Liên tưởng

Phạm Toàn

Bài dưới đây đăng trên Vietnamnet ngày 21-10-2011 (một ngày sau ngày gì đó có liên quan tới hạnh phúc của chị em Việt Nam ta.

Đọc xong bài này, tự dưng liên tưởng đến cảnh người bị móc túi trên xe buýt van lạy các ông bà kẻ cắp hãy trả lại đồ bị móc túi, chợt nghĩ: các đồng chí trinh sát đâu cả rồi?

Các đồng chí có biết rẳng ở nước ta hiện đang có những khu mỏ với những thợ mỏ thực sự là nô lệ? Các đồng chí có biết ở các bến xe ngập ngụa những kẻ làm cho người đàn ông bị móc túi phải nuốt nhục mếu máo van xin?

Ấy vậy nhưng ở giữa “thủ đô của thủ đô” là quận Hoàn Kiếm, lại thấy thừa thãi các đồng chí vận thường phục giật nón của Minh Hằng đông ơi là đông. Đâu cả rồi, sao không thấy các đồng chí xung phong vào các khu mỏ nô lệ, đưa một tay cứu giúp những người nô lệ này, xóa cho tan cảnh nô lệ này?

Ở giữa thủ đô mà các đồng chí đông như quân Nguyên – còn ở đây thân phận người công nhân đàn bà Thanh Nhàn biết đến khi nào thì đạt cái ước mơ từ thưở mẹ cha đặt tên?

Chưa mất nước mà đã nhục đến thế. Đợi đến khi bọn quân Nguyên chúng nó chính thức phê chuẩn mọi điều, sẽ còn nhục tới đâu nữa đây?

Chỉ mới là liên tưởng thôi…

P.T.

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

Những nữ phu vàng kiêm "vợ 1 đêm"

Giáp mặt điểm nóng “vàng tặc” những ngày cuối tháng 9, đằng sau những giấc mơ vàng là những cuộc đời bạc phếch, đang chết dần chết mòn giữa thung lũng miền sơn cước Phước Sơn, Nam Giang… mà đau đớn nhất là cánh phu vàng nữ.

Giấc mơ đổi đời

Cuối hè, miền sơn cước Quảng Nam vẫn lạnh ngắt khi mặt trời ló rạng. Mưa từng cơn, rả rích. A Lăng Hèo, người dân cõng củi từ bìa rừng hướng về thị trấn Khâm Đức lắc đầu: “Vô bãi vàng bữa nay nguy hiểm lắm, về thôi”.

Trái ngược, những “đại bàng rừng” (xe ôm) vẫn vô tư lự, sẵn sàng “cõng” chúng tôi vượt ải nếu trả đủ 1,2 triệu đồng cho một chuyến vào ra trong ngày. “Nếu ở lại đêm chịu thêm 7 “xị”/ngày (700 ngàn đồng), kèm theo cơm, rượu, trà thuốc” - gã xe ôm Hải “đen” hất cằm “phán”. 10 năm trước, Hải “đen” từng là phu vàng, sống dặt dẹo ở Phước Sơn, chuyên xin đểu, nghiện hút. Sau hiểu ra chân lý “đời phu lắm hệ lụy, chết chóc”, gã chuyển qua hành nghề xe ôm cuối năm 2005. Nhu cầu cũng nhiều nên mỗi tháng Hải kiếm không dưới 10 “cuốc”, trừ xăng xe cũng còn dư dăm bảy “chai” (triệu), đủ nuôi gia đình.

Hơn 6 tiếng cắt rừng, vượt suối, chiếc Minsk của Hải “đen” đưa chúng tôi chạm khu vực giáp ranh các xã Đắc Ring, Đắc Pre (huyện Nam Giang). Những lán trại của dân thổ phỉ (dân khai thác vàng trái phép) lác đác xuất hiện bên cảnh tan hoang của những cánh rừng bị băm vằm nham nhở. Dưới miệng hố sâu một bãi khai thác vàng tự phát, thiếu nữ tên Hoài (SN 1991, quê Yên Na, Tương Dương, Nghệ An) giật thót mình khi phát hiện có bóng người. Nghĩ có đoàn kiểm tra, mắt Hoài thất thần, run bần bật.

Năm 2010, Hoài được ông chủ Diệm về quê “tuyển quân” cùng 20 công nhân khác vào Phước Sơn khai thác vàng. Tiền công, lương thưởng “ba cọc ba đồng”, nhiều lúc không đủ ăn, phải ký nợ quán, nhưng Hoài vẫn không chùn bước, ngày lại ngày cùng đội quân của Diệm cả trăm con người thẳng tay xét nát lòng suối, bìa rừng khu vực giáp ranh xã Phước Sơn và Nam Giang.

clip_image001

 

Người phụ nữ này không biết ai là cha của con mình

 
Thực tế ở “thung lũng vàng” thật tàn khốc. Sức tàn phá của dân thổ phỉ săn vàng nơi đây để lại không ít hậu họa. Những điểm nóng như suối Ring, Khe Cọp, Khe Nhớp… nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh hầu như đã bị cày xới ngang dọc, cây rừng bị chặt phá, đổ ngổn ngang, nhiều cây cổ thụ với các loại gỗ quý bị bật gốc. Cũng nơi ấy, những con suối hiền hòa, mát rượi, nay đã ngầu đỏ, giận dữ vì nạn đào vàng trái phép, môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng.

4 cuộc đời 10 năm lay lắt vì khoản nợ 10 triệu

Rừng, sông suối bị xét nát là một chuyện, đằng sau giấc mơ vàng, lãnh địa của đủ băng nhóm “giang hồ tứ chiếng” hội tụ về chờ vận may hốt bạc từ vàng, đau lòng nhất là những mảnh đời phụ nữ.

Phận đàn bà nhưng Lê Thanh Nhàn (42 tuổi, quê Phủ Lý, Hà Nam) vẫn chấp nhận dấn thân vào bãi vàng Phước Sơn khi ông chủ lán trại đánh ô tô về quê tuyển quân năm 2003. Tay lùa mớ quặng, tay kia chị Nhàn chỉ về phía hai đứa con sinh đôi, lòng đau quặn thắt: “Tui mang theo con đi từ khi chúng lên 5, nay đã 14 tuổi rồi. Cặm cụi hết năm này qua tháng nọ, mỗi năm chỉ gửi về cho người thân dăm triệu lo chăm mẹ già nằm liệt. Nhưng đành vậy thôi chú ạ. Cha tụi nhỏ qua đời, để lại chúng cùng mẹ già đau bệnh, quê nhà lại nghèo xơ xác, không công ăn việc làm, tôi đành phải dấn thân vào nơi rừng thiêng nước độc này”.

Thương hai đứa con không được sống cảnh an nhàn như bạn bè trang lứa, nhiều lần chị cùng con muốn thoát xa khỏi đời thổ phỉ. Nhưng lần trốn nào cũng vậy, chưa ra khỏi bìa rừng đã bị đội quân của chủ bãi hốt lại, đánh bầm dập do còn nợ tiền ứng tới gần 10 triệu đồng. Có lẽ, đời hai đứa trẻ con chị Nhàn phải nổi nghiệp mẹ còng lưng trả nợ, chịu cảnh phu vàng khốn cùng!

Chưa kể cách đây không lâu, chẳng biết kẻ phu vàng tứ chiếng nào đã “dòm ngó” đến chị để lại hậu quả là cái thai chị Nhàn đang mang 4 tháng. Rồi đây, một mẹ 3 con, lay lắt sống héo hon giữa xứ vàng thật không thấy, chỉ thấy vàng… mắt. Cách lán trại của chị Nhàn không xa, khu vực thôn 3, xã Phước Thành, chị Hồ Thanh Hải (quê Ngọc Hồi, Kon Tum) cùng con nhỏ ôm nhau chợp mắt giữa trưa trong túp lều nhỏ ọp ẹp dưới mép suối ngầu đục trộn lẫn bột đá và cyanua.

Lấy chồng năm 2000, hai năm sau vẫn không có mụn con, chị bị chồng đánh đập, xua đuổi sau mỗi cơn say xỉn. Dòng đời xô đẩy, chị đến Phước Sơn và trở thành dân dặt dẹo ở bãi, biết hút thuốc lá, uống rượu. Năm 2004, sau những đêm làm “vợ khắp người ta” giữa đám phu vàng, chị bụng mang dạ chửa, nhưng không biết đứa bé con của gã thổ phỉ nào ở bãi vàng, nên sinh ra cháu mang họ mẹ. Từ năm 2008 đến nay, chị bồng con làm khuê khắp các bãi nhưng chủ bãi nào cũng thua lỗ, nợ lương, cuối cùng phải xin làm đầu bếp, giặt giũ quần áo lấy công cho một bãi ở Phước Thành.

Chẳng biết ở “thung lũng vàng” còn có biết bao nhiêu phận người bạc phận như chị Nhàn, chị Hải đang vùi mình sống cảnh trần ai, nhưng trong số cả gần chục phụ nữ mà tôi giáp mặt, tiếp xúc, hầu hết họ đều dấn thân đến bãi vàng với những lý do đại khái là chán đời, nghiện hút, bị gia đình bạc đãi, ruồng bỏ…

Thân tàn ma dại

Vì vàng, Phước Sơn bây giờ đang gánh trên mình những hệ lụy buồn, trong đó vấn nạn ma túy đang giết dần giết mòn những phận đời, để lại nỗi đau cho người phụ nữ. Nhiều thôn ở xã Phước Thành, những năm qua vô số người chết thảm vì ma túy, sập hầm.

Hơn 10 năm trước, ở thôn 3 (xã Phước Thành), đàn ông, thanh niên vốn hiền từ, siêng năng lắm, nhưng vì cạm bẫy ma túy, không ít người đang bước lút chân về cõi tử. Gia đình chị Hồ Mui những năm trước, chuyện kiếm tiền phụ thuộc cả vào người chồng nhưng do lún chân vào “cái chết trắng”, 2 năm trước anh chồng qua đời, để lại chị và 2 con thơ.

Lo cho cuộc sống gia đình, ngày lại ngày, chị Mui phải còng lưng đi cõng chuyến (gùi hàng) bán cho chủ bãi vàng kiếm công. May mắn hơn nhiều phụ nữ khác trong xã, chị Hồ N (có chồng chết vì ma túy sau 3 năm kết hôn) được người đàn ông khác lấy làm vợ. Nhưng rồi, khi vừa sinh được cháu nhỏ, chồng mới của chị cũng bỏ vào bãi vàng làm “thổ phỉ” quanh năm rượu chè be bét.

Khốn đốn nhất là trường hợp của mẹ con chị Luyến (quê Cam Lộ, Quảng Trị), đang trú ngụ bên túp lều rách nát sát bãi vàng của Công ty TNHH Trường Sơn. Vào bãi vàng, chị mang theo đứa con gái sau một “mối tình vụng dại” ở quê nhà. Nhưng khổ nỗi làm phu vàng hết bãi này qua bãi khác chỉ đủ ăn, thậm chí nhiều chủ bãi thua lỗ, quỵt luôn tiền công, chị đành cắn răng chịu đựng, lo tìm việc mới.

Phận nữ ở bãi vàng đầy những khổ cực cùng những bất trắc khó lường. Năm 1996, thêm một lần nữa chị Luyến mang bầu mà chẳng biết ai là cha của đứa trẻ. Cháu H. sinh ra bị bại liệt, thiểu năng trí tuệ. Năm nay cháu 15 tuổi nhưng thân thể gày gò, ốm yếu, suốt ngày ngọ ngoạy trong chiếc cũi gỗ che chắn sơ sài. “Nó ngô nghê lắm chú ạ. Con mình dứt ruột sinh ra, bỏ nó sao đành. Tôi chỉ biết tự trách mình sao ngày xưa lại lưu lạc vào đây để rồi gánh lấy nỗi cơ cực, bần hàn” - chị nói trong nước mắt.

Có những phụ nữ thì “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Chị Phạm N (quê Phú Yên), do trận đại hồng thủy năm 2009 đã cuốn trôi nhà cửa, chị phiêu bạt lên bãi vàng với mong muốn được đổi đời, ai dè cuộc sống ngày càng khốn khổ hơn. Chị “phải lòng” một phu vàng, rồi chồng dính xì ke ma túy, cuối cùng bỏ chị, lang thang dặt dẹo xin đểu khắp các bãi vàng, mặc chị sinh con bên bìa rừng trong cảnh đói khát.

Không chỉ phá rừng, khoét suối, vì giấc mơ đổi đời, sau khoảng tối ở “thánh địa vàng”, hàng loạt thân phận phụ nữ đang âm thầm đau đớn. Những ngày “mục sở thị” các bãi vàng ở Phước Sơn, trong sổ ghi chép của tôi chằng chịt tên tuổi những cảnh đời phụ nữ mà hầu như ai cũng có một câu cửa miệng “Ai bảo ham vàng nên được vàng… mắt”.

Huyện Phước Sơn có 172,48 ha diện tích khai thác các loại khoáng sản thì có tới 170,93 ha là khai thác vàng. Từ đầu năm tới nay, các lực lượng chức năng đã phá hủy gần 130 máy nổ, máy điện và cối xay đá, đốt, tiêu hủy 176 lán trại, gần 1.500 lít dầu diezen, trên 600 m dây ống hút nước và đẩy đuổi khoảng 200 đối tượng đào đãi vàng trái phép ra khỏi địa bàn.

(Theo Pháp Luật & Thời Đại)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn