Đi tìm nghĩa của điều 4 Hiến pháp năm 1992

Phan Thành Đạt

Cách giải thích của ông Phan Thành Đạt về điều 4 Hiến pháp là ý kiến của riêng ông, có thể làm chúng ta thỏa mãn được một số điểm nào đấy, và rất có thể lại nẩy sinh băn khoăn ở một số điểm khác. BVN cứ xin đăng lên theo đề nghị của tác giả để nhiều bạn cùng suy ngẫm.

Bauxite Việt Nam

Giới thiệu chung về điều 4 Hiến pháp năm 1992

Điều 4 bản Hiến pháp năm 1992 là nguồn gốc của nhiều tranh luận nảy lửa của nhiều người Việt Nam, mỗi người đều đưa ra quan điểm khác nhau.

Nhiều luật sư trong và ngoài nước cho rằng điều 4 là rào cản vô hình cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam, vì điều này Việt Nam sẽ khó xây dựng được một xã hội dân sự, dân chủ công bằng, văn minh, như tất cả các nước phương tây đã và đang hướng đến.

Một số ý kiến khác cho rằng việc duy trì điều 4 Hiến pháp năm 1992 là cần thiết để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội được BCH TƯ đề ra, đồng thời tạo sự ổn định về chính trị xã hội để Việt Nam phát triển vững chắc. Thậm chí, có vị lãnh đạo cao cấp còn phát biểu vội vàng rằng: «Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát».

Với nhãn quan của một người nghiên cứu luật, tôi xin góp thêm một số phân tích đánh giá của mình, để làm sáng tỏ và hiểu cụ thể hơn điều 4 Hiến pháp năm 1992. Bài viết này không bàn đến quan điểm đúng hay sai của các nhà phân tích khi nói về điều này trong Hiến pháp.

*

Điều 4 Hiến pháp năm 1992 được biên soạn và một phần nội dung của điều này dựa theo điều 6 bản Hiến pháp Liên bang Cộng hòa Xô Viết năm 1977, nội dung hai điều này như sau:

- Điều 6 Hiến pháp Liên bang Cộng hòa Xô Viết:

«Đảng cộng sản Liên bang Xô Viết là lực lượng lãnh đạo và định hướng xã hội cho Liên bang Xô Viết, là nòng cốt của hệ thống chính trị, các tổ chức Nhà nước và các tổ chức xã hội. Đảng Cộng Sản Liên bang Xô Viết tồn tại vì nhân dân và phục vụ nhân dân. Được trang bị bằng học thuyết Mác-Lênin, Đảng cộng sản vạch ra hướng đi toàn diện cho phát triển xã hội, và các định hướng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Liên bang Xô Viết. Đảng lãnh đạo sự nghiệp vĩ đại và đầy sức sáng tạo của nhân dân Xô Viết, Đảng được tổ chức và sáng lập dựa trên luận cứ khoa học, để phục vụ cuộc đấu tranh vì thắng lợi của Chủ nghĩa cộng sản».

(Dịch từ tư liệu Les Constitutions de L’URSS et de la Russie, D Colas, PUF, 1997)

- Điều 4 Hiến pháp 1992 của Việt Nam:

“Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật’’.

Để hiểu rõ điều 4 Hiến pháp năm 1992, điều rất cần thiết là chúng ta cần hiểu hoàn cảnh ra đời của bản Hiến pháp, đồng thời phân tích các ý quan trọng ở điều này.

I. Hoàn cảnh ra đời bản Hiến pháp năm 1992

Hiến pháp năm 1992 được biên soạn nhằm tháo gỡ những khó khăn chồng chất của nước ta lúc đó, Liên bang Xô Viết và toàn bộ khối Đông Âu sụp đổ, trước thời điểm này, các nước XHCH đều là đồng minh của Việt Nam, khối này lập ra Hội đồng tương trợ kinh tế và khối quân sự Varsava để đương đầu với khối tư bản do Mỹ, Anh, Pháp cầm đầu. Các nước tư bản cũng lập ra khối quân sự Bắc Đại Tây Dương để đối phó lại. Trong suốt thời kì chiến tranh lạnh, hai phe này gây sóng gió và đe dọa nền hòa bình trên thế giới, thông qua các cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết, mà đỉnh cao là phát triển vũ khí hạt nhân. Các nước XHCN lần lượt sụp đổ đã đánh dấu chấm hết cho thời kì chiến tranh lạnh. Việt Nam rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn và gần như bị cô lập hoàn toàn vì các mối quan hệ kinh tế, ngoại giao, chính trị chủ yếu được thiết lập với khối XHCN. Việt Nam bị Mỹ phong tỏa kinh tế bằng chính sách cấm vận, hơn nữa các biện pháp nhằm phục hồi nền kinh tế bị đình trệ do chiến tranh được áp dụng từ trước năm 1992 tỏ ra kém hiệu quả, khiến đời sống nhân dân rất khó khăn.

Trước tình hình bức thiết đó, nhu cầu đổi mới về kinh tế trở nên cấp bách, đổi mới để tránh nguy cơ sụp đổ, để hội nhập nhằm thoát khỏi thế cô lập lúc bấy giờ và Việt Nam đã tìm đến Trung Quốc vì nước này theo chính sách của Đặng Tiểu Bình đã tiến hành mở cửa từ đầu những năm 80. Chính sách của ông Đặng bắt đầu hình thành và trở nên cụ thể sau chuyến công du đến Mỹ vào đầu năm 1979. Nền kinh tế thị trường của Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công ngay từ đầu những năm 90. Việt Nam quyết định bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vì nước này có cùng hệ tư tưởng, hơn nữa Việt Nam sẽ có cơ hội làm ăn với các đối tác Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế, đẩy mạnh quan hệ buôn bán với Trung Quốc để giảm bớt những thiếu thốn về hàng hóa khi mà các đối tác quan trọng về kinh tế chính trị của Việt Nam cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Việt Nam xích lại gần Trung Quốc cũng là vì hoàn cảnh, nhưng nỗi lo mất nước vẫn luôn thường trực với mỗi người Việt Nam vì mấy nghìn năm nay, người Việt ít khi được chung sống hòa bình bên cạnh một người láng giềng khổng lồ luôn có mộng bành trướng.

Hiến pháp năm 1992 ra đời trong hoàn cảnh ấy, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước xóa bỏ đi các chính sách kinh tế không còn phù hợp, đồng thời công nhận và khuyến khích cơ chế vận hành kinh tế xã hội mới. Hiến pháp năm 1992 ghi nhận thời kỳ thay đổi quan trọng: Xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Bản Hiến pháp phải đạt được hai mục tiêu, giữ vững chế độ chính trị, đồng thời phát triển kinh tế để giúp Việt Nam thoát nghèo và duy trì một xã hội ổn định.

Nhiều người đánh giá rằng Hiến pháp năm 1992 không dân chủ bằng Hiến pháp năm 1946. Điều đó đúng, tuy nhiên, chúng ta nên xét lại hoàn cảnh soạn thảo hai văn bản này. Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Các nhà soạn thảo Hiến pháp muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho đất nước, cho dân tộc mình. Thông qua bản Hiến pháp này, thế hệ đi trước muốn xây dựng Việt Nam thành một quốc gia tiến bộ, dân chủ, văn minh để theo kịp với bước tiến của nhân loại. Tất cả những ý nguyện đó đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân. Tư thế của những người soạn thảo Hiến pháp năm 1946 rất tự do và họ viết nên những điều tốt đẹp nhất về quyền con người, về thể chế nghị viện và các thiết chế để bảo đàm việc duy trì và vận hành của một xã hội dân sự, dân chủ, một Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam vì họ là những người đặt nền móng đầu tiên. Hiến pháp năm 1946 sánh ngang các bản Hiến pháp dân chủ của phương tây nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam (Ví dụ việc bảo vệ ngôn ngữ và tiếng nói của các dân tộc thiểu số, tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em, của tất cả các tầng lớp trong xã hội Việt Nam không phân biệt già trẻ gái trai…).

Hiến pháp năm 1992 được kế thừa các bản Hiến pháp trước đó, nhưng là bản Hiến pháp ra đời để đáp ứng hoàn cảnh mới đó là tạo sự ổn định chính trị thông qua quản lý và xây dựng bộ máy Nhà nước, đồng thời mở ra hướng đi mới cho dân tộc, phát triển kinh tế theo mô hình tư bản nhưng phải kế thừa được mô hình chính trị trước đó. Để đảm bảo được tất cả những quy định này trong Hiến pháp là điều không hề dễ dàng đối với bất cứ ban soạn thảo Hiến pháp nào kể cả ở các nước phương tây. Điều 4 Hiến pháp năm 1992 cũng bao hàm các đặc điểm đó.

II. Điều 4 Hiến pháp năm 1992, các điểm giống và khác điều 6 Hiến pháp Liên bang Xô Viết năm 1977

Điều 4 bao gồm 4 ý cơ bản:

Ý thứ nhất: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc’’.

Ý này thể hiện rằng Đảng đại diện hợp pháp cho giai cấp công nhân, nông dân và tất cả các tầng lớp lao động khác, suy rộng ra Đảng đại diện cho toàn bộ nhân dân Việt Nam. Các thành phần được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng là người dân Việt Nam nói chung, không có sự phân biệt, không có hạn chế tham gia của bất cứ giai tầng nào vào hàng ngũ của Đảng miễn là các thành phần ưu tú này có phẩm chất chính trị có tư cách đạo đức và phấn đấu vì mục tiêu chung của Đảng. Như vậy là, đội ngũ gia nhập Đảng được mở rộng đến mọi thành phần trong xã hội Việt Nam, mục tiêu ở đây nhằm củng cố và xây dựng Đảng vững mạnh đáp ứng tình hình mới.

Đáng chú ý là các từ: “Đại biểu trung thành quyền lợi’’ - nghĩa là Đảng bảo vệ lợi ích của nhân dân, đó cũng là mục tiêu phấn đấu của Đảng vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng là đại diện cho dân tộc, như vậy tất cả những mong muốn của nhân dân sẽ được Đảng thực hiện.

Ý thứ hai: “Đảng cộng sản Việt Nam theo Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh’’. Ý này được dựa theo điều 6 Hiến pháp Liên bang Xô Viết năm 1977: “…Được trang bị bằng học thuyết Mác-Lênin, Đảng cộng sản vạch ra hướng đi toàn diện cho phát triển xã hội, cho định hướng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Liên bang Xô Viết’’.

Điều 4 và điều 6 của hai bản Hiến pháp đều khẳng định học thuyết Mác-Lênin là cơ sở cho hệ tư tưởng của mình. Nhưng nếu phân tích kĩ, hai điều đã có điểm khác biệt.

Nếu như điều 6 Hiến pháp Liên bang Xô Viết khẳng định cương quyết rằng Đảng cộng sản coi chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng cho con đường chính trị của mình và học thuyết này chi phối tất cả các chính sách kinh tế chính trị, đối nội, đối ngoại. Các cơ quan công quyền không được làm trái với học thuyết này. Điều này được chứng minh thông qua câu cuối ở điều 6: “Đảng được tổ chức và được sáng lập dựa trên luận cứ khoa học để phục vụ cho cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa cộng sản’’. Có nghĩa là con đường đi của Đảng cộng sản Liên Xô là đúng đắn và có cơ sở khoa học.

Trong điều 4 Hiến pháp Việt Nam, sức nặng và tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin đã giảm nhẹ đi rất nhiều và không còn bao trùm như ở điều 6 nữa, bằng cách sử dụng động từ “theo’’ và không giải thích gì thêm.

Điều này hoàn toàn có thể hiểu được, bởi vì Hiến pháp Liên bang Xô Viết ra đời năm 1977, vào thời điểm đó CNXH với học thuyết Mác-Lênin đang bao quát toàn xã hội và có ảnh hưởng ở nhiều khu vực trên thế giới. Mặc dù trong xã hội Liên bang Xô Viết đã có nhiều rạn nứt giữa chính quyền và nhân dân, người dân tỏ ra bất bình với các chính sách của Đảng cộng sản Liên Xô1. Điều 6 nhằm củng cố vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô và quyết tâm theo học thuyết Mác-Lênin của các nhà chính trị. Còn điều 4 Hiến pháp năm 1992 được viết trong điều kiện hệ thống XHCN đã sụp đổ nên sức bao trùm của học thuyết này đã giảm nhiều và điều 4 đã có sự chuyển hướng cho phù hợp với điều kiện mới, hợp với tinh thần và bản sắc Việt Nam. Theo Viện sĩ Viện hàn lâm Pháp, Jean François-Revel2, trước thời điểm năm 1991, khối XHCH trên toàn thế giới rất mạnh và đông đảo, có đến 2 tỉ người trên toàn thế giới bị học thuyết này chi phối.

Ý thứ 3: điều 4 Hiến pháp năm 1992 khẳng định như sau: “Đảng cộng sản Việt Nam… theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh’’ điều hấp dẫn ở đây là động từ “theo’’ và cụm từ “tư tưởng Hồ Chí Minh’’ đã cho thấy được dụng ý của các nhà soạn thảo Hiến pháp, cho dù Việt Nam theo học thuyết Mác-Lênin nhưng phải đi kèm tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa của Việt Nam, phải chăng ở đây đã có sự chuyển hướng về chính trị của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu đơn giản là mọi người Việt Nam đều có cơm ăn áo mặc, được học hành, Việt Nam sánh với các cường quốc năm châu… Tư tưởng này được khẳng định qua nhiều bài viết và các câu nói của Hồ Chủ tịch. Trong tác phẩm Hành trình của Hồ Chí Minh đến trước năm 1945 (bản tiếng Pháp do nhà xuất bản Thế giới phát hành), tác phẩm khẳng định rằng khi Nguyễn Ái Quốc3 đại diện cho Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp tham gia bỏ phiếu thành lập Đảng cộng sản Pháp năm 1920, có một đại biểu nữ người Pháp tên là Rose có hỏi Nguyễn Ái Quốc: “Vì sao anh bỏ phiếu đồng ý sáng lập Đảng cộng sản Pháp»? Ông trả lời rằng: “Sở dĩ tôi bỏ phiếu ra nhập Đảng cộng sản Pháp vì Đảng này có khuynh hướng bênh vực các nước thuộc địa trong đó có Việt Nam, tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho tổ quốc tôi, đó là điều tôi muốn, đó là điều tôi hiểu’’. Trong suốt thời gian ở Pháp, Hồ Chí Minh hoạt động trong Hội người Việt Nam yêu nước với mục đích đòi các quyền tự do, dân chủ cho người dân Việt Nam. Vào thời điểm này, ông chưa quan tâm nhiều về chủ nghĩa Mác, chỉ khi đọc Bản luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa do Lênin viết, lúc đó ông mới quan tâm đến học thuyết này. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tinh thần dân tộc, tư tưởng hướng về độc lập, tự do, hạnh phúc để đem lại những điều tốt đẹp nhất cho con người, để con người biết yêu thương và bảo vệ con người. Tinh thần ấy và học thuyết Mác-Lênin qua điều 4 này không biết bên nào nặng hơn.

Ý thứ 4: điều 4 Hiến pháp năm 1992 viết: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’’. Ý này đáng bàn nhất, bởi vì các luật gia tốn không ít giấy mực viết về nó. Điều này phải chăng khẳng định Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất, có quyền lãnh đạo ở Việt Nam? Câu này rất chung chung và khó hiểu, nếu ta nhận xét rằng Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất Nhà nước và xã hội cũng đúng, hay Đảng cộng sản Việt Nam không ngăn cản sự có mặt các đảng phái khác cũng không sai. Nếu như điều 4 ghi thêm từ “duy nhất’’ hay cụm từ “không cho phép các đảng phái khác hoạt động ở Việt Nam’’ thì chắc chắn Đảng cộng sản Việt Nam sẽ là lực lượng lãnh đạo duy nhất.

Nếu ta dựa vào các câu chữ ở điều 4 và suy luận, ta có thể đưa ra nhận xét như sau: Mối quan tâm đầu tiên của các nhà soạn thảo Hiến pháp là công nhận và khẳng định vai trò cũng như tầm quan trọng của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, chứ ở đây, không bàn gì về một đảng hay nhiều đảng. Nhưng vì câu từ không rõ nghĩa nên gây ra các cách hiểu khác nhau. Nhưng đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân, để hiểu rõ ý này rất cần lời phán quyết của Quốc hội và quan trọng hơn cả là quyền phúc quyết của nhân dân về ý này.

Điều 6 Hiến pháp Liên bang Xô Viết năm 1977 nêu rõ Đảng cộng sản Liên bang Xô Viết là nòng cốt của hệ thống chính trị, các tổ chức Nhà nước và các tổ chức xã hội và định hướng cho mọi hoạt động của quốc gia. Điều 4 Hiến pháp năm 1992 của Việt Nam tuy dựa trên điều 6 nhưng các nhà soạn thảo Hiến pháp năm 1992 không lấy lại từ “nòng cốt’’, nghĩa là vị trí độc tôn của Đảng cộng sản không được khẳng định theo kiểu điều 6 Hiến pháp Liên bang Xô Viết.

Ý thứ 4 của điều 4 Hiến pháp khẳng định thêm điều đó: “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật’’. Đảng là tổ chức chính trị quan trọng, các đảng viên trước hết phải tôn trọng Hiến pháp, sống và làm việc theo pháp luật. Cụm từ “Hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật’’ quy định các chính sách và đường lối của Đảng phải thực hiện đúng với Hiến pháp và pháp luật hiện hành, cho dù Đảng là tổ chức chính trị lớn và có ảnh hưởng quan trọng ở Việt Nam cũng không được làm trái nguyên tắc này. Ý này khẳng định các tổ chức Đảng và các hoạt động của Đảng được pháp luật quy định và phải tuân thủ theo các nguyên tắc của luật pháp.

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất được nhân dân bầu ra. Nếu Đảng hoạt động trong khuôn khổ luật pháp, nghĩa là Đảng tuân theo những quy định của Quốc hội vì chỉ có Quốc hội mới có quyền lập pháp và Đảng không có quyền này, vậy là Đảng có vị trí thấp hơn Quốc hội và nhân dân. Như vậy vấn đề có một tổ chức chính trị hay nhiều tổ chức chính trị lãnh đạo ở Việt Nam là thẩm quyền của Quốc hội thông qua Hiến pháp và các đạo luật và là quyết định của toàn dân thông qua quyền phúc quyết chứ về nguyên tắc Đảng không có thẩm quyền này, bởi vì, Đảng hoạt động và tuân theo khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật do nhân dân và Quốc hội quy định. Nếu Quốc hội và nhân dân quy định Đảng là tổ chức lãnh đạo duy nhất hay không. Đảng sẽ phải chấp hành.

Ý cuối của điều 4 mang nghĩa mở rộng. Quốc hội và nhân dân có vị trí cao hơn Đảng vì các quyền hạn của Đảng được pháp luật quy định theo ý nguyện của nhân dân. Ý này thể hiện tư tưởng tiến bộ của Việt Nam để tiến tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền, dân chủ, công bằng nhằm bảo vệ tất cả các quyền tự do của con người. Như vậy điều 4 Hiến pháp năm 1992 không giáo điều khô cứng như ta tưởng. Điểm khó hiểu duy nhất của điều 4 là câu: “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’’ và không ghi cụ thể gì thêm, Đảng là lực lượng duy nhất hay các tổ chức chính trị khác cũng được quyền tham gia lãnh đạo (?), nhưng câu này lại là nội dung của điều 6 Hiến pháp Liên bang Xô Viết năm 1977.

Tòa án Hiến pháp vẫn chưa được thiết lập ở Việt Nam, nên cách hiểu về điều 4 chưa được làm sáng tỏ, bởi vì vai trò quan trọng nhất của quan tòa Hiến pháp là bảo vệ các giá trị cơ bản được Hiến pháp quy định như các quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của công dân. Đó là các quyền tự nhiên gắn chặt với con người, ngay từ khi sinh ra các quyền ấy tồn tại cùng với con người và chúng chỉ mất đi khi con người không tồn tại nữa, các quyền ấy không do ai hay tổ chức nào ban phát, do đó Nhà nước không được vi phạm các quyền cơ bản như quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do tôn giáo và tín ngưỡng…

Nếu một đạo luật vi phạm các quyền trên sẽ bị coi là vi hiến và không được phép ban hành. Thông qua các phán quyết của mình, Tòa án Hiến pháp thống nhất cách hiểu các nguyên tắc được Hiến pháp công nhận đồng thời làm sáng tỏ một số điều ghi trong Hiến pháp có thể gây ra các cách hiểu khác nhau, điều đó góp phần giải quyết các thắc mắc của công dân và các cơ quan công quyền về các giá trị được Hiến pháp bảo vệ, ví dụ như làm sáng tỏ điều 4 Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng. Thành lập Tòa án Hiến pháp là nhiệm vụ cần thiết ở Việt Nam để xây dựng một Nhà nước pháp quyền hoàn chỉnh vì hầu hết các nước có hệ thống luật pháp tiến bộ đều có tòa án Hiến pháp, vai trò độc lập của quan tòa Hiến pháp phải được tôn trọng để các phán quyết luôn công bằng, đúng với Hiến pháp và không thiên vị. Nếu như Tòa án Hiến pháp tồn tại ở Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu rõ điều 4 Hiến pháp, thông qua phán quyết của tòa án này. Tất cả các cơ quan công quyền đều phải tuân theo phán quyết đó.

Ngoài quyết định của Tòa án Hiến pháp về điều 4, một hình thức khác dân chủ hơn và hay hơn cả là điều 4 nên được Nhà nước đưa ra trước toàn dân để nhân dân phúc quyết. Thể thức này hoàn toàn hợp lý và được các nước phương Tây áp dụng thường xuyên thông qua sửa đổi Hiến pháp bằng trưng cầu dân ý, vì nhân dân luôn là quan tòa sáng suốt nhất. Ví dụ trưng cầu dân ý tại Pháp năm 2000 rút ngắn nhiệm kỳ của Tổng thống Pháp từ 7 năm xuống còn 5 năm và nhân dân Pháp đã bỏ phiếu thuận, hay cuộc trưng cầu dân ý vừa được tổ chức tháng trước tại Ý về vấn đề năng lượng điện hạt nhân trong tương lai. Nhân dân Ý đã bác bỏ quyết định này.

Kết luận

Điều 4 Hiến pháp năm 1992 bao gồm 4 ý. Ý thứ nhất, một phần ý thứ 2 và ý thứ 4 mang đặc điểm và tinh thần Việt Nam.

Ý thứ 4 tiến bộ và góp phần vào sự nghiệp của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng một nền luật pháp dân chủ* và công bằng trong đó mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, các tổ chức chính trị đều từ nhân dân mà ra và hoạt động vì nhân dân.

Phần đầu của ý thứ 2: “Theo chủ nghĩa Mác-Lênin’’ và ý thứ 3: “Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’’. Hai ý này dựa trên nội dung của điều 6 Hiến pháp Liên bang Xô Viết năm 1977. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ quyết định nên giữ hay sửa đổi nội dung của hai ý “ngoại nhập’’ này và các ý khác của điều 4 cũng như các điều khác trong Hiến pháp năm 1992. Điều quan trọng là bản dự thảo Hiến pháp mới sẽ được nhân dân bàn thảo và đóng góp và chặng cuối cùng trong lộ trình sửa đổi Hiến pháp là quyền phúc quyết của nhân dân. Quyền này đã được công nhận từ bản Hiến pháp dân chủ và tiến bộ năm 1946 nhưng vì nhiều điều kiện và hoàn cảnh khó khăn tác động, chúng ta chưa làm được, bây giờ là thời điểm quan trọng để chúng ta thực hiện điều đó.

Ghi chú:

Đầu đề bài viết gợi nhớ đến tác phẩm của Marcel Proust: «A la recherche du temps perdu» (Đi tìm thời gian bị bỏ lỡ).

       

  1. Emanuel Todd: La chute finale, essai sur la décomposition du système soviétique, Edition Laffont 1976: Cuốn sách có tiêu đề “Sự sụp đổ cuối cùng, phép thử thất bại về mô hình chính trị xô viết’’. Tác giả dự đoán sự sụp đổ khó tránh khỏi của một hệ thống chính trị đang vận hành sai nguyên tắc. Ông viết: “Trẻ em bị suy dinh dưỡng vì thiếu sữa nhưng họ vẫn thích rèn đúc ra các khẩu đại bác’’.

  2. Jean François-Revel, nhà triết học Pháp, người đề xuất ý tưởng quyền can thiệp vì mục đích nhân đạo trong luật quốc tế vào các nước, quyền này giao cho các tổ chức quốc tế để cứu dân thường khi có chiến tranh.

  3. Nguyễn Ái Quốc, tên gọi chung của năm thành viên hội Ngũ long, gồm có nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Luật sư Phan Văn Trường, cử nhân luật và hóa học Nguyễn Thế Truyền, nhà báo Nguyễn An Ninh và Nguyễn Tất Thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này. Các thành viên chọn tên này để bảo đảm an toàn cho hoạt động của mình, vì các nhà yêu nước luôn bị mật thám Pháp theo rất sát. Hai chí sĩ họ Phan đã có lần bị giam tại nhà ngục la Santé vì các hoạt động “gây rối’’ của mình. Hai nhà trí thức Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường lập ra Hội đồng bào thân ái, sau đó lập Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp để đấu tranh, diễn thuyết và viết báo đòi các quyền tự do cho người Việt Nam tại thuộc địa. Năm 1919 Nguyễn Tất Thành thay mặt những người Việt Nam tại Pháp gửi đến Hội nghị Versailles Bản thỉnh nguyện của nhân dân An Nam - Les revendications du peuple annamite, văn bản pháp luật quan trọng có giá trị như bản tuyên ngôn đòi các quyền cơ bản của nhân dân An Nam nói riêng và của các dân tộc thuộc địa nói chung. Văn bản được đánh giá là mẫu mực về văn phạm luật, hiện nay vẫn là tư liệu tham khảo cho những người nghiên cứu luật tại Pháp. Văn bản được cả nhóm thảo luận và một trong những người có dấu ấn quan trọng cho văn bản này là luật sư Phan Văn Trường. Bài viết của nhà sử học Pierre Brocheux, chuyên gia sử về Việt Nam qua bài viết Une histoire croisée: l’immigration politique indochinoise en France (1911-1945) nói về hội Ngũ Long và các thành viên cũng như hoạt động của những người Việt Nam yêu nước tại Pháp.

  4. Dân chủ, dêmos từ gốc Hy lạp có nghĩa là nhân dân, nền chính trị và xã hội dân chủ đại diện là mô hình xã hội do người Hy lạp cổ sáng tạo, nhân dân có quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế ở các thành bang bằng cách bầu ra các đại diện cho mình.

     

P.T.Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn