Biển Đông từ những góc nhìn khác biệt

clip_image001

 

Các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhằm củng cố hòa bình, ổn định ở biển Đông được các học giả tại hội thảo nhấn mạnh.

 

Trong 2 ngày tại hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông, các học giả đã trình bày đánh giá của mình về các diễn biến xung quanh tình hình biển Đông gần đây.

Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi và tranh luận nhiều vấn đề liên quan tới các chủ đề thảo luận trong không khí khoa học, thẳng thắn, chân thành và xây dựng. Một nội dung quan trọng của hội thảo là kinh nghiệm và bài học từ các hoạt động hợp tác ở biển Đông, và các biện pháp thúc đẩy hợp tác nhằm củng cố hòa bình, ổn định ở biển Đông.

Tướng Vinod Saighal (Ấn Độ) quan ngại tình hình khu vực có thể có nhiều biến khi các nước lớn bắt đầu thay đổi chính sách đối với khu vực. Ông đưa ra một số giả thuyết giải thích cho việc thay đổi cách tiếp cận của Trung Quốc đối với biển Đông, nhấn mạnh nguyên nhân chính là Trung Quốc trỗi dạy nhanh chóng, ngày càng tự tin và quyết liệt bảo vệ lợi ích của mình. Ông cũng cho rằng các động thái này của Trung Quốc đã gây sự chú ý của thế giới và tác động tới quá trình xây dựng lòng tin trong khu vực.

Học giả Daniel Schaeffer (Pháp) chia sẻ quan điểm của nhiều học giả khác khi cho rằng việc Trung Quốc chính thức đưa ra đường đứt khúc 9 đoạn là điều đáng chú ý nhất ở khu vực trong 2 năm qua, cho rằng Trung Quốc nên công khai và làm rõ yêu sách của mình, đối thoại với các nước trong khu vực về các khác biệt nảy sinh. Ông Daniel cũng cho rằng, nếu đối thoại giữa các bên để giải quyết xung đột không có tiến triển, cần tính đưa các tranh chấp khu vực ra Tòa án Luật biển hoặc Tòa án Công lý quốc tế.

Học giả Bronson Percival cho rằng đường đứt khúc 9 đoạn và đòi hỏi đưa Biển Đồng vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc đã làm tăng nghi ngại của các nước trong khu vực. Ở Mỹ có quan điểm cho rằng Trung Quốc muốn thử phản ứng của Mỹ ở biển Đông trong bối cảnh Mỹ đang gặp nhiều khó khăn nội bộ, song ông cho rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ Trung Quốc do biển Đông liên quan tới vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản là tự do hàng hải, và biển Đông sẽ là một vấn đề thường xuyên trong quan hệ Mỹ - Trung. Học giả Bronson Percival cho rằng lợi ích của Mỹ ở biển Đông có thể có lúc tăng lên, có lúc giảm đi, nhưng chính sách của Mỹ về biển Đông chưa bao giờ thay đổi. Phản ứng gần đây của Mỹ có mạnh lên thể hiện tình hình biển Đông có thay đổi, chứ không phải chính sách của Mỹ có thay đổi.

Nguyên đại sứ Hjala (Indonesia) cho rằng trong 20 năm, Indonesia đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác cùng phát triển ở biển Đông theo tinh thần mà Trung Quốc kêu gọi, đã tổ chức hàng loạt hội thảo về Kiểm soát xung đột ở biển Đông hàng năm, đã lập các Nhóm công tác về Hợp tác cùng phát triển, đã đưa ra nhiều khuyến nghị. Tuy nhiên Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ Trung Quốc muốn hợp tác cùng phát triển ở vùng biển nào, hợp tác cái gì, muốn hợp tác cùng ai, hợp tác theo cơ chế nào. Đại sứ Hjala cho rằng Trung Quốc nên làm rõ yêu sách của mình ở biển Đông, nhất là đường đứt khúc 9 đoạn.

Theo GS Su Hao (Trung Quốc), nước này chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” trong các tài liệu chính thức. Về đường đứt khúc 9 đoạn, GS Su Hao cho rằng Trung Quốc quan niệm vùng nước bên trong đường đứt khúc là vùng nước lịch sử, trong công ước luật biển quốc tế cũng thừa nhận về các vùng biển lịch sử, như trường hợp vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ nhĩ kỳ...

Mark Valencia (Mỹ) cho rằng việc các bên hiểu và diễn giải luật quốc tế khác nhau là nguyên nhân quan trọng khiến tình hình biển Đông nóng lên gần đây. Trong điều kiện đó, các bên đều cần phải kiểm chế. Việc đàm phán COC là cần thiết nhưng sẽ không đơn giản vì quan điểm của các bên rất khác nhau về một số vấn đề căn bản. Ví dụ Mỹ phản đối các bên đe dọa sử dụng vũ lực ở biển Đông, nhưng lại tập trận hàm ý đe dọa sử dụng vữ lực ở Hoàng Hải.

Giáo sư Leszek Buszynski (Australia) cho rằng Trung Quốc có nhiều trường phái với quan niệm và lợi ích khác nhau, không đồng nhất trong quan niệm về lợi ích cốt lõi, lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia, vì vậy Trung Quốc sử dụng các thuật ngữ này một cách lỏng lẻo, chứ không có định nghĩa chính thức, rõ ràng. Ông cho rằng Trung Quốc muốn tạo lập khu vực ảnh hưởng riêng, không để Mỹ can thiệp và hiện diện trong khu vực ảnh hưởng đó, không cho Mỹ tập trận gần khu vực ảnh hưởng đó. Ông cho rằng một biện pháp để hướng Trung Quốc vào ứng xử có trách nhiệm hơn là tạo ra một Nhóm hài hòa các nước lớn điều hành các vấn đề của thế giới, trong đó chia vùng ảnh hưởng cho Trung Quốc, nhưng điều đó có nghĩa là Mỹ phải chấp nhận chia sẻ một số lơi ích như Bắc Triều Tiên, biển Đông.

Giáo sư Carlyle A. Thayer (Australia) cho biết Quân đội Trung Quốc là nhân tố thúc đẩy Trung Quốc coi Biển đông là lợi ích cốt lõi. PLA đang tăng cường năng lực hải quân để khẳng định chủ quyền ở biển Đông, hạn chế Mỹ tiếp cận vùng biển này. Ông cho rằng cạnh tranh giữa các nước lớn trong khu vực sẽ gia tăng trong vòng 3-5 năm tới, tuy nhiên cũng có một số dâu hiệu tích cực khi ASEAN và Trung Quốc nhất trí triển khai DOC và đàm phán COC. Ông cũng quan sát thấy Mỹ sẵn sàng tạo điều kiện để các bên đàm phán, nhưng Mỹ sẽ không can dự trực tiếp mà chỉ gián tiếp.

Học giả Geoffrey Till (Anh) cho rằng Trung Quốc và Mỹ đang có quan niệm hoàn toàn khác biệt trong vấn đề tự do hàng hải. Cũng giống như Anh trước đây, Mỹ là một cường quốc toàn cầu, trong đó lợi ích cơ bản là tự do hàng hải, gắn liền với vị thế của nước Mỹ, với giá trị của nước Mỹ. Từ quan niệm đó, Mỹ cho rằng mình có quyền làm chủ biển cả và có quyền dùng vũ lực bảo đảm quyền đó. Vừa qua, Mỹ có cảm thấy rằng Trung Quốc muốn thách thức quyền đó của Mỹ, và đã phản ứng.

Thu Thảo (ghi)

Nguồn: Baodatviet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn