Tai nghe, mắt thấy (và có thể ít nhiều nghĩ suy)

Phạm Ngọc Luật

Băng biển, khẩu hiệu, cờ quạt ở đất nước ta có lẽ hơi bị nhiều quá chăng? Quanh năm, suốt tháng lúc nào cũng thấy thường một màu đỏ rực chói chang treo ngang đường, trên cây cối, bờ tường, cột điện… Tuyên truyền về môi trường hay y tế, v.v. hình thức dịu dàng mát mẻ còn hay. Còn nên bơn bớt đi khẩu hiệu về kỷ niệm, lễ lạt. Ra đường, lại giao thông như bây giờ, người ta không mấy để ý, nhập tâm đến nội dung khẩu hiệu đâu. Ngành tuyên huấn, văn hóa tuyên truyền nên xem lại, nó hình thức, và cả nước như vậy thì tốn kém lắm. Một việc thôi, là từ đầu năm, năm nào cũng thế, khẩu hiệu chúc mừng năm mới, mừng ngày thành lập Đảng, nhiều nơi thoải mái treo đến giữa năm. Cờ đỏ sao vàng cũng thế, treo quanh năm, gió mưa ngả nghiêng, trông rất cẩu thả, rất phản cảm. Hội hè, lễ tết, ngày kỷ niệm… treo khẩu hiệu treo cờ cũng chỉ nên có cữ, có ngày, treo gần quanh năm dễ bị nhàm, bị nhạt.

Khoảng hơn chục năm nay, từ thủ đô Hà Nội đến hầu hết các tỉnh thành trong cả nước thấy dựng lên ở đường đi lối lại (chủ yếu ở các phường, xã) khẩu hiệu làm kiểu cổng chào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” hoặc “Khu dân cư văn hóa số…..”. Ý nghĩa mục đích thì tốt nhưng xem ra nó đã rất hình thức, khẩu hiệu vẫn chỉ là khẩu hiệu. Dưới khẩu hiệu đó là vô vàn những thứ không văn hóa, ví dụ có thể hàng bồ. Phải thay đổi cách nghĩ cách làm thì mục đích đề ra mới có hiệu quả. Ừ mà sao không đặt cả vấn đề tăng cường đoàn kết thân thiện giữa chính quyền (UBND phường, xã, công an) với nhân dân. Mối quan hệ này càng ngày người dân càng có tâm lý ái ngại, dị ứng, và cách bức thế nào ấy. Có việc đến nơi công quyền, chẳng mấy người có cảm tình và dễ chịu. Công an nhân dân và UBND mà công an và UB với nhân dân cứ như đồng sàng dị mộng. Biết thân tình và hòa đồng với dân thì công việc của chính quyền, của Đảng chỉ có tốt lên thôi.

· Cũng một kiểu dạng tuyên truyền nặng tính hiếu hỷ, lễ lạt là thấy sao đất nước mình có lắm trao tặng bằng khen, huân huy chương, kỷ niệm chương… đến vậy. Đúng như GS Ngô Đức Thịnh đã nói “Căn bệnh trầm kha của nước mình là thích tôn vinh”. Có lẽ chỉ một phần trao tặng được đưa lên truyền hình, đã thấy cái chủ nghĩa hiếu hỷ, ghê gớm quá. Một cuộc thi đấu bóng chuyền nữ quốc tế tổ chức ở Buôn Mê Thuật lễ khai mạc có đến 10 vị lên phát biểu, tiếng Việt rồi dịch tiếng Anh, rồi tặng hoa, kỷ niệm chương, nhiều thứ lắm, thời gian kém 5 phút đầy một tiếng đồng hồ. Chị em cầu thủ đứng chồn chân, tội lắm. Euro 2012 vừa đây, sự kiện lớn và hấp dẫn như vậy khai mạc chỉ có 15 phút, đá ngay. Mà nước ta, không hiểu sao lại liên tục có Phó Chủ tịch nước là phụ nữ (mà nhiều tỉnh, thành cũng hay có các vị nữ làm phó như vậy). Các vị này lại rất hay có mặt trong các cuộc trao tặng, tôn vinh ấy. Các vị lãnh đạo các cấp được mời đến dự rồi lên trao tặng cũng mất thời giờ lắm chứ. Thời giờ ấy để mà học hành, mà đọc sách, đọc báo (phải cả báo mạng mới là thực đơn, mới là toa thuốc có đắng, có ngọt đầy đủ của đời sống hôm nay). Tôi thầm ước, các ông các bà to ấy biết xuất hiện và thể hiện mình với tư cách của người có nhiều chất xám hơn cho những vấn đề quốc kế dân sinh, cho những luận thảo hướng tuổi trẻ vào bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Nhưng không, ít có quá. Tuổi trẻ xinh đẹp bây giờ rất thạo nhảy múa, hát hò, thần tượng các ban nhạc, diễn viên, ca sĩ và say trong các cuộc chơi có giải, có thưởng, mà chắc, nếu hỏi về biển đảo đang nóng bỏng bây giờ, hầu hết họ không để ý và ngơ ngác cả thôi. Trách nhiệm trước hết không từ họ mà từ các bậc bề trên. Đội quân hậu bị của Đảng ơi, giàu có với tri thức để rồi mất nước! Bỗng nhiên lại nghĩ đến “tư duy nhiệm kỳ” bây giờ với lý tưởng, với sự đồng lòng già trẻ suốt mấy chục năm thế kỷ trước, mà thấy cái đã mất đi khủng khiếp quá. Thôi, trở lại nói nốt câu chuyện trao tặng này là, phía được tặng (cá nhân và tập thể) thì có bao nhiêu phần trăm phải chạy? Con số không nhỏ đâu. Rất nhiều nơi không chạy là không được. Nhận rồi, nhiệm kì này coi thế là vẻ vang, xong. Giá có cơ quan báo chí “dám” làm một cái điều tra xem các đơn vị, sau nhận huân chương, bằng khen, cờ thi đua, danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, v.v. xem xem sau đó phát triển ra sao, tôi cam đoan là rất nhiều nơi đi xuống, là đổ bể. Ngành ngành, nghề nghề, kỷ niệm với tổng kết, trao tặng nhiều quá dễ thành một kiểu diễn không chịu kém nhau. Chết thế. Khen thưởng với trao tặng chắc phải nhiều nhất thế giới nhưng các chỉ số xếp bậc luôn vào loại bết bát nhất nhì thế giới. Tuần Việt Nam.net cuối tháng 4 vừa qua có bài viết chí lý “thi đua là virut gây bệnh thành tích”.

· Nhiều người cho rằng ở Hà Nội bây giờ, con đường đẹp nhất, trữ tình thơ mộng nhất là đường ven Hồ Tây, đặc biệt đoạn vài cây số từ trường Chu Văn An đến công viên nước. Tôi thật có cảm tình và biết ơn những nhân viên công ty cây xanh Hà Nội đã trồng cây, trồng cỏ làm đẹp cảnh quan con đường. Nhưng mỗi vào hè, khi chiều chiều hoàng hôn dần tắt là đội quân ẩm thực lao ra chiếm lĩnh hết mặt cỏ, lối đi bằng các loại bàn ghế và chiếu trải thoải mái. Ghế đá nào cũng có vài ba miếng thảm đệm bỏ lên, nghĩa là ai muốn ngồi đương nhiên phải trả tiền thuê chỗ của một chủ hàng nào đó. Tự nhiên mà ngồi vào cãi chửi đánh nhau ngay. Thương cho cỏ lắm. Vì cỏ là “thảo dân” của thiên nhiên. Đành rằng làm công ăn lương nhưng cũng tội cho người trồng cỏ và xót cho tiền chùa nhà nước bỏ ra làm đẹp. Người ta bảo không dễ mà các chủ ẩm thực bành trướng được thế. Được thế phải đóng “thuế hiểu biết” cho chính quyền sở tại. Hàng sáng chị em đẩy xe đi dọn vệ sinh, nhặt rác rưởi và vô số vỏ quả dừa. Chị em bảo chả dám động vào, bọn xã hội đen ở đây nhiều lắm. Với lại họ làm luật cả rồi. Thôi cũng là một cách bôi trơn. Mà bôi trơn mấy rổ ốc luộc, mấy bàn giải khát trên cỏ xem ra thấm gì với triệu triệu, tỷ tỷ, nghìn hay cả triệu đô của guồng máy công quyền và những nhóm lợi ích. Thế đấy, cấp nào thì cũng ăn. Anh nào không tìm cách ăn là dại. Ông lớn trộm nguội con lợn to, lẽ nào anh bé hơn lại không vụng nóng miếng mỡ nhỏ.

Chuyện bôi trơn cho hàng hóa bày bán chiếm lĩnh vỉa hè, thực ra phần kinh tế không quá lớn nhưng nó thật nhếch nhác theo góc nhìn văn hóa. Còn về pháp luật thì bị xem nhờn vì biết bao chỉ thị, những đợt ra quân rồi đâu lại vào đấy. Chả chỉ một con đường, hàng trăm hàng nghìn vỉa hè đường phố Hà Nội (và các tỉnh thành) bày bán thế, không đóng “thuế hiểu biết” mà được à? Cứ tiền tươi thóc thật cho chính quyền quản lý địa bàn trực tiếp là xong tất. Nan giải thật đấy giữa kiếm sống của dân với quy định của luật pháp và văn hóa. Thôi thì khuất lấp ở đâu, tạm coi như chấp nhận, chứ đường ven hồ, cỏ cây đẹp chả kém trước Lăng Bác Hồ mà toàn trẻ trai nằm ngả ngớn, mà bành trướng theo kiểu lệ làng thì… không tiêu hóa được.

· Có biết bao những phiền hà, khó chịu vì thủ tục hành chính cho người dân mỗi khi phải đến nơi công quyền. Tôi nhớ, hồi mới lên làm Bí thư Thành ủy Hà Nội cách đây vài năm, khi trả lời phỏng vấn của báo Tiền phong, ông Phạm Quang Nghị có nói cải cách thủ tục hành chính như một việc phải làm cấp bách. Tôi tin và mừng là từ người đứng đầu thành phố đã tích cực làm và cải tiến được nhiều. Thế mà còn ghê lắm. Năm ngoái, khi đi làm thủ tục để công nhận bố tôi là nhà báo, nhà thơ, liệt sĩ Thôi Hữu (ông đã tham gia Thành ủy Hà Nội, giam ở Hỏa Lò những năm 1943-1944) là lão thành cách mạng, thì hành trình chẳng kém gì một cuộc “Thục đạo nan”. Nhiều lúc đã chép miệng định bỏ cuộc, nhưng lại nghĩ ráng chịu vì đây là danh dự, là đồng tiền máu xương của người đã mất, và thêm chút tâm linh: chắc cụ sẽ phù hộ cho mình.

Còn đây, không là chuyện giấy tờ nhưng nó gây khó chịu, bực mình quá nhiều lần trong mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm là chuyện gửi cái xe ở bất cứ bãi xe, vỉa hè nào trong thành phố. Đúng là chặt chém dã man, đặc biệt vào dịp lễ, tết, hội hè. Còn ngày thường, họ bảo bao nhiêu (thường là hơn giá quy định) người gửi xe đều phải chịu. Cự lại à? Chỉ có thua. Cũng rất nhiều người, quen quá rồi, đành chép miệng cho qua. Đồng tiền mất thì nhỏ thôi nhưng không không nhỏ chút nào là cái sự chán của người dân với kỷ cương của thành phố đã không ít lần ra quân, thanh tra, quy định rồi đâu lại vào đó. Thực lòng tôi chỉ mong thành phố Hà Nội làm được chỉ một việc này cho ngay ngắn thì cũng sung sướng lắm rồi.

· Có lẽ ở Hà Nội phải có trên chục nhà bảo tàng. Con số đó không biết là nhiều hay ít hay vừa. Ngoài những nhà bảo tàng cỡ quốc gia như: Cách mạng, Lịch sử, Quân đội, Mỹ thuật… rất cần phải có thì có không ít những nhà bảo tàng tồn tại theo kiểu lặng im, kín cổng cao tường. Bảo tàng Hà Nội mới xây cấp tập dịp Nghìn năm Thăng Long, nghe nói tốn kém lắm, xuống cấp nhanh mà người vào xem thì thưa thớt. Phố Đội Cấn, Lạc Long Quân, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Trần Bình Trọng… có mấy bảo tàng của các quân binh chủng ngành quân đội, công an, đất thật rộng, nhà mấy tầng to đùng mà cả năm cả tháng có mấy ai vào đâu. Bảo tàng mà vắng như chùa Bà Đanh là bảo tàng chết. Bảo tàng tồn tại kiểu này đã nhiều năm nay thật quá ư hình thức và duy ý chí. Thầm ước, thầm mong giá những bảo tàng ấy, đất ấy tiền ấy bơn bớt đi để biến thành trường học, nhà trẻ, trường mẫu giáo, nơi tập luyện thể thao hay bệnh viện v.v. thì dân cũng đỡ khổ. Nước ta còn nghèo, kinh tế còn bấp bênh, mỗi thứ chi tiêu phải biết tiết kiệm một tý thì đời sống nhân dân mới khá lên được.

Ở đâu cũng vậy, quá chú trọng, phô trương hình thức thì đằng sau nó là sự giả dối. Con người thì chết vì ung thư, tim mạch, tiểu đường… Còn xã hội thì chết vì bệnh giả dối. Mà giả dối lẩn trong bệnh phô trương hình thức còn là nhẹ. Giả dối theo kiểu ngụy biện, lòng vòng, câu giờ, nói một đằng làm một nẻo mới ghê. Lãnh đạo Trung Quốc đã và đang giả dối với ta như vậy. Còn ta mà lại với ta như vậy thì còn gì buồn hơn! Thủ tướng đã kết luận, yêu cầu rõ ràng; Thứ trưởng công an (ông Ngọ) cũng hứa mạnh lắm, thế mà già nửa năm rồi Đoàn Văn Vươn vẫn đang bị giam, còn kẻ chủ trương, ra lệnh phá nhà Vươn, sao vẫn chưa chỉ ra là ai nhỉ? Rất nhiều người cho rằng việc chỉ ra này quá dễ.

· Từ mấy năm nay nghe rất nhiều về cuộc vận động đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cuộc vận động đương nhiên là tốn nhiều tiền của và công sức. Mục đích ấy xem ra đang bị trượt ra ngoài đời sống, hay nói khác đi nó vẫn còn là hô hào, khẩu hiệu. Cứ xem những gì Bác viết, Bác nói, Bác làm mà học là rất đúng, rất rõ, nhưng vấn đề thiết cốt mấu chốt nhất là ai phải học trước nhất và ai phải học nhiều nhất. Câu trả lời rõ rành rành là cán bộ, đảng viên đương chức đương quyền, càng ở cấp cao, càng nhiều quyền thế càng phải học. Đây chính là đối tượng hư hỏng nhất mà Đảng đang hô hào chỉnh đốn. Bộ phận không nhỏ này không phải không biết Bác nói gì, viết gì, Bác sống như thế nào. Nhưng nếu làm theo Bác thì họ ăn gì, thà họ bỏ chức quyền còn hơn. Miệng nói leo lẻo phải học Bác nhưng họ sống khác Bác một trời một vực. Bác thì vì dân vì nước còn họ thì tất cả vì tiền. Họ chỉ vì cấp trên ký cho họ chức quyền vì nhóm lợi ích nào đó cho họ tiền của; còn vì nhân dân – quên đi nhé. Ai đó đã nói quá đúng: “Tôi đi guốc trong bụng các vị”. Không có cách làm khác, chỉ đẩy mạnh với hô hào, nói những lời tâm huyết v.v. thì cuộc vận động ấy chỉ là tấm bình phong ngụy trang, kết quả dễ về “mo” lắm.

· Đầu năm nay, sau tết ít ngày, có cuộc họp mặt các học viên lớp cao cấp lý luận chính trị của một bộ, kỷ niệm sau mấy năm tốt nghiệp. Người học và người đến họp mặt hầu hết là cấp trưởng, cấp phó cục, vụ, viện, giám đốc các đơn vị của bộ. Cách đây dăm bảy năm, những người giảng bài hầu hết là các vị có số má của Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia, đã thấy rất lấn bấn, mắc míu về lý luận; lý luận thì thế này mà thực tế khác nhiều lắm. Nhiều người đã nói tới một sự khủng hoảng của lý luận. Còn suy nghĩ của cái đầu thì còn hỏi, còn phản biện, rồi thì cuối cùng cũng chép miệng, học cho xong. Còn vừa rồi, trong câu chuyện vui không đầu không cuối với ông giáo chủ nhiệm lớp, người nổi tiếng “ngoan đạo” và có kỷ luật sắt với học chính trị mà tôi chưa từng gặp trong cả cuộc đời đi học cho tận tới lúc đã thành ông nội, ông ngoại, hỏi chuyện giảng dạy chính trị lúc này thì ông nói… khó giảng lắm, phải liệu phải lách thôi. Ông nói ít, chúng tôi hiểu nhiều.

Tôi và không ít người mấy lâu nay cứ hỏi, đã kinh tế thị trường sao lại phải có cái đuôi xã hội chủ nghĩa – một phạm trù còn khá mù mờ, khó tưởng tượng, xây dựng mấy chục năm rồi mà vẫn cứ mù mờ, từa tựa như phôi thai, không thành người được. Việc gì lại phải có cái đuôi, phải có thêm một mệnh đề cho khác người. Cứ “Dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” cũng do Đảng đề ra, chả hay quá đi chứ, vừa đầy đủ, vừa dễ hiểu. Trong mục tiêu đó có lẽ có cả Mác, cả yếu tố xã hội chủ nghĩa như mong muốn, và đương nhiên là đậm đặc tư bản chủ nghĩa, cũng chả sao, miễn là dân sướng, Đảng sướng. Và lúc đó Đảng thật quang vinh như khẩu hiệu bây giờ. Lý luận nghiên cứu mãi rồi. CChủ nghĩa xã hội đã làm gì có mà còn. Người Việt Nam mình bước chân sang các nước Tư bản, phương Tây và Phương Đông, hỏi rằng có ngất ngây không? Mọi tiện nghi đời sống văn minh cao cấp bây giờ ta được hưởng, không từ tư bản thì từ đâu ra? Và có gia đình nào, đặc biệt các vị từ cấp cao cao, nếu có điều kiện lại không tìm cách cho con cháu mình sang học ở các nước tư bản?

Lý luận thì vẫn đi tìm.

Còn cây đời thì vẫn xanh tươi đấy chứ!

· Tôi không nhớ nguyên văn nhưng đại ý là Nghị quyết Trung ương 4 vừa rồi khẳng định một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở mọi cấp mọi ngành suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, mà nếu không chấn chỉnh thì đó là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Nhận định đó chắc chẳng sai. Suy thoái, biến chất về đạo đức lối sống thì rõ mười mươi, không chệch đi đâu. Nhân dân, xã hội bất bình, căm giận điều này nhất. Nhưng còn về tư tưởng thì suy thoái là thế nào? Nghĩ khác, nói khác có phải là suy thoái không? Ngày xưa yêu Đảng, tự hào về Đảng mười phần, bây giờ chỉ còn 4-5 phần, có phải là suy thoái không? Ngày xưa nói đến chủ nghĩa xã hội nghe có vẻ lung linh như là miền trái thơm quả ngọt, sau mấy chục năm phấn đấu mà vẫn chưa thấy hình thù của nó thế nào, đâm ra hoang mang, nghi ngờ, thế có phải là suy thoái không? Nhìn vào vài ba nước còn lại nói đến xã hội chủ nghĩa thì đều nghèo đói, chậm phát triển, có nước thành dị dạng… đâm ra càng mất lòng tin vào con đường đi lên xã hội chủ nghĩa với cộng sản chủ nghĩa, thế có phải là suy thoái về tư tưởng không? Hồi trước nói đến Mác - Lê nin, rồi cũng được học, tuy chẳng hiểu mấy nhưng vẫn thành kính, phục, bây giờ cứ thấy “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” thì gọi là chủ nghĩa gì cũng được, tất tần tật mọi người chắc phải sướng rêm, thế có phải suy thoái không? Có vị làm thật to, đến “tứ trụ triều đình” nói chúng ta mắc lỗi hệ thống, phải kiên quyết sửa, phải sửa hiến pháp để có tạm quyền phân lập, v.v. thế có phải là suy thoái tư tưởng không? Nghĩ khác, nói khác những điều vẫn quen nghĩ để tìm ra chân lý, đó không phải là suy thoái? Đó là nhận thức lại. Chỉ những kẻ phản nước, hại dân (làm mất đất đai Tổ quốc để yên thân và tham nhũng tiền của của nhân dân) mới là suy thoái. Giàu một cách phi lý, quá nhanh, thành tư bản đỏ, đó là suy thoái. Hồi trước các vị làm to của Đảng, nhà nước ta đâu có vậy. Cũng mừng là Nghị quyết cũng như bài phát biểu của ông Tổng Bí thư đưa ra mấy nhóm giải pháp để chỉnh đốn Đảng, trong đó tôi thấy được nhất là khẳng định phải làm từ trên làm xuống. Vậy thì chắc chắn tới đây, chúng ta hi vọng và trông chờ thế nào cũng không ít cá nhân nào đó, bộ sậu nào đó, tập thể nào đó ở những cấp thật cao phải bị “rụng” theo nghĩa đen, chứ không phải suốt đời chỉ nói là “nghiêm khắc”, rồi thuyên chuyển hoặc án tù đại khái. Nếu không lôi ra được nhiều nhiều họ tên cụ thể trong “một bộ phận không nhỏ” ấy thì chỉnh đốn Đảng không thể gọi là kết quả. Nếu còn đúng là Đảng của dân, vì dân thì chỉnh và đốn thế nào phải công khai cho dân được biết. Làm được ở cấp cao nhất, tôi tin xã hội, nhân dân sẽ hả lòng. Mà nói thẳng, nói ngay, không phải rào đón, chỉnh đốn Đảng thực chất là chống tham nhũng. Chống tham nhũng không dễ nhưng đừng nói là quá khó khăn, phức tạp. Vấn đề là có thực lòng muốn đẩy lùi, muốn chống hay không? Hơi hơi ngửi, hơi hơi liếc mắt là đã thấy ngay các vị ạ! Tôi sực nhớ có một nhà báo, nhà văn ở Thái Bình, anh là Nguyễn Trọng Thắng, anh đã có vài đầu sách tập hợp hàng trăm bài báo chống tiêu cực, đặc biệt là chống tham nhũng biểu hiện đủ mọi kiểu, cách đây 2-3 năm anh lại cho in ở NXB Hội Nhà văn tập sách có tên “Sóng gió Cồn Vành”. Toàn bộ tập sách vài trăm trang đều là chuyện người thực, việc thực của cán bộ cấp cao trong tỉnh tham nhũng và tiêu cực. Những vụ việc đọc lên thấy nó trắng trợn đến rùng mình. Nói vậy để thấy ở đây không cần phải “ngửi” nữa. Nếu anh Thắng viết sai thì đã có các luật căn cứ để xử trí. Còn nếu đúng thì tội gì chống tham nhũng không dựa vào đó mà lôi ra xử, đỡ mất công điều tra và khen thưởng luôn anh Thắng. (Và nếu được thưởng chút phần trăm nào đó bằng tiền của Nhà nước, của nhân dân mất đi, giờ có người lôi ra thì cũng hay và chính đáng chứ sao!). Nhưng nếu chưa có quy định thưởng bằng tiền thì anh Nguyễn Trọng Thắng – nhà báo, nhà văn, người cầm bút số 1 ở Việt Nam – xứng đáng được thưởng huân chương và phong danh hiệu anh hùng vì dã dũng cảm liên tục điều tra viết bài chống tiêu cực. Anh đã đổ máu, nằm bệnh viện nhiều ngày vì sự trả thù hèn hạ. Quanh nhà anh ở lâu nay, những cựu chiến binh, những người tốt vẫn thay nhau để mắt kẻ trả thù luôn rình mò gây khó dễ cho anh và gia đình. Và tôi nghĩ NXB Hội Nhà văn, nơi in những cuốn sách này cũng xứng đáng được biểu dương, khen thưởng.

Cón nếu cứ làm kiểu dụ dợ, kéo dài thanh với kiểm, soát với tra hết nhiệm kỳ cũ này lại đến khóa mới kia thì không chống được đâu. Nhiều vụ việc quá, vụ nóng này đè vụ nóng kia. Để lâu quá rồi cũng quên, cũng nguội, cũng nhạt. Câu nói “tư duy nhiệm kỳ” của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, vẫn là một câu bất hủ. Anh bạn tôi là nhà thơ, làm Tổng Biên tập một tờ báo rồi một NXB, bài vở, bản thảo nhiều quá, anh bảo phải đọc theo kiểu “ngửi”. Tôi nghĩ chống tham nhũng có nhiều cách, trong đó cũng phải có cả cách “ngửi”. Nhiều nơi chỉ hơi “ngửi” là thấy “mùi” ngay ấy mà. Nhân dân mình lại luôn có nghìn mắt, nghìn tay và nghìn mũi. Nghìn là nói theo cách ước lệ dân gian, chứ phải là triệu triệu. Như vụ nhà vườn trăm tỷ ỏ Hải Dương, phải thấy ngay là tên thì con còn tiền nong và thế lực là bố chứ! Nhiều vụ Bao Công phát hiện bằng “ngửi” rồi mới tiến hành điều tra, phải không ạ?

“Lần này Trung ương kiên quyết. Lần này Trung ương làm mạnh” – Đội ngũ báo cáo viên đang truyền đạt Nghị quyết đầy nhiệt huyết, tay chém gió, mồm nói như rút hết ruột gan nhưng người nghe thì miễn cưỡng, uể oải, nặng nề, nói chuyện riêng; đầu giờ còn đông đông, ngày đầu còn kha khá, cuối giờ rồi ngày hôm sau vắng hẳn. Có cảm giác rất tội cho người nói. Thế rồi con số báo cáo lên trên không thể nào “chụp” đúng được thực trạng này. Mong sao đừng để những lời tâm huyết và con chữ chết yểu. Và đừng sợ làm mạnh mà xã hội bị xáo trộn, bị rối nội bộ như các vị lo… Hãy tin nhân dân đi vì nhân dân luôn đồng nghĩa với lương thiện.

· Đã nghe quá nhiều rồi là “Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước”. Dù là học sinh tiểu học hay vị Giáo sư thì đều hiểu đã là nhất nghĩa là số 1, là trên hết, không còn cái gì trên nhất cả. Thế mà không phải vậy. Quốc hội vẫn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quốc hội nhất nhất làm theo chủ trương của Đảng. Vậy thì nghe theo cách nói nào? Hay mỗi bên tai nghe một kiểu. Đã vậy thì sao không gọi Quốc hội là cơ quan quyền lực cao thứ 2 (hoặc thứ 3) gì đó cho không mâu thuẫn nhau. Bảo vậy mà không phải vậy, tức là không thực, không chính danh. Nhân dân rất cần, rất trọng thực tế nào thì nói cho đúng vậy.

· Tôi biết một anh người dân tộc, làm giám đốc một nhà xuất bản. Anh nói bộc trực, lý lẽ đơn giản, đúng như tư duy của dân tộc anh. Anh bảo hàng nghìn hàng vạn đầu sách ra mỗi năm, hàng triệu trang bản thảo hầu hết là tốt, mà ai đọc duyệt hết được, thỉnh thoảng có sai sót vừa vừa thôi thì cấp trên đã tuýt còi kinh khủng, mà không ít khi tuýt quá, tuýt sai, đình chỉ, thu hồi, lên bờ xuống ruộng. Bản đồ có quên vẽ Hoàng Sa, Trường Sa hay tờ lịch có không ghi một ngày kỷ niệm nào đó thì thôi rồi. Có khi “mất đảo” trên giấy, còn nguy tại hơn mất đảo thật. Vậy thử hỏi – vẫn là lời anh – bao nhiêu ma túy tuồn về Hà Nội, không từ miền núi, biên giới đất liền thì từ đâu? Mà chỉ có 2-3 quốc lộ từ miền núi về Hà Nội. Bao nhiêu công an sao vẫn để lọt, để tuồn nhiều thế? Để lọt hay cho lọt nhiều khi cũng tù mù lắm. So sánh đơn giản mà chí lý đấy chứ! Nghĩ thêm, ma túy thì phải giấu tinh vi, còn xe quá tải cồng kềnh, nhồi nhét người như nêm thì dễ nhìn thấy lắm. Tại lái xe ư? Tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Nhưng trước hết phải tại cảnh sát giao thông vì họ được đào tạo học hành tử tế, họ nắm pháp luật và thực thi pháp luật. Nhưng phải nói như cụ Nguyễn Du có lẽ mới là cái gốc “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

· Trong rất nhiều vụ chết người, từ những vụ án hình sự vô cùng dã man, độc ác đến những cái chết oái ăm do tắc trách, rủi ro, tôi vẫn cho cái chết của những người bị bắt vào đồn công an hoặc liên quan đến công an ở đâu đó, là cái chết nhức nhối nhất. Nó thường xảy ra kín đáo, lặng lẽ, và ngày một nhiều hơn. Hồi xưa đâu có thế.

Trong rất nhiều những thứ hàng giả, tôi vẫn cho những thứ thuộc về ăn uống, bỏ vào mồm mà độc mà giả là tội ác ghê tởm nhất. Đồ dùng rởm chỉ chóng hỏng, tốn tiền, thực phầm mà độc thì… Đau cho nước ta là biên giới phía Bắc mở cửa thông thương, hàng hóa nhiều mà độc, dữ cũng nhiều. Vậy xin các ngành chức năng của Nhà nước nghĩ cho, thà quản lý chặt có ít cái ăn mà lành còn hơn ăn nhiều mà độc. Còn người tiêu dùng, dù có nghìn mắt nghìn tay thì cũng khó mà phân biệt được.

Vậy nên, luật pháp cần định rõ những người thực thi pháp luật mà phạm tội, cũng như ngành nào, người nào làm ra hoặc quản lý nguồn ăn uống, thuốc men của xã hội mà để cho chất độc hại chế biến từ trong nước hay nhập từ Trung Quốc vào thì dứt khoát phải chịu khung hình phạt cao hơn vài ba lần những người khác gây mức án tương tự. Cũng như vậy, Đảng viên mà phạm tội, đặc biệt tội về kinh tế cũng phải xử mức nặng hơn khung án thông thường.

· Cách đây khoảng gần hai chục năm, nhà thơ Võ Văn Trực lúc đó đang là Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ – một người cốt cách xứ Nghệ điển hình – nói với tôi là ông thật ngỡ ngàng cho sự vô cảm, lạnh lùng của một vài người trong cơ quan khi đầu giờ sáng đến tòa báo, ông kể cái vụ vừa xảy ra là có thanh niên do gia đình đánh chửi nhau lộn xộn vì ma túy hay vì thù hằn ai đó, đã trèo lên chiếc xe tải đỗ ở đầu con dốc thị xã Hòa Bình, làm thế nào đó cốt cho chiếc xe trôi xuống dốc, cán chết mấy người. Bây giờ thì, ai còn sức đâu mà kể mà nghe về những vụ chết người đủ loại, đủ kiểu vì nó quá nhiều và kinh khủng gấp nghìn vạn lần cái vụ anh Trực kể. Có lẽ trên thế giới hiếm có nước nào như nước ta, sao lắm kiểu vụ án, kiểu chết người vô lối, vớ vẩn, và đủ kiểu dã man đến vậy! Chết đi lại trên bộ, dưới nước quá nhiều rồi. Mỗi năm trên một vạn người chết vì tai nạn giao thông, bằng một trận sóng thần ở Nhật Bản. Bao nhiêu tiền của mất đi, bao nhiêu người thân của những người chết, chịu hệ lụy suốt đời. Nhưng còn cướp, giết, hiếp, tội ác hoàn toàn do con người chủ động, và càng ngày càng hãi hùng. Loại tội ác này đang tràn vào huyết thống mỗi gia đình, vợ chồng, bố mẹ, con cái, anh em đang tràn vào nhiều trường học. Rồi công an đánh chết dân, dân đánh công an, nhiều lắm, hồi xưa dâu có vậy. Nhiều quá và nhiều quá đã thành miễn dịch rồi chăng? Công an không thiếu việc làm, vất vả điều tra nhưng nghĩ cho cùng, xã hội như vậy thì nguy nan quá. Xã hội quá nhiều những ngấm ngầm đối phó và cũng lộ ra quá nhiều những chống đối lẫn nhau. Thế đấy giữa chiến trường. Nghe tiếng bom rất nhỏ là một câu thơ hay của Phạm Tiến Duật trong thời chiến. Nhưng trong thời bình, không ở đâu con người có thể quen với tội ác. Có phải nhiều quá thành bão hòa cũng là một kiểu quen đó không? Đúng thế thì thật khủng khiếp.

Nhân đây cũng nên nhắc lại vụ ô tô rơi xuống sông ở Đắc Lắc, Đắc Nông đêm 17-5 mới đây, làm chết 37 người, 20 người bị thương nặng, nếu không chết thì cũng tàn phế suốt đời, để thấy con người cũng có đến vài ba bốn mặt. Một công dân bình thường của nước Việt Nam ta viết trên báo: “Tôi vừa đọc tin vừa khóc – khóc cho những người chưa bao giờ gặp. Khóc như chính tôi đã mất đi những người thân thiết nhất. Những người hàng xóm nơi tôi sống, cả tuần, thậm chí cả tháng không bao giờ đọc báo, nhưng trước vụ tai nạn kinh hoàng nay, họ cũng như tôi theo dõi từng giờ từng phút những thông tin liên quan đến vụ tai nạn”. Ngày hôm đó tôi coi cái tin đó là cái tin đẹp nhất trong ngày. Và dư vị của nó chắc còn lâu bền lắm. Sau đó nửa tháng, ngày 2-6, không phải một người mà hàng nghìn tăng ni phật tử đại diện cho hơn 100 chùa ở các tỉnh, thành đã về cầu 14 nơi xẩy ra vụ tai nạn thảm khốc hôm 17-5 để cầu siêu cho 37 nạn nhân xấu số. Nhân dân mình là vậy. Sau đêm tang thương đó một ngày một đêm, tôi nhớ đúng ngày sinh nhật Bác 19/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội có buổi lễ hoành tráng, Chủ tịch nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Tôi cứ ngỡ thế nào cũng có biểu hiện nào đó (lời nói hoặc việc làm) của một ai đó đại diện trong buổi lễ bày tỏ, chia sẻ đau thương khủng khiếp kia. Nhưng không, không có. Những người xem cả buổi cũng nói rằng không thấy, chỉ thấy có ông nhà văn Thái Bá Lợi có bài phát biểu dài cảm ơn Đảng và Nhà nước. Thất vọng bội phần vì đây rặt là những người có số má cao nhất nhì về thành tựu Văn học nghệ thuật, những người dễ xúc động nhất trước mọi bất hạnh của con người. Ngày hôm đó, một tờ báo đã giật tít lớn “một sự kiện văn hóa lớn”, nghĩ mà thấy buồn buồn giữa văn hóa sân khấu, màn hình, văn hóa với cờ, đèn, kèn trống” như có ai đã nói còn chênh quá nhiều, quá xa với văn hóa giao thương nhân ái con người. Có văn hóa nhân ái con người là có sức mạnh không gì sánh nổi.

· Cách đây 3-4 năm gì đó, ông Tổng Bí thư và ông Phó Thủ tướng (hay ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đến thăm một trường học (tiểu học hay Phổ thông Cơ sở) quận Ba Đình nhân dịp năm học mới. Ông Tổng Bí thư (ông này nay đã nghỉ chức) hỏi các cháu: Các cháu có muốn (hay có biết) làm người không? Làm người có khó không? Vậy có làm được không? Tất nhiên hết thảy câu trả lời là: Có ạ! Thật tội nghiệp các cháu phải trả lời một vấn đề lớn lao quá mà ngay các bậc bề trên như ông (và phần nào là các phụ huynh) làm còn chưa được, chưa trọn, chưa rữa, thậm chí còn rất tệ với nhân cách, lương tâm đạo đức con người. Không biết gọi tên kiểu hỏi, nói đó là gì. Cứ cho đó là một kiểu “diễn”. Chỉ trên sân khấu và màn ảnh, người ta mới diễn. Ngoài đời mà diễn là giả dối. Diễn vài lúc vài nhát, còn có thể chấp nhận, diễn suốt đời thì “lộng giả thành chân” như các cụ nhà ta đã nói.

Tôi nghĩ, giá ông Tổng Bí thư hôm đó cứ hỏi các cháu về giữ gìn sạch sẽ môi trường ví như bao bim bim, vỏ hộp sữa, cũng như mọi bao vỏ đồ ăn thức uống không vứt ra đường phố, vườn hoa, trong nhà thì phải có trên có dưới, thì có phải thực tế hơn không. Học làm người, đó là con đường gian truân như học đạo. Để đạt đạo làm người, chắc không ai qua khỏi những abc rất đời thường. Những abc rất đời thường trước hết phải có từ mỗi gia đình rồi mới có được ra ngoài xã hội.

Nhưng còn câu nói “Tôi thương dân tôi lắm” của cụ bà Lê Hiền Đức đã 80 tuổi, một đảng viên (có những kỷ niệm đẹp trong thời gian công tác gần gũi với Bác Hồ), người gầy còm, cột chặt cuộc đời mình vào sự nghiệp đấu tranh chống tham nhũng, thì khó ai nói đó là “diễn” được. Đó là tâm, là huyết. Những người bình chân dễ cho cụ là “rách việc” là “rỗi hơi”. Có thể nhiều hoạt động của cụ làm chính quyền không thích, không ưa vì cụ nổi tiếng là người xông ra trợ giúp những dân oan đi khiếu kiện. Cụ đang như một Võ Tử Trực trong Lục Vân Tiên. Có tức có ghét gì về cách thức cụ làm thì cụ cũng là người hoàn toàn của nhân dân. Tính đến đầu năm nay, báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã thống kê có đên 9 bài vinh danh cụ. Những người như cụ Đức, hay như những trí thức hay “xớ rớ” vào những chuyện chẳng mấy liên quan trực tiếp đến mình nhưng rất thiết cốt với xã hội, những người đó nhận rất nhiều thiệt thòi cho bản thân, gia đình, nhưng xã hội tiến lên dân chủ không thể thiếu những người như thế.

· Còn có vô vàn những chuyện tai nghe và mắt thấy. Đấy là ‘mỏ” của báo chí một khi báo chí được và dám sống thật mình và hết mình. Đến đây, tôi xin mượn lời nhà thơ thiền dân gian Nguyễn Bảo Sinh để nói cho những gì đã nói:

Lời nịnh như gái sờ cu

Lời thật như cắt khối u trong người

P. N. L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn