InnovGreen đang làm gì trên biên giới Việt Nam?

Quang Cường – Quốc Huy – Trí Thức

Sau gần nửa năm kể từ khi Công ty Innov Green Nghệ An triển khai trồng rừng trên diện tích đất rừng được tỉnh Nghệ An cho thuê, vùng đất vốn im lìm, nằm sâu trong núi rừng Cắm Muộn có sự thay đổi lớn.

LTS: Tháng 3/2010, loạt bài “Giao đất rừng cho công ty nước ngoài” khởi đăng trên báo VietNamNet đã thu hút sự chú ý của công luận. Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu các tỉnh tạm ngừng cấp phép các dự án, thẩm tra lại tòan bộ quy trình cấp phép trong việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài.

Nhóm phóng viên VietNamNet đã miệt mài cắt rừng, lội suối, xâm nhập các địa bàn trọng yếu tại các vùng biên giới từ Móng Cái (Quảng Ninh) sang tới Tràng Định (Lạng Sơn), quay lại Quế Phong (Nghệ An), lên mạn Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) để chấm định vị các địa bàn xung yếu, phác thảo nên bức tranh tổng quát và lắng nghe tiếng nói của người dân các địa phương đang được xem là đối tượng hưởng lợi của các dự án trồng rừng này.

Xin giới thiệu loạt bài “Công ty InnovGreen đang làm gì trên biên giới của chúng ta?” để độc giả có thể hiểu thêm về một siêu dự án trồng rừng sát khu vực biên giới.


Kỳ 1: InnovGreen “xé ngang” núi rừng Cắm Muộn

Con đường dẫn vào vùng đất trồng rừng của InnovGreen, nơi mảnh đất 3 bản Cắm thuộc xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) được làm rất “hoành tráng”, chênh vênh trên những bờ vực sâu hàng chục mét, xé ngang một mảng núi rừng xanh ngắt.

Rầm rộ mở đường lớn

Giữa tháng 3/2010, Công ty InnovGreen Nghệ An (dưới đây sẽ gọi tắt là công ty IG) bắt đầu triển khai công việc phát thực bì, đào hố để trồng cây trên diện tích rừng được thuê.

Vào thời điểm đó, để vào được khu vực trồng cây của Innov Green, chúng tôi phải đi bộ xuyên rừng khoảng 4 giờ đồng hồ mới tới nơi. Quãng đường này dài khoảng 10km, là con đường mòn len lỏi giữa rừng rậm, men theo bờ suối, chênh vênh trên những vực sâu.

clip_image002

Con đường cơ giới do InnovGreen mở "xé ngang" núi rừng Cắm Muộn.

Trở lại đây sau hơn 4 tháng, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi sự thay đổi nhanh chóng. Con đường mòn xuyên rừng đã được Innov Green đào bới, làm thành một con đường lớn có chiều rộng khoảng 5m.

Bắt đầu từ bản Cắm, dấu vết máy móc cơ giới hiện đại đã in đẫm theo từng bước chân người dân ở đây.

Con đường đang thì công tuy gồ ghề nhưng chiếc xe ô tô 7 chỗ của chúng tôi vẫn có thể “vô tư” lao theo những con dốc cheo leo bên bờ suối. Bất kỳ ai ngồi trên xe lúc này cũng có cảm giác sợ hãi, dù không dám nói ra. Nhìn từ trên xe, dòng suối uốn lượn phía dưới sâu hun hút càng tạo thêm vẻ hiểm trở bên cạnh những vách núi cao ngất.

Từ những vách núi chênh vênh, những chiếc máy xúc, máy đào của Innov Green đã kéo dài con đường dẫn vào khu vực trồng rừng của họ. Sau hơn 4 tháng, con đường này đã hình thành được khoảng một nửa lộ trình.

Nhìn dấu vết của sự tác động bằng cơ giới, ai cũng có thể hình dung ra cả một quá trình miệt mài và phải tiêu tốn rất nhiều tiền bạc để có được con đường mới này. Có những đoạn vách núi cheo leo, hiểm trở mà con đường mòn trước đây chỉ vắt qua đủ cho một người đi bộ, nay đã bị máy móc đào sâu, khoét vào lòng núi để mở rộng cho xe ô tô chạy dễ dàng.

clip_image003

Con đường Innov Green đào bới, san lấp, chạy xuyên qua những quả núi, nương rẫy vốn trước kia là rừng, đều thuộc 3 bản Cắm

Giữa muôn trùng núi non, con đường mới của Innov Green uốn lượn như một vết xé trên bức tranh màu xanh, xám.

Những mảng màu xanh rừng nguyên sinh hiện không còn là bao. Xen kẽ giữa màu xanh là những mảng màu xám, đó là những khoảng rẫy của người dân vừa đốt để chuẩn bị gieo trồng vụ mới. Cũng có những quả đồi đã được người dân trồng lúa mới. Cây lúa mới phát triển cao khoảng 10cm, nhìn kỹ mới thấy một vài đốm xanh giữa màu đen và xám của tro rừng bị đốt.

Con đường được đào bới, san lấp, chạy xuyên qua những quả núi, nương rẫy vốn trước kia là rừng, đều thuộc 3 bản Cắm (trước đây là một bản Cắm, người dân di cư và mở rộng thành 3 khu vực, tạo thành 3 bản và người dân ở đây gọi cả ba bản này là bản Cắm).

Càng đi sâu vào, dốc núi càng cao, khe càng sâu hun hút, máy móc làm đường không hề dừng lại bởi sự gian nan, hiểm trở. Đoạn đường đã mở dài khoảng 5km nhưng là cả một công trình không dễ gì thực hiện được.

Một người dân bản dẫn đường cho chúng tôi, nói: “Không ngờ con đường mòn bây giờ lại thành như thế này. Chắc là họ phải tốn nhiều tiền lắm nhỉ?”.

Với diện tích đất rừng thuê được trên 669ha tại xã Cắm Muộn, Cty IG đang tiến hành trồng cây nguyên liệu, chủ yếu là giống cây keo.

clip_image004

Chủ tịch xã Cắm Muộn cho hay: “Từ cái lần trước các anh đến thăm với bà con nơi đây, đến tận bây giờ về phía Công ty Innov Green đem dự án vào trồng rừng đưa ra nhiều lời hứa sẽ đầu tư cho xã, tạo công ăn việc làm cho bà con dân bản… nhưng tất cả đến nay chỉ là lời hứa suông".

Khi được hỏi về tiến trình trồng rừng của IG, ông Lô Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Cắm Muộn cho biết: “Đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, họ vẫn tiếp tục trồng cây, đường mở rộng hơn”.

Ông Vinh cũng không biết được đến thời điểm này IG đã trồng được bao nhiêu ha rừng trên địa bàn xã.

“Công ty đó vẫn không có sự liên hệ nào với địa phương. Cấp trên cũng không có một văn bản nào hướng dẫn, chỉ đạo đối với chính quyền xã”, ông Vinh nói.

Đề cập đến vấn đề Cty IG mở rộng diện tích lớn hơn so với diện tích đất được thuê, ông Vinh cho hay: “Xã cũng có cho địa chính, công an vào đo lại diện tích thì thấy họ lấy lớn hơn, con số cụ thể thì tôi không nhớ rõ”.

Thực tế mà chúng tôi ghi nhận được, đến thời điểm hiện tại, IG Nghệ An đã trồng cây trên diện tích rất lớn ở bản Cắm và bản Huôi Máy (xã Cắm Muộn). Giống cây mà họ trồng là cây keo.

Vị chủ tịch xã tiếp tục cho hay: “Từ cái lần trước các anh đến thăm với bà con nơi đây, đến tận bây giờ về phía Công ty Innov Green đem dự án vào trồng rừng đưa ra nhiều lời hứa sẽ đầu tư cho xã, tạo công ăn việc làm cho bà con dân bản… nhưng tất cả đến nay chỉ là lời hứa suông”.

Kiếm sống vụn vặt giữa núi rừng

Để đến được 3 bản Cắm, nhóm PV VietNamNet phải đi bộ gần 4 tiếng đồng hồ. Vị trí địa lý của xã Cắm Muộn là nơi giáp ranh vùng biên của 4 huyện Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Con Cuông, có gần 1.000 hộ dân với 5.600 nhân khẩu sống nhờ cậy vào rừng núi, với diện tích lớn từ bao đời nay có tập tục sống quảng canh trông lúa, ngô, sắn,…làm nhà và sinh sống trên lưng chừng núi.

clip_image006

clip_image008

Người dân không có đất làm rẫy phải đi vào rừng hái quả cà (quả sa nhân) để bán kiếm tiền....

Bất ngờ năm 2007, Cty IG “đổ bộ” về bản làng, họ thuê đất, đốt rừng đầu nguồn và trồng rừng mới. Đến thời điểm hiện nay IG đã cơ bản đốt xong rừng ở 3 bản Cắm và chủ yếu là trồng cây keo đơn thuần.

Lần trước chúng tôi vào với người dân 3 bản Cắm, các dòng sông, con suối nước chảy trong vắt, mát lạnh và cảm tưởng chắc là uống sẽ rất mát ngọt. Cũng đi trở lại trên con đường đó, dòng nước hôm nay đã nhuốm màu vàng óng, đục ngầu chảy nơi thượng nguồn.

“Đó là bà con mất đất sản xuất nên xuống sông làm vàng đó. Người dân bản địa chúng tôi làm vàng thì có từ bao đời nay nhưng theo thời vụ, mà đặc biệt là sau từng cơn mưa xuống thì vàng cám lộ thiên nhiều hơn. Bình thường thời điểm này bà con chủ yếu lên rừng hái lượm, làm nương rẫy. Nhưng từ khi đất bị thu hẹp vùng sản xuất thì buộc bà con kiếm thêm nguồn thu, cật lực xuống suối để đãi cát tìm vàng”, anh Lương Văn An, Phó trưởng Công an xã Cắm Muộn dẫn chúng tôi đi hàng giờ vượt đồi núi vào bản Huồi Máy chia sẻ.

Người dân cả 3 bản Cắm “hết đường” lên rừng sản xuất nay phải xuống suối làm vàng: “Cán bộ coi, bây giờ không còn đất sản xuất nữa, lên rừng hái lượm thì công ty nước ngoài họ đuổi. Ngày trước mùa này thì lên rừng đi hái quả Cà, cây Măng, cây Mây, lá rừng kiếm tiền chứ không đi làm vàng đâu, vàng mùa này ít lắm. Ta không muốn chết đói nên phải xuống sông làm vàng thôi”, anh Vi Văn Thái một người dân làm vàng ở 3 bản Cắm nói.

clip_image009

... Hoặc kiếm tìm vận may với vàng, khoáng sản khắp núi rừng khi không còn đủ nương rẫy người dân canh tác.

Dọc đường đi vào bản Huôi Máy chúng tôi bắt gặp những người dân bản địa lên rừng tìm những quả Sa Nhân (tiếng người Thái gọi là quả Cà). Quả Cà đối với đồng bào người Thái, Khơ Mú có tác dụng là một vị thuốc chữa trị bệnh đau lưng, đau bụng rất hữu hiệu đối với người dân nơi bản làng lụp xụp nơi vùng biên giới miền Tây xứ nghệ.

Mỗi năm cứ vào dịp tháng 7, 8 người dân Thái, Khơ Mú ở 3 bản Cắm vào rừng để hái lượm quả Cà về làm thuốc và bán lấy tiến. Mỗi 1 kg quả Cà có giá trị tải bản lên đến 24.000 đồng. Đó là vị thuốc quý, một nguồn thu nhập từ bao đời nay của người dân bản địa.

“Chỉ còn mùa này nữa thôi, Công ty nước ngoài họ không cho vào rừng của họ nữa, họ bảo đây là đất của họ rồi, không cho ta vào đi hái quả Cà nữa đâu. Không biết sau này dân bản ta sống thế nào được, chắc là dân bản ta chết đói cả thôi cán bộ ơi”. Chị Vi Thị Vân vừa đi hái lượm quả Cà từ trên rừng về trăn trở cho biết.

Đánh chết trâu vì… chạy vào vườn ươm cây giống

Tại bản Huôi Máy có 39 hộ dân thì có gần 200 nhân khẩu tập trung chủ yếu là người Khơ Mú. Người dân ở đây chủ yếu sống nhờ vào đất rừng, nay lại mất thêm cả đất sản xuất, người dân bất lực trước cảnh Cty IG đốt rừng và trồng rừng mới.

clip_image010

Chủ tịch xã Cắm Muộn, ông Lô Văn Vinh : "... Những lời hứa của Cty IG với người dân đến nay chỉ là lời hứa suông..."

Không chỉ mất đất sản xuất, mà diện tích chăn nuôi trâu bò, lợn gà cũng bị bóp nhỏ lại. Khiến người dân khi chăn nuôi thả rông trâu bò cũng bị chính IG "truy sát" cho đến chết khi chăn thả trong rừng.

Khoảng trung tuần 6/2010 đến nay, người dân và chính quyền xã Cắm Muộn đang “nóng” lên vì công nhân công ty này đã đánh cho đến chết một con trâu của ông Vi Văn Dũng ở bản Cắm. Lý do là con trâu đi tìm cỏ, chạy vào vườn ươm cây giống của Cty IG.

“Con trâu mà công nhân Công ty đánh cho đến chết khi vào vườn ươm cây giống có trọng lượng khoảng gần 200kg, con trâu này có giá trị trên 10 triệu đồng. Nhưng hiện nay vẫn chưa có thỏa thuận đền bù nào từ phía Innov Green với gia đình ông Dũng”. Anh Vi Thắng cán bộ tư pháp xã Cắm Muộn cho biết.

Chủ tịch xã Cắm Muộn, ông Lô Văn Vinh nói: “Phía Công ty IG không thực hiện đúng hợp đồng ban đầu là xây các công trinh phúc lợi cho dân bản như: làm đường, xây nhà văn hóa, tạo điều kiện cho con em đi học và đặc biệt là lấy lao động ở xã chứ không lấy lao động từ ngoài vào để làm việc cho Innov Green.

Nhưng đến hiện nay, họ chỉ lấy người ở các huyện khác Quỳ Châu, Quỳ Hợp và thậm chí là thuê lao động người Mông ở tỉnh Hà Giang vào đây để làm việc. Họ cho 50 người Mông ở tỉnh Hà Giang vào làm mà không có giấy tờ gì hết, khi đưa người vào làm cũng không hề thông qua chính quyền địa phương chi hết”.

clip_image011

Những đồi cây non của InnovGreen đã bắt đầu phủ màu xanh trên những sườn đồi mà trước đây người dân Cắm Muộn khai hoang làm rẫy, trồng lương thực sinh sống...

Anh Vi Thắng cán bộ tư pháp xã cho biết: “Tổng diện tích trên giấy tờ cho IG thuê là hơn 600 ha, nhưng mới đây xã và huyện đi đo lại thì con số đó đã lên đến 900 ha. Hiện nay cũng chưa thấy cấp trên can thiệp để đòi lại số đất đã bị chiếm”.

Trong tổng số diện tích đất rừng mà công ty này thuê để trồng rừng thì có khoảng hơn 100 ha là đất sản xuất, diện tích đất trên chủ yếu là trồng lúa, sắn và rau màu của dân nơi đây.

“Hiện nay tại bản Huôi Máy theo quy định ban đầu khoảng cách mà Cty IG đóng cọc lấy đất cách nhà dân bản là 100m, nhưng nguời dân phản ánh lên xã thì Công ty đã lấy đất đến sát bậc thang nhà dân”, ông Vinh nói.

Ngày 28/5/2009, ông Nguyễn Đình Chi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định số 180/QĐ-UBND.ĐC về việc cho Công ty Innov Green Nghệ An thuê đất tại xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An).

Theo quyết định này, Công ty Innov Green Nghệ An được thuê 9.785.864,0m2 (798,5864ha) đất rừng tại xã Cắm Muộn (huyện Quế Phong, Nghệ An) để sử dụng vào mục đích trồng rừng nguyên liệu.

Thời hạn thuê đất từ ngày 28/5/2009 cho đến ngày 25/6/2057. Giá thuê đất là 500 đồng/m2 .

Ngày 23/7/2009, ông Thái Văn Nông – Phó Giám đốc Sở TN-MT Nghệ An ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A0 786581 cho Công ty Innov Green Nghệ An.

Theo đó, diện tích đất giao cho Công ty Innov Green Nghệ An là 6.694.269,0m2 (trên 669 ha), thuộc địa bàn xã Cắm Muộn, huyện Quế Phong (Nghệ An). Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 25/6/2057.

Q. C. – Q. H. – T. T.

Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn