Bùn đỏ Cao Bằng, thực chứng cho Bauxite Tây nguyên

Nam Nguyên, phóng viên RFA

clip_image001

Bùn đỏ tràn vào khu vực dân cư ở Cao Bằng hôm 5 tháng 11 năm 2010. Photo courtesy of SGTT

Sự kiện vỡ đập chắn nước thải công trình tuyển rửa quặng sắt đêm 5/11 của Tập đoàn TKV ở Cao Bằng đã tạo nên một dòng lũ bùn đỏ tràn xuống hạ lưu, làm cả một khu dân cư ngập sâu trong bùn đỏ.

Công nghệ lạc hậu

Trả lời phỏng vấn của Nam Nguyên, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ Hà Nội nhận định:    

GSTS Đặng Hùng Võ: Hiện nay những công nghệ khai thác khoáng sản quá lạc hậu thường dẫn những hệ quả môi trường, thảm họa môi trường không thể hình dung ra hết được.

Hiện nay những công nghệ khai thác khoáng sản quá lạc hậu thường dẫn những hệ quả môi trường, thảm họa môi trường không thể hình dung ra hết được.

GSTS Đặng Hùng Võ

Chúng ta đã có một thực chứng ở Hungary, hiện nay chúng ta đã có một thực chứng ngay ở trong nước, ngay tại Cao Bằng. Mặc dù hàm lượng độc hại của chất thải bùn cũng có màu đỏ từ khai thác quặng sắt, tuy kém hơn chất độc hại trong khai thác bauxite, nhưng là một mách bảo chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại lộ trình khai thác bauxite Việt Nam như thế nào cho hợp lý, phù hợp, và hiệu quả trong cân nhắc giữa hiện tại và tương lai.

Nam Nguyên: Hình ảnh báo chí cho thấy lũ bùn đỏ tràn ngập ở khu dân cư thị xã Cao Bằng rất tồi tệ, dù chỉ là lũ bùn không thôi thì cũng đã đủ gây hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. GS có nhận định gì?

GSTS Đặng Hùng Võ: Chắc chắn đấy là việc làm phiền nhiễu đến người dân, làm tổn hại đến đời sống của người dân, trong khi người dân không được thừa hưởng cái gì lớn lao từ việc khai thác quặng sắt ở Cao Bằng. Việc độc hại ít hơn chẳng qua là đánh giá tác động môi trường của nó không nhiều như khai thác bauxite. Nhưng giả sử khai thác bauxite xảy ra một ngữ cảnh tương tự như vậy thì thiệt hại sẽ lớn hơn rất nhiều, theo ý kiến riêng của chúng tôi, cần dừng lại việc này (khai thác bauxite) để đánh giá lại thận trọng hơn và xem giai đoạn nào nên khai thác thì hợp lý hơn.

HUNGARY-ACCIDENT-CHEMICAL

Đoạn đê bị vỡ của một hồ chứa bùn đỏ thuộc nhà máy Ajkai Timfoldgyar, Kolontar, cách thủ đô Budapest của Hungary 160 km, ảnh chụp ngày 08/10/2010. AFP PHOTO / STR.

Mặc dù có thể đánh giá việc khai thác quặng sắt ở Cao Bằng nó không lớn về mặt môi trường, nhưng việc vỡ đập có thể sẵn sàng đe dọa chúng ta bất cứ lúc nào, nhất là trong giai đoạn biến đổi khí hậu hàng ngày mà chúng ta đang phải hứng chịu. Hiện nay ở Việt Nam, phía Bắc Trung bộ đã bị lụt lội, phía Nam Trung bộ đang bị lụt lội và có nguy cơ phía Trung Trung bộ cũng có thể bị lụt lội. Không thể nói trước được điều gì khi trạng thái biến đổi khí hậu đang gây một áp lực rất lớn lên cuộc sống của từng người dân một hiện nay.

Cần tính đến tương lai

Nam Nguyên: Vỡ đập chắn thải ở công trình tuyển rửa quặng sắt ở Cao Bằng cũng là một đơn vị của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV). Đã có những quan ngại là TKV không đảm bảo an toàn môi trường ngay trong dự án nhỏ, thì làm sao có thể tin cậy TKV ở dự án có độ rủi ro lớn như bauxite Tây Nguyên?   

GSTS Đặng Hùng Võ: Theo các nhà khoa học hiện nay đánh giá, việc một doanh nghiệp tạo ra một ngữ cảnh mà có thể dùng thứ ngôn ngữ dung tục hơn, là “ăn quỵt môi trường” để tạo ra lợi nhuận cho họ, thì không phải là việc chỉ diễn ra ở Việt Nam mà hầu như khắp nơi trên thế giới. Trừ những nước có trình độ dân trí cao thì người ta có thể có ý thức về việc bảo vệ môi trường cho tương lai. Còn lại, tất cả các doanh nghiệp đều có xu hướng muốn tận dụng kẽ hở quản lý môi trường, để họ có thể tạo lợi ích ngay từ việc không chi trả lại cho môi trường. Đó là ngữ cảnh về mặt trận kinh tế, nhưng về mặt trận bảo đảm bền vững của quá trình phát triển thì chúng ta lại phải tính toán khác.

Chân lý khoa học luôn luôn tồn tại, vấn đề chúng ta nhìn nhận nó như thế nào, chúng ta cụm lại với nhau để thống nhất cách nhận định như thế nào?

GSTS Đặng Hùng Võ

Điều đó đặt vào tay vào đầu những nhà quản lý phải tính toán sao cho không phải mọi việc là doanh nghiệp quyết định, mà mọi việc phải do cơ quan quản lý quyết định, sao cho doanh nghiệp phải chi trả thích đáng cho việc khôi phục lại môi trường. Còn trong trường hợp không thể chi trả được thì phải tính đến bài toán của tương lai. Đây chính là điều các nhà quản lý phải tính tới .

Nam Nguyên: Sau kiến nghị dừng khai thác bauxite của cựu lãnh đạo nhân sĩ trí thức và người dân mà giáo sư cũng có ký tên, hôm 6/11 đoàn công tác của Quốc hội đã đi giám sát các dự án Tân Rai và Nhân Cơ. Giáo sư nhận định gì về việc này?

GSTS Đặng Hùng Võ: Đấy là một hoạt động cũng đúng hướng, bởi vì vẫn phải kiểm tra, xem xét, đánh giá lại. Nguồn cơn của chuyến đi là rất đúng, vấn đề còn lại là kết quả đánh giá lại như thế nào. Các nhà khoa học của Việt Nam đã nói là cần có một hội đồng, một nhóm tư vấn độc lập, để có thể đánh giá khách quan hơn. Tất nhiên cuối cùng sẽ thảo luận với nhau để tiến tới chân lý được đa số thừa nhận là đúng. Việc đi kiểm tra lại việc khai thác ở Tân Rai ở Nhân Cơ là một hoạt động rất đáng hoan nghênh, nhưng một điểm nữa là cần có bình luận cụ thể, đánh giá cụ thể về vấn đề khoa học có liên quan đến khai thác bauxite ở khu vực này. Chúng ta thấy rằng chân lý khoa học luôn luôn tồn tại, vấn đề chúng ta nhìn nhận nó như thế nào, chúng ta cụm lại với nhau để thống nhất cách nhận định như thế nào là cả một câu chuyện phải bàn tới trong thời gian tiếp theo.

Nam Nguyên: Cảm ơn GSTS Đặng Hùng Võ đã dành thời gian cho Đài RFA.

N.N.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn