Úc và sự giám sát bôxit

Mỹ Loan tổng hợp

clip_image001

Xe cơ giới khai thác ở mỏ bôxit Weipa, bang Queensland (Úc) - Ảnh: abundancesecrets.com

TT - Úc là nước sản xuất bôxit lớn nhất thế giới, chiếm 30% sản lượng toàn cầu năm 2009. Nguồn bôxit tập trung ở Weipa, bang Queensland và Gove ở Northern Territory (Bắc Úc), Darling Range, Mitchell Plateau và Cape Bougainville (Tây Úc).

Giám sát chặt chẽ

Trang web http://www.ecosmagazine.com/http://www.alcoa.com/ dẫn chứng: năm 1960 Tập đoàn nhôm Alcoa (một trong những tập đoàn khai thác bôxit hàng đầu của Úc) đã đệ trình chính phủ dự án xây dựng nhà máy luyện nhôm Wagerup ở Kwinana, nam Perth (Tây Úc).

Tại thời điểm này luật môi trường của Úc chưa được chặt chẽ, ý thức về tác hại môi trường từ các nhà máy luyện nhôm chưa được nâng cao trong cộng đồng dân cư cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên Chính phủ Úc tuyên bố nhà máy luyện nhôm Wagerup chỉ được xây dựng khi Tập đoàn Alcoa lập các trạm quan trắc khí thải, bùn đỏ và nước thải gần nhà máy.

 

Báo cáo của Tổ chức Khoa học và công nghiệp Úc cho biết hiện nay có ba phương pháp xử lý chất thải bùn đỏ từ bôxit là xử lý ướt (lagoon), khô chồng (dry stacking) và khô bánh (dry disposal - làm khô thành bánh để chở đi) thì phương pháp ướt có nhiều điểm bất lợi nhất. Một trong những lợi ích của kỹ thuật khô là ngoài hiệu quả phục hồi chất kiềm, giảm ô nhiễm thì diện tích chứa chất thải sẽ giảm đi nhiều.

Song song đó Bộ Môi trường Úc cũng đặt các trạm quan trắc giám sát tương tự ở các khu vực xung quanh điểm xây dựng nhà máy, đặc biệt là gần những khu tập trung đông dân cư. Alcoa cũng phải đệ trình chi tiết bản quy hoạch xử lý bùn đỏ, theo đó tái chế chất thải bùn đỏ vào những quy trình khác.

Nhà máy luyện nhôm Wagerup đã được phép thành lập vào năm 1980 sau khi đáp ứng yêu cầu đánh giá tác động môi trường của các cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư địa phương. Tuy nhiên, trong khuôn khổ ngành công nghiệp làm ảnh hưởng môi trường cao nhất trong các nhóm ngành công nghiệp nặng, Tập đoàn Alcoa cũng không tránh khỏi những sai lầm khi thải ra khói bụi và các chất NO2, asen, cadmi... quá mức cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe của khu vực dân cư xung quanh.

Bên cạnh đó Tập đoàn Alcoa đã thành lập Quỹ Bền vững (Wagerup Sustainability Fund) để hỗ trợ cải thiện môi trường. Cộng đồng địa phương cũng lập ra tổ chức theo dõi và thông tin về mọi lĩnh vực liên quan đến nhà máy nhôm ở trang web www.caps6218.org.au. Tập đoàn Alcoa đã có thái độ hợp tác tốt với Ủy ban điều tra sức khỏe và môi trường địa phương thông qua việc cung cấp các thông số kỹ thuật, môi trường và đứng ra nhận lỗi trước cộng đồng, đền bù thiệt hại thỏa đáng cho người dân khi xảy ra sự cố về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của người dân.

Giới phân tích nhận định sở dĩ Alcoa làm được điều này là do có sự tham gia giám sát của cộng đồng dân cư trong khu vực cũng như các tổ chức liên quan ngay từ khi nhà máy thành lập.

Công nghệ xử lý bùn đỏ

Cơ quan bảo vệ môi trường Tây Úc cho biết tất cả mỏ khai thác bôxit và nhà máy luyện nhôm của nước này đều phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường theo quy định của Chính phủ Úc, dưới sự thẩm định của các tổ chức liên quan trực tiếp và gián tiếp. Những mỏ khai thác này đều phải thành lập các trạm quan trắc nằm xung quanh khu vực khai thác của họ.

Trang web http://www.ecosmagazine.com mô tả kỹ thuật luyện nhôm của Úc dựa trên quy trình Bayer, một phương thức sản xuất chính tinh luyện quặng thô bôxit để sản xuất quặng tinh nhôm.

Quy trình này đã được hoàn thiện để giảm mức tiêu hao năng lượng trong quá trình sản xuất bôxit, giúp tái chế nguyên liệu, giảm thiểu khí thải và tác hại môi trường từ bùn đỏ của các quặng bôxit.

Từ năm 1985, phần lớn nhà máy luyện nhôm ở Úc đã chuyển từ công nghệ xử lý bùn đỏ ướt sang công nghệ xử lý bùn đỏ khô, một biện pháp được đánh giá là cơ bản hiện nay. Đây là phương pháp xử lý khô chất thải bùn đỏ nhằm tránh để chất natri hydroxit ngấm vào các mạch nước ngầm, sau đó đổ vào nguồn nước sinh hoạt chính của các vùng xung quanh nếu xảy ra mưa lũ.

Theo phương pháp trên bùn đỏ sẽ được làm quánh lại, sau đó được ủi ra theo độ dốc nhất định để nước trong bùn chảy vào một hồ lược. Chờ lớp bùn này khô sẽ dùng thiết bị ép lớp đất này lại và tiếp tục rải tiếp lớp thứ hai, quy trình tương tự sẽ được tiếp diễn. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường Úc, phương pháp này rất hữu hiệu trong việc giảm thiểu ảnh hưởng nhất định của chất thải bùn đỏ lên môi trường xung quanh.

Chỉ một số nhà máy xây dựng từ thập niên 1960 như nhà máy thuộc Công ty nhôm Queensland, gần bờ biển Gladstone vẫn còn dùng công nghệ xử lý ướt với nước biển. Nước biển sẽ được dùng để trung hòa chất kiềm trong bùn đỏ ướt, sau đó làm quánh lại trước khi lượng bùn này chảy vào hồ chứa nhằm giảm mức ngấm vào mạch nước ngầm xung quanh.

Từ năm 1991, ba nhà máy của Tập đoàn Alcoa gần Wagerup đã áp dụng công nghệ xử lý khô chất bùn đỏ. Theo đó cát trong chất thải được phân loại, chất bùn đỏ còn lại được làm khô theo cách thức trên, sau đó bùn đỏ được đưa ra bãi chôn khi đã được xe ủi cán theo từng lớp riêng biệt.

Biện pháp này đã giúp Alcoa giảm thiểu tối đa diện tích hồ chứa và nguy cơ natri hydroxit ngấm vào nước ngầm. Nếu cho bùn đỏ ướt vào hồ chứa, lúc trên mặt khô thì bùn đỏ khô dễ bị gió cuốn, mang theo các hạt bụi chứa nhiều thành phần độc. Vì thế, kỹ thuật khô với các tầng được nén ép bằng xe ép và các máy phun nước trên mặt đất đỏ khô sẽ giảm thiểu bụi nguy hiểm.

Ngành khai thác bôxit của Úc được thành lập và phát triển từ thập niên 1960 đến nay. Các mỏ bôxit của Úc phần lớn tập trung ở các vùng đồng bằng duyên hải và có khí hậu khô.

Theo Cục Thống kê Úc, tương lai lâu dài của ngành công nghiệp sản xuất nhôm của Úc phụ thuộc vào nguồn bôxit ở Weipa, Gove, miền nam Perth. Hiện nay Úc có năm mỏ khai thác bôxit phục vụ ngành sản xuất nhôm và một số ngành kim loại khác. Hiện ở Úc có bảy nhà máy luyện nhôm, trong đó bốn nhà máy ở bang Tây Úc, hai nhà máy ở bang Queensland và một nhà máy ở Northern Territory (Bắc Úc). Tất cả nhà máy trên nằm gần bờ biển, có cảng thuận tiện để chuyên chở.

Úc cũng là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất bôxit năm 2009. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và kinh tế tài nguyên Úc cho biết tổng sản lượng khai thác bôxit của Úc năm 2009 đạt 65 triệu tấn, chiếm 30% sản lượng toàn cầu.

Theo thống kê của Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ, nguồn tài nguyên bôxit của Úc đứng thứ hai thế giới với trữ lượng 7,9 triệu tấn, tập trung gần bờ biển, sau Guinea

M. L.

Nguồn: Tuoitre

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn