Ôsin cũng phải có hội

Giáo Sư Đặng Ngọc Dinh
Mấy năm trước đây GS Đặng Ngọc Dinh đã chủ trì một đề tài nghiên cứu về xã hội dân sự (XHDS) trong khuôn khổ hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Theo ông, hoạt động trong khuôn khổ một “Hội” tự nguyện nào đó chính là một hoạt động lành mạnh của XHDS. Ông nói vui, nhưng mà là thật, ngay ôsin, tức người giúp việc trong gia đình cũng cần có một hội.

Ông cho rằng xã hội dân sự trên thế giới có từ rất lâu nhưng ở Việt Nam, khái niệm này còn mơ hồ mà có lý do khách quan là Việt Nam trải qua chiến tranh nhiều năm nên mối quan hệ dân sự trong xã hội bị giảm sút. Tuy nhiên, XHDS bây giờ đang nổi lên hỗ trợ cho nhà nước trong rất nhiều lĩnh vực, được dân chúng thừa nhận và đặt tên theo một khái niệm không lấy gì làm thích hợp lắm: “xã hội hóa”, chẳng hạn xã hội hóa công tác giáo dục, xã hội hóa y tế, xã hội hóa bảo vệ môi trường, v.v.

Bài viết sau đây là nội dung một cuộc trao đổi giữa phóng viên báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh với GS Đặng Ngọc Dinh, được GS tu chỉnh đôi chút để đăng trên BVN.

Bauxite Việt Nam

1. Ôsin cũng phải có hội


Phóng viên (PV) - Người Việt Nam không mấy khi tự nguyện tham gia các tổ chức được quan niệm là thuộc XHDS. Hiện tượng này thường được hiểu là do chiến tranh, cần những quyết định rất quyết đoán của các tổ chức Đảng và Nhà nước, tránh những cái nhiễu từ phía người thực hiện, tức dân chúng. Thưa ông, ngoài lý do chiến tranh còn có thể có lý do nào nữa?

GS. Đặng Ngọc Dinh (ĐND) - Các đoàn thể ở Việt Nam lẽ ra phải hoàn toàn thuộc trong XHDS nhưng đến nay lại chưa hẳn thế vì tính tự nguyện còn ít. Ví dụ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... ít ai đệ đơn xin gia nhập mà đều phải có sự giới thiệu của tập thể, động viên của chính quyền. Sắp tới có luật về hội sẽ cho phép các cá nhân thành lập các hội thì có thể sẽ ra đời các hội như Hội những người làm ôsin hoặc Hội những người lấy chồng ở Đài Loan... Ở các nước phát triển thì người ta tiến hành mọi hoạt động dựa vào luật. Thời bao cấp, thể chế nhà nước bao trùm mọi không gian kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa... Gần đây xuất hiện một thể chế mới là thị trường, tức không gian kinh doanh. Để xã hội phát triển bền vững, rất cần thúc đẩy thêm một không gian thể chế mới. Đó là không gian “Liên kết người dân với nhau”, mà hạt nhân của nó chính là hội. Đấy là quy luật.

Thị trường đích thực giống như trong bóng đá, trọng tài quyết định hết. Nếu quyết định sai thì treo còi trọng tài chứ không ai được can thiệp trong trận đấu cả.


2. XHDS không mâu thuẫn với nhà nước


PV - Có ý kiến lo ngại vì phát triển XHDS, nhà nước sẽ phải san sẻ bớt quyền lực cho các hội?

ĐND - Thực ra quyền tối cao của nhà nước là quản trị đất nước (còn gọi là quản lý vĩ mô). Hội là đại diện cho những nhóm người dân lập ra để giúp nhau, bảo vệ quyền lợi cho nhau chứ không thể thay thế được nhà nước trong quản lý. XHDS nói lên sự tham dự của người dân, làm gia tăng vốn xã hội và làm cho xã hội hài hòa, không căng thẳng, không đơn điệu. Người dân có quyền nói về nhu cầu như thế nào, có quyền gửi thư đến các cấp chính quyền ra sao. Điều này không có gì mâu thuẫn với quyền lực nhà nước cả.

PV - Nhưng khi quyền lợi của người dân có mâu thuẫn với quyền lợi của một nhóm người cầm quyền thì cũng khó...?

ĐND - Nếu một xã hội để quyền lợi của người dân luôn mâu thuẫn với nhóm người “cầm quyền” thì hỏng, bởi xã hội chỉ lành mạnh khi quyền lợi của đa số người dân chính là quyền lợi của chính quyền. Cho nên một XHDS phát triển tức là quyền lợi của người dân tỷ lệ thuận với vị trí lãnh đạo của địa phương ấy.

PV - Nhưng khi thấy người dân viết đơn bày tỏ ý kiến với chính quyền, có người lại xem đó là “việc lớn”?

ĐND - Cần phải hiểu người dân biểu thị thái độ là họ đang bức xúc chứ không nên cho rằng anh nào đâm đơn là anh ta đang gây chuyện hoặc là “chống đối”! Hiện Việt Nam đang dần đi tới xã hội văn minh, trong đó có sự hài hòa giữa pháp luật và quan hệ dân sự. Quan hệ dân sự làm cho pháp luật mềm mại hơn. Do vậy, XHDS phát triển thì kiện cáo sẽ ít đi. Lý do khiến cho kiện cáo nhiều là nhà nước không theo pháp quyền, đối xử không bình đẳng giữa lớp người này với lớp người khác, một lớp người dân cảm thấy bị thiệt thòi nặng nề. Chuyện này mà không coi trọng sẽ gây nên những bất bình đẳng, tạo ra những xung đột xã hội.


3. XHDS giúp phòng chống tham nhũng và giúp quản lý xã hội



PV - Thưa ông, vậy vai trò cá nhân trong XHDS phải như thế nào?

ĐND - Nếu cá nhân tham gia vào lãnh đạo thì càng phải giữ tinh thần thượng tôn pháp luật (pháp luật đứng trên tất cả). Trong cuộc sống hàng ngày, người dân bao giờ cũng ở vị trí thấp nhất về quyền hành nhưng lại phải chịu tác động lớn nhất từ xã hội, chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chính sách... Cho nên vai trò cá nhân khi là người lãnh đạo thì phải thấu hiểu điều đó để làm thế nào cho người dân được tham gia, được các cấp lắng nghe. Còn cá nhân kinh doanh thì cũng phải hiểu, tôn trọng lắng nghe những người dân như vệ sinh thực phẩm... chứ đừng “thượng tôn lợi nhuận”, phải có đạo đức kinh doanh.

PV - Vậy các tổ chức XHDS có quyền hành gì trong việc này?

ĐND - Quyền của nó là mang tính chất liên kết, làm cho đạo đức tăng lên. Chính XHDS mạnh là ở chỗ quyền hành của các tổ chức XHDS chi phối khiến người ta “tâm phục, khẩu phục” chứ không rõ ràng như cấp trên - cấp dưới.

PV - Phải chăng XHDS Việt Nam chưa hoàn thiện nên việc tham gia để chống tham nhũng... đối với cá nhân còn rất mờ nhạt?

ĐND - Việc yêu cầu Chính phủ giải trình các vấn đề còn rất ít bởi chúng ta chuyển chuyện đó vào trong Quốc hội. Đó là gián tiếp. Còn ở các nước khác thì quyền được yêu cầu chính quyền giải trình thể hiện rộng rãi hơn, rõ ràng hơn. Người dân có quyền yêu cầu Chính phủ giải trình việc này, việc kia. Việc này hết sức bình thường trong một xã hội phát triển, trong đó tôn trọng vai trò XHDS.

PV - Vậy theo ông trong bao lâu nữa thì chúng ta có thể làm những điều bình thường như thế?

ĐND - Nó sẽ song hành với quá trình phát triển thị trường đích thực. Khi có thị trường đích thực thì sẽ có tư pháp độc lập, khi đó có nhà nước pháp quyền đích thực và có thượng tôn pháp luật.


4. Có thể sẽ bầu cả Chủ tịch nước



PV - Quan điểm của ông về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức kiến nghị sửa một số điều khoản trong Hiến pháp để người dân tham dự vào công việc chung nhiều hơn, mở màn là việc người dân có thể bầu chủ tịch xã?

ĐND - Đây là một câu chuyện mới trên một nền tảng pháp lý không mới. Người dân trực tiếp bầu lãnh đạo là việc đã được đề cập trong Hiến pháp 1946. Hiện nay, người dân cũng đang được thực hiện quyền bầu cử nhưng là bầu cử gián tiếp. Chẳng hạn người dân bầu cử đại biểu Quốc hội để đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Hơn nữa, đây là một dấu hiệu tốt vì người dân có quyền trực tiếp tham gia vấn đề lớn. Nếu mà bầu chủ tịch xã được thì sau này sẽ bầu chủ tịch huyện được và cả bầu Chủ tịch nước. Đây là hướng đi theo sự phát triển của xã hội văn minh. Trong xã hội hiện đại hiện nay ở nhiều quốc gia, người dân có quyền tham gia một cách trực tiếp những công việc đại sự, không cần qua người đại diện của mình. Đó là xu thế tất nhiên.

PV - Việc trao quyền cho người dân, theo ông sẽ hiệu quả và thành công?

ĐND - Tôi tin thế. Điều cốt lõi là nhà nước phải có niềm tin vào đa số nhân dân. Bầu cử trực tiếp sẽ có nhiều cái lợi, sẽ dần dần lôi cuốn sự tham gia của người dân vào công việc chung của cộng đồng. Bên cạnh đó, nên nhìn nhận rằng việc thí điểm chắc chắn sẽ thành công, vì đây là tín hiệu mới trên tiến trình dân chủ hóa. Vấn đề là ở Việt Nam, mọi thứ sẽ được tiến hành từng bước, có lộ trình. Theo tôi, sớm hay muộn thì cũng phải bầu cử trực tiếp vì đó là xu hướng chung của thế giới. Không nói ở đâu xa xôi, nước láng giềng Campuchia đã thực hiện điều đó rồi.


5. Cũng phải lobby* đấy chứ!



PV - Tổ chức lobby có được gọi là một hoạt động của XHDS?

ĐND - Lobby được hiểu là giải thích, thuyết phục mà không nên hiểu dùng tiền để “chạy chọt”. Nó cũng là một tổ chức thuộc XHDS. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam có hai loại lobby. Một loại là giải thích, thuyết phục..., hình thức này còn rất ít. Còn hình thức thứ hai là dùng tiền để “lo lót”. Chính vì vậy, hoạt động lobby ở Việt Nam bị hiểu sai, tức là “chạy chọt”.

PV - Tổ chức nghiên cứu của ông đã là tổ chức XHDS chưa, thưa ông?

ĐND - Có thể được coi là XHDS. Vì nó là tổ chức nằm ngoài Chính phủ, hoạt động không bằng ngân sách của nhà nước, đều do những nhà khoa học đã về hưu và tự nguyện lập nên.

PV - Thế thì tác động của nó đối với xã hội như thế nào?

ĐND - Tùy thuộc vào kết quả mà chúng tôi thu nhận được trong quá trình thực hiện. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ đưa lên mạng rồi tự nó sẽ thâm nhập cộng đồng. Khi các cơ quan nhà nước như Học viện Hành chính, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, hoặc nhóm nghiên cứu nào đó đọc được kết quả nghiên cứu của chúng tôi, họ có thể tham khảo để lập nên các đề tài dự án nghiên cứu tiếp tục.

PV - Với những người tự nguyện lập nên và sản phẩm làm ra lại không thể bán ngay để có “tiền tươi”. Vậy lấy kinh phí đâu ra để tổ chức của ông hoạt động?

ĐND - Thì lấy tiền từ các hợp đồng đặt hàng nghiên cứu.

PV - Vấn đề quá mới mẻ nên dễ gì có những hợp đồng đặt hàng ngay?

ĐND - Thực ra cũng phải lobby (Cười). Tuy tôi mới chỉ bắt đầu nghiên cứu chuyên ngành này hơn ba năm nhưng thực ra họ biết tôi qua quá trình công tác. Vì thế cũng dễ liên hệ nếu quan tâm. Phải nói rằng thương hiệu thời mới này trong nhiều trường hợp là cá nhân chứ không chỉ là tập thể.

PV - Xin cảm ơn ông.

____________

* Lobby tiếng Anh, là “vận động hành lang”

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn