Hai bài báo – hai quan điểm đối nghịch

image

 

rong bài báo thứ nhất, ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, làm như thể trên trời rơi xuống, tỏ ra ngạc nhiên khi biết có kiến nghị dừng dự án bauxite. Ông còn xác quyết rằng: “Chúng tôi lắng nghe, theo dõi những ý kiến khác nhau, với thái độ thận trọng, sẵn sàng cởi mở, tranh luận để xóa bỏ bớt những khác biệt về nhận thức để tạo điều kiện phát triển cho Đăk Nông nói riêng, đất nước nói chung.

Ông mau quên quá! Để cho ông nhớ, Bauxite Việt Nam xin đăng lại bài báo thứ hai, thuật lại nội dung của cuộc hội thảo ngay tại Đăk Nông, mà ông là Phó chủ tịch tỉnh, ngày 22/10/2008, nghĩa là cách đây mới hơn hai năm. Trong cuộc hội thảo đó, nói như phóng viên báo Tuổi trẻ, “Báo cáo của đại diện TKV về chương trình khai thác quặng bôxit tại các tỉnh Tây nguyên do tập đoàn này làm “tổng chỉ huy” đã hứng ngay một “trận lũ quét” những ý kiến phản biện”. Từ đó, ông và những người có trách nhiệm cao hơn ông, có ai đã công khai trả lời với đầy đủ cứ liệu từng điểm một những luận chứng của phía phản biện hay chưa? Hay chỉ là những tuyên bố liều lĩnh của những “chuyên gia hàng đầu về luyện nhôm” như Tiến sĩ Tô Ngọc Thái, Kỹ sư Trần Văn Trạch,…?

Thưa ông! Sự tồn vong của dân tộc đòi hỏi những người có trách nhiệm phải có một thái độ nghiêm chỉnh, vượt qua “lợi ích” của một nhóm người, chấp nhận một cuộc tranh luận dân chủ, khoa học. Chỉ khi đó, mới có thể khẳng định được rằng quyết định tiến hành khai thác bauxite ở Tây Nguyên “đã được cân nhắc ở tất cả khía cạnh”! Chỉ khi đó, mới có thể có được một sự đồng thuận thực sự.

Một xã hội dân sự là một xã hội biết phản ứng trước những nguy cơ đe dọa đất nước. Sự phản ứng ấy lẽ ra phải được vui mừng đón nhận như một dấu hiệu cho thấy dân ta đã trưởng thành. Nếu không, câu thơ chua xót của Tản Đà “Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”, bây giờ, sau 35 năm đất nước thống nhất, 55 năm xây dựng “chủ nghĩa xã hội”, còn chua xót hơn bội phần.

Bauxite Việt Nam

Phó CT Đăk Nông ngỡ ngàng trước kiến nghị dừng bô-xít

Phạm Huyền (thực hiện)

(VEF) - Có một số kiến nghị dừng dự án bô-xít là không thỏa đáng và không thể vì ý kiến không thỏa đáng mà dừng một dự án đã được chuẩn bị công phu tốn kém cả chục năm nay.

Với kỳ vọng lớn lao cho giấc mơ một nền công nghiệp bô-xít sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế tỉnh vốn là nông lâm như Đăk Nông, ông Trần Phương, Phó Chủ tịch tỉnh Đăk Nông, khá bức xúc khi nghe tin có người xin dừng dự án.

Nhân chuyến đi khảo sát thực địa dự án bô-xít Nhân Cơ, Đăk Nông ngày 7/11, PV. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VEF) đã trao đổi với ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, xung quanh quan điểm của tỉnh này về dự án này.

- Thưa ông, ông có ý kiến thế nào trước việc gần 2.500 nhân sĩ, nhà khoa học ký thư kiến nghị dừng dự án bô-xít Nhân Cơ và mới đây, trong đó có cả các đại biểu Quốc hội?

Tôi nghĩ rằng, việc Trung ương chọn xây dựng nhà máy Nhân Cơ ở Đăk Nông là một quyết định thận trọng, được chuẩn bị kỹ lưỡng, kéo dài hàng chục năm của các cơ quan liên quan. Quyết định đó đã được cân nhắc ở tất cả khía cạnh.

Người dân tin tưởng trên địa bàn có một nền công nghiệp phát triển tốt, cải thiện được cuộc sống của dân.

Vì thế, thông tin xin dừng dự án Nhân Cơ làm cho người dân cảm thấy ngỡ ngàng, thiếu tin tưởng vào tương lai phát triển của tỉnh. Tôi cho rằng, đó là một điều không tốt, tạo tâm lý không tốt cho người dân.

Tôi đã đọc ý kiến của các vị đó, nhưng tôi rất tiếc là tôi chưa bao giờ gặp các vị đó đến Đăk Nông để xem xét tình trạng triển khai dự án khai thác bô-xít như thế nào, đặc biệt là nghe xem thảo luận của chúng tôi về dự án Nhân Cơ.

clip_image001

Ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông (ảnh: Phạm Huyền)

Tôi thực sự ngạc nhiên về ý kiến đó. Những việc các ông ấy nói về dự án rất xa lạ với chúng tôi.

Riêng về ý kiến phản biện của ông Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, tôi đã có dịp trao đổi với ông ấy nhiều lần. Tôi cho là ý kiến của ông ấy mang tính cực đoan, không xây dựng. Tôi đã từng chủ trì hội thảo quốc tế mà ông Sơn là diễn giả trong cuộc đó.

Khai thác bô-xít còn mới ở nước ta nên xuất hiện những ý kiến khác nhau về chủ trương nên làm hay không nên làm, là điều đương nhiên.

Chúng tôi lắng nghe, theo dõi những ý kiến khác nhau, với thái độ thận trọng, sẵn sàng cởi mở, tranh luận để xóa bỏ bớt những khác biệt về nhận thức để tạo điều kiện phát triển cho Đăk Nông nói riêng, đất nước nói chung.

- Vậy, về kiến nghị cần thành lập một hội đồng khoa học độc lập để thẩm định lại dự án, ông có quan điểm thế nào về việc này?

Tôi cho là hoàn toàn không cần thiết, vì bản thân hội đồng khoa học thẩm định của Chính phủ thành lập đã mang tính độc lập đối với chủ sở hữu là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Hội đồng đó không chỉ bao gồm mỗi Bộ Công Thương mà còn có nhiều cơ quan khác liên quan đến công nghiệp bô-xít.

Một hội đồng như vậy mà chúng ta không tin thì còn tin vào hội đồng nào khác hơn nữa? Liệu có một hội đồng độc lập cao hơn nữa? Chẳng lẽ, mời Liên hợp quốc vào thẩm định sao?

Rõ ràng, nếu xảy ra sự cố tràn bùn đỏ, ảnh hưởng xấu tới môi trường thì ngươi dân Đăk Nông chúng tôi hứng chịu đầu tiên.

Chính vì thế, tôi đã yêu cầu các cơ quan quản lý phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, đẩy nhanh quá trình xây dựng trạm quan trắc môi trường của tỉnh. Chúng tôi sẽ giám sát, đảm bảo nhà máy đúng thiết kế được phê duyệt.

- Các kiến nghị dừng dự án về Nhân Cơ, ngoài lo ngại vấn đề môi trường, đều liên quan đến lý do rủi ro kinh tế lớn. Vì sao, ông lại không đồng tình việc dừng dự án này?

Tôi cho rằng, dự án này mà dừng lại thì thiệt hại rất lớn cho chính sự phát triển kinh tế của tỉnh Đăk Nông. Vì sao tôi nói vậy?

Theo tôi nhận thức được, dù có tiềm năng 220.000-230.000 ha đất nông nghiệp song Đăk Nông không phải là tỉnh có lợi thế về nông nghiệp tốt như Đăk Lak, Gia Lai. Năng suất cao su, cà phê của Đăk Nông đều kém Đăk Lăk, Gia Lai cả. Do đó, sự phát triển kinh tế của tỉnh Đăk Nông không thể dựa vào mỗi nông nghiệp.

Lợi thế thứ 2, là phát triển tài nguyên du lịch sinh thái do vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu của tỉnh. Nhưng việc phát triển du lịch sinh thái là tiềm năng lâu dài, phải có thời gian chứ không thể làm nhanh được.

Lợi thế thứ 3 là phát triển công nghiệp thủy điện song đến nay, nguồn thủy điện đã gần tới giới hạn, chỉ còn trên dưới 300MW tiềm năng.

clip_image002

Dự án bô-xít Nhân Cơ mới xong phần giải phóng mặt bằng (ảnh: Phạm Huyền)

- Vậy, còn khoảng nào cho phát triển kinh tế Đăk Nông?

Chúng tôi có khoảng 5,4 tỷ tấn quặng bô-xít có chất lượng tương đối tốt. Với trữ lượng đó, không chỉ cho phép Đăk Nông mà còn cho phép đất nước ta phát triển một ngành công nghiệp quan trọng, lớn, có ý nghĩa.

Nếu như, không đánh thức nguồn tài nguyên bô-xít đó, không xây dựng nhà máy khai thác và chế biến alumin, phát triển kinh tế, góp phần làm giàu đất nước thì tôi thấy điều đó là vô lý.

- Thưa ông, nếu dừng dự án, phải chăng là ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách địa phương? Vì dự án này dự kiến đóng góp tới 50% cho ngân sách tỉnh.

Tất nhiên tỉnh nào cũng mong muốn mình có nguồn thu riêng của mình đủ để đảm bảo nhu cầu chi tiêu mà không cần phải xin trợ cấp của Trung ương. Đó là lòng tự trọng của các địa phương.

Tuy nhiên, dự án này không phải quá lớn ở địa phương. Tôi không quan tâm dự án đóng góp ngân sách nhiều hay ít, mà quan tâm nó phát triển kinh tế xã hội ở Đắk Nông như thế nào?

Nếu có công nghiệp bô-xít sẽ kéo theo một loạt các ngành khác như ngành cơ khí, ngành sản xuất bao bì đựng alumin, sản xuất băng tải cho nhà máy… Chính cái đó góp phần nâng cao trình độ sản xuất cho người dân Đăk Nông, còn việc sau này nhà máy đóng góp ngân sách vài trăm tỷ thì tôi lại không quan tâm.

- Vậy, ông mong mỏi gì ở sau chuyến thực địa vừa qua của Tập đoàn Than và Bộ Công Thương, Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội?

Tôi 55 tuổi và đã ở đây 52 năm, từ năm 1958. Chuẩn bị cho dự án, tôi đã tham gia từ năm 2000, khi là Giám đốc Sở Công nghiệp của tỉnh.

Không có lý do gì chỉ vì vài dữ kiện mà chưa thực sự chính xác, vì dụ như bảo dự án bô-xít nằm trên vùng đá vôi là không đúng… mà bảo dừng dự án. Những ý kiến như vậy không thỏa đáng và không thể vì ý kiến không thỏa đáng mà dừng một dự án đã được chuẩn bị công phu tốn kém cả chục năm nay.

Tôi đề nghị Tập đoàn Than, Bộ Công Thương sau chuyến thực địa, cung cấp thêm thông tin cho chúng tôi để tuyên truyền thông tin đúng đắn cho người dân. Tôi tin là khi họ hiểu thì họ sẽ ủng hộ dự án.

P. H.

Nguồn: http://vef.vn/2010-11-09-pho-ct-dak-nong-ngo-ngang-truoc-kien-nghi-dung-bo-xit

Tây nguyên sẽ “chết” vì... khai thác bôxit

clip_image004

Một góc khu vực mỏ bôxit đang được khai thác tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) - Ảnh: N.H.T.

TT - Đây là cảnh báo của những nhà khoa học tại hội thảo với chủ đề “Tìm giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực do khai thác, chế biến quặng bôxit, sản xuất alumin và luyện nhôm tại khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ” do UBND tỉnh Đắc Nông, Viện Tư vấn và phát triển (CODE) và Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản VN (TKV) tổ chức ngày 22-10 tại tỉnh Đắc Nông.

Báo cáo của đại diện TKV về chương trình khai thác quặng bôxit tại các tỉnh Tây nguyên do tập đoàn này làm “tổng chỉ huy” đã hứng ngay một “trận lũ quét” những ý kiến phản biện. Không chỉ những nhà khoa học xuất thân từ vùng đất Tây nguyên hoặc có nhiều năm nghiên cứu về Tây nguyên lên tiếng phản đối mà chính cả cán bộ của TKV cũng cho rằng đây là một dự án “chẳng giống ai”.

Sai lầm chiến lược?

Theo TKV, mục tiêu của dự án là khai thác nguồn quặng khổng lồ có trữ lượng quặng tinh hơn 3,4 tỉ tấn đang nằm im dưới lòng đất Tây nguyên để phát triển kinh tế, đánh thức tiềm năng của vùng đất này. Tuy nhiên, bài phản biện dài 75 phút của TS Nguyễn Thành Sơn -  giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng, thuộc TKV - bác bỏ gần như hoàn toàn dự án này và cho rằng đây là một sai lầm chiến lược chứa đựng những rủi ro không thể lường hết.

Ông Sơn đánh giá quy hoạch khai thác quặng bôxit được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao TKV làm đầu mối để triển khai ở Tây nguyên là quá nhiều tham vọng. Bởi vì nhôm không phải là kim loại quý và chưa có quốc gia nào coi bôxit là khoáng sản chiến lược để dốc sức khai thác như VN. Theo ông Sơn, kế hoạch của TKV mới chỉ chú trọng việc khai thác quặng rồi chế biến thành alumin để xuất khẩu thì hiệu quả kinh tế không cao và chỉ có tác dụng phục vụ các đại gia luyện nhôm nước ngoài vốn không muốn tốn nhiều chi phí cho việc khai thác.

Chưa kể chương trình khai thác, chế biến quặng bôxit của TKV chứa đựng nhiều rủi ro không thể kiểm soát được. Nhu cầu nhôm trong nước không nhiều và cũng không thể có đủ điện để có thể xây dựng các nhà máy luyện nhôm phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, quá trình khai thác đòi hỏi một nguồn vốn lớn, một nền tảng khoa học công nghệ cao sẽ đặt VN vào thế phụ thuộc nước ngoài. Đặc biệt, các rủi ro về môi trường, sinh thái bị hủy hoại đến nay chưa được nghiên cứu, chưa được đề cập đến nơi đến chốn.

Ông Sơn kiến nghị lập ngay một ủy ban quốc gia về phát triển bền vững cho vùng Tây nguyên, đồng thời tổ chức những cuộc tranh luận khoa học “đến đầu đến đũa” các tác động của việc khai thác bôxit đến kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Trong khi tranh luận chưa ngã ngũ thì các dự án đang triển khai phải dừng lại để hạn chế những hậu quả đáng tiếc.

Tàn phá môi trường

Khai thác quặng bôxit chế biến thành alumin để luyện nhôm là một quy trình tiêu tốn lượng nước và điện khổng lồ, đồng thời phát thải một lượng khí thải nhà kính và bùn đỏ có sức hủy diệt môi trường rất ghê gớm. GS Đào Công Tiến - nguyên hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP.HCM - cảnh báo: “Nguồn nước của Tây nguyên những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng, nếu trưng dụng nguồn nước cho khai thác bôxit, chắc chắn Tây nguyên sẽ chết vì thiếu nước”.

Chưa kể theo quy trình hiện nay, muốn sản xuất 1 tấn nhôm cần phải có 2 tấn alumin, tức phải khai thác ít nhất 4 tấn quặng bôxit. Và quá trình này thải ra đến 3 tấn bùn đỏ là một chất thải cực kỳ nguy hại, thậm chí chứa phóng xạ mà ngay cả các nước phát triển như Mỹ, Nhật cũng không có cách nào xử lý ngoài việc chôn lấp. TS Nguyễn Thành Sơn trưng ra những hình ảnh các bãi chứa bùn đỏ ở các nước tiên tiến như Pháp, Úc và cho rằng ý tưởng trồng cây trên những bãi bùn đỏ mà TKV đưa ra là ảo tưởng.

Hiện nay không có cách nào khác là chôn lấp bùn đỏ ngay tại Tây nguyên và với vị trí thượng nguồn của các con sông lớn, những bãi bùn đỏ sẽ trở thành những núi “bom bẩn” nếu xảy ra thiên tai, lũ quét gây tràn vỡ. “Khi đó không chỉ các tỉnh Tây nguyên mà người dân các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ sẽ lãnh đủ hậu quả” - ông Sơn khẳng định.

Quan trọng hơn, mặt đất sau khai thác quặng sẽ như thế nào? Mặc dù TKV dẫn kinh nghiệm của các nước để cho rằng khả năng hoàn thổ, phục hồi thổ nhưỡng là gần như đạt 100% nhưng các nhà khoa học chứng minh ngược lại. Theo ông Sơn, với địa hình đồi dốc và mưa lũ hằng năm của Tây nguyên, toàn bộ mặt đất sau khai thác sẽ bị nước cuốn trôi và không thể nào có hi vọng tái tạo.

Cư dân bản địa, văn hóa dân tộc sẽ về đâu?

Là người con Tây nguyên, TS Tuyết Nhung Buôn Krông phản biện bằng cách công bố công trình nghiên cứu dài 36 trang của nhóm Đại học Tây nguyên về khảo sát xã hội tại khu vực TKV đang triển khai nhà máy khai thác ở xã Nhân Cơ. Bà Tuyết Nhung khẳng định: “TKV nói rằng khu vực khai thác bôxit là những vùng rừng không phát triển, cây trồng không sống được trong khi thực tế cho thấy khu vực này đang phát triển rất mạnh cây cà phê và đời sống người dân đang ổn định”.

Theo bà, với dự án đang triển khai tại Nhân Cơ đe dọa không gian văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Nếu mất “bon” (làng của người M’Nông), mô hình làng truyền thống và văn hóa của người M’Nông sẽ bị triệt tiêu.

Từ đó kéo theo hàng loạt vấn đề về văn hóa - xã hội, thậm chí là các vấn đề an ninh, chính trị. Cơ hội việc làm cho người lao động gần như không có, vì người dân tộc không có trình độ học vấn để có thể đào tạo thành công nhân phục vụ các nhà máy. Không có đất người dân bản địa sẽ đi đâu? Văn hóa Tây nguyên sẽ về đâu?” - bà Nhung hỏi. Theo bà, người dân mong mỏi ở các cấp chính quyền và chủ đầu tư một cam kết về vấn đề việc làm và bảo đảm một không gian văn hóa một khi phải nhường đất cho các dự án khai thác bôxit.

Cả hội trường lặng đi khi tác giả của Đất nước đứng lên - nhà văn Nguyên Ngọc - bước lên bục. Con người của vùng đất Tây nguyên này cho rằng điều cần cân nhắc nhất không hẳn là vấn đề môi trường mà trước hết và quan trọng hơn hết là chuyện xã hội - văn hóa. Ông Ngọc nhắc lại: sau năm 1975 chúng ta đã tổ chức một cuộc di dân chưa từng có từ đồng bằng lên Tây nguyên với cường độ, tốc độ rất lớn và đến nay đã chứng tỏ đó là một sai lầm lớn.

Ông Ngọc cho rằng: “Chúng ta đã hành động ở Tây nguyên rất thản nhiên, không hề quan tâm đến chỗ đây là một vùng đất và người rất đặc biệt về nhiều mặt. Thậm chí có thể nói chúng ta đã làm mọi việc ở Tây nguyên như là trên một vùng đất không người”.

Theo ông, nếu tiếp tục triển khai dự án như kế hoạch của TKV, chắc chắn không gian sống, không gian văn hóa của cư dân bản địa Tây nguyên sẽ bị đảo lộn, nếu không nói là bị xóa sổ. Người M’Nông, chủ nhân ngàn đời của vùng đất Đắc Nông, sẽ đi về đâu? Lời hứa của những người chủ trương dự án, những nhà đầu tư và thực thi dự án hứa với đồng bào M’Nông có bao nhiêu căn cứ?

Những câu hỏi này chưa được giải đáp và cuộc hội thảo còn tiếp tục đến hết hôm nay. Chúng tôi xin mượn lời của nhà văn Nguyên Ngọc để tạm kết thúc bài viết này: “Theo tôi, chúng ta đang đứng trước một quyết định mất còn. Và sẽ rất kỳ lạ nếu chúng ta làm chuyện quá ư to lớn này ở đây mà không hề nghĩ, không hề nhớ đến những gì đã diễn ra trong 30 năm qua. Những bài học lớn, sâu và cay đắng 30 năm ấy còn để lại, sờ sờ ra đấy, rất có thể lại dạy ta lần nữa, và thường vẫn vậy, lần sau bao giờ cũng nghiêm khắc hơn lần trước”!

Bôxit Bảo Lộc: Gây ô nhiễm nặng

Hoạt động liên tục suốt 32 năm qua, chủ quản mỏ bôxit Bảo Lộc là Công ty Hóa chất cơ bản miền Nam (thuộc Tổng công ty Hóa chất VN, Bộ Công thương). Mỏ này tuyển ra bôxit thương phẩm để đưa về Nhà máy hóa chất Tân Bình (TP.HCM) sản xuất hydroxit nhôm (Al(OH)3); từ chất này sẽ được dùng để sản xuất phèn nhôm lọc nước, chất phụ gia trong ngành sành sứ, hay vật liệu chịu lửa. Mỏ bôxit Bảo Lộc hằng năm sản xuất ra 120.000 tấn quặng tinh. Để tuyển ra nguồn quặng tinh này, khối lượng quặng nguyên khai hằng năm là 260.000 tấn. Theo giám đốc mỏ bôxit Bảo Lộc Huỳnh Minh Trí, mỏ chỉ giải quyết được 94 lao động, thuế đóng cho địa phương là... 1,2-1,5 tỉ đồng/năm.

Toàn bộ hạ lưu của mỏ bôxít Bảo Lộc là suối Damrông, thuộc khu Minh Rồng (thượng nguồn sông La Ngà, tên gọi khác của sông Đồng Nai, đoạn chạy qua vùng Định Quán) đã biến thành “vùng đất chết” do hoạt động của mỏ này. Chính quyền thị xã Bảo Lộc liên tục “được” người dân vùng hạ lưu Minh Rồng “kêu cứu” vì ô nhiễm...

N.H.T.

NGUYỄN TRIỀU

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn