Bàn về Quyết định Chống chạy chức, chạy quyền

Nguyễn Đình Cống

Chức quyền vốn không xấu hay tốt, nhưng khi nói “chống chạy chức, chạy quyền” thì đã đẩy nó về phía xấu nhiều hơn. Hỏi rằng sau khi phổ biến Quyết định chống chạy chức, chạy quyền thì những người lương thiện, có tư tưởng, có tài năng, ai còn dám tự đứng ra vận động người khác ủng hộ mình.

Thế mới biết Quyết định chống chạy chức, chạy quyền là sản phẩm của sự vô minh, mang lại hại nhiều hơn lợi.

Đường lối cán bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam phạm phải một số điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ, làm cho một số kẻ cơ hội lợi dụng để “chạy chức, chạy quyền” nhằm trục lợi. Việc đó làm suy yếu vai trò của Đảng, làm giảm sút lòng tin của dân. Trước tình hình đó, lãnh đạo Đảng lúng túng trong việc làm trong sạch tổ chức để lấy lại lòng tin.

Đúng ra trước hết phải tìm được nguyên nhân cơ bản rồi mới tìm biện pháp khắc phục. Nhưng vì vô minh mà tránh, không tìm hoặc tìm không ra nên lãnh đạo hết bày trò “Lồng nhốt quyền lực” đến ra quyết định “Chống chạy chức chạy quyền”. Năm 2019, có quyết định Số 205-QĐ/TƯ. Năm 2023, lại có quyết định Số 114-QĐ/TƯ thay thế QĐ 205.

Thực ra chỉ cần thực hiện nền dân chủ với tam quyền phân lập thì không cần nhốt gì cả, không cần chống gì cả. Mà để làm việc này không có gì khó khăn. Thật tình rất khó hiểu khi Đảng nói cần xây dựng nền chính trị dân chủ, chính quyền của dân, do dân, vì dân, mà lại kiên quyết chống “tam quyền phân lập” vốn là nguyên tắc cơ bản của chính quyền dân chủ.

Hai Quyết định nêu trên có chỉ ra tương đối rõ các biểu hiện chạy chức chạy quyền cần chống. Nhưng cách nói vắn tắt “chống chạy chức chạy quyền” có thể làm cho nhiều người hiểu nhầm, làm hạn chế những người thực sự có tài năng. Để nói tắt, người ta gắn động tác “chạy”, với chức và quyền, biến một hoạt động bình thường trở thành xấu xa, cần loại bỏ. Có hai loại người có chức, có quyền.

Loại một được trao thông qua bầu cử, khi họ không tự ứng cử, hoặc họ nhận nhiệm vụ theo sự phân công của cấp trên, của tổ chức. Những người này có một số sẽ yêu thích và làm tốt công việc, giống như “tình yêu sau cưới” của các cụ trước đây, kết hôn theo sự sắp xếp của cha mẹ; một số khác chủ yếu làm cho qua chuyện.

Loại hai là những người chủ động tạo ra chức quyền bằng cách tự ứng cử, tự vận động. Họ cần có chức quyền để thực hiện một vài ý đồ nào đó. Ý đồ có thể là xấu xa hoặc tốt đẹp tùy thuộc vào phẩm chất của người đó. Ý đồ xấu xa thì tương đối rõ và nó biểu hiện hàng ngày trước mắt mọi người. Còn ý đồ tốt, ban đầu ở trong tư tưởng. Nếu không có chức quyền thì từ tư tưởng cho đến hành động còn phải qua nhiều khâu và có khi còn bị lợi dụng hoặc loại bỏ.

Thí dụ, một thầy giáo bình thường, có tư tưởng giáo dục nhân bản, có phương pháp dạy học khai phóng, khi không có chức quyền thì ông ta chỉ có thể vận dụng nó rất hạn chế. Muốn mở rộng ra trong trường ông phải báo cáo bộ môn, được sự cho phép của hiệu trưởng, còn nếu muốn phổ biến rộng hơn thì còn phải qua nhiều cấp. Nhưng nếu ông là hiệu trưởng thì có khả năng phổ biến phương pháp ra toàn trường nhanh chóng. Còn khi ông là bộ trưởng thì cả nền giáo dục sẽ chuyển biết tốt. Như vậy tư tưởng, phẩm chất tốt mới chỉ là điều kiện cần. Để thực hành một cách thuận lợi còn phải có thêm điều kiện đủ là chức quyền. Điều này không bí mật gì, rất nhiều người biết rõ.

Một người có tư tưởng tốt, có tài năng tiềm ẩn, chưa có chức quyền thì mong ước có nó là chân chính. Khi cơ hội đến họ có quyền vận động bạn bè ủng hộ. Việc đó dễ bị nhận nhầm là chạy chức chạy quyền.

Việc ra các quyết định chống chạy chức chạy quyền là một sự vô minh, vội vàng, tưởng rằng dùng để chống bọn cơ hội, nhưng thực tế không chống được mà còn tạo thêm những sơ hở cho chúng lợi dụng, mặt khác làm hạn chế những người tài năng, có tư tưởng tốt không dám tự vận động vì sợ mang tiếng chạy chức chạy quyền.

Chức quyền vốn không xấu hay tốt, nhưng khi nói “chống chạy chức chạy quyền” thì đã đẩy nó về phía xấu nhiều hơn. Hỏi rằng sau khi phổ biến quyết định chống chạy chức chạy quyền thì những người lương thiện, có tư tưởng, có tài năng, ai còn dám tự đứng ra vận động người khác ủng hộ mình.

Thế mới biết quyết định chống chạy chức chạy quyền là sản phẩm của sự vô minh, mang lại hại nhiều hơn lợi.

Chú thích:

Nội dung Quyết định Số 205-QĐ/TW

Qui định Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
và chống chạy chức, chạy quyền

Điều 10. Hành vi chạy chức, chạy quyền

1. Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc... nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

2. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi ... để tặng quà …người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

3. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen...trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

4. Lợi dụng việc nắm được thông tin... để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

5. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình… để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức …nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

6. Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Điều 11. Hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền

1. Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thoả hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý.

2. Không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền.

3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình.

4. Xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân.

5. Trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

6. Trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng.

7. Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền nêu tại Điều 10 - Quy định này.

8. Các hành vi khác nhằm bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền

1. Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

b) Cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ở cơ quan, đơn vị mình.

c) Bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định.

3. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

Điều 13. Xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền

1. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tuỳ theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:

a) Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

b) Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp uỷ, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp uỷ, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

c) Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra.

d) Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Nội dung Quyết định Số 114 QĐ/TW

Điều 4. Hành vi chạy chức, chạy quyền

1. Trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

2. Tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi.

3. Chạy tuổi, thâm niên công tác, danh hiệu thi đua, khen thưởng, bằng cấp, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái, phong, thăng quân hàm... nhằm mục đích đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có được chức vụ, quyền lợi.

4. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

5. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc phân công, bổ nhiệm, giới thiệu, đề cử, chỉ định bản thân.

6. Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để đặt ra yêu cầu vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn