Trí thức và chính trị

Vaslav Havel

Phạm Nguyên Trường dịch từ http://www.project-syndicate.org/commentary/havel46/English

Bản dịch được thực hiện nhân giỗ bách nhật Vaslav Havel (5/10/1936-18/12/2011)

Lời Ban Biên tập trang mạng Project Syndicat (Mĩ): Ông Václav Havel, vừa tạ thế ngày 18 tháng 12 (2011), là một trí thức hiếm hoi: không phải ông tìm cách chen chân vào chính trị mà chính trị đã đẩy ông vào con đường đó. Năm 1998, trong khi đang làm Tổng thống cộng hòa Czech, ông đã đưa ra những suy nghĩ sau đây về những cái lợi và mối nguy hiểm của nghề nghiệp của mình.

Praha – Một người trí thức – bằng những cố gắng của cá nhân mình đã thâm nhập vào bên dưới bề mặt của sự vật, để nắm được những mối quan hệ, nắm được nhân và quả, để công nhận rằng cá nhân chỉ là một phần của tồn tại rộng lớn hơn và từ đó có nhận thức sâu sắc hơn về thế giới và trách nhiệm trước thế giới – có thể làm chính trị được hay không?

Nói như thế, có cảm tưởng rằng tôi cho là trách nhiệm của người trí thức là tham gia hoạt động chính trị. Nhưng đấy là điều vô nghĩa. Hoạt động chính trị cần một loạt yêu cầu đặc biệt, chỉ liên quan đến nó mà thôi. Một số người đáp ứng được những đòi hỏi này, số khác thì không, dù họ có là trí thức hay không.

Tôi tin tưởng sâu sắc rằng thế giới cần – hiện nay càng cần hơn bao giờ hết – những chính trị gia đã được khai minh, chín chắn, những người dũng cảm và có đầu óc khoáng đạt, đủ sức cân nhắc những sự kiện nằm bên dưới phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của họ, cả về không gian lẫn thời gian. Chúng ta cần những chính trị gia muốn và có khả năng vượt lên trên những mối quan tâm về quyền lực của họ hay những mối quan tâm của đảng hay quốc gia của họ và hành động phù hợp với những quyền lợi căn bản của nhân loại hiện nay – nghĩa là hành động theo cách mà mọi người phải hành động, mặc dù đa phần không thể hành động như thế.

Chưa bao giờ chính trị lại phụ thuộc vào thời điểm, phụ thuộc vào tâm trạng thất thường của công chúng và phương tiện truyền thông đến như thế. Chưa bao giờ chính trị gia bị buộc phải theo đuổi những vấn đề thiển cận và chóng qua đến như thế. Tôi có cảm tưởng rằng cuộc sống của nhiều chính khách trôi lăn từ những bản tin trên TV vào tối hôm trước sang cuộc thăm dò dư luận vào sáng hôm sau, rồi đến hình ảnh của mình trên TV vào tối hôm sau nữa. Tôi không tin là thời đại của những phương tiện thông tin đại chúng hiện nay khuyến khích việc xuất hiện và trưởng thành của những chính trị gia tầm cỡ như Winston Churchill; tôi nghi ngờ, mặc dù bao giờ cũng có ngoại lệ.

Tóm lại: thời đại của chúng ta càng ít khuyến khích những chính trị gia có tư duy dài hạn thì chúng ta lại càng cần những chính trị gia như thế và do đó mà càng cần sự ủng hộ các nhà trí thức – ít nhất là những người đáp ứng được định nghĩa của tôi – tham gia vào chính trị. Sự ủng hộ như thế có thể xuất phát từ những người không bao giờ tham gia vào chính trị – vì lí do gì thì cũng thế – nhưng đồng ý với những chính trị gia đó hay ít nhất là cũng chia sẻ với những ý tưởng làm cơ sở cho những hành động của họ.

Có người phản đối: các chính trị gia phải được dân chúng bầu, dân chúng bầu cho những người suy nghĩ như họ. Người muốn thăng tiến trong lĩnh vực chính trị thì phải chú ý đến tâm trí của con người nói chung, phải tôn trọng cái gọi là quan điểm của người cử tri “bình thường”. Chính trị gia, dù muốn dù không, cũng phải là một cái gương. Ông ta không dám trở thành người quảng bá cho những chân lí không được lòng người, không dàm thừa nhận những chân lí có thể có lợi cho nhân loại nhưng lại bị đa số cử tri cho là không phải mối quan tâm trực tiếp của họ hoặc thậm chí bị họ coi là trái ngược với quyền lợi của mình nữa.

Tôi tin rằng mục tiêu của chính trị không phải là đáp ứng những ước muốn ngắn hạn. Chính khách phải tìm cách thuyết phục dân chúng, để họ ủng hộ ý tưởng của mình, ngay cả khi đấy là những ý tưởng chưa được nhiều người ưa chuộng. Chính trị phải thuyết phục cử tri rằng chính khách này công nhận hay hiểu một số vấn đề tốt hơn là dân chúng và vì thế mà họ nên bầu cho chính khách đó. Do đó, dân chúng có thể ủy thác cho chính trị gia một số vấn đề – mà vì nhiều lí do khác nhau – họ không hiểu hay không muốn mất thì giờ suy nghĩ, đấy là những vấn đề mà một người nào đó sẽ phải nói thay họ.

Dĩ nhiên là những kẻ mị dân, những kẻ độc tài tiềm tàng hay những tên cuồng tín cũng đã sử dụng những lí lẽ như thế, những người cộng sản cũng làm một việc tương tự khi tuyên bố rằng họ chính là thành phần giác ngộ nhất của nhân quần, và nhờ vào sự giác ngộ đáng ngờ đó mà họ đã tự giành lấy quyền cai trị một cách độc đoán.

Nghệ thuật chính trị chân chính là nghệ thuật thuyết phục dân chúng ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa, ngay cả khi việc theo đuổi sự nghiệp đó có ảnh hưởng tới quyền lợi tức thời của nhân dân. Điều đó phải được thực hiện mà không gây trở ngại cho việc chúng ta kiểm tra – bằng nhiều cách khác nhau – rằng đấy là sự nghiệp chính nghĩa, và bằng cách đó mà khẳng định rằng những công dân đã tin tưởng ta không bị dẫn vào con đường phục vụ cho những điều dối trá và hậu quả là phải chịu tai họa, không đi tìm kiếm sự thịnh vượng trong tương lai một cách viển vông.

Cần phải nói rằng một số trí thức có khả năng thực hiện những cái ác như thế. Họ trau dồi để có hiểu biết hơn tất cả mọi người, họ đứng cao hơn tất cả mọi người. Họ bảo với đồng bào của mình rằng đồng bào không hiểu dự án đầy trí tuệ do họ đưa ra vì đồng bào còn ngu dốt, chưa ngang tầm với những người đưa ra dự án. Sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua suốt thế kỉ XX, phải công nhận rằng thái độ trí thức – đúng hơn là ngụy-trí thức –như thế nguy hiểm đến mức nào. Xin nhớ rằng có biết bao nhiêu trí thức đã giúp thiết lập nên các chế độ độc tài hiện đại!

Chính trị gia giỏi phải có khả năng giải thích mà không cần dụ dỗ; ông ta phải khiêm tốn tìm kiếm chân lí của thế giới mà không được tuyên bố rằng mình là người sở hữu chuyên nghiệp chân lí đó; và ông ta phải cảnh tỉnh dân chúng về những phẩm chất tốt đẹp trong chính họ, trong đó có cả khả năng đánh giá những giá trị và quyền lợi vượt ra ngoài quyền lợi cá nhân, mà không tỏ ra là cao đạo hơn và không ép buộc đồng bào mình bất cứ thứ gì. Ông ta không nên khống chế tâm trạng của quần chúng hay ra lệnh cho các phương tiện thông tin đại chúng, cũng không bao giờ được cản trở việc theo dõi một cách sát sao mọi hành động của mình.

Trong địa hạt chính trị, các nhà trí thức nên thể hiện sự có mặt của mình bằng một trong hai cách khả dĩ sau đây. Họ có thể – mà không cảm thấy xấu hổ hay mất giá – nhận chức và sử dụng vị trí của mình để làm những việc mà mình cho là đúng chứ không phải là để bám víu lấy quyền lực. Hoặc là họ có thể trở thành những người cầm gương soi vào nhà cầm quyền để bảo đảm rằng người cầm quyền phụng sự sự nghiệp chính nghĩa chứ không sử dụng những lời có cánh để che đậy những việc xấu xa như nhiều trí thức tham gia hoạt động chính trị trong những thế kỉ qua.

V. H.

Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn