Toan tính của Trung Quốc và Đài Loan về dầu khí Biển Đông

QT

clip_image001  
Các vùng trầm tích dầu khí và các lô khai thác dầu khí tại Biển Đông  

(Toquoc) - Đài Loan đòi chủ quyền, khai thác dầu khí; Trung Quốc kêu gọi đột phá mới trong khai thác dầu khí ở vùng sâu Biển Đông.

Sau vụ va chạm giữa hai tàu tuần tra Trung Quốc với tàu thăm dò dầu khí Philippines ngày 2/3, Manila tỏ thái độ cứng rắn hơn trước các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh tại vùng Biển Đông. Philippines cảm thấy cần phải gia tăng sự hiện diện tại vùng quần đảo Trường Sa, trong bối cảnh họ bắt đầu bị Trung Quốc chèn ép trở lại cho dù đã cố tránh làm phật ý Bắc Kinh.

Mạng sunstar của Philippines cho biết, ông Juan Ponce EnLilai, Chủ tịch Thượng nghị viện Philippines, người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, ngày 17/4 một lần nữa kêu gọi tăng cường trang bị mới hơn nữa cho quân đội nước này, nhằm bảo vệ “lãnh thổ quốc gia” trong đó có quần đảo Trường Sa. Tin cho hay, Philippines không hài lòng về chủ trương của Trung Quốc đối với Nam Hải, đã nêu kháng nghị chính thức về tấm bản đồ Bắc Kinh trình lên Liên hợp quốc năm 2009. Trong trả lời phỏng vấn đài DZBB của Philippines, ông Juan nói rằng phản đối ngoại giao dường như không có ý nghĩa, cho rằng “trong so sánh lực lượng giữa quốc gia với quốc gia, xét cho cùng là vấn đề thực lực”, “súng và dao của ai nhiều hơn, đó là người chiến thắng”. Đồng thời cho biết thêm, lãnh đạo Philippines cần phải thảo luận về vấn đề tăng cường lực lượng quân sự của Philippines.

 

Đến lượt Đài Loan lên tiếng đòi chủ quyền

Mạng Hoàn cầu (Trung Quốc) đưa tin, sau khi Manila gửi lên Liên hợp quốc công hàm phản đối việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và Trung Quốc bác bỏ lập trường của Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Dương Tiến Thiêm ngày 18/4 lại bày tỏ, Đài Loan có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

Ông Dương nói rằng, quần đảo Trường Sa xét từ góc độ lịch sử lẫn luật pháp quốc tế đều thuộc lãnh thổ cố hữu của Đài Loan và Đài Loan mong muốn cùng với các nước khác tiến hành khai thác chung, cùng hưởng tài nguyên. Đài Loan hy vọng các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp hòa bình, có lý trí và theo quy định cũng như tinh thần của luật pháp quốc tế. Ông Dương tuyên bố rằng, là bên có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Đài Loan mong muốn cùng các nước giải quyết hòa bình, cùng khai thác và cùng hưởng tài nguyên. Bộ Ngoại giao Đài Loan nhận thấy tình hình tranh chấp chủ quyền giữa các quốc gia liên quan về những đảo và vùng biển quanh những đảo đó tại khu vực Biển Đông đang gia tăng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định Đài Loan có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Trung Sa, Đông Sa, vùng biển phụ cận và thềm lục địa; kêu gọi những quốc gia có biên giới với những khu đảo đó gác tranh chấp và tìm kiếm một giải pháp hợp lý và hòa bình.

Việc tại sao Đài Loan lại lên tiếng vào thời điểm này, giới quan sát đã nêu 2 yếu tố. Trước hết là sự kiện Philippines đã chính thức gửi công hàm lên LHQ, bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ hai, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và ông Quách Bá Hùng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, tuần trước, đã tiếp xúc tại Hà Nội, đồng ý hợp tác với nhau một cách chặt chẽ hơn để “tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản” nhằm giải quyết các vấn đề liên quan Biển Đông.

Đài Loan phải lên tiếng nếu không muốn bị gạt ra bên lề các đàm phán liên quan đến Biển Đông. Nhiều học giả Đài Loan cho rằng chính quyền Mã Anh Cửu không dám lên tiếng về Biển Đông vì sợ gây trở ngại cho tiến trình cải thiện quan hệ đang rõ nét với Trung Quốc.

Bắc Kinh: Cần có đột phá mới khai thác dầu khí Biển Đông

Mạng Sina.com.cn ngày 15/4 đăng bài về lợi ích dầu khí Biển Đông: Biển Đông được mệnh danh là “vịnh Péc-xích thứ hai”. Theo thống kê của Cục Tình báo năng lượng Bộ Năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng dầu thô ở khu vực Biển Đông khoảng 7 tỷ thùng, sản lượng khai thác hàng ngày 2,5 triệu thùng. Điều tra của Cục thăm dò địa chất Mỹ (USGS) cho thấy, trữ lượng khí thiên nhiên ở khu vực Biển Đông khoảng gấp đôi trữ lượng dầu thô.

clip_image003

Petro Việt Nam thực hiện khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam

Căn cứ chủ trương chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông như Trung Quốc tuyên bố thì phần lớn dầu khí ở khu vực này phải thuộc về Trung Quốc (?!). Tuy nhiên 5 nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei đã hợp tác với các công ty dầu khí của Phương Tây khai thác từ 20-30 năm nay. Báo cáo của một công ty dầu khí lớn của phương Tây cho biết, các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei đã hợp tác với hơn 200 công ty của phương Tây khoan 1.380 giếng dầu ở Biển Đông, sản lượng năm đạt 50 triệu tấn dầu thô.

Mạng tin nêu rõ, mặc dù Trung Quốc nhiều lần khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và vùng biển phụ cận, nhưng so với Việt Nam và Philippines, những gì Trung Quốc làm được rất ít. Các doanh nghiệp Trung Quốc thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông hiện nay dường như mới chỉ có Tổng Công ty dầu khí Hải Dương (CNOOC), nhưng chủ yếu là ở vùng biển nông vịnh Bắc Bộ và cửa sông Chu Giang. Mặc dù Tập đoàn dầu và khí thiên nhiên Trung Quốc (CNPC) và Công ty hóa dầu Trung Quốc (Sinopec) những năm gần đây đã tuyên bố tiến quân vào lĩnh vực dầu khí hải dương, nhưng đến nay chưa có hoạt động gì ở Biển Đông.

Theo con số thống kê của các cơ quan Trung Quốc, vùng Biển Đông có hơn 200 cấu tạo dầu khí, khoảng 180 mỏ dầu khí. Chỉ tính bồn địa Tăng Mẫu, bồn địa Sabah, bồn địa Vạn An (Tư Chính) đã có trữ lượng gần 20 tỷ tấn dầu thô, là một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất trên thế giới chưa được khai thác, trong đó hơn một nửa nằm trong vùng biển [Trung Quốc gọi là] chủ quyền của Trung Quốc (?). Tuy nhiên, sản lượng khai thác dầu khí của Trung Quốc ở Biển Đông đều không bằng bất cứ 5 nước nào nêu trên. Các lô dầu khí ở Biển Đông rất ít được mở thầu, mặt khác kỹ thuật khai thác dầu khí biển sâu của Trung Quốc còn hạn chế, phần lớn vẫn phải hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài.

Kinh tế biển, bao gồm dầu khí hải dương, đã được đưa vào “Quy hoạch 5 năm lần thứ 12” của Trung Quốc, trong đó Biển Đông được liệt vào 1 trong 10 khu vực dầu khí chiến lược quốc gia. Năm 2010, CNOOC công bố sẽ đầu tư 200 tỷ NDT trong vòng 20 năm tới để đẩy mạnh khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, xây dựng “mỏ Đại Khánh” ở Biển Đông (khai thác 50 triệu tấn dầu/năm). Hiện nay, CNOOC đã hợp tác với 51 công ty của 14 nước và vùng lãnh thổ như Mỹ, Italia, ký kết hơn 70 hợp đồng và thỏa thuận thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông, thu hút hơn 7 tỷ USD vốn đầu tư.

Một quan chức của Bộ Đất đai Trung Quốc cho biết, Chính phủ Trung Quốc không có văn bản nào và cũng không có quy định nào chỉ cho phép CNOOC khai thác dầu khí ở Biển Đông, do đó sắp tới Sinopec và CNPC cũng sẽ được thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Năm 2009, Phó Tổng giám đốc của Sinopec đã từng kiến nghị, Trung Quốc cần ủng hộ mạnh mẽ về chính sách và vốn để khai thác tài nguyên dầu khí ở Biển Đông, bảo vệ quyền lợi tài nguyên biển của Trung Quốc. Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chiến lược tài nguyên dầu khí thuộc Bộ Tài nguyên đất đai Trung Quốc kiến nghị, cần có đột phá mới trong khai thác dầu khí ở Biển Đông, đó là chìa khóa hóa giải cục diện khó khăn về dầu khí của Trung Quốc hiện nay.

Nguồn: Toquoc.gov.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn