Ghi âm, ghi hình trong giai đoạn điều tra bị can

LS Hà Huy Sơn

Hiện nay, các vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra bị can không ít trường hợp các điều tra viên, các cơ quan điều tra vi phạm các quy định về ghi âm, ghi hình.

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, quy định:

Điều 3. Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự

Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của Bộ luật này.”

Như vậy, trong giai đoạn điều tra các cơ quan điều tra khi ghi âm, ghi hình bị can phải tuân theo quy định của Bộ luật này. Hay các cơ quan nhà nước phải tuân theo nguyên tắc “chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”.

Ghi hình chỉ được sử dụng để thu thập và bảo quản vật chứng, khoản 1 điều 75, quy định:

Điều 75. Thu thập và bảo quản vật chứng

1. Vật chứng cần được thu thập kịp thời, đầy đủ, được mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trong trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh và có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản.”

Ghi hình chỉ được sử dụng để lưu trữ hình ảnh vật chứng mà không thể đưa vào hồ sơ, chứ không có quy định được phép ghi hình của bị can. Có lẽ đây cũng là một nguyên tắc phổ quát nên các phiên tòa ở các nước tiến bộ, báo chí không được chụp ảnh, ghi hình bị cáo tại phiên tòa. Nhưng ở Việt Nam nhiều vụ án thậm chí chưa có phán quyết của tòa án các báo viết, báo hình đã đưa hình ảnh của bị can nên báo để quy kết, buộc tội trước khi xét xử.

Ghi âm bị can trong giai đoạn điều tra, khoản 2 điều 132, trích:

“Nếu việc hỏi cung được ghi âm thì sau khi hỏi cung, phải phát lại để bị can và Điều tra viên cùng nghe. Biên bản phải ghi lại nội dung việc hỏi cung, bị can và Điều tra viên cùng ký xác nhận.”

Trong thực tế các vụ án, không ít các bị can không được nghe lại các băng ghi âm khi hỏi cung hoặc bị ghi âm, ghi hình lén mà không hề biết. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về tố tụng, cụ thể là:

Điều 7. Bảo hộ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân

Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản.

Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản đều bị xử lý theo pháp luật.

Người bị hại, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác cũng như người thân thích của họ mà bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định của pháp luật.”

Hơn nữa, các băng âm, băng hình được thu thập không đúng thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 thì không được coi là chứng cứ để cáo buộc, kết tội bị cáo, khoản 1 điều 64, quy định:

“Điều 64. Chứng cứ

1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.”

Với tinh thần thượng tôn pháp luật, trước hết các cơ quan điều tra phải thực hiện đúng pháp luật và các bị can cần phải biết để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Hà Nội, ngày 10/07/2014

H.H.S.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn