô với thành phố lớn nhất nước - TP HCM.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn tất vào năm 2035, giúp rút ngắn hành trình nối hai thành phố từ 29 tiếng hiện nay xuống còn 6 tiếng. Đến 2020, Chính phủ Việt Nam hy vọng sẽ hoàn thành đoạn nối Hà Nội với Vinh - thành phố cách thủ đô 300 km về phía Nam, và đoạn TP HCM - Nha Trang (dài 360 km).

Trong khi phần lớn các ý kiến trong Quốc hội ủng hộ dự án Shinkansen, một số người cho rằng cần ưu tiên đầu tư cho những dự án hạ tầng cấp thiết hơn, chẳng hạn hệ thống giao thông nội đô. Cũng có những người hoài nghi về hiệu quả sử dụng tàu tốc hành khi mà dịch vụ hàng không đang đáp ứng rất tốt nhu cầu đi lại giữa Hà Nội và TP HCM.

Một đại biểu có tầm ảnh hưởng trong Quốc hội Việt Nam cho biết có thể phải chờ tới kỳ họp sau, dự án mới được thông qua, sau khi đã lắng nghe ý kiến chuyên gia.

Chi phí xây dựng đường sắt cao tốc cũng là vấn đề gây tranh cãi. Nếu dự án được thông qua, Hà Nội dự kiến tự trang trải 70% trong tổng mức đầu tư 55,8 tỷ USD. Phần còn lại sẽ trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản và vay mượn của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng một số tổ chức khác. Nhưng hiện chưa rõ phía Nhật sẽ tài trợ bao nhiêu.

Hệ thống đường sắt hiện nay của Việt Nam chỉ có một làn và chưa được hiện đại hóa. Song nhiều quan chức Nhật Bản không mấy tin tưởng rằng công nghệ tàu tốc hành sẽ được triển khai tại Việt Nam một cách nhanh chóng như kỳ vọng.

Các quan chức Việt Nam muốn bắt đầu khai thác dịch vụ trong vòng 10 năm kể từ khi khởi công xây dựng. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Hà Nội đầu tháng 5, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Seiji Maehara khuyến cáo kế hoạch này quá tham vọng.

Nếu được Quốc hội thông qua, dự án sẽ còn trải qua giai đoạn trưng cầu ý kiến và gọi thầu trước khi chính thức triển khai vào năm 2012.

Hãng tin Kyodo cho biết, Bộ trưởng Seiji Maehara đề xuất phía Nhật có thể xem xét điều chỉnh tổng mức tài trợ cho dự án nếu phía Việt Nam linh hoạt hơn. Trao đổi với Bộ trưởng Giao thông Hồ Nghĩa Dũng, ông Maehara đề nghị rút ngắn chiều dài của đường sắt cao tốc và lùi thời gian bắt đầu khai thác dịch vụ, bởi theo ông Việt Nam khó có thể khánh thành một phần công trình vào năm 2020 như kế hoạch.

Theo tờ Daily Yomiuri, ngoài dự án ở Việt Nam, Nhật Bản đang có tham vọng giành hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc của Mỹ với tổng chiều dài 13.700 km và tổng mức đầu tư 13 tỷ USD. Quan chức Nhật Bản đang nỗ lực viếng thăm các nước và mang theo đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu nhằm tiếp thị cho các sản phẩm và công nghệ chủ lực của mình như điện hạt nhân hay tàu tốc hành Shinkansen, trước áp lực cạnh tranh của các đối thủ Pháp và Hàn Quốc.

SL

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn