Kinh hoàng “lũ bùn đỏ” ở Cao Bằng

Lãng Quân

image Con đập chắn nước thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng (thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng), xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng bị vỡ. Một cơn lũ “bùn đỏ” ập tới nhấn chìm nhà cửa vườn tược của hàng trăm hộ dân. Tin này nhanh chóng được nhiều tờ báo đăng tải. Tuy nhiên không một tờ báo nào vạch rõ rằng Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng là thành viên thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV). Thiệt hại ở Cao Bằng không lớn, bùn đỏ do tuyển rửa quặng sắt tuy có chứa chất độc hại nhưng không thể so sánh với bùn đỏ do luyện alumina. Nhưng sự kiện này vẫn nhắc nhở nghiêm túc người dân Việt chớ có tin hoàn toàn vào lời hứa của TKV, hay cấp cao hơn TKV, nếu không có những nghiên cứu khoa học độc lập.

Bauxite Việt Nam

SGTT.VN - Nhà cửa, vườn tược, sông suối… của hàng trăm hộ dân tại thị xã Cao Bằng bỗng chốc ngập chìm trong bùn đỏ và nước. “Cơn lũ bùn đỏ” bất ngờ ập đến, dân không kịp trở tay...

Mặc dù trời chẳng đổ hạt mưa nào nhưng cơn nước lũ bất ngờ mang theo bùn đất đùng đùng kéo đến làm gia đình chị Mã Thị Bạch, cùng hàng trăm người dân khác ở xóm Nà Kéo, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng chẳng kịp trở tay. Nhà cửa, vườn tược bỗng chốc ngập chìm trong bùn đỏ và nước. Người dân hoang mang lo sợ hậu quả từ “cơn lũ bùn đỏ” này gây ra.

Bùn đỏ bất ngờ ập đến, dân không kịp trở tay

clip_image002

Một chiếc máy xúc đang cố gắng dùng gàu gạt dòng bùn đỏ quạch, đặc sánh để thông đường cho dân đi lại. Ảnh: Lãng Quân

Bất lực nhìn đống đất bùn đỏ nhầy nhụa, chị Bạch nhăn nhó kể: “Cơn lũ bùn đến nhanh quá! Tôi đang đi họp tổ dân phố thì nghe có tiếng người hét gọi Bạch ơi về ngay, nhà mày ngập hết rồi! Tất tưởi chạy về thì thấy bùn từ đâu tràn về ngập vào đầy nhà. Hoảng hồn, tôi chỉ kịp bê cái ti vi và mấy bộ quần áo, chăn màn chạy lên đường. Một lúc sau, bùn đỏ đã ngập quá đùi, không thể sơ tán được gì nữa, đồ đạc vẫn nguyên trong nhà, mấy chục con gà mắc kẹt trong lồng cũng không kịp sơ tán, chết cả”.

Cơn “lũ bùn đỏ” xảy ra vào đêm 5.11, kéo theo hàng ngàn khối bùn đất từ thượng nguồn đổ xuống, tràn lấp cả dòng suối rồi ùa lên đồng ruộng, hoa màu, vườn tược, nhà cửa của người dân. Nó nhuộm đỏ những gì trên đường đi qua. Nhưng may mắn là không có ai thiệt mạng.

Hết bàng hoàng, tìm hiểu ra người dân mới biết, cơn lũ không phải do ông trời gây ra mà do chính con người mang đến. Cụ thể là do đập chắn nước thải từ việc tuyển rửa quặng của xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng, xã Duyệt Trung, thị xã Cao Bằng (thuộc Công ty khoáng sản luyện kim Cao Bằng) đã bị vỡ.

clip_image004

Người dân gặp rất nhiều khó khăn khi bùn đỏ tràn ngập xóm làng. Ảnh: Lãng Quân

Có mặt tại hiện trường ngày 6.1, chúng tôi chứng kiến con đường vào xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng này thường vốn đã khó đi, nay tràn ngập toàn bùn đỏ. Hàng chục người và xe máy không thể qua được dòng suối nhỏ đã bị bùn đỏ đặc quánh ngập quá đầu gối. Trong khi đó, một chiếc máy xúc đang cố gắng dùng gàu gạt dòng bùn đỏ quạch, đặc sánh để thông đường cho dân đi lại. Dọc hai bên bờ suối dài khoảng 2 km, bùn đỏ ngập ngụa đồng ruộng.

Vượt qua đám bùn đỏ ngập ngụa, chúng tôi đến được xóm 4 Nà Gà, xã Duyệt Trung. Ông Nguyễn Văn Túc, một người dân ở đây, đang cố gắng dùng xẻng xúc đống bùn đỏ dày đặc đang bám đầy sân và giếng nước. Thở dài thườn thượt, ông Túc nói: “Để dọn hết những đống đất này chắc phải mấy ngày. Nhà thì dọn còn dễ, chứ đồng ruộng thì không biết bao giờ mới xong, mùa vụ đến nơi rồi! Cái ác ở chỗ là không phải do thiên tai lũ lụt, mà do con người làm hại mới ác”.

Không riêng gì gia đình ông Túc, chị Bạch mà khu vực này còn rất nhiều hộ dân bị thiệt hại bởi lũ bùn như hộ Nông Văn Ngân, Nông Văn Tuyến, Lương Văn Tòng, Hoàng Văn Hoà, Hoàng Văn Quang...

Theo những người dân sinh sống lâu năm ở đây, dòng suối này trước kia vốn trong xanh, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cả vùng. Thế nhưng từ ngày xí nghiệp khai thác quặng đi vào hoạt động, con suối bỗng trở nên đỏ quạch, không những không thể dùng sinh hoạt mà đến cả cá tôm cũng chết sạch.

Điều đáng nói hơn, con suối này còn chảy ra Sông Bằng – nơi cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhiều cư dân ven sông.

Có thể chứa hoá chất độc hại

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỏ quặng Nà Lũng được đưa vào khai thác những năm 1990. Quặng sắt sau khi được đào bới sẽ được phun nước rửa sạch. Sau đó, nước thải chảy xuống, lắng bùn tại những cái đập lớn. Hiện nay có 4 đập chắn nước thải, đập chắn số 4 là đập cuối cùng trước khi nước xả ra suối. Tuy vậy, nó được đắp bằng đất, trông có vẻ sơ sài và thiếu chắc chắn.

clip_image006

Ngôi nhà của chị Bạch ngập sâu dưới bùn đỏ. Ảnh: Lãng Quân

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng cho biết đây không phải lần đầu tiên người dân khu vực hạ nguồn của mỏ Nà Lũng bị ngập bùn.

“Trước đó, mỏ đã nhiều lần xả bùn làm ngập đồng ruộng và gây thiệt hại cho dân. Chính quyền địa phương đã yêu cầu phía Công ty khắc phục hậu quả. Công ty đã hứa sẽ có biện pháp chấm dứt tình trạng trên, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn tái diễn”, ông Quang nói.

Hiện nay, Công ty đang huy động máy xúc khơi thông bùn trên đoạn đường vào mỏ, sẽ dùng máy bơm nước rửa nhà cho những hộ bị bùn ngập vào nhà.

Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ vét hết bùn là xong, vì đây không phải loại bùn thông thường mà là bùn công nghiệp được “sinh” ra từ việc tuyển rửa quặng, có thể chứa các chất hoá học, kim loại nặng gây độc hại cho sức khoẻ con người, cây trồng và vật nuôi.

Do vậy người dân lo lắng, nếu không có biện pháp vệ sinh, giải độc một cách cẩn thận có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Chính quyền và người dân đang nỗ lực nạo vét bùn đất ra khỏi khu vực dân sinh. Song với khối lượng bùn đỏ tràn ngập như hiện nay thì không ai có thể nạo vét hết trong ngày một ngày hai. Hơn nữa, những dòng bùn thải công nghiệp này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ người dân cũng cần được các cơ quan chức năng làm rõ.

Người dân cũng đặt vấn đề: liệu rằng những cơn lũ bùn kinh hoàng như thế này có còn bất ngờ ập đến nữa không? Ai có thể chắc rằng những con đập được xây lắp một khá sơ sài kia không còn vỡ?... Câu hỏi này chỉ có các cơ quan chức năng mới có thể trả lời.

Ông Lê Ngọc Quang, phó chủ tịch UBND thị xã Cao Bằng cho biết chính quyền thị xã đã yêu cầu xí nghiệp khai thác quặng sắt Nà Lũng phải có trách nhiệm phối hợp với người dân để sớm khắc phục hậu quả do cơn lũ bùn này gây ra.

“Trước mắt là giải phóng một số lượng lớn bùn đất tràn vào các hộ dân, sau đó phải khẩn trương bơm nước tẩy rửa lượng bùn tràn vào đồng ruộng. Về lâu dài, xí nghiệp này cũng phải có biện pháp khử độc do bùn thải công nghiệp gây ra, đồng thời có chính sách bồi thường cho các gia đình bị thiệt hại”.

Các cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra nhằm tìm ra nguyên nhân của vụ vỡ đập trên.

clip_image007

Nhiều đất đai hoa màu của dân bị bùn đỏ phủ dày hàng mét. Ảnh: Lãng Quân

 

clip_image008

Ông Nguyễn văn Túc đang cố gắng nạo vét bùn ra khỏi giếng nước. Ảnh: Lãng Quân

 

clip_image009

Một trong những đập chắn thải của xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng. Ảnh: Lãng Quân

 

L. Q.

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn