SUY NGHĨ TỪ MỘT BẢN TIN.

Trịnh Khả Nguyên

Trưa 30.3.2015 tôi mở TV xem thử có tiết mục gì, vừa bật máy thì gặp ngay kênh của VTV Đà Nãng đang phát tin. Vì mở nửa chừng nên tôi không biết những tin đã phát trước, chỉ thấy trên màng hình, ở footnote, có giòng chữ “GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA TRONG CHIẾN LƯỢC BIỂN ĐẢO CỦA VIỆT NAM” (https://www.youtube.com/watch?v=OpgIFJ8i114) Vừa đọc qua, tôi (hơi) mừng và cả hồ nghi: Các đảo thuộc TRƯỜNG SA bị Trung Quốc chiếm từ 1988 nay ta đã giải phóng? Hồi nào? Thật không? Tin rất quan trọng sao phát vào gần cuối thế nầy? Một loạt các câu (tự) hỏi. Bình tĩnh nghe kỹ, nhìn ảnh trên màng hình, mới biết rằng, thì ra, đài đang “ôn lại” sự kiện cách đây đúng 40 năm, ngày 30.3.1975, GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA. À ra thế! Hú hồn, may mà tôi chưa nhảy cửng lên. Hố thấy mẹ! Mừng hụt nầy cũng do một số các đảo thuộc quần đảo TRƯỜNG SA và toàn thể HOÀNG SA đang bị TQ chiếm, nên mọi người Việt Nam, đều mong lấy lại. Vì vậy, vừa thấy chữ GIẢI PHÓNG TRƯỜNG SA là sướng. Bị cụt hứng, tôi tắt máy, nhưng trong đầu còn suy nghĩ. Tại sao trong chiến dịch Mùa Xuân 75, quân đội miền Bắc giải phóng hoàn toàn miền Nam, kể cả quần đảo Trường Sa mà không giải phóng luôn Hoàng Sa?

Ai cũng biết trước 1975, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều do quân đội VNCH (chữ nầy nay dùng bình thường) trấn giữ. Năm 1974 Trung Quốc, lợi dụng tình thế,chiếm hoàn toàn Hoàng Sa, năm 1988 chiếm thêm một số đảo thuộc Trường Sa. Hiện, Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự tại những nơi nầy, với kế hoạch rất nguy hiểm là làm chủ biển Đông, uy hiếp các nước xung quanh. Thêm vào đấy là những lời lẽ ngạo mạng, như ông Vương Nghị, BTNG-TQ cho rằng Biển Đông là “ao nhà”, xây dựng là việc “ nội bộ” của Bắc Kinh.

Mấy ngày trước đó, xem TV thấy cảnh đánh Trại Mai Hắc Đế, Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn II của miền Nam. Plây Ku bị thất thủ, mở đầu cho những thất bại, thành công của cuộc chiến của mỗi bên. Phải thừa nhận rằng, lúc ấy lực lượng miền Bắc đang lên tinh thần, vũ khí lại dồi dào, gồm cơ hữu cộng thêm chiến lợi phẩm thu được. Qua ảnh, thấy xe tăng, thiết giáp giàn hàng ngang, hàng dọc tiến tới, đại bác, pháo đủ các cỡ, do khối XHCN chi viện, bắn cũng... hết cỡ. Trong khí thế đó, nếu các vị chỉ huy cho quân đội thừa thắng giải phóng luôn Hoàng Sa thì đẹp vô cùng. Chiến trường Tây Nguyên mà chỉ đánh mấy ngày, huống hồ là Hoàng Sa, vì tại đó TQ chưa có lực lượng gì hùng hậu. “Tay ngang” nghĩ vậy, còn các nhà quân sự nghĩ thế nào mà không giải phóng Hoàng Sa? Kẹt điều gì? Cái kẹt đó đến hôm nay là... nỗi đau mất (một phần) nước.

Giải phóng đất nước là giành lại một vùng đất khỏi sự chiếm đóng/ đô hộ của phiến quân hay quân nước ngoài. Nếu đánh lấy lại được Hoàng Sa từ tay TQ thì “giải phóng” là hoàn toàn đúng nghĩa.

Thông thường thì “giải phóng” là mang lại một sự tốt đẹp hơn, như giải phóng ách tắc giao thông, giải phóng phụ nữ, giải phóng nô lệ... Sau 1986, bắt đầu thời kỳ “đổi mới” có cụm từ “đổi mới tư duy”, tức là tự giải phóng mình/đất nước khỏi những tình cảnh, suy nghĩ, hành động lạc hậu. .

Chiến tranh giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của nước ngoài, dù có hy sinh thì mọi người cũng ca ngợi, như cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1977. Nhưng cuộc “ Trịnh-Nguyễn phân tranh” cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh - Tây Sơn là một sự giành ngôi, kẻ thắng người thua, xác những người “nằm xuống” cùng là một dân tộc. Trên “Đại lộ Kinh hoàng”, Quảng Trị, số người chết vì bom đạn có cả, binh lính hai bên và dân thường. Họ là người Việt, có thể là người đồng hương, bạn bè lúc nhỏ, bà con, anh em với nhau. Dân ở trong vùng chiến, thậm chí chết rồi, khi đi chôn, cũng có thể gặp nạn trên con đường làng/ một chiêc xe tang/trái mìn nổ chậm/người chết hai lần/thịt xương nát tan... (Trịnh Công Sơn).

Có người nói rằng nước Đức có phúc hơn các nước bị chia hai khác, được thống nhất mà không chiến tranh... giải phóng.

Trước 75, nhiều gia đình, anh đi “giải phóng”, em đi lính VNCH, lâm chiến phải bắn nhau. Có gia đình, anh chết trên núi mất xác,em vượt biên, chết ngoài biển cá ăn. Tan nát! Không phải vẽ vời cho lâm ly ai oán, mà thực tế là vậy.

Bây giờ hết chiến tranh, nếu còn sống, người theo “cách mạng” ở nhà tới ngày kỷ niệm, mang huy chương đi dự lễ mừng chiến thắng. Người “lính ngụy” sau khi “cải tạo” về, đi HO. Một thời gian, có tiền (USD) gởi về giúp gia đình, anh em, kể cả những người có công với cách mạng. Và biết đâu, anh cán bộ công sản, đã đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, bây giờ có anh em đang định cư bên ấy, bảo lãnh cho con cháu mình đi du học. Sự thật thì hôm nay “Việt Kiều không giàu bằng Việt Cộng”, cho nên cũng có những cán bộ không cần tiền đô từ Mỹ gởi về, hoặc bất kỳ một sự trợ giúp nào. Họ thừa giàu để có thể gởi con đi Tây, đi Mỹ du học (tự túc) nếu muốn. Cũng đã có trường hợp, người ở nhà “bao” cho các vị Việt kiều về quê đi thăm quan. WOW! Ai “chi” cho ai cũng tốt cả có sao đâu, câu nệ gì. Thế cũng là một cách hòa giải hòa hợp. Xếp lại quá khứ đau thương sau 40 năm, kể ra cũng không khó lắm, miển là thật lòng với.nhau. Những vị trong lực lượng/thành phần thứ ba, năm xưa chủ trương hòa giải hòa hợp dân tộc thấy thế nào? Còn huyên thuyên, trên trời dưới đất, nhưng chẳng có tí ti thực tế nào thì là...zéro...

Ai đã đọc “Gone With The Wind” (Cuốn Theo Chiều Gió, cái nhan bằng tiếng Việt rất hay) của Magaret Mitchell, hoặc xem phim cùng tên, đều chung một nhận xét. Hay! Tiểu thuyết tình cảm nầy phần lớn lấy bối cảnh là cuộc nội chiến (civil war) Nam - Bắc Mỹ. Đó là chiến tranh huynh đệ. M.Mitchell chỉ viết một tác phẩm nhưng để đời. Việt Nam cũng trải qua một cuộc chiến dài lâu, ác liệt... còn hơn cuộc nội chiến của Mỹ, có nhiều người đã viết, có nhiều phim đã dựng về đề tài nầy. Và (chẳng biết) có tác phẩm nào để đời không? Hy vọng là có. Việt Nam không thiếu nhà văn/nghệ sĩ có tài, nhưng một số thì “kẹt”, một số khác đang bận trong các “hội”, hoặc trong các trại viết văn.

“Hội thảo khoa học về Đại thắng mùa xuân75” tổ chức vào ngày 3.3.2015 tại tp HCM, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung Trưởng ban chỉ đạo Hội thảo phát biểu mở đầu có nói “... Đặc biệt Chiến dịch Hồ Chí Minh - đòn quyết chiến, chiến lược làm sụp đổ hoàn toàn ngụy quyền Việt Nam Cộng hòa mà hơn hai thập kỷ Mỹ đã dốc sức xây dựng, miền Nam được giải phóng, đất nước được thu về một mối...”.

Lâu nay ta hay nghe “ngụy, ngụy ” như ngụy tạo bằng chứng, làm bằng chứng giả, ngụy biện, lý sự sai mà như đúng, ngụy trang, che đậy cho người khác khó thấy, ngụy tín, tin điều không có, ngụy quân tử, quân tử dỏm mà làm y như chính hiệu. Nhạc Bất Quần, nhân vật trong “Tiếu ngạo Giang Hồ” của Kim Dung, rất say mê quyền lực, thích “thiên thu bất bại” là týp nầy. “Ngụy quyền, ngụy quân” là cách nói nhằm bôi đối phương. Bên nầy gọi bên kia là “ngụy” để hạ tính chính danh và hợp pháp của bên kia. Thưc sự thì bất kỳ chính quyền, cá nhân nào phản lại đất nước là ngụy. Lê Chiêu Thống chạy qua Tàu rước quân Thanh sang chiếm nước ta là ngụy vương. Một nhóm người (DLV) nào đó, ngày 14.3 vừa rồi ngăn cản không cho các vị tưởng niệm các chiến sĩ bị TQ giết ở đảo Gạt Ma, TS là ngụy nhân (dân).

Các ngày của tháng 3-4 nầy, các tỉnh thành ở phía Nam lần lượt tổ chức mừng kỷ niệm ngày giải phóng quê hương, đỉnh điểm là 30.4, ngày Giải Phóng Hoàn Toàn Miền Nam – Thống Nhất Đất Nước.

Các câu“Thông Nhât Đất Nước =Đất Nước Thu Về Một Mối =Toàn Vẹn Lãnh Thổ Từ Đất Liền Đến Biển Đảo... có nội dung như nhau, chỉ khác nhau cách diển tả. Nhưng còn HOÀNG SA (bị chiếm từ 74) và một số đảo của TRƯỜNG SA (bị chiếm vào 1988) chưa được thu về. Chuyện nầy tính thế nào?

T.K.N.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn