Từ quân sự hóa đến hạt nhân hóa Biển Đông

Ls Nguyễn Văn Thân

Vào tháng 4 năm 2016, Trung Quốc công bố ý định xây dựng 20 trạm điện hạt nhân nổi hoạt động tại Biển Đông. Các trạm điện này sẽ có lò phản ứng hạt nhân đặt trên bệ ở ngoài khơi. Khâu lắp ráp các lò phản ứng hạt nhân có căn cứ tại thành phố duyên hải Hồ Lô Đảo thuộc tỉnh Liêu Ninh và sẽ do công ty China Shipbuilding Inductry Corp quản lý. Ý định này nằm trong kế hoạch 5 năm là Trung Quốc sẽ hoàn tất 58 lò phản ứng hạt nhân trước năm 2020.

Động cơ mà Trung Quốc theo đuổi chính sách xây dựng và thiết lập lò phản ứng hạt nhân gồm có cả hai mặt kinh tế và quân sự. Thứ nhất là để cung cấp năng lượng sạch và rẻ giúp kinh tế phát triển và thứ hai là bảo đảm ưu thế chiến lược kiểm soát được Biển Đông. Trung Quốc đang phải đối đầu với nạn ô nhiễm môi trường trầm trọng vì công nghệ sản xuất chủ yếu dựa vào năng lượng dơ từ than đá. Các lò phản ứng hạt nhân sẽ cung cấp điện vừa sạch vừa ít tốn kém cho các cơ sở và căn cứ quân sự cũng như hệ thống khử muối để cung cấp nước ngọt cho các đảo nhân tạo ở Trường Sa. Thông thường thì các phương tiện quốc phòng chẳng hạn như đường băng và nhà kho cần điện xuất phát từ lò than hoặc dầu. Lợi thế của lò phản ứng hạt nhân nổi trên biển là lúc nào cũng có nước để giải nhiệt. Các trạm điện này có thể được sử dụng để xây dựng đời sống và cộng đồng dân cư trên các đảo xa xôi tại Trường Sa cũng như tại các giàn khoan và những địa điểm khai thác dầu khí ngoài khơi.

Trung Quốc không phải là quốc gia đầu tiên có ý định thiết lập trạm điện nổi. Từ năm 1996, Mỹ đã lắp đặt một lò phản ứng hạt nhân trên chiếc tàu chiến Sturgis để cung cấp điện cho Panama Canal Zone từ 1968 tới 1975. Hiện nay, Nga cũng đang tiến hành lắp đặt lò phản ứng hạt nhân nổi dựa trên chương trình phá băng bằng kỹ thuật hạt nhân. Lò phản ứng nổi đầu tiên đang được lắp đặt tại hãng đóng tàu St Petersburg. Nga đang có kế hoạch thiết lập 7 lò phản ứng hạt nhân nổi và dự trù sẽ hoàn tất lò đầu tiên trong năm nay để được đưa đến cảng Pevek thuộc vùng biển Siberia.

Hiện nay có hơn 400 lò phản ứng hạt nhân cung cấp điện khắp nơi trên toàn thế giới. Khi các trận động đất và sóng thần dẫn đến thảm họa Fukushima vào năm 2011 tại Nhật, Trung Quốc tạm ngưng dự án xây dựng lò hạt nhân tại các miền duyên hải. Nhưng công tác xây cất đã bắt đầu trở lại từ năm 2015. Hiện nay Trung Quốc có 37 lò phản ứng hạt nhân hoạt động trên toàn quốc và đang lắp đặt 20 cái khác mà trong số này có thể được đưa đến các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chi phí cho 20 lò phản ứng nổi này có thể lên tới hàng chục tỷ Mỹ kim. Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã sử dụng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho nên việc chế biến thành nhà máy điện không có gì là khó khăn.

Kế hoạch lắp đặt lò phản ứng hạt nhân nổi tại Biển Đông của Trung Quốc sẽ là một thách thức to lớn cho cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các quốc gia trong khu vực ở hai mặt môi trường và an ninh. Việt Nam sẽ là nước bị ảnh hưởng và thiệt thòi nhiều nhất vì lý do địa lý.

Theo dự đoán thì lò phản ứng nổi đầu tiên sẽ được Trung Quốc đưa đến Trường Sa hoạt động trong năm 2019. Một chuyên gia Trung Quốc cho biết là lò phản ứng nổi trên biển an toàn hơn so với lò phản ứng trên đất liền. Khi có tai nạn, trạm điện có thể bơm nước biển vào để ngăn ngừa lò bị nóng chảy. Nhưng Biển Đông là nơi hứng chịu nhiều thiên tai như động đất, sóng thần và bão lớn. Nếu có tai nạn thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Chất thải phóng xạ không chỉ ảnh hưởng tới các nước xung quanh mà sẽ đi lên bàn ăn từng nhà của mọi người trên khắp thế giới qua việc tiêu thụ hải sản và theo dòng hải lưu. Trong một thập niên qua, các công trình xây dựng đảo nhân tạo đã hủy diệt vĩnh viễn các rạn san hô và môi trường sinh thái theo bằng chứng được trưng dẫn và được Tòa Trọng tài chấp thuận qua phán quyết Đường chín đoạn ban hành vào ngày 12/7/2016. Không chỉ trong trường hợp có tai nạn, nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ xả nước nóng có chứa chất phóng xạ xuống biển ảnh hưởng đến đời sống sinh vật biển và biến đổi hệ sinh thái. So với thảm họa xả thải do Formosa gây ra tạo nên hiện tượng cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung thì tai họa từ các lò phản ứng hạt nhân nổi tại Biển Đông có thể hơn gấp ngàn lần và biến cả bờ biển dài hơn 3,000 cây số của Việt Nam trở thành phế thải.

Nghiêm trọng hơn là về mặt an ninh và chiến lược. Như các nhà máy điện hạt nhân khác, các lò phản ứng nổi trên Biển Đông cũng sản sinh ra chất thải phóng xạ. Làm cách nào để lưu trữ an toàn mà không bị rỉ ra là một thách thức lớn. Chất thải cần được đưa về đất liền để xử lý. Trong khi đó, Biển Đông đang phải đối mặt với nhiều vấn đề an ninh hàng hải như cướp biển, tranh chấp chủ quyền và buôn lậu. Chỉ cần một nhóm khủng bố vài người là có thể đánh phá các lò phản ứng tạo ra một đại thảm họa môi trường trong toàn khu vực và thế giới. Trung Quốc có thể dựa vào điểm này để tăng cường lực lượng quân đội tràn ngập khắp Biển Đông.

Hoàng Sa là nơi có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam và Trường Sa thì có Trung Quốc, Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã từng bước lấn chiếm bằng cách xây dựng đảo nhân tạo và thiếp lập các căn cứ quân sự tại Biển Đông. Đưa các lò phản ứng hạt nhân nổi vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia trong khu vực là bất hợp pháp. UNCLOS bảo đảm quyền tự do hàng hải nhưng các trạm điện hạt nhân nổi không phải là tàu thuyền đi qua đi lại. Dựa vào phán quyết của Tòa Trọng tài trong vụ kiện Đường chín đoạn thì không có một thực thể nào tại Trường Sa (gồm có Ba Bình do Đài Loan chiếm đóng) được coi là “đảo” theo định nghĩa của UNCLOS có quy chế vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Nhiều lắm là các đảo thiên nhiên tại Trường Sa chỉ được hưởng 12 hải lý. Đảo nhân tạo không được hưởng 12 hải lý mà chỉ có 500 thước.

Một khi kế hoạch lắp đặt này tiến hành, Bắc Kinh sẽ có động cơ để đơn phương áp đặt vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông với cớ là bảo đảm an ninh cho khu vực vì bất cứ biến cố khủng bố hoặc tai nạn nào sẽ ảnh hưởng đến mọi quốc gia. Bằng cách trói chặt vận mạng các nước láng giềng với Trung Quốc, các tiểu quốc sẽ không có lý do phản đối mạnh mẽ và dần dần chấp nhận thuần phục.

Một vấn đề vô cùng quan trọng là các trạm điện hạt nhân nổi của Trung Quốc sẽ có yếu tố răn đe đáng kể vì Mỹ hoặc không có quốc gia nào khác muốn tạo ra một cuộc thảm họa môi trường cho toàn khu vực khi tấn công vào các căn cứ quân sự của Trung Quốc. Trong quá khứ, chủ quyền lãnh hải và quyền lợi kinh tế là hai lý do mà Trung Quốc dựa vào để áp dụng chiến thuật cắt lát salami từng bước lấn chiếm Biển Đông. Với kế hoạch lắp đặt lò phản ứng nổi, Trung Quốc sẽ cộng thêm yếu tố thứ ba là sử dụng thảm họa hạt nhân để răn đe. Ngoài ra, Trung Quốc hiểu được rằng hỏa tiễn trên đất liền có thể bị tiêu diệt qua các cuộc tấn công phủ đầu. Từ cuối thập niên 50, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng căn cứ tàu ngầm tại vịnh Yalong và thu thập kỹ thuật trang bị tàu ngầm hạt nhân có thể hoạt động dưới mặt nước trong một khoảng thời gian dài. Hỏa tiễn trang bị dưới tàu ngầm thì khó bị phát hiện hơn. Trong tương lai, Trung Quốc chắc chắn muốn xây thêm căn cứ tàu ngầm tại Hoàng Sa hoặc Trường Sa để có thể đối đầu với Mỹ và khống chế toàn bộ khu vực. Dù cho không đuổi được Mỹ ra khỏi khu vực nhưng nếu làm cho Mỹ hiểu rằng cái giá phải trả cho một cuộc đụng độ là rất cao thì Trung Quốc đã thành công về mặt chiến lược.

Chính sách Biển Đông của Hoa Kỳ vẫn còn mang tính phản ứng và thụ động và Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chiến lược dựa vào chiến thuật “ván đã đóng thuyền”. Từ các đảo nhân tạo tới đường băng, hệ thống radar tại Trường Sa rồi đến dàn hỏa tiễn HQ-9 tại Đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, khi mọi người biết thì chuyện đã xong rồi. Mỹ không có cách nào đảo ngược trừ phi tuyên chiến. Lò phản ứng hạt nhân sẽ là một bước ngoặc chiến lược nghiêm trọng có thể hoàn toàn thay đổi cán cân quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Điều đáng lo ngại là Tổng thống Trump hiện đang quá bận rộn ve vãn Tập Cận Bình nhờ giúp đỡ đối phó với Bắc Hàn. Biển Đông không là một vấn đề ưu tiên của Trump. Hoặc nếu có thì chỉ là một con cờ được dùng để trao đổi mua bán với Bắc Kinh. Bị thua lỗ thiệt thòi nhất sẽ là dân tộc Việt Nam. Còn Đảng CSVN sẽ tiếp tục ung dung bình chân như vại để đóng trọn vai tuồng môi hở răng lạnh và thể hiện ‘‘tình đồng chí’’ với người anh từ phương Bắc.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn