Đại tiệc bùn

BVN xin trân trọng cóp xuống toàn bộ bài viết về bùn trên Quê choa ngày 9 tháng 11 năm 2010, tạm đặt tên là BỮA TIỆC BÙN. Dĩ nhiên, những đầu óc và tâm hồn lành mạnh thì từ chối phắt loại đại tiệc này! Chỉ đau lòng là có những đầu óc bùn quá mụ mị vì tiền và quyền lực nên vẫn nhắm mặt chuẩn bị cho ĐẠI TIỆC BÙN mời toàn dân thưởng thức món ngon thời hiện đại. Lưu ý, các ông chủ tiệc khi đó sẽ lẩn kín ở một xó xỉnh xinh xinh đẹp đẹp nào đó, và họ ăn bữa đại tiệc khác nấu nướng cho riêng họ. Mắt ta toét nhưng ta nhìn rõ…

Lý Toét

Ôi bùn… bùn ôi!

(Quê choa)

Bữa trước đọc báo được tin “Đoàn công tác của Quốc hội và Chính phủ hôm 6/11 đã khảo sát thực địa công trường dự án bô-xít Tân Rai, Lâm Đồng” đã khấp khởi mừng thầm, tưởng rằng sau đợt khảo sát ni thì Quốc hội mới quyết định nên làm hay nên dừng. Tui thuộc phe nên dừng, nhưng nếu Quốc hội cho khảo sát lại và có những lý do xác đáng để khẳng định nên làm thì tui nhất trí cái rụp, không dám thắc mắc chi nữa. Không ngờ báo Viêtnamnet khẳng định như đinh đóng cột như ri: “Chuyến thực địa của Quốc hội và Chính phủ lần này là để thúc đẩy tiến độ dự án, dường như không liên quan tới việc, một số đại biểu Quốc hội đã kiến nghị “dừng dự án bô-xít để yên lòng dân” hồi đầu tuần.” Nghe mà buồn thúi ruột. Răng rứa hè. Răng ai nói cứ nói ai làm cứ làm rứa hè?

Bụng nghĩ trăm nghe không bằng một thấy, chứ cãi nhau bằng lý thuyết tối ngày không xong. Thảm hoạ bùn đỏ bên Hungary là cái thấy từ xa, không ăn thua. Thế nào cũng có người nói nước người ta khác, nước mình khác. Mấy ông TKV phải được mục sở thị trên chính những gì họ đang làm kia, may ra họ mới tỉnh ngộ.

Buổi sáng vừa nghĩ rứa xong, buổi chiều nghe tin lũ bùn đỏ ở Cao Bằng, lũ này do mỏ khai thác quặng Nà Lùng của chính TKV gây ra. Nói như TS Nguyễn Đình Hoè thì có thể bùn đỏ ni không phải bùn đỏ (red mud), loại bùn đất ni tuy cũng có màu đỏ nhưng thuật ngữ chuyên môn gọi là bùn thải đuôi quặng, không độc hại như bùn-đỏ-red-mud.

Bùn mô cũng là bùn, nỏ có bùn mô gọi là sạch. Bùn mô đổ xuống đầu dân đều làm cho dân điêu đứng cả mà thôi.

Gây ra lũ bùn đỏ ở Cao Bằng không phải do vỡ đập, vỡ hồ chứa bùn. Đó là vì vỡ cái ống cống được làm ra để thải trộm bùn xuông sông. Cái ống cống này vỡ dân tình mới biết té ra mỏ Nà Lùng đã bốn lần xả trộm. Lần nào cũng vậy, xả trộm bị phát hiện, lập biên bản, phạt tiền xong xuôi lại tiếp tục xả trộm. Không xả bể đâu mà chứa, hu hu.

Bùn đỏ lo chưa xong lại thòi ra bùn thải quặng đuôi. Theo TS Nguyễn Văn Ban thì bùn loại ni cũng nhiều nỏ kém bùn đỏ, ông nói: “Để có được 1 triệu tấn quặng tinh sẽ phải thải ra 2,5 triệu tấn bùn quặng đuôi chưa kể nước.” Ví dụ mỏ Nhân Cơ Tây Nguyên, theo TS Nguyễn Đình Hoè thì “nước thải và bùn đỏ có khối lượng tới hơn 11 triệu m3/năm”. Rứa là nếu cộng cả bùn thải quặng đuôi thì khối lượng là bao nhiêu hè, đã có ai tính toán chưa hè?

Chưa nói đến bùn thải quặng đuôi, chỉ riêng bùn đỏ cũng đã đủ chết. Theo TS Hoè, dự án Nhân Cơ sau 15 năm sẽ có 9 triệu m3 bùn đỏ, còn hết đời dự án Tân Rai sẽ có 80 – 90 triệu m3 bùn đỏ. Nhiều như rứa hồ mô chứa cho thấu, không xả trộm thì biết mần răng?

Từ lũ bùn đỏ ở Cao Bằng người ta đã phát hiện ra, việc xả trộm bùn không phải chính quyền không biết, có cảnh cáo có xử phạt nhưng xả trộm vẫn cứ xả trộm. Ở mô cũng rứa thôi, anh em chiến hữu với nhau cả thôi mà, nếu không làm ngơ được thì giơ cao đánh khẽ, ai nỏ biết. Như rứa là có mấy loại bùn nữa, ấy là bùn quan liêu, bùn tắc trách, bùn tháu cáy… Mấy loại bùn ni đã có trong “thiết kế” của TKV chưa hè. Và nếu có thì cũng làm được gì tốt?

Ôi bùn ôi, khổ lắm.

N. Q. L.

Lũ bùn của TKV ập xuống Cao Bằng

Lãng Quân

SGTT.VN – Cơn lũ bùn là do đập chắn nước thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng thuộc công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng – tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) đã bị vỡ. Vụ việc xảy ra vào đêm 5.11, kéo theo hàng ngàn khối bùn đất từ thượng nguồn đổ xuống, tràn lấp cả dòng suối rồi ùa lên đồng ruộng, hoa màu, vườn tược, nhà cửa của người dân. Dọc hai bên bờ suối dài khoảng 2km, bùn đỏ ngập ngụa đồng ruộng.

Khu dân cư ở Cao Bằng thiệt hại nặng vì bùn đỏ.

Tính đến thời điểm 17 giờ 30 phút ngày 7.11, mặc dù cơn lũ bùn đã bị ngăn chặn, tuy nhiên, hậu quả của nó để lại vẫn còn hết sức lớn. Hàng ngàn mét khối bùn vẫn đang tràn ngập nhà cửa và đồng ruộng, vấn đề đặt ra là đem chúng đi đâu và thu gom bằng cách nào là một bài toán khó với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng.

Xử lý kiểu “đánh bùn ra sông”

Ngày 7.11, khi phóng viên có mặt tại hiện trường, con đường dân sinh vào mỏ Nà Lũng vẫn bị ách tắc, bùn đất vẫn tiếp tục đùn lên đường, khiến cho người và xe máy vẫn không thể qua lại. Biện pháp duy nhất mà xí nghiệp sử dụng để khắc phục tình trạng tắc đường là dùng máy bơm, bơm nước từ sông vào rồi dùng máy xúc múc bùn đổ ra một con suối nhỏ để đưa ra sông Bằng có hàng vạn người dân sử dụng nước. Nhưng với cách làm này, chẳng khác gì “đánh bùn độc ra sông”, nếu giải quyết ô nhiễm được chỗ này thì chỗ khác lại ô nhiễm.

Chị Mã Thị Bạch (Nà Kéo, Duyệt Trung) hộ chịu thiệt hại nặng nhất do cơn lũ gây ra, than phiền: “Nhà tôi ở chỗ sâu nhất bị bùn ngập 1,5m, đã hai ngày nước rút nhưng bùn không rút là mấy. Hiện nay, vì mực bùn ở suối ngang bằng với mực bùn trong nhà nên không biết vét bùn đi đâu. Cứ múc đi được một tí thì bùn ngoài suối lại đùn vào. Cả nhà có vài bộ quần áo thì bị vùi lấp mất, giờ chồng tôi mới đi mua mấy bộ để mặc tạm. Hơn nữa, cũng không dám sắm nhiều vì có nhà đâu để ở và đựng đồ, cả nhà tôi phải ở nhờ trên cái lều nhỏ bên cạnh phòng bảo vệ của công ty bia Cao Bằng”.

Theo ông Lê Hồng Hải, chánh thanh tra, sở Tài nguyên và môi trường, sáng 7.11, sở đã có cuộc làm việc với xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng để xác định nguyên nhân của vụ vỡ đập và tìm giải pháp khắc phục. Tại cuộc làm việc này, phía xí nghiệp đã thừa nhận sự cố vỡ đập là do bờ đập được xây dựng từ năm 2005 nhưng không được gia cố lu lèn một cách cẩn thận nên móng đập đã bị thủng.

Tuy nhiên, khi chúng tôi vào hiện trường nơi con đập bị vỡ, một số công nhân (xin được giấu tên) lại cho biết: đập bị vỡ là do dưới đáy đập có một cống lớn dùng để xả thải mỗi khi có mưa lũ hàng năm. Lượng bùn đất trong đập sẽ theo mưa lũ rồi cuốn ra sông Bằng và con sông này sẽ cuốn đi mọi chứng cứ.

Thông tin từ những công nhân trên trùng khớp với thông tin ông Lê Hồng Hải, cung cấp: năm 2008, xí nghiệp này đã bị xử phạt 70 triệu đồng vì có hành vi xả thải trộm. Theo ông Hải, lãnh đạo xí nghiệp nghe dự báo thời tiết là sẽ có mưa lũ về nên đã ra lệnh cho xả thải trước. Tuy nhiên, năm đó mưa lũ lại không về nên hành động xả thải trộm này đã bị lộ và bị bắt quả tang.

Còn khi làm việc với ông Đoàn Ngọc Báu, phó chi cục trưởng chi cục Bảo vệ môi trường lại khẳng định: Năm 2005, xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng đã tự ý xây dựng đập chắn thải số 4 (bể bị vỡ), đồng thời đập này cũng nằm ngoài phạm vi đất được cấp. Quan trọng hơn, mặc dù là đập cấp quốc gia nhưng xí nghiệp không hề có bản vẽ thiết kế cũng như báo cáo tác động môi trường. Việc làm này đã bị thanh tra sở Tài nguyên và môi trường lập biên bản xử phạt và yêu cầu hoàn chỉnh mọi thủ tục. Tuy nhiên, đã năm năm trôi qua, đến nay công ty này vẫn chưa có được các thủ tục trên.

Dòng sông ô nhiễm

Ông Nguyễn Hoàng Anh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo sở Tài nguyên và môi trường cùng các cơ quan chức năng, cần làm rõ nguyên nhân và xử lý nghiêm đối với xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng. Tuy nhiên, trước mắt xí nghiệp này cùng chính quyền thị xã Cao Bằng cần trích ngay kinh phí cho hai gia đình bị thiệt hại nặng nhất để ổn định cuộc sống và có tiền đi thuê nhà ở.

Ông Hoàng Anh cũng yêu cầu xí nghiệp này phải làm ngay cầu tạm để phục vụ đi lại cho bà con, tuyệt đối không để tình trạng tắc đường như hiện tại. Đồng thời phải dừng ngay việc bơm nước để đẩy bùn ra sông Bằng như hiện nay. Vì nếu hàng chục ngàn mét khối bùn đưa ra sẽ gây ô nhiễm nặng cho dòng sông Bằng.

Hiện nay, xí nghiệp này lại đang tiến hành xây dựng tiếp đập chắn thải số 5, với cách xây dựng và công tác giám sát lỏng lẻo như hiện nay của các cơ quan chức năng, thì ai chắc được sự cố vỡ đập có còn xảy ra nữa hay không? Câu trả lời thuộc về ngành chức năng của tỉnh Cao Bằng và chính bản thân xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng cũng như tập đoàn TKV.

(Nguồn: SGTT)

‘Lũ bùn đỏ’ Cao Bằng: DN ‘tiết kiệm’, bất chấp hậu quả?

Lê Nhung

“Đây chỉ là một mỏ khai thác nhỏ, còn bao nhiêu mỏ lớn nữa ở Cao Bằng đứng trước nguy cơ này? Đây là một bài học lớn, một cảnh báo khẩn”, ĐBQH, Chủ tịch MTTQ Cao Bằng Hoàng Thị Bình chia sẻ nỗi lo ngại trước chuyện đập chắn nước thải tuyển rửa quặng sắt bị vỡ kéo theo hàng ngàn khối bùn đất tràn lấp ruộng đồng hoa màu, vườn tược, nhà cửa của người dân xã Duyệt Chung (thị xã Cao Bằng) cuối tuần qua.

clip_image005

Bà Hoàng Thị Bình: Còn bao nhiêu mỏ lớn nữa ở Cao Bằng đứng trước nguy cơ này?

Chia sẻ với VietNamNet, bà Hoàng Thị Bình, ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội, cho hay, nhiều lần đi tiếp xúc cử tri, người dân đều tỏ ra lo lắng và đã phản ánh tình trạng này với các cơ quan chức năng.

Bởi lẽ, trước đó, mỏ đã nhiều lần xả bùn làm ngập đồng ruộng và gây thiệt hại cho dân.

Chính quyền địa phương đã yêu cầu phía công ty khắc phục hậu quả. Nhiều lần xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng hứa sẽ có biện pháp chấm dứt tình trạng trên, nhưng rồi sự cố lại tái diễn.

Theo ĐBQH Hoàng Thị Bình, trước sự cố này, xí nghiệp cần có biện pháp hỗ trợ, đền bù thiệt hại cho người dân. Về lâu dài phải kiểm tra, xác định nguyên nhân và có giải pháp căn cơ để hạn chế những sự cố tương tự.

Không thể tiếp tục tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi mà không tính toán đến chuyện bảo vệ môi trường. Hậu quả rõ ràng là rất nguy hiểm cho người dân. Chuyện này chắc chắn sắp tới sẽ phải tiếp tục được đưa ra kỳ họp Hội đồng nhân dân“, ĐB Bình khẳng định.

Một ủy viên khác của Ủy ban Khoa học, công nghê, môi trường, ông Nguyễn Đình Xuân cũng cho rằng, xí nghiệp phải có những biện pháp hỗ trợ tức thời cho dân. Nhưng sau đó, chính quyền địa phương phải xác định và làm rõ trách nhiệm.

Khi cấp phép cho xí nghiệp hoạt động, khâu thẩm định và xem xét báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được làm thế nào? Tại sao trước đó mỏ đã nhiều lần xả bùn làm ngập đồng ruộng và gây thiệt hại cho dân nhưng chính quyền không kiên quyết? Ở đây có chuyện doanh nghiệp vì tiết kiệm tiền khắc phục sự cố nên đã bất chấp hậu quả?”, ĐB Xuân bình luận.

Tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi ở Cao Bằng đã được phản ánh trên báo điện tử VietNamNet đầu năm nay.

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, ông Triệu Sỹ Lầu từng cho rằng, để xảy ra tình trạng này một phần do cơ quan quản lý làm chưa hết trách nhiệm còn doanh nghiệp chỉ nghĩ đến lợi nhuận.

Hàng loạt dự án khai khoáng trên địa bàn Cao Bằng đang gây ra nhiều hậu quả về phá vỡ môi sinh, môi trường, cảnh quan – cuộc sống bị đảo lộn. Và bây giờ là “lũ bùn đỏ”.

L. N.

(Nguồn: ViệtNamNet)

Ngổn ngang lũ bùn đỏ Cao Bằng

Lâm Hoài

Sáng sớm 8-11, PV Tuổi Trẻ Online có mặt tại xã Duyệt Trung (thị xã Cao Bằng), nơi đây vẫn còn ngổn ngang sau trận lũ bùn đỏ tối 4-11.

Con đường dẫn vào bãi quặng Nà Lũng vẫn còn lầy lội, nhiều học sinh đi học, người đi chợ phải nhờ máy xúc đưa qua con suối đặc quánh bùn.

Hàng chục gia đình ở các xóm Nà Màn, Nà Kéo, Nà Cà, Nà Mạ… vẫn đang cật lực chống chọi với cơn lũ bùn, nhiều gia đình nhà cửa, ruộng, vườn, hoa màu ngập ngụa trong bùn đỏ. Nhiều gia đình phải di tản đi chỗ khác ở vì toàn bộ nhà bị ngập chìm trong cơn lũ bùn.

Sau đây là hình ảnh do PV TTO ghi lại tại hiện trường trong sáng nay.

clip_image006

Con đường vào các xóm gần khu khai thác quặng ở xã Duyệt Trung bị suối bùn chia cắt.

clip_image007

Suối Nà Lũng biến thành suối bùn đỏ như thế này

clip_image008

Bưu điện văn hóa xã Duyệt Trung bị cô lập

clip_image009

Ông Nông Xuân Mai ở xóm Nà Màn đang dọn dẹp bùn đất trước cửa nhà mình

clip_image010

Nhà anh Đinh Văn Hiệu ở xóm Nà Màn bị ngập gần hết tầng trệt

clip_image011

Bùn đỏ tràn lấp ruộng và hoa màu biến thành một “sân bóng bùn” ở xóm Nà Màn

clip_image012

Vườn bắp cải của gia đình ông Đàm Hải Hồ giờ chỉ còn sót lại chừng này

clip_image013

Xe tải chở đất thải của xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng đang đổ đất thải ở gần khu vực bị ngập

L. H.

(Nguồn: Tuổi trẻ)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn