Cần xem lại tư duy phát triển ngành thép

Tô Văn Trường

Tư duy chiến lược phát triển quốc gia thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và khủng hoảng chính trị toàn cầu, kinh tế thế giới và toàn cầu hoá sang giai đoạn mới - với đặc điểm chung nhất là các nền kinh tế yếu, nhỏ rất dễ bị chấn thương. Ở thời kì nóng bỏng hiện nay, làm kinh tế mà không nhìn thẳng vào cái thế giới đầy biến động này là sai lầm chết người, nhất là công nghiệp thép rất dài hạn và rất "nặng" về mọi mặt đối với nước ta.

Đón Xuân Đinh Dậu 2017, nhiều người có chung nhận xét đánh giá về sự quyết liệt của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã giúp cho tập thể Chính phủ chuyển động mạnh mẽ hơn, từ đó việc ban hành các văn bản chính sách và chỉ đạo sát hơn, kịp thời hơn với yêu cầu của thực tế đời sống, của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi muốn phân tích về bất cập quyết định của Chính phủ đối với sản xuất ngành thép.

Quan điểm về đầu tư và vai trò của Chính phủ

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 18,4 triệu tấn thép, trị giá hơn 8 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với năm trước. Việt Nam còn chi gần 3 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép. Như vậy, tổng cộng, năm 2016, Việt Nam chi gần 11 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại. Con số này đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay.

Về sản xuất thép, đầu tư hay không đầu tư là việc của nhà đầu tư, không phải là việc của cơ quan hành chính. Doanh nghiệp phải tự tính toán, lời ăn, lỗ chịu. Nếu là đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trung ương, đối với các dự án lớn thì phải được Quốc hội thông qua. Nếu là đầu tư của chính quyền địa phương thì do Hội đồng nhân dân địa phương xem xét, quyết định.

Đối với đầu tư, dù là của nhà nước hay tư nhân, chính sách của Chính phủ phải đưa ra các qui định cụ thể và có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, có các qui định cụ thể về bảo vệ môi trường, về qui mô, địa điểm có thể, về tiêu hao năng lượng, vật tư, nước, khí các loại, sử dụng đất. Những nội dung này được tập hợp thành Chính sách phát triển công nghiệp thép.

Bộ Tài nguyên & Môi trường sẽ cử người xem xét máy móc bảo vệ môi trường và chỉ ký giấy cho phép sản xuất sau khi kiểm soát thiết bị, sau đó cử người thường xuyên kiểm tra. Mọi chi phí kiểm tra phải do nhà máy chi trả.

Người dân yêu cầu chính quyền không bù lỗ giá điện, xăng dầu, nước, than hoặc khí đốt cho doanh nghiệp. Bảo đảm chính quyền không biếu không đất cho doanh nghiệp. Đất làm nhà máy phải do nhà máy mua với giá thị trường từ dân chúng. Bảo đảm nếu là đất công, nhà máy phải nộp tiền thuê đất như mọi doanh nghiệp khác. Bảo đảm rằng mọi đầu tư không được tiếp cận tín dụng ngân hàng một cách ưu tiên. Nếu làm như trên mới đúng là kinh tế thị trường, không cần Chính phủ “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp.

Luật bảo vệ môi trường

Thực ra, Luật bảo vệ môi trường đã quy định rất rõ và khoa học, chỉ có điều người ta không hiểu, cố tình không hiểu, cố tính hiểu sai để bao biện cho những ý đồ và khuyết điểm trong quản lý hay trong đầu tư. Theo Luật, Bộ Tài nguyên & Môi trường chỉ có thể xem xét, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi Chính phủ phê duyệt dự án.

Việc tư vấn, thẩm định, giám sát, theo dõi ảnh hưởng môi trường của việc đầu tư, sản xuất thép phải do một đơn vị chuyên môn độc lập có chức năng và năng năng lực (chuyên môn, thiết bị,…) được tuyển chọn/ đấu thầu do một hội đồng khoa học do Bộ Tài nguyên & Môi trường thành lập được thuê (kinh phí theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp, sau đó là đơn vị được tuyển chọn trả) gồm các nhà chuyên môn có uy tín trong nước và nước ngoài như các Hội đồng trong hoạt động nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ. Các cơ quan nhà nước (Bộ, tỉnh) chỉ làm nhiệm vụ phê duyệt và ra quyết định xử lý (nếu có vấn đề) trên cơ sở các kết quả nghiệm thu và đánh giá của Hội đồng khoa học theo kết quả nghiên cứu của đơn vị thực hiện.

Như vậy, nếu có/phát hiện vấn đề ảnh hưởng/sự cố môi trường xảy ra, tùy theo nguyên nhân có thể quy trách nhiệm cho nhà sản xuất hay đơn vị thực hiện theo dõi, giám sát hay Hội đồng sẽ tránh được tình trạng thiếu trách nhiệm do “vừa đá bóng vừa thổi còi” của cơ quan quản lý môi trường trước đây hay việc cử cơ quan khoa học thực hiện sau khi xảy ra sự cố thường thiếu khách quan và không hiệu quả mang tính đối phó không thuyết phục.

Cũng cần xem lại Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của Ninh Thuận. Quy hoạch này có ĐMC (đánh giá môi trường chiến lược). Vậy xử lý chuyện thay đổi nay theo luật định như thế nào? Với dự án thép Ninh Thuận, bản chất vấn đề ở chỗ là tại sao người ta lại đi vào “vết xe đổ” của các dự án như Bauxite Tây Nguyên, hay dự án đường sắt trên cao ở Hà Nội, v.v…?

Phát triển ngành thép

Thị trường thép Việt nam phát triển khá nhanh. Nhưng đến nay mức tiêu thụ vẫn mới đạt khoảng 150-160 kg/đầu người năm. Như vậy, dung lượng thị trường sẽ còn mở rộng nhiều. Trong vòng 10 đến 20 năm tới thị trường thép Việt nam sẽ có dung lượng 30 đến 40 triệu tấn và có thể hơn thế nếu quá trình công nghiệp hóa tăng tốc hơn giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển nhiều năm qua, mới chỉ quan tâm phát triển thép xây dựng (mà cũng CXT3 là chính, ít làm CT5) bỏ lơ thép chế tạo (thép tấm và thép hợp kim), trong khi ta cũng có nhiều loại quặng làm hợp kim như Mangan, Chrome chứ chưa nói đến những loại khác trong quặng đa kim. Chính phủ cũng không có chính sách khuyến khích phát triển, mặc cho doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận trước mắt và còn phân cấp cho địa phương quyết định những "mỏ nhỏ" (các tỉnh biên giới phía Bắc). Các tỉnh này cũng chỉ biết đào lên, đem bán cho Trung Quốc, v.v...

Việt Nam đang và sẽ tiếp tục phát triển dựa vào xuất khẩu, vì vậy Việt Nam rất cần sự mở cửa của thị trường nước ngoài, đối lại Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hoá nước khác. Sắt thép cũng khó mà nằm ngoài xu hướng mở cửa đó. Xu hướng bảo hộ xuất hiện hiện nay chỉ là nhất thời do tác động của mặt trái của quá trình toàn cầu hoá, về dài hạn quá trình toàn cầu hoá vẫn sẽ thắng thế. Thị trường thép Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đối mặt với cạnh tranh quốc tế, nhất là từ Trung Quốc.

Các giải pháp bảo hộ nếu có cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi vì: thứ nhất ta không thể áp đặt các giải pháp bảo hộ vượt quá các cam kết song phương, đa phương đã ký kết. Thứ hai, nếu bảo hộ cao sẽ làm giá thép thị trường tăng cao ảnh hưởng sức cạnh tranh của các sản phẩm sử dụng thép.

Thép có 2 nhóm hàng lớn là thép tròn dùng trong xây dựng và thép tấm, lá (sheet) dùng trong sản xuất đồ gia dụng các loại. Thép tấm lá còn được dùng nhiều trong sản xuất ô tô, tàu thuỷ, xây dựng, sản xuất máy điện. Tỷ trọng thép tấm lá sẽ tăng cùng với mức độ công nghiệp hoá của mỗi nước. Mức tiêu thụ thép tấm lá có nước chiếm trên 70 phần trăm tiêu thụ sắt thép.

Trong đầu tư và sản xuất thép xây dựng là dễ làm nhất. Bởi vì là qui mô đầu tư nhỏ, và là công nghệ đơn giản. Hơn nữa, nguyên liệu dễ tìm. Sản xuất thép xây dựng chủ yếu là từ sắt vụn. Hầu hết các nước trên thế giới đều tự sản xuất và cung cấp thép xây dựng cho thị trường của mình, Việt Nam chúng ta cũng vậy. Hiện nay, nhu cầu thép xây dựng thông thường chủ yếu do các nhà sản xuất thép Việt Nam cung cấp.

Giao dịch thép xây dựng thông thường trên thị trường quốc tế rất nhỏ. Trái lại giao dịch thép tấm, lá lại chiếm phần lớn các giao dịch thép trên thị trường quốc tế.

Nhìn trên góc độ đầu tư và cạnh tranh, cho thấy các doanh nghiệp Việt nam tiếp tục đầu tư để cung cấp gần như toàn bộ thép xây dựng thông thường cho thị trường mình và có cơ hội thì tham gia xuất khẩu.

Các nhà máy thép tấm lá phải có công suất lớn từ 3 triệu tấn/năm trở lên mới có thể cạnh tranh được. Hơn nữa thép tấm, lá chất lượng phải được sản xuất từ quặng có chất lượng. Đầu tư cho 1 triệu tấn công suất thép tấm cách đây 7 - 8 năm đã xung quanh khoảng 1 tỷ đô la Mỹ. Hiện nay tôi nghe nói đã có module nhỏ hơn vẫn có hiệu quả nhưng chắc chắn vốn đầu tư vẫn rất lớn so với đầu tư thép xây dựng.

Về thép tấm lá, hiện Việt Nam đã có nhiều nhà sản xuất tham gia vào phần hạ nguồn, đó là sản xuất thép lá như Posco, Tôn Hoa sen... Sản xuất thép tấm đã có Formosa.

Ngoài ra, còn có nhóm thép tấm dày, thép hình cho xây dựng, đóng tàu, cầu đường, giao thông, thiết bị hoặc cấu hình công nghiệp, quân sự. Và còn có nhóm thép hình, thép ống không hàn, thép chế tạo, thép chất lượng đặc biệt nhưng 3 nhóm này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng nhu cầu thép. Đầu tư cho thép tấm, lá loại này đòi hỏi có vốn lớn.

Hiện nay, Việt nam đang nhập khẩu 2 nhóm hàng có số lượng lớn là phôi cho cán thép xây dựng thông thường và thép tấm lá các loại. Chúng ta nên khuyến khích sản xuất phôi thêm. Riêng thép tấm khi Formosa phát triển đủ công suất như dự kiến sẽ đặt các nhà đầu tư đi sau vào thế cạnh tranh gay gắt.

Về câu chuyện nhập siêu thép, trên thế giới không chỉ mỗi ta nhập siêu thép. Vấn đề tổng thể nền kinh tế có nhập siêu hay không mà thôi. Không nước nào có thể sản xuất tự cấp cho nền kinh tế mọi thứ. Chúng ta cũng đang xuất siêu nhiều mặt hàng đấy chứ.

Việt Nam nên đầu tư thêm sản xuất phôi thép cho cán thép xây dựng, thép tấm lá. Tôi nghe nói Hoa Sen có ý định đầu tiên làm cán thép ở Cà Ná vì ‘ăn ngay’ (ngu gì không làm), chứ chưa làm phôi, cho nên những người am hiểu thời cuộc và chuyên môn đã lên tiếng phản đối ý định này của Tôn Hoa Sen là điều dễ hiểu. Đấy là chưa nói đến vấn đề ô nhiễm môi trường, và khan hiếm nguồn nước ở Ninh Thuận.

Việt Nam nên đầu tư vào sản xuất phôi thép (slaps) cho cán thép tấm dày, sản xuất thép hình, thép ống không hàn. Việt Nam nên đầu tư làm thép chế tạo. Lưu ý là: Lò cao “blast furnace” không sản xuất thép, mà chỉ sản xuất gang để làm thép bằng lò điện, hoặc gang để đúc các sản phẩm bằng gang như vỏ động cơ, nắp cống, ống nước…

Lời kết

Hình thành các nhà sản xuất thép lớn là việc của các doanh nghiệp. Vai trò của Chính phủ sẽ là hình thành các khuôn khổ thị trường bao gồm các chính sách bảo hộ, tài chính, thuế, quản lý môi trường... ở mức độ ngắn, trung và dài hạn để các doanh nghiệp có cơ sở cho tính toán đầu tư.

Trong chính sách về phát triển thép cũng cần phải qui định cho phép xây dựng nhà máy cỡ/qui mô nào, mỏ nào được khai thác chứ không phải làm theo ý muốn của nhà đầu tư.

Các nước đang cấm xây dựng lò cao có dung tích dưới 200 m3, hay Trung Quốc cấm xây dựng lò cao dưới 500 m3. Ở Việt Nam có 2 lò 500 m3 ở Thái Nguyên, còn Hòa Phát, Thép Việt... toàn lò 200 m3 đều là của Trung Quốc.

Chính phủ nên có cơ chế cụ thể khuyến khích xây dựng các nhà máy sản xuất thép chế tạo, thép hợp kim... phôi và thép cán cho đóng tàu biển v.v…

Việt Nam không thể đi lên bằng phát triển công nghiệp hạ nguồn. Suy nghĩ về làm thép hiện nay ở nước ta phần lớn là do bị các nhà đầu tư nước ngoài “thày dùi” và sẵn sàng tuồn tiền bẩn vào thực hiện để xiết chặt nước ta vào họ. Cổ vũ làm thép như thế là giết chết đất nước, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn