Hỏi chuyện nhà nghiên cứu Dương Danh Dy về thực hư chủ quyền Bạch Long Vĩ và về người Trung Quốc chết trận chôn tại Hữu Lũng

BBC


Đảo Bạch Long Vĩ được trao trả
lại năm 1956
Hồi đầu tháng 4, Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết đã có chuyến thăm Bộ tư lệnh hải quân tại Hải Phòng. Trong chuyến thăm, ông Triết đã tới đảo Bạch Long Vĩ, nơi ông khẳng định Việt Nam sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và không nhượng bộ dù chỉ một tấc đất biển đảo.

Một số báo chí nước ngoài khi đề cập tới chuyến thăm này có gọi đảo Bạch Long Vĩ là hòn đảo "đang tranh chấp", đại ý "Việt Nam bắt đầu kiểm soát đảo Bạch Long Vĩ từ năm 1957, nhưng Trung Quốc không thừa nhận chủ quyền Việt Nam trên hòn đảo này".

Cũng có trang mạng của Trung Quốc viết "trong Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ năm 2000, hai nước chỉ phân chia vùng biển, chứ không nói đến chủ quyền của hòn đảo Bạch Long Vĩ và Việt Nam chỉ tạm thời giữ đảo Bạch Long Vĩ chứ không có chủ quyền".

Vậy thực hư về chuyện "tranh chấp" giữa Việt Nam và Trung Quốc quanh đảo Bạch Long Vĩ là như thế nào? Đài BBC đã hỏi chuyện nhà nghiên cứu TQ Dương Danh Dy tại Hà Nội:

Ông Dương Danh Dy: Không hề có chuyện tranh chấp về đảo Bạch Long Vĩ trong Vịnh Bắc Bộ. Câu chuyện lịch sử là như thế này: tháng 10/1954, sau khi ký Hiệp định Geneve, quân đội Pháp rút khỏi miền Bắc Việt Nam.

Đảo Bạch Long Vĩ lúc đó vẫn là của Việt Nam, nhưng do có một số khó khăn, và tôi cũng không rõ là thỏa thuận ở cấp nào nhưng có việc Việt Nam nhờ Trung Quốc ra tiếp quản hộ.

Trung Quốc giữ hộ Việt Nam tới năm 1956 thì trả lại cho Việt Nam.

Hồi đó tôi còn trẻ, sau khi vào Bộ Ngoại giao thì tôi có được tận mắt đọc biên bản ký kết về việc Trung Quốc trao trả lại đảo Bạch Long Vĩ cho Việt Nam. Có một chi tiết thú vị là lúc đó Việt Nam còn ngần ngừ chưa nhận vì chưa có phương tiện để ra đảo. Thế là phía Trung Quốc, sau khi thỉnh thị, lại tặng thêm cho Việt Nam hai chiếc ca-nô.

Từ đó, không có chuyện gì xảy ra. Hơn nữa, trong đàm phán Vịnh Bắc Bộ vừa qua, rõ ràng không hề có vấn đề gì về chủ quyền Bạch Long Vĩ.

Nhưng tôi cũng biết gần đây có tin đồn bên Trung Quốc là "Trung Quốc cho Việt Nam mượn" đảo Bạch Long Vĩ.
Việc Chủ tịch Việt Nam ra thăm đảo, có những tuyên bố cứng rắn, đanh thép chắc đã khiến một số người Trung Quốc tức tối, khó chịu.

Nhưng không phải tin chính thức nên cũng chẳng cần có phản ứng gì.

BBC: Theo như ông biết, về mặt chính thức phía Trung Quốc chưa lên tiếng gì về Bạch Long Vĩ phải không ạ?

Ông Dương Danh Dy: Không bao giờ, và không thể lên tiếng được. Tôi xin khẳng định là như thế.

BBC: Xin hỏi thêm một việc, gần đây dư luận Việt Nam có nói về việc nghĩa trang cho quân Trung Quốc tại Lạng Sơn, có nguồn tin cho rằng đó là nơi chôn cất lính Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979, thực hư ra sao, thưa ông?

Ông Dương Danh Dy: Không thể có chuyện quân xâm lược Trung Quốc sang chết trận ở Việt Nam lại được chôn cất ở Việt Nam và cũng không có chuyện Việt Nam tổ chức kỷ niệm nhân ngày Thanh minh.

Không có việc đó, và nếu ai tung tin như vậy thì là có dụng ý xấu.

Tôi biết rõ ràng là lúc đó Trung Quốc chỉ vào được tới thị xã Lạng Sơn rồi rút chạy. Khi rút đi, họ cũng mang xác của quân lính đi theo, không dám chôn lại đâu.

Cho nên không có chuyện họ mang xác lính của họ tới tận Hữu Lũng cách đó mấy chục cây số để mà chôn đâu.

Nhưng có chuyện là trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc những năm 1960, theo thỏa thuận giữa hai bên có một số bộ đội Trung Quốc sang giúp Việt Nam làm đường và bảo vệ một số không phận, vùng trời như khu Gang thép Thái nguyên có bộ đội cao xạ của họ...

Trong quá trình lao động chiến đấu giúp Việt Nam, một số chiến sỹ Trung Quốc đã hy sinh và họ được chôn cất ở Việt Nam.

Tôi đọc tài liệu Trung Quốc thì thấy ngay cả họ cũng không nắm chắc con số, nhưng có nguồn nói từ 3.000-4.000 người đã hy sinh, ở lại Việt Nam, được chôn ở Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng v.v. Bản thân tôi một dịp Thanh minh cũng đã đi viếng bộ đội Trung Quốc ở Vĩnh Phúc, có cả người sứ quán Trung Quốc đi cùng.

Nguồn: Bản do tác giả gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn