Tâm lý “Xóa đi – Làm mới từ đầu”

Mạc Văn Trang

Xin bắt đầu từ cái vìa hè nhà tôi. Vào năm 2000, để đón chào thế kỷ XXI và đại hội Đảng CSVN lần thứ IX, Thủ đô có “chiến dịch” rầm rộ chỉnh trang đô thị. Đi vắng về thấy tường nhà mặt tiền đã được quét vôi vàng chóe. Rồi cái hè phố xập xệ được lát mới bằng gạch xi măng hình vuông, trông khá khang trang. Nhưng vụ lụt “lịch sử” năm 2008 biến Hà Nội thành “hà lội”, nước ngập vỉa hè, lại xe máy trèo lên hè mà đi, và với chất lượng quốc doanh thì vỉa hè tan nát hết không có gì lạ. Phải công nhận Hà Nội “đồng loạt ra quân” khắc phục hậu quả vụ lụt rất nhanh. Có nguyên nhân “chủ quan, khách quan” là trong tay sẵn có đồng tiền và nguồn nhân lực ở chợ người rất dồi dào đáp ứng tốt công việc thu dọn rác rưởi và lát lại vỉa hè…
Đùng một cái, đầu năm 2009, thành phố lại “đồng loạt ra quân” làm mới vỉa hè đón Đại Lễ ngàn năm Thăng Long. Cái vỉa hè mới được sửa cuối 2008 còn tốt nguyên bị người ta đổ cát trùm lên và lát mới bằng những viên gạch màu đỏ, hình bát giác. Vỉa hè cao lên đến 10cm nên những tấm bê tông làm bờ viền vỉa hè cũng phải thay mới hoàn toàn. Khổ cho nhà dân ở tầng trệt, lại phải tôn nền nhà cao lên khoảng 10 - 15cm để nước mưa khỏi tràn vào nhà! Thế là Thăng Long ngàn năm, còn một số nhà cổ, nhà cũ nhưng đường phố thì mới toanh, mang dấu ấn của 2009. Chưa hết, đầu năm 2010, ông “Phó Chủ tịch UBND TP Hà nội Nguyễn Văn Khôi chỉ thị: Từ 1/4/2010 tất cả 29 quận huyện của Thủ đô phải đồng loạt ra quân thực hiện Đề án chỉnh trang, sơn vôi, sơn cửa nhà mặt phố… phục vụ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.” (Báo Kinh tế đô thị, 25/3/2010).

Riêng Hồ Gươm được ưu tiên đặc biệt nên những viên gạch hình bát giác màu đỏ, mới lát 2009 đã được coi là hết “sứ mạng lịch sử” và bị đào lên để lát bằng những phiến đá xanh cỡ lớn, đảm bảo hoàn thành vào sát ngày Đại Lễ cho mới coóng. Nghĩa lý sâu xa như ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trao đổi với báo chí: …“Hà Nội đẹp nhất là Hồ Gươm nên các nhà lãnh đạo suy nghĩ đây là bộ mặt của thành phố, cần làm mới cho đẹp đẽ trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long (đầu tư 50 tỷ đồng). Tốn kém về kinh tế song được về đối ngoại, du khách nước ngoài, khách các tỉnh về Hà Nội đi trên con đường đẹp đẽ có thể suy nghĩ là mình được trân trọng…”(!) (VNExpress, 26/4/2010). Hai vị “quan” của Thủ đô 1000 năm Văn hiến đã “tuyên ngôn” như vậy và đồng loạt ra quân thì ai còn bàn gì được nữa!
Quanh Hồ Gươm, gạch cũ bị dào lên, lát mới bằng đá xanh, Ảnh: VNExpress.

Nghĩ đi, nghĩ lại, thấy các đồng chí lãnh đạo Hà Nội bị chê trách nhiều quá kể cũng tội!

Vì thực ra việc xóa bỏ cái cũ không thương tiếc, thay bằng cái mới một cách tùy tiện là tâm lý phổ biến của cán bộ ta từ trung ương đến cơ sở. Cái đau xót là nó cứ diễn ra lặp đi lặp lại, hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác kéo dài hàng bao nhiêu năm, như là chuyện bình thường!

Tâm lý phá bỏ cái cũ không thương tiếc có lẽ bắt nguồn từ Cải cách ruộng đất ở miền Bắc vào những năm 50 thế kỷ trước. Trong cao trào cách mạng “long trời lở đất”, đạp đổ phong kiến, địa chủ, người ta cũng muốn xóa bỏ tất cả những gì liên quan đến “chúng nó”. Những cái gì thuộc về quá khứ đều bị coi là lạc hậu, cổ hủ không tốt đẹp bằng cái “cách mạng đem lại”. Bao nhiêu sách chữ Nho bị đem ra đốt vô tội vạ. Đình, chùa làng tôi bị phá lấy gạch, gỗ xây trường học, trụ sở ủy ban; bia đá, cột đá đem bắc cầu ao; đến cây cổ thụ tỏa bóng mát cho làng cũng bị đốn, xẻ đóng bàn ghế… Xóm Đình, xóm Chùa đều đổi tên thành xóm Quyết Tiến, xóm Tiền Phong… Tâm lý “đổi đen thay trắng” định hình từ đấy, và di sản văn hóa dân tộc bị một cú đấm nốc ao bắt đầu từ đấy để rồi nhiều chục năm sau sẽ liên miên bị bồi thêm nhiều cú đấm làm cho tan nát sạch bách, hoặc xiêu vẹo không đứng dậy nổi nữa.

Hợp tác hóa nông nghiệp tiếp liền đó đã triệt để xóa nốt những dấu vết “phong kiến, tư hữu, cá thể” từ cơ sở hạ tầng đến các quan hệ xã hội để xây dựng lực lượng sản xuất mới, quan hệ sản xuất mới. Như chúng ta đều biết, càng quyết tâm xóa cái cũ, xây cái mới, công cuộc “hợp tác hóa”, “tập thể hóa” càng thất bại! Nhưng cái nguy hại hơn lại là ở chỗ: cái tâm lý thích phá bỏ cái cũ không thương tiếc thay bằng cái mới một cách tùy tiện, đã không bị phê phán và trừng phạt. Không những thế nó còn được coi là tích cực, tuy có hơi “tả khuynh”. Nhưng “tả” còn hơn “hữu”(!).

Sau đại thắng 1975, cái tâm lý đó càng phát triển ngông cuồng đến mức: đổi cả tên nước, tên Đảng, đổi cả Hiến pháp, đổi Quốc ca (không thành),… Rồi xóa các tỉnh, huyện, xã cũ nhập thành các tỉnh, huyện, xã mới. Thất bại, lại tách ra “tái lập” như cũ!; nhập- tách các Bộ, ngành cũng theo mỗi nhiệm kỳ… Lãng phí, rối loạn, thiệt hại cho xã hội không kể hết! Còn nhớ dân ta đã mỉa mai: “Rộng lớn như thể nước Nga/Cũng không có chuyện tách ra nhập vào/ Nhỏ bé như thể nước Lào/ Cũng không có chuyện nhập vào tách ra/ Chỉ riêng có Việt Nam ta/ Luôn luôn có chuyện tách ra nhập vào!”.

Cực chẳng đã mới phải nói lại chuyện này, vì ngày nay cái tâm lý ấy vẫn lộng hành trơ tráo, gian manh hơn, được thôi thúc bởi những động cơ vụ lợi trắng trợn. Nó đã biến đổi đến mức mặc kệ dư luận: “Cho chúng mày cứ nói, chán thì thôi, việc ta ta cứ làm!”. Việc phá đền thờ Lý Chiêu Hoàng rồi “trùng tu” mới toanh là một trong vô vàn những minh chứng.

Rồi được “trùng tu” và nhận Bằng mới - Ảnh từ Google

Cái tâm lý đó nếu không bị vạch mặt, chỉ tên, công khai phê phán đến nơi đến chốn và trừng phạt, loại bỏ một cách mạnh mẽ từ trên xuống dưới thì còn nhiều nguy hại. Tôi cứ nghĩ miên man chuyện này sang chuyện khác.

Các cán bộ cấp vụ trở lên và lãnh đạo các tỉnh thành đi tham quan học tập nước ngoài rất nhiều, tốn không biết bao nhiêu tiền thuế của dân, chẳng lẽ không ích lợi gì? Tôi cũng chỉ thực sự thăm Paris có một lần, nhưng chỉ cần đi dạo phố một ngày, ở đâu ta cũng thấy những hiện vật của quá khứ được bảo tồn trân trọng giữa đời sống thường nhật ngày nay như thế nào. Những cái cọc đá buộc thuyền bên bờ sông Seine vẫn đứng đó mấy trăm năm; những quầy sách mini vẫn bán sách y như mấy trăm năm trước; những cây cột đèn đúc bằng gang, ngày xưa tối tối anh “lính đèn” phải cưỡi ngựa đi thắp nến, nay vẫn dùng thắp đèn điện; những viên đá lát đường hay vỉa hè đã mòn nhẵn dưới bước chân người qua mấy trăm năm, hỏng viên nào thì thay viên ấy giống y như cũ; một góc bức tường đá nhô ra giữa hè phố, khách bộ hành giật mình dừng lại thì nhận ra đó là dấu vết bức tường thành của hơn 500 năm trước ở nơi này… Còn Thăng Long ngàn năm đã và đang được “bảo tồn” thế nào chúng ta đều thấy!

Nhớ đến một lão chiến sĩ Điện Biên tôi hằng kính trọng. Hay tin ông mất, đến viếng, thì được biết những kỷ vật ông vẫn giữ, như chiếc ca sắt tráng men, chiếc bi-đông chiến lợi phẩm, chiếc mũ nan tre căng vải dù, chiếc áo trấn thủ… đều bị các con đem đốt hết cùng chăn chiếu ông nằm. Mà các con ông đều là cán bộ có học hành, bằng cấp! Tôi thấy xót xa cho ông khi nhớ lần đến thăm một gia đình khá giàu sang ở Pháp, người ta chẳng giới thiệu các tiện nghi hiện đại. Ông chồng chỉ đem khoe một cái mũ của ông cụ nội, từng là lính của Napoleon Bonaparte. Bà vợ thì tự hào khoe một cái cân bằng đồng: “Bà tôi, mẹ tôi từng dùng, nay tôi vẫn dùng cái cân này…

Lật xem nhiều tờ báo, tạp chí cũ và mới của nhiều nước ta không khỏi giật mình. Họ vẫn giữ nguyên măng-set và các chuyên mục truyền thống hàng 100 năm. Còn chúng ta, tờ báo, tạp chí nào thay Tổng biên tập mới y như là có măng-set mới, những chuyên mục mới!... Coi đó như lẽ tự nhiên!

Từ khi tên đội bóng Thể Công và Cảng Sài Gòn bị xoá hết dấu vết, người hâm mộ hai đội bóng này không còn muốn đến sân xem bóng đá nữa. Mà xóa tên một lần còn hơn mỗi mùa bóng lại phải mang một cái tên mới quái dị, lúc thì ghép với dầu khí, xi măng, sắt thép, cao su, mía đường, phân bón, lúc lại ngân hàng, tài chính …! Sao chẳng nhìn sang các nước, khi những đội bóng của người ta ra đời hàng 100 năm, qua bao nhiêu ông chủ cả ở trong và ngoài nước, mà vẫn giữ nguyên tên? Ngay các đội bóng của Liên xô cũ Spartak, Dinamo, CSKA … nay sang một chính thể mới, vẫn giữ nguyên tên cũ. Đúng là “chỉ riêng có Việt Nam ta…”!

Đến các trường đại học, viện nghiên cứu, ở nhiều nước ta thường thấy tượng, ảnh, công trình của các nhà khoa học nhiều thế hệ nối tiếp; thấy những phòng thí nghiệm, nơi làm vệc của những GS đầu ngành nổi tiếng với bàn ghế, dụng cụ, sách, tạp chí … như lúc sinh thời của họ. Còn ở ta, trường đại học, viện nghiên cứu cũng thay tên xoành xoạch! Đố trường đại học hay viện nghiên cứu nào còn giữ cái bàn làm việc của người Hiệu trưởng, Viện trưởng đầu tiên? Ở những nơi làm việc cũ, có ai còn thấy người ta treo ảnh Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Trần Đức Thảo, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi … không?

Nhớ lần vào thăm Sở Thú Sài Gòn (nay là Thảo Cầm Viên TP Hồ Chí Minh), tôi đã chăm chú ngắm tượng J.B. Louis Pierre, người Pháp dựng lên để ghi ơn ông, người có công sáng lập và làm Giám đốc đầu tiên ở đây 12 năm; nay bỗng thấy lòng quặn đau khi nghĩ đến số phận Cụ Năm Hoằng và bà Ba Sương, người sáng lập và hiến dâng cả hai cuộc đời của hai cha con cho Nông trường Sông Hậu…Vụ án Nông trường Sông Hậu là một điển hình của tâm lý muốn xoá sạch dấu vết của cái mà những người lãnh đạo ở địa phương đó thấy không còn có lợi cho họ (dù có lợi cho dân) để thực hiện các dự án mới gắn với lợi ích của nhóm ra quyết định. Những nhóm này có đủ thủ đoạn và quyền lực để muốn xóa bỏ bất cứ cài gì, bất cứ ai dám cản trở những dự án của họ...
.
Tượng J. B. Louis Pierre ở Sở Thú và hình bà

Trần Ngọc Sương tại Toà án Cần Thơ- Ảnh từ Google

Thế mà chúng ta vẫn tự hào rằng, người Việt Nam giàu tình nghĩa, “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”!? Phải chăng những điều tốt đẹp đó chỉ còn lại ở những người dân lao động chất phác, mà tiêu biểu là hơn 500 người dân ở Nông trường Sông Hậu đã ký đơn kêu “cô Ba” vô tội và hơn 100 người dân xin đi tù thay cho “Cô Ba Sương”! Ôi, đất nước này vẫn còn những người dân như thế!

MVT

13/5/2010

HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn