Chuyện về những người siêu phàm

Hồ Ngọc Nhuận

(Trích bản thảo quyển “ĐỜI, hay chuyện về những người tù của tôi”, 2001-2006)

Anh Hồ Ngọc Nhuận gửi bài sau đây đến cho tôi, đề nghị tôi “viết mấy lời”. Một việc không có gì khúc mắc nhưng lại thật khó “mở miệng” đối với một người vốn duy lý như tôi. Vả chăng, nhìn vào thực tế đời sống cả nước, tôi có cảm tưởng nói về chuyện này như thế nào e đều có phần không phải với lương tri của mình. Bởi rõ ràng đây là một áp lực tâm lý mang đậm tính thời đại đè nặng lên cả xã hội Việt Nam đã trên sáu thập kỷ. Về phía dân chúng, sau hơn 40 năm chiến tranh kéo dài (tính từ 1945 đến 1988), trải qua 4 cuộc chiến tổn hao biết bao xương máu, hầu như không có gia đình nào không để lại một hoặc vài ba, thậm chí năm sáu người thân nơi chiến trường chưa tìm ra hài cốt. Phải chăng không là một nỗi bất an lớn của toàn xã hội đòi hỏi phải được giải tỏa (kể cả “bên thua cuộc” trong đại gia đình dân tộc)? Những người như Phan Thị Bích Hằng ngẫu nhiên xuất hiện đáp ứng nhu cầu bức thiết trên và theo lời kể của người thủ trưởng cũ của tôi, GS Trần Phương, hay một số người khác như gia đình nhà chính khách nổi tiếng Lưu Văn Lợi, hay gia đình con cháu Thám hoa Phan Thúc Trực mà tôi có quen biết..., có thể tin, ở độ tuổi mà cô Hằng làm những việc ngoại cảm kia chưa phải là cái tuổi biết tính toán vụ lợi cho mình. Hoặc nữa, trước những người chủ trì việc đào tìm thủ cấp tướng Phùng Chí Kiên (mà trong mấy lời ngắn gọn này tôi chưa tiện nhắc tên), hay chủ trì tìm hài cốt nhà cách mạng Nguyễn Đức Cảnh ở Hải Phòng (phải đào bỏ đi 40 ngàn tấn rác), dẫu muốn vụ lợi chăng nữa hẳn cũng khó có gan để vụ lợi. Xác suất đúng sai là điều tôi không bàn tới.

Nhưng đó mới là nhìn sự việc ở một phía, phía đời sống tâm linh truyền thống của người Việt chúng ta, trong một thời đoạn hết sức nhiễu nhương. Vẫn còn một phía khác, phía những kẻ đã bước ra khỏi cộng đồng xã hội dân sự để leo cao, để đứng trên đầu dân, để ngồi vào những chiếc ghế bành tít trong dinh thự sâu thăm thẳm, đi những chiếc xe cực kỳ đắt tiền và ở những tòa biệt thự sang gấp nghìn lần những biệt thự sang nhất thời Pháp, hàng ngày có đủ máy móc và vệ sĩ chống lại đủ thứ rình rập mình. Họ hình như cũng cần lắm các nhà ngoại cảm, các nhân vật có khả năng dự đoán vận số – cần còn hơn cả dân chúng nhiều lắm thì phải. Họ chăm chỉ đi lễ bái đền chùa, lo xây những “cổ tự” kềnh càng lai căng như Bái Đính. Vì sao thế nhỉ? Lật lại lá thư anh Hồ Ngọc Nhuận gửi, thì ra trong thư anh đã đề cập rất đầy đủ phương diện thứ hai này, cho nên tốt nhất là dẫn lại một đoạn thư anh thay cho sự suy đoán mà chắc chắn sẽ bị nhà giáo Phạm Toàn và bè bạn giễu là... “đoán mò”.

Nguyễn Huệ Chi

Kính  anh Huệ Chi,

Nhân đọc mấy tin thời sự gần đây về  việc  các nhà ngoại cảm giúp tìm hài cốt liệt sĩ, tôi trực nhớ đến một đoạn có liên quan tôi viết cách đây khá lâu, trong bản thảo quyển “ĐỜI, hay chuyện về những người tù của tôi”, mà vài tháng trước đây tôi có hân hạnh gửi tặng anh.

Tôi thấy hình như trong lịch sử có một số chế độ lúc suy tàn thường hay tin vào bói toán, đồng bóng...

Xin gửi anh đoạn trích đó, để đóng góp. Anh xem có nên đưa lên mạng hay không. Nếu đưa,  thì xin anh có mấy lời.

Thân kính,

Hồ Ngọc Nhuận

…Một lần, tôi đã được anh Nguyễn Hộ kể cho nghe về một chuỗi những hiện tượng lạ lùng liên quan đến việc tìm ra hài cốt người vợ quá cố của anh, một liệt sĩ. Những hiện tượng lạ lùng như vậy cũng có người, nhiều người từng kể, đến nỗi không sao nhớ xiết. Ông T. P., một cán bộ cao cấp hồi hưu ở Hà Nội vừa qua cũng đã kể lại việc tìm hài cốt người em gái liệt sĩ của ông trong một tập tài liệu dày nhiều trang. Tất cả đều nhờ một nhà ngoại cảm ở Hà Nội hoặc Sài Gòn điều khiển, chỉ dẫn từ xa bằng điện thoại di động. Ai không có điện thoại di động thì phải thuê, phải mượn để liên lạc với ông thầy…

Có là ngẫu nhiên chăng khi thế giới khoa học đang nghiên cứu ảnh hưởng của điện thoại di động lên con người? Ảnh hưởng thế nào đến nay chưa có kết luận. Nhưng giả thử đã có thì là tiêu cực hay tích cực? Hay là tiêu cực đối với một số người, như có thể gây mất ngủ, nhức đầu hay ung thư, mà tích cực với một số người khác, như với các nhà ngoại cảm, có thể nhìn thấy thế giới bên kia lẫn bên này? Hay như với một số người siêu phàm, có thể nhìn thấu hiện tại, quá khứ, và cả tương lai hằng trăm, hằng ngàn, thậm chí muôn đời về sau? Hay là tùy theo xu hướng nội tâm, tùy theo cách nhìn, mà ảnh hưởng là hoàn toàn tiêu cực hay hoàn toàn tích cực? Đứng trên bình diện trần tục thì việc gây nhức đầu, mất ngủ hay ung thư rõ ràng là tiêu cực, gây hại đến sức khỏe, dẫn đến chết sớm. Nhưng phải chăng là tiêu cực nếu đó là bắt đầu của một quá trình mới, một hành trình mới đi tìm một cõi mới, một cõi khác? Và nhức đầu chẳng qua là một thứ động não? Ung thư chẳng qua là một tổ hợp tế bào mới, có thể dẫn đến một “đời sống” mới? Và ngáp là bước đầu của lên… đồng?

Lâu lâu thấy báo đăng tin một liệt sĩ, một anh hùng… xiêu mồ lạc mả mấy chục năm, có khi cả nửa thế kỷ, được cử hành đại lễ cải táng. Tôi không sao nhớ xiết những chi tiết về việc tìm ra hài cốt của nhiều người. Những chi tiết thật tỉ mỉ, thật ly kỳ, cả đến con sâu rơi trên chiếc lá, con bướm đậu trên cành hoa, để chỉ đường, chỉ chỗ, nhất nhất đều được hướng dẫn cụ thể, tường tận từng bước qua… máy điện thoại di động.

Đến nay, được biết hình như chỉ có một vụ chưa thành công. Đó là trường hợp của cụ Đề Thám, được đăng khá chi tiết trên nhiều số báo An ninh Thế giới của Bộ Công an…

Anh Chín tôi mất đã hơn năm mươi năm. Thời buổi giặc giã, chôn cất tùm lum. Nay tôi muốn đưa về nằm chung với cha mẹ, ông bà tôi.

Tôi tự hỏi tại sao đợi từng tuổi này tôi mới nghĩ đến việc cải táng anh Chín tôi, đến nỗi xương cốt anh rụi mất hết? Mà nhiều người cũng như tôi, thường là tuổi đã xế bóng mới nghĩ đến “đời sau, đời trước”. Để tiếp tục làm gạch nối? Để tròn một nhiệm vụ? Để dọn đường cho chính mình ra đi? Hay để có một cái gì đó gọi là truyền thống mà bắt con cháu bấu vào, khi mình đã hết “linh”, không còn gì là tinh anh để lôi cuốn chúng được nữa?

Hôm làm lễ cải táng anh tôi, một thằng cháu đào hoài không thấy vết. Nó vọt miệng: “Ông Mười ơi! Hay là ông Chín đã “lên” rồi, lên mấy lần rồi? Đã đi lính chết cũng mấy lần rồi và đã nằm ở chỗ khác, mà không phải một chỗ?”. Thằng cháu tôi nói “lên” là ý muốn nói “đầu thai”. Và “lên mấy lần” là đầu thai mấy kiếp. Để… đi lính và lại chết.

Cụ Đề Thám phải chăng cũng vậy? Cụ không thể nằm yên một chỗ trong một thời gian dài đất nước còn đảo điên?

Anh Lê Hiếu Đằng kể tôi nghe kỷ niệm này: Anh đi dự một cuộc lễ có đông người ở đâu đó. Nửa chừng bỗng có một cụ già râu tóc bạc phơ như tiên ông, tay cầm điếu thuốc, đến ngồi bên cạnh. Cụ cười hỏi chuyện bình thường, nhưng cả người anh bỗng rởn gai ốc khi cụ rờ lên tay anh! Cụ là người cõi nào hay là đồng cốt? Mà khiến cho người được rờ phải nổi da gà?… Có một dạo, ở nhiều nơi, khi người ta tổ chức mít tinh hay lễ lạc gì đó, nghe đâu cũng thường có một cụ già tương tự từ đâu không ai biết bỗng đến ngồi bên cạnh một ai đó trong cử tọa, với cùng đặc điểm là chòm râu bạc dưới cằm và điếu thuốc trên tay. Nhưng người ta quên kể xem điếu thuốc đó hiệu gì.

Đây cũng là lúc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh người ta long trọng tổ chức trình diễn lại mấy cái trích đoạn của nhiều vở kịch cũ. Cũng là bao nhiêu vở kịch cũ nổi tiếng ấy thôi, nhưng cái khác ở đây là được người ta trích cho diễn lại trong cùng một đêm, và rất long trọng, với đầy đủ các cấp lãnh đạo tham dự, cả cấp lãnh đạo cao nhất nước, với diễn từ trịnh trọng hẳn hòi. Không biết người ta tổ chức trình diễn với nhiều lễ nghi linh đình như vậy là để tôn vinh các nhà nghệ sĩ hay tôn vinh ai? Hay đây cũng là một kiểu đồng bóng?...

H. N. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn