Một bài toán trắc nghiệm luân lý và lời giải triết học

Phạm Anh Tuấn

image Trong cuộc sống cá nhân hàng ngày và cả trong đời sống xã hội, con người luôn đứng trước những tình huống, kịch bản hay bài toán luân lý – đôi khi là những bài toán luân lý nan giải. Chẳng hạn, nên áp dụng luật tử hình hay bãi bỏ và dùng biện pháp tử hình nào? Không có câu trả lời đương nhiên. Nên hủy hay giữ lại một thai nhi sắp đến kỳ chào đời nếu xét thấy việc để lại cái thai đó sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ? Không thể có câu trả lời dứt khoát. Nên hy sinh lợi ích của một cá nhân vì lợi ích của một tập thể hoặc hy sinh lợi ích của một tập thể nhỏ vì lợi ích của toàn xã hội? Câu trả lời hoàn toàn không phải là dễ!

Câu trả lời không hẳn liên quan đến vấn đề pháp lý. Cũng không hoàn toàn liên quan đến nhận thức. Câu trả lời trước hết có liên hệ tới luân lý hoặc triết học luân lý – tức là để trả lời câu hỏi: ta có được phép hay không? Hoặc cụ thể hơn, có thể nào vì mục đích của ta tốt đẹp mà vì thế ta được phép sử dụng mọi biện pháp, mọi phương tiện cốt sao đạt được mục đích tốt đẹp ấy? Có đúng là mục đích biện minh cho phương tiện hoặc có phải bao giờ ta cũng có thể làm theo phương châm mục đích biện minh cho phương tiện?

Triết học bao lâu nay đều đã bận tâm tới câu hỏi luân lý này. Năm 1967, chẳng hạn, triết gia người Anh Philippa Foot (mất năm 2010) nổi tiếng về nghiên cứu triết học đạo đức trong bài viết Phá thai và học thuyết về tác dụng kép (Abortion and Doctrine of Double Effect) đã nêu một bài toán trắc nghiệm luân lý – được gọi là bài toán "chiếc xe điện".

Bài toán đó là như thế này, giả sử có một chiếc xe điện đang chạy trên đường ray và bị mất kiểm soát. Vào đúng lấy ấy thì có năm người bị một gã triết gia dở hơi trói chặt người họ lại với nhau rồi đặt tất cả nằm trên đường ray. Điều may mắn là người ta có thể bẻ ghi chiếc xe điện để nó rẽ sang một đường ray khác. Nhưng điều không may là khi ấy trên đường ray có thể rẽ vào đó lại có một người (chỉ một người duy nhất) đang bị trói chân tay và đặt nằm ở đó. Vậy chúng ta nên bẻ ghi hay là phó mặc mọi sự?

Người theo thuyết công lợi (utilitarianism) của Jerymy Bentham (1748-1832) không ngần ngại chọn cách bẻ ghi. Hành động bẻ ghi được coi là được phép bởi vì thước đo giá trị của một hành động đạo đức được tính bằng mức độ tốt đẹp do hành động đó đem lại và mức độ giảm tối đa sự không tốt đẹp. Trong bài toán này thì hy sinh một người để cứu năm người là lý do biện minh cho hành động bẻ ghi. Mặt khác, ta có thể ung dung thực hiện hành động bẻ ghi mà lương tâm vẫn trong sạch bởi vì kẻ được coi là vô đạo đức chính là gã triết gia dở hơi kia chứ không phải là người bẻ ghi.

Nhưng có người vặn lại rằng mạng người là không gì có thể đo được, là vô ước (incommensurable). Mạng người không thể được so sánh với bất cứ thứ gì, với những con số thống kê. Và như vậy là bài toán vẫn chưa có lời giải dứt khoát.

Với đại triết gia người Đức Immanuel Kant (1724-1804) thì ta phải đi tìm quy luật đạo đức, luân lý ở trong từng cá nhân chứ không phải trong trật tự tự nhiên hay cộng đồng. Đạo đức nằm trong khả năng tự trị (autonomy) của mỗi cá nhân, ở khả năng hành động tự chủ của mỗi cá nhân. Vì thế đạo đức tức là ta phải tự mình trả lời bằng được câu hỏi "Ta phải làm gì?". Đạo đức được Kant coi là một phạm trù mệnh lệnh (Phê phán năng lực phán đoán, bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn). Nói cách khác, không được coi người khác như là phương tiện cho một mục đích mà như là một mục đích tự thân. Đừng làm điều gì mà ta không muốn người khác cũng làm với mình như vậy. Như vậy, có thể thấy ở Kant sự đòi hỏi đạo đức xét như là hành động tự chủ cá nhân rất cao. Không một cá nhân nào có thể trốn tránh được trách nhiệm đạo đức. Nhưng bài toán luân lý đã có lời giải hay chưa? Chỉ có điều Kant đã đưa bài toán trở thành những bài toán cá nhân. Đạo đức không phải là thứ gì có thể được chuẩn bị sẵn ở đâu đó để mỗi cá nhân có thể lấy về để sử dụng vào mọi hoàn cảnh.

Triết gia thực dụng luận John Dewey (1890-1952) cũng đặt ra một bài toán trắc nghiệm luân lý tương tự. Ông dùng một câu chuyện vui về nguồn gốc của thịt lợn quay "… một ngôi nhà trong đó có nhốt những con lợn đã tình cờ bị lửa thiêu trụi. Trong lúc lục lọi trong đống đổ nát, các chủ nhân của ngôi nhà đã chạm tay vào những con lợn bị quay chín trong lửa và các ngón tay của họ bị bỏng. Theo bản năng trong khi đưa ngón tay lên miệng để làm mát ngón tay, họ bỗng cảm thấy một mùi vị chưa từng biết tới. Vì thích thú cái vị này mà từ đó trở đi họ xây những ngôi nhà, nhốt những con lợn vào bên trong rồi châm lửa đốt [để có món thịt lợn quay] (Tuyển tập John Dewey, Phạm Anh Tuấn dịch). John Dewey cho rằng nếu mục đích bị tách rời khỏi phương tiện thực hiện mục đích thế thì việc cố tình đốt nhà để có món thịt quay chẳng có gì là vô lý cả. Chỉ khi nào mục đích được đánh giá trên phương diện của phương tiện được sử dụng cho mục đích ấy thì việc cố tình đốt nhà mới là phi lý.

Như vậy, Dewey đã phủ nhận "mục đích biện minh cho phương tiện" xét như đó là một tiên đề, một chân lý bất di bất dịch. Không thể dùng những phương tiện xấu để thực hiện một mục đích tốt đẹp. Mục đích được trắc nghiệm ở những phương tiện được dùng để đạt mục đích.

Sigmund Freud (1836-1939) với tâm phân học (psychanalysis) lại nhấn mạnh cái không thể lý giải bằng suy lý (nonrational) ở cá nhân và cả ở đời sống xã hội. Với Freud người ta bắt đầu nghi ngờ lý tính, tư duy lôgic là cái được đề cao ở thời Khai Sáng. Bản năng, xung năng vô thức, những biểu trưng tôn giáo-huyền thoại được Freud coi là cốt lõi của bản chất người. Và điều khủng khiếp trong phát hiện của Freud ấy là con người không phải bao giờ cũng hành động vì thấy lợi ích mà nhiều khi còn hành động chống lại lợi ích của chính mình. "Ai dám bảo con người chỉ làm điều xấu chỉ vì hắn không biết lợi ích của chính hắn… và nếu hắn được khai sáng thì hắn sẽ lập tức ngừng ngay hành động xấu xa của hắn?" (tham khảo Bút ký viết dưới căn hầm của đại văn hào Nga Dostoyevsky).

Như vậy là rút cục ta vẫn phải quay lại với lời giải được tìm thấy ở Kant. Chỉ khi nào con người được tự do, tự chủ về đầu óc thì khi ấy con người mới có đạo đức đích thực. Không làm gì có đạo đức được làm sẵn như thể một chậu nước để ta có thể tới đó rửa sạch tay và do đó gột sạch lương tâm. Lời giải bài toán trắc nghiệm luân lý "Chiếc xe điện" nằm ở sự dung hòa tự do và hy sinh, ở sự tôn trọng lợi ích xã hội song cũng đồng thời tôn trọng lợi ích cá nhân. Và sự dung hòa đó buộc phải đi qua con đường của sự bàn bạc dân chủ, công khai.

P.A.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn