So sánh tư duy “giữ nguyên như cũ” của ĐCS Việt Nam với tư duy cải cách đất đai của ĐCS Trung Quốc

Vũ Quang Việt

Cải cách đất đai là một đề tài quan trọng trong kế hoạch 383 của Nhóm Nghiên cứu đầu não (think tank) của Quốc Vụ Viện (tức là chính phủ trung ương) Trung Quốc. Kế hoạch 383 là đề nghị cải cách của nhóm cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc bàn trong kỳ họp từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 11. Cuộc họp của ĐCS Trung Quốc chỉ có 3 ngày cho nên cơ bản họ đã đạt được đồng thuận trước khi bước chân vào cuộc họp.

Vậy nội dung của đề nghị về cải cách đất đai này là gì? Đề nghị đổi mới này có khác gì với việc đề nghị “giữ nguyên như cũ” của Đảng Cộng Sản Việt Nam? Vào lúc Trung Quốc họp thì Quốc hội Việt Nam cũng họp để thông qua hay bác bỏ tư duy “giữ nguyên như cũ” của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Cho nên cũng cần làm rõ thêm sự khác nhau về chủ trương.

ĐCS Việt Nam đã và vẫn muốn tiếp tục chủ trương đất đai là thuộc “sở hữu toàn dân”. Mà “toàn dân” này có nghĩa là thuộc quyền định đoạt của chính phủ ở mọi cấp.

Theo Hiến pháp của Trung Quốc năm 1982, đất trong hợp tác xã ở nông thôn thuộc “sở hữu toàn dân”. Đất ở thành thị và tài nguyên thiên nhiên như hầm mỏ, rừng núi, bờ biển thuộc sở hữu nhà nước. Chính vì thế mà chính quyền địa phương ở Trung Quốc, giống in hệt ở Việt Nam, đã dùng quyền “sở hữu toàn dân” để thu hồi đất và bán cho tư nhân và thu thặng dư (sự khác biệt giữa giá bán đi và giá đền bù). Vậy bây giờ nhóm 383 đề nghị gì? Họ đơn giản đề nghị là sở hữu đất đai ở nông thôn sẽ thuộc sở hữu tập thể hợp tác xã, và do đó hợp tác xã có quyền buôn bán đất trên thị trường. Họ cho rằng làm như thế là tạo bình đẳng giữa nông thôn và thành thị. Tại sao họ làm thế? Đơn giản là để nông dân hoặc cả tập thể nông dân có thể bán đất dời vào thành phố. Đây cũng là chính sách nhằm tập trung dân vào thành thị để có đất phát triển nông nghiệp và nhằm giảm sự chống đối của nông dân. Một mũi tên bắn hai con chim.

Cần hiểu là trong kinh tế học, tư nhân bao gồm cá nhân hay tập thể (công ty cổ phần hay hợp tác xã). Do đó tập thể như hợp tác xã chính là tư nhân chứ không phải nhà nước, không phải toàn dân. Do đó chính sách của Trung Quốc cơ bản là cho phép tư hữu đất đai, là xóa cái gọi là “sở hữu toàn dân” đối với đất đai. Như vậy thì dân trong một hợp tác xã nông nghiệp nào đó có thể tự thảo luận để bán một phần đất hay toàn bộ đất theo ý họ muốn, mà chính quyền không còn được phép can thiệp như trước đây. Tiền họ thu được thì họ chia nhau đút túi chứ không để chính quyền địa phương đút túi như trước nữa.

So ra như thế thì Tập Cận Bình đã vác cờ chạy trước. Các bác đàn em Việt Nam nếu không tỉnh táo mà chỉ thích ôm chặt “sở hữu toàn dân” để bảo vệ “xã hội chủ nghĩa” thì phải đợi nhiều năm nữa may ra mới có dịp để thay. Trong thời gian đó, xã hội sẽ tiếp tục hỗn loạn và bất ổn. Tại sao thế thì tôi đã có bài phân tích riêng Sở hữu Đất đai và Ổn Định Xã hội đăng trên tạp chí Diễn Đàn hay trên blog Xuân Diện.

V. Q. V.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn