Khi kinh tế nhà nước “thay tên tráo họ”

TS. Võ Trí Hảo

clip_image001Khi không thể biện minh bằng tính ưu việt và phi thị trường của các DNNN sau các scandal như Vinashin, Vinalines..., người ta lại gán cho "kinh tế nhà nước" nghĩa mới.

Từ khi Hiến pháp năm1959 hiến định "vai trò chủ đạo" của kinh tế quốc doanh (về sau đổi thành kinh tế nhà nước - KTNN) đến nay, tuy chưa có một định nghĩa pháp lý nào về KTNN, nhưng người dân luôn hiểu khái niệm này khi đặt bên cạnh khái niệm kinh tế tư nhân (KTTN).

Theo cách hiểu lâu nay, những hoạt động nhà nước sử dụng các công cụ điều tiết nền kinh tế như thuế, lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, các quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm, quỹ bình ổn giá, quỹ trả nợ nước ngoài... mà không nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận thì không được hiểu là KTNN. Vì vậy những thiết chế này đứng độc lập, không mang ra so sánh, đặt cạnh kinh tế tư nhân.

Khi đặt thành phần KTNN bên cạnh thành phần KTTN, người dân hiểu rằng KTNN chỉ bao gồm các thiết chế hoạt động hoạch toán theo quy chế của một doanh nghiệp, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức khác mà nhà nước góp vốn nhằm mục đích kinh doanh. Các báo cáo hay thống kê sự đóng góp của các thành phần kinh tế tại Việt Nam cũng dựa vào cách hiểu đó.

Tuy nhiên, cách hiểu này, gần đây đang bị thay đổi.

Trước sự bê bối của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong hai thập niên vừa qua, cũng như trước áp lực phải tuân theo luật chơi chung của các điều ước quốc tế mà VN là thành viên, có nhiều ý kiến cho rằng, Hiến pháp không nên quy định vai trò chủ đạo cho bất kỳ thành phần kinh tế nào. Thay vào đó, hãy để sức mạnh tự nhiên của mỗi thành phần kinh tế xác lập vị trí của mình trong thị trường.

clip_image002

Các vụ scandal lâu nay như Vinashin, Vinalines... đã được mổ xẻ kỹ càng

Ý kiến này, đụng chạm đến các nhóm lợi ích, vốn đang được hưởng các ưu tiên, ưu đãi dành riêng cho DNNN và ngay lập tức nhận được phản ứng.

Khi không thể biện minh bằng tính ưu việt và phi thị trường của các DNNN với các vụ scandal vốn đã được mổ xẻ kỹ càng lâu nay như Vinashin, Vinalines..., người ta lại gán cho "kinh tế nhà nước" nghĩa mới, không có trong cách hiểu truyền thống.

Theo cách hiểu mới này, người ta đánh đồng DNNN (với chức năng kinh doanh) với các thiết chế điều tiết nền kinh tế của nhà nước (không có nhiệm vụ tạo ra lợi nhuận), các quỹ... có nguồn gốc từ ngân sách của nhà nước.

Rõ ràng, các thiết chế điều tiết nền kinh tế sử dụng công cụ là quyền lực nhà nước, bao gồm quyền lực hành chính, chứ không dùng sức mạnh tự nhiên của thị trường để tác động vào nền kinh tế, nên ở đâu trên thế giới nó cũng đóng vai trò "chủ đạo" (theo nghĩa điều phối). Nhưng không ai đặt nó bên cạnh kinh tế tư nhân và dĩ nhiên không đặt ra vấn đề liệu nó có cạnh tranh bình đẳng với thành phần kinh tế tư nhân hay không.

Tìm cách duy trì đặc quyền cho  DNNN, đã xuất hiện một số quan điểm gần đây gộp sự bê bối của một số  DNNN và sự cần thiết của các công cụ điều tiết nền kinh tế vào chung trong một khái niệm mới "kinh tế nhà nước", để chứng minh sự cần thiết của "vai trò chủ đạo". Cách "bẻ lái" và thay đổi như vậy đã làm người đọc suy nghĩ: có vẻ như, người ta coi trọng tài cũng là một cầu thủ trong sân bóng?

Nếu muốn duy trì "kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo", cần xác định rõ ngay từ trong Hiến pháp: Kinh tế nhà nước bao gồm những thiết chế nào? Chủ đạo là điều phối, hay sở hữu lớn nhất, hay đóng góp GDP và lợi nhuận lớn nhất? Và đặc biệt cần làm rõ câu chuyện: khi trong một sân chơi, đã có một thành phần được ưu tiên chủ đạo thì làm cách nào để duy trì bình đẳng?

V. T. H.

Nguồn: tuanvietnam.vietnamnet.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn