Bauxite: Chỉ mong QH sử dụng hết quyền!

clip_image004

TS Nguyễn Thành Sơn.

TKV đang chứng minh với dư luận sự an toàn của các hồ chứa bùn đỏ. Nhưng nếu dùng công nghệ ướt lạc hậu, ở địa hình cao như Tây Nguyên, dù hồ chứa có an toàn, nguy cơ thảm họa vẫn không giảm bớt. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác.

TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Cty Năng lượng Sông Hồng, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bee.

Quản lý rủi ro bằng xác suất:  Tôi không tin!

Sự cố vỡ hồ chứa chất thải tuyển quặng sắt ở Cao Bằng vừa rồi một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về sự an toàn của các hồ chứa bùn đỏ ở Tây Nguyên. Ông đánh giá như thế nào về sự cố này?
Sự cố hồ bùn ở Cao Bằng có nhiều ý nghĩa: Nó đã xảy ra khi chẳng có động đất và cũng chẳng có mưa lũ nào lớn cả, trong khi chúng ta cứ đi nghe TKV giải trình về độ richter trên Tây Nguyên! Nó đã xảy ra ngay ở Cao Bằng, của chính TKV  rồi. Chưa cần cử đoàn sang Hungary để học tập kinh nghiệm thì chúng ta đã có thực tế rồi.

Có người nói sẽ quản lý rủi ro của các hồ bùn đỏ bằng xác suất! Ông bình luận gì?

 

"Nếu nói về xác suất trên thế giới thì hãy tham khảo số liệu của công ty Weir Minerals đã tổng kết như sau: Trong vòng 45 năm (từ 1960 đến 2005) trên thế giới đã xẩy ra 83 vụ sự cố của hồ chứa chất thải độc hại trong ngành công nghiệp khai khoáng (tức là bình quân mỗi năm có gần 2 sự cố), đã làm tràn ra ngoài 160 triệu mét khối chất thải (tức là bình quân mỗi khi có sự cố có 2 triệu m3 chất thải bị tràn ra - lớn gấp 3 lần của Hungary), và đã làm thiệt mạng hơn 1400 người (tức bình quân mỗi lần sự cố có gần 17 người thiệt mạng- lớn gấp 2 lần sự cố của Hungary"

TS Nguyễn Thành Sơn

Nói quản lý rủi ro bằng xác suất thì đấy chỉ là “nói cho vui” thôi. Nguyên nhân xảy ra sự cố hồ bùn đỏ năm 2008 ở Ukraina là do có ai đó đã cố tình tác động vào cái van của một trong số các bể chứa bùn đỏ của nhà máy alumina (khi đó các phương tiện truyền thông của Ukraina gọi là “khủng bố đỏ”). Ai dám khẳng định là chúng ta không có những nguyên nhân đại loại như vậy.

Liệu chúng ta có thể tính được xác suất của nguyên nhân đó không? Ai trả lời “có” tôi cho là không trung thực.

Dù sao nhiều người vẫn tin rằng TKV có kinh nghiệm quản lý bãi thải?

Riêng cá nhân tôi nói là "không".

Nói về quản lý bãi thải cũng vậy: trong ngành khai khoáng của chúng tôi, nói đến bãi thải thường người ta hay bỏ qua. Ở ngoài Quảng Ninh thì nhiều người đã quá rõ rồi. Hơn 15 năm nay, TKV chỉ biết đào thật nhiều than chứ có quan tâm đến quản lý bãi thải hay hoàn thổ đâu mà gọi là có kinh nghiệm. Các mỏ than lộ thiên ở Quảng Ninh hiện nay đang đổ thải tùm lum, mỏ nọ đổ chồng lên mỏ kia có ai kiểm soát được đâu.

Số lần xảy ra sự cố bãi thải trong ngành khai khoáng ở VN không phải là ít, trong đó có những sự cố rất nghiêm trọng (tất nhiên chưa tính trong số liệu thống kê của Weir Minerals nói trên). Trong năm nay, trước sự cố ở Cao Bằng, cũng đã xảy ra vụ tai nạn lao động chết người nghiêm trọng liên quan đến bãi thải của TKV ở Quảng Ninh.
Càng nghe bàn, tôi càng thấy lo

Vừa rồi, đoàn công tác hỗn hợp gồm Quốc hội, Chính phủ và các Bộ khảo sát thực địa hai dự án bauxite ở Tây Nguyên cũng  tỏ ý an tâm về hồ chứa bùn đỏ của hai dự án này?
Nói thực, càng nghe bàn tôi càng thấy lo. Trước hết, thông qua báo chí lần này tôi thấy càng “khảo sát” càng có nhiều thông tin không yên tâm.

TS. Tô Văn Trường đã khẳng định theo thiết kế của TKV thì tốc độ thấm tới 0,6m3/ngày đêm. Rõ ràng đây là một nguy cơ rất lớn đã hiện hữu ngay trong thiết kế. Rồi kinh nghiệm của tư vấn thiết kế, chất lượng bản thiết kế?...

clip_image005

Đoàn công tác hỗn hợp khảo sát thực địa tại nhà máy alumina Nhân Cơ, Đắk Nông.

Thứ hai, vấn đề cốt lõi của nguy cơ bùn đỏ là công nghệ thải “ướt” chứ không phải hồ chứa. Nếu chỉ quan tâm đến hồ chứa thì chúng ta đi giải quyết phần “ngọn”, nhưng lại bỏ qua phần “gốc” của vấn đề.

Tại sao chúng ta không tập chung xử lý tận gốc của vấn đề là chuyển từ “ướt” sang “khô” mà cứ lao theo cái richter của chủ đầu tư. TKV có thiết kế hồ chứa bùn đỏ chống được động đất đến cấp 7 hay cấp 9 thì cũng chẳng có ý nghĩa gì, chỉ tốn tiền (nếu làm thực sự) nhưng vô ích vì chất xút ăn da và các kim loại nặng độc hại đó đâu chỉ có chứa ở ngoài hồ, nó nằm chủ yếu ở ngay trong các bể, thùng, xi lô... của nhà máy.

Tôi mong Quốc hội dùng hết quyền của mình

Nếu áp dụng công nghệ khô, chi phí cho dự án chắc chắn sẽ tăng lên. Trong khi, với công nghệ ướt hiện tại, nhiều chuyên gia kinh tế đã hoài nghi, dự án không có lãi?

Với việc chọn công nghệ thải bùn “ướt”, TKV đã loại bỏ được các nhà thầu có công nghệ tiên tiến tham gia đấu thầu, và giảm được chi phí trước mắt cho chủ đầu tư.

Nhưng nhiều chuyên gia nghi ngại, mặc dù đã chọn công nghệ thải bùn “ướt” rẻ tiền, nhưng dự án vẫn khó có hiệu quả vì còn nhiều vấn đề khác chưa lường hết.

Chẳng hạn như vấn đề vận tải, không chỉ vận tải 0,6 triệu tấn alumina từ Tây Nguyên xuống biển mà còn phải vận chuyển từ biển ngược lên Tây Nguyên cũng khoảng nửa triệu tấn hàng hoá (than, hoá chất, đá vôi…) nữa. Vấn đề cấp than, cấp nhiệt, cấp điện cho nhà máy alumina… cũng rất ảnh hưởng tới hiệu quả (để làm ra được 0,6 triệu tấn alumina, TKV sẽ đưa từ Quảng Ninh vào Tây Nguyên 0,46 triệu tấn than có giá trị xuất khẩu cao nhưng chưa so sánh các chi phí cơ hội khác).

Ngoài ra, còn phải tính đến tổn thất tài nguyên. Công nghệ lạc hậu toàn diện còn thể hiện tổn thất quặng nhôm (Al2O3) trong cả hai dự án theo số liệu của TKV lên tới 45-48%. Có nghĩa là, để có được 1 tấn alumina xuất khẩu thì với công nghệ khai thác, chế biến bauxite, tuyển luyện alumina hiện nay, TKV sẽ thải ra môi trường bên ngoài cũng gần 1 tấn Al2O3 lẫn trong bùn, trong đất.

Người ta sẽ tạo ra được “lãi giả” hôm nay bằng giải pháp quen thuộc là “cân đối”, để giành “lỗ thật” cho ngày mai. Dự án nhiệt điện chạy than ở Na Dương và Cao Ngạn là một ví dụ nhãn tiền.

Bên hành lang Quốc hội ngày 9/11, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nói, cần công khai hết các số liệu, tính toán, công nghệ của hai dự án bauxite Tây Nguyên. Là một cử tri, ông có kỳ vọng gì?
Tôi mong Quốc hội sử dụng nhiều hơn quyền giám sát của mình, yêu cầu TKV phải trả lời tất cả các câu hỏi và công khai mọi thông tin cho VUSTA, cho các nhà khoa học độc lập để họ nghiên cứu, phân tích, đánh giá tất cả các khía cạnh của dự án.

Tôi tin rằng chỉ cần TKV công khai tất cả các thông tin, và trả lời có trách nhiệm mọi câu hỏi thì các chuyên gia VN cũng có thể giúp TKV đánh giá khách quan mọi vấn đề của dự án, chứ không cần tốn tiền thuê tư vấn nước ngoài. Tôi xin nhấn mạnh là trả lời phải có trách nhiệm, có bằng chứng, chứ không nên chỉ để làm an lòng dư luận.

Hoàng Hạnh (thực hiện)

Nguồn: Beenet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn