Bom nước

Tuanddk

image Đập thủy lợi Khe Mơ vỡ. 5000 nạn dân phải chạy nạn lên núi. Đập thủy điện Hố Hô bị nước tràn 1m. 2000 dân phải chạy loạn. Hồ Kẻ Gỗ không thể ngừng xả lũ vì sợ vỡ đập. Bão lũ trong một tuần qua đã giết chết hơn 100 người dân. Và bão lũ, thuyết phục hơn tất cả mọi lời cảnh báo, những phân tích kỹ thuật, đang chứng minh là những quả bom nước có thể vỡ bất cứ lúc nào và những lời hứa hẹn cam kết toàn là chuyện hão huyền.

Trong cơn lũ dữ ngày 3-10, đập thủy điện Hố Hô đã được thử thách khi hàng trăm thân gỗ lớn, theo lũ từ thượng nguồn đổ xuống lao như thúc vào thân đập. Tối ngày 3-10, mực nước vượt cao hơn đỉnh đập đến 1m. Bấy giờ, Hà Tĩnh đã tổ chức cứu đập bằng sức người khi hơn 300 bộ đội tay không tháo dỡ từng cây gỗ. Báo QĐND sau đó đã ghi lại cảm tưởng của những người lính khi những thân người nhỏ bé với đôi tay trần đứng trước cơn thịnh nộ của lũ và 40 triệu m3 nước, một quả bom thực sự, lơ lửng trên đầu. Ở Hố Hô bấy giờ, nước đã dâng cao, đã tràn qua thân đập gần 1m. 2000 nạn nhân đã phải chạy loạn trong đêm. Cả nhà máy thủy điện gần như bị san phẳng.

Nước mới chỉ tràn mà đã quét bay một nhà máy thì thử hỏi hậu quả nếu Hố Hô bị vỡ sẽ, khi quả bom nước lớn bằng 40 triệu m3 "phát nổ" sẽ ra sao? Một cơn sóng thần quét sạch tất cả những gì dưới hạ lưu, quét sạch hàng trăm ngàn dân của các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ của tỉnh Hà Tĩnh và Hương Hóa, Tuyên Hóa của tỉnh Quảng Bình? Nguyên nhân được xác định sau đó có vẻ "truyền thống": Sự cố. Báo Dân trí dẫn lời lãnh đạo huyện Hương Khê cho biết, trong cuộc họp với lãnh đạo tỉnh, EVN thừa nhận sự cố tràn đập có một phần nguyên nhân là hệ thống vận hành cửa xả tràn của Nhà máy thuỷ điện Hố Hô bị đóng do mất điện, trong khi Nhà máy lại không có phương án máy phát điện dự phòng nên các cửa xả tràn mở không triệt để khiến mực nước trong lòng đập từ đó dâng cao gây tràn đập.

Nhưng cũng chẳng cần phải đợi lâu, chỉ ít ngày sau đó, 16-10, đập thủy lợi Khe Mơ thực sự vỡ. 5000 nạn nhân chưa kịp mở mắt đã phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ lại toàn bộ tài sản để chạy tháo thân lên núi. Chỉ có chưa tới 1 triệu khối nước, nhưng cơn lũ Khe Mơ đã cuồn cuộn nhấn chìm toàn bộ nhà cửa của dân ở hạ lưu. Toàn bộ hoa màu chưa kịp thu hoạch chìm trong biển nước. Hàng loạt các xã vùng trung du và hạ lưu của Hương Sơn bị ngập, bị chia cắt hoàn toàn. Mực nước ở sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và các khe suối dâng lên ồ ạt. Ở Hồ Kẻ Gỗ, nước lũ sầm sập đổ xuống và vì sợ vỡ đập, nước lũ vào bao nhiêu được đổ xả hết xuống hạ lưu bấy nhiêu, bất chấp sự thật ở dưới hạ lưu là dân chúng. Vì mấy chữ "Mức độ nguy hiểm cao" mỗi giây đồng hồ, cái hồ có chức năng "điều tiết lũ" đang xả xuống dân chúng 500 m3 nước. Và cho đến ngày thứ ba của cơn lũ thứ hai trong chỉ 10 ngày vừa qua, chưa hề có bất cứ dấu hiệu cho thấy cái hồ này sẽ ngừng xả.

Sau Hố Hô, sau Khe Mơ, hàng loạt các hồ chứa điều tiết, hồ thủy điện "cắt lũ" đang được đặt vào trạng thái báo động. Đập đất được xây dựng từ những năm 80 thế kỷ trước của các hồ Vực Sanh, Cẩm Ly, Trung Thuần, Sông Rác đang ở vào tình trạng nước mấp mé. Hàng triệu m3 nước như những quả bom treo trên mái nhá.

Nhưng còn bao nhiêu những Hố Hô, những Khe Mơ? Chỉ có lũ mới biết. Trong những thác nước đang đổ xuống đầu nạn dân miền Trung kia, có bao nhiêu phần là nước thủy điện xả lũ. Sẽ chẳng bao giờ có một thống kê.

Lũ chồng lên lũ và giờ đây nước đang chồng lên nước.

Khi một nhà máy thủy điện được khởi công, thì ở đâu đó trong những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bị chặt phá để lấy chỗ. Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy - PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên có lần đã nói: “Hầu hết các dự án thủy  điện đều “đụng” đến rừng phòng hộ xung yếu vì những dự án càng về sau càng phải đi sâu hơn vào rừng như thủy điện ĐakPle, thủy điện Ken Lút Hạ. Nếu lấy con số công suất  20 MW, làm tiêu hết trên 600 ha rừng của thủy điện Trà Xom làm mốc thì A Vương có công suất gấp 10 lần sẽ hủy diệt một diện tích rừng nguyên sinh ở khu vực phía tây bắc Quảng Nam đến đâu? 6000 ha hay hơn nữa. Mới nói những cây số vuông gỗ rừng lao theo lũ ở cầu Quảng Huế năm 2009 hay 1000 m3 lao vào Hố Hố vừa rồi đang là câu trả lời cho tình trạng ăn của rừng. Và lũ ngày càng hung dữ hơn cũng đang chứng tỏ rằng cái cánh quạt tua bin của nhà máy thủy điện đang được cho phép phá rừng đang nham nhiểm hơn nhiều, tàn phá với quy mô khủng khiếp hơn nhiều so với lưỡi cưa lâm tặc.

Trả lời Tuổi trẻ cách đây chưa lâu, bà Ruth Mathews, quản lý Chương trình Việt Nam của Tổ chức WWF Greater Mekong, đã nhấn mạnh: Thường người ta nghĩ rằng đập có thể kiểm soát lũ. Trên thực tế, cách vận hành của đập với mục đích điều tiết lũ và mục đích phát điện không đi đôi với nhau. Tôi thấy cần phải có sự thỏa hiệp đánh đổi ở đây. Chúng ta có thể tìm cách thỏa thuận với các công ty thủy điện là vào đầu mùa lũ, họ sẽ phải xả bớt nước trong hồ chứa để kiểm soát lũ ở hạ lưu. Đó là điều có thể thực hiện được. Nhưng như thế các công ty thủy điện phải chấp nhận chịu thiệt hại về lợi nhuận.

Xin lỗi, nhưng làm gì còn có cái gọi là lương tâm của ngành điện Việt Nam ư, thưa bà Mathews.

Thật khủng khiếp vào lúc này khi phải nhắc lại con số quy hoạch của ngành điện: Đến năm 2020 sẽ có 60 dự án lớn (từ trên 54 MW đến 2.400 MW) được đầu tư. Nhưng như thế thì bao nhiêu rừng phòng hộ sẽ phải phá để nhường chỗ? Bao nhiêu cơn lũ dữ nữa sẽ lại đổ xuống đầu nạn dân?

Huống chi ngoài khơi, bão Megi, cơn bão cực mạnh đã tiến vào biển đông. Có người than rằng: Ông giời còn có mắt. Nhưng đây đâu có phải là những cơn lũ đầu tiên ở miền Trung.

Nguồn: Tuanddk Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn