Sự lựa chọn của mùa thu

Nguyễn Khắc Mai

Người xưa bảo “trời đất chẳng vô tình”. Tôi cũng tin như vậy. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi hạ hai câu trong bài thơ Nôm Vịnh cúc:

Người đua nhan sắc thuở xuân dương,

Nghĩ chờ thu cực lạ nhường! (1)

Có nghĩa là mọi loài hoa (người) đua nở từ mùa xuân ấm áp. Còn hoa cúc phải chịu cực chờ cho đến mùa thu.

Hoa cúc chọn mùa Thu, chờ tới mùa Thu mới nở. Còn mùa Thu thì chọn hoa cúc làm biểu tượng của “nghĩ”. Không phải vô cớ mà cả mấy ngàn năm nay văn nhân, thi sĩ, nho gia, thiền khách đều gắn mùa thu với hoa cúc. Những đóa hoa cúc của ngày trùng dương (mồng 9 tháng Chín) đã thành kinh điển, thành ước lệ. Thơ văn Việt Nam nói đến hoa cúc với ngày trùng dương, chính thu sớm nhất đến cả ngàn năm tuổi có lẽ là bài Tham đồ hiển quyết của Thiền sư Viên Chiếu(2):

Ly hạ trùng dương cúc,

Chi đầu thục khí oanh.

(Trùng dương đến cúc vàng dưới giậu,

Xuân ấm về oanh náu đầu cành)(3)

Điều thật thú vị, ngàn năm sau, không biết lúc Tô Hoài viết Dế Mèn phiêu lưu ký đã được đọc Tham đồ hiển quyết chưa hay chỉ bằng trực giác thiên tài, ông đã viết được một câu nay cũng đã trở thành cổ điển để nói về phong vị mùa thu:

Mùa thu hoa cúc vàng nở lưng giậu, lối mòn đầy lá cỏ rơi”.

Tôi hơi dông dài một chút để nói tới cái sắc thái mùa thu với hoa cúc, một loài hoa có cái khí chất chịu đựng mưa gió, tuyết sương, cành hoa luôn ngay thẳng nên xưa nay vẫn được coi như là biểu tượng của phẩm chất thanh cao, khí tiết thẳng thắn của con người. Đó là cành hoa mùa thu dành riêng tặng cho cái giống người còn giữ được cái đức thanh cao, trong sáng, thẳng ngay. Tôi xin đặt tên loại người đó là Homo – Sophia (nghĩa là người minh triết).

Từ sự liên tưởng về một giống người của phẩm chất thanh cao tôi nghĩ tới cái mùa Thu xưa mà dân tộc ta đã chọn đúng cái thời, cái cơ để làm cuộc “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”(4).

Người người lớp lớp của mùa Thu ấy hát vang trong mọi cuộc mít tinh, mọi ngõ ngách của đường phố, xóm thôn: Tiến lên nền Dân chủ Cộng hòa. Đó là một nguyện ước, một thiết tha hy vọng, một quyết tâm sắt đá, một lựa chọn mới cho mọi cuộc đời cho toàn dân tộc. Rồi người ta sẵn sàng bỏ nhà cửa đi lập chiến khu, vô bưng biền, sẵn sàng chịu bị bắt bớ tù đầy, bị bắn giết... để cho dân tộc có cuộc sống xứng đáng làm Người.

Cùng với sự lựa chọn Dân chủ cộng hòa, dân tộc đã lựa chọn con đường hòa nhập với thế giới văn minh đương đại, chọn lựa Dân quyền và Nhân quyền, chọn lựa sứ mệnh “sánh vai với cường quốc năm châu”. Một chính phủ hòa hợp dân tộc được thành lập, một Hiến pháp với Quốc hội đại nghị, nhiều khuynh hướng chính trị hình thành, thượng tôn dân quyền, thượng tôn pháp luật. Người ta hay nói đến sự lựa chọn của Hồ Chí Minh. Thực ra ngay khi lên đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh đã chính thức bày tỏ với nhân dân và gián tiếp thông báo cho thế giới sự lựa chọn của mình. Độc lập Dân tộc hòa điệu với văn minh phương Tây Dân quyền và Nhân quyền.

Nhưng cái trớ trêu, cái nghịch lý của lịch sử, cái bi kịch của dân tộc là ban đầu chỉ mơ hồ cái ý định “Quốc tế cộng sản” ủng hộ giải phóng dân tộc, dân tộc tự quyết thì ta theo. Nhưng đến khi theo miết rồi thì không thoát ra được để hòa nhập vào trào lưu chung, vào cộng đồng quốc tế. Người Tàu họ nói thật đúng trong truyện ngụ ngôn Tái ông mất ngựa với kết luận: “yên tri họa phúc” – họa phúc biết đâu mà lường. Ta tưởng rằng mình có phúc khi theo Nga - Tàu cộng sản mà giành được độc lập. Ai ngờ cái tròng “chế độ nhà nước, và kiểu xã hội Xô viết” không theo thị trường (bây giờ thì theo nửa vời, đang cầu xin thiên hạ thừa nhận là thị trường đầy đủ!), không có xã hội dân sự, không có chế độ đại nghị một kiểu dân chủ hợp lý và tiến bộ nhất của nhân loại hiện đại... lại tròng vào cổ ta. Vì thế từ 1959, khi xóa bỏ Hiến pháp 1946 đến nay, dân tộc ta không tổ chức được một công cuộc phục hưng, không thực hiện được hiện đại hóa cũng như công nghiệp hóa. Những mục tiêu ấy vẫn còn ở tương lai! Theo mô hình Xô viết, Đảng bị cầm tù trong những lý thuyết xơ cứng, giáo điều, lạc hậu và kém nhân văn, nên Đảng số lượng càng đông, quyền lực thu vén càng lớn nhưng suy đồi cả về phẩm chất chính trị, cả hệ thống tổ chức, cả phẩm chất con người đều đầy dẫy một “bầy sâu bọ” (như một người lãnh đạo đương quyền nhận xét). Theo mô hình Xô viết và hiện nay chỉ cải tiến cục bộ, chắp vá nên dân tộc ta không có được một Nhà nước dân chủ như Hồ Chí Minh định nghĩa: Dân chủ nghĩa là dân thật sự làm chủ. Nay chính quyền là của Đảng, Quốc hội cũng là của Đảng, Hiến pháp, luật pháp trước hết phải vì Đảng chứ không phải trước hết là vì dân, càng không phải vì dân, do dân. Một xã hội dân sự lành mạnh, thật sự những quyền và lợi và nghĩa vụ của dân được tôn trọng khó hình thành. Nhân dân đang được đặt ra bên lề của nền chính trị của Đất nước, không có cách gì “bảo ban” phê bình, kiểm tra, kiểm soát được hoạt động của Đảng, của Chính quyền. Một vài vấn đề dân chủ từng lúc được ban phát, nhỏ giọt. Xã hội có thu nhập vật chất nhỉnh lên chút đỉnh, nhưng văn hóa, đạo đức, lối sống sa đọa, xuống cấp. Đúng hệt như câu thơ của Nguyễn Du: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”!

Điều chẳng may, mà cũng lại là may mắn cho dân ta là còn có những thực chứng quốc tế để so sánh. Chỉ tính từ năm 1960 trở lại đây thôi, giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á, Đông Bắc Á đã có khoảng chênh ghê gớm. Theo một nghiên cứu của nhóm học giả của Đại học Havard Hoa Kỳ thì vào năm 1960 tất cả các nước ấy cùng Việt Nam có chung một trình độ phát triển, thu nhập bình quân chỉ là mấy trăm đô la (dưới 1000 USD). Chỉ sau gần nửa thế kỷ các nước ấy đã tiến vọt, trở nên giàu có văn minh, bỏ xa Việt Nam. Cùng xếp hàng trong một vạch xuất phát mà sau nửa thế kỷ Việt Nam ta lẽo đẽo trở thành ngọn đèn đỏ chạy sau. Các Mác có nói một câu thật đau lòng: “Chúng ta chỉ là người cùng thời đại về mặt triết học, không phải là người cùng thời đại về mặt lịch sử!” Có nghĩa là ta chỉ biết được (về triết học – tư duy) là ta sống cùng thời với thiên hạ. Nhưng về mặt lịch sử tức là về thực thể xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa,... ta không thể ngang hàng với họ, ta lạc hậu, ta chỉ là cái lịch sử của quá khứ của họ. Đảng Cộng sản Việt Nam của chúng ta luôn lo sợ cái nguy cơ tụt hậu, nay không là nguy cơ nữa mà là sự thực đau khổ.

Nếu chịu khó phân tích suy nghĩ thì một quốc gia - dân tộc hiện đại thì chấn hưng, phát triển, giàu sang lên là nhờ 4 nhân tố cơ bản:

- Một là tài nguyên. Tài nguyên của chúng ta không quá nghèo, quá ít. Nếu tính cả hai triệu km2 biển Đông thì tài nguyên của ta là giàu có lắm.

- Hai là truyền thống văn hóa. Truyền thống văn hóa của dân ta dày dặn, dù trong lịch sử vẫn để lại những tiêu cực, nhược điểm.

- Ba là tố chất con người Việt Nam. Cứ nghĩ mà xem, khi bước vào nền văn minh tin học, người đầu tiên sáng tạo máy tính điện tử là một người Việt Nam định cư ở Pháp. Nhiều nhà khoa học có tầm cỡ quốc tế hiện đại là người Việt. Người nghệ sĩ Piano, nghệ sĩ Violon tài hoa là Việt; bàn tay vàng của người thợ Việt Nam không thua kém ai, v.v. và v.v.

Nhưng Việt Nam không cất cánh lên được, năm mươi năm qua vẫn tụt hậu, lạc hậu, tiếp tục thân phận gia công, bán thân làm thê thiếp để nuôi gia đình, bán sức lao động thô, làm và bán sản phẩm thô... Thì chính là cái quan hệ xã hội hiện hữu thể hiện trong thiết chế chính trị xã hội từ triết lý chính trị, triết lý kinh tế, văn hóa giáo dục... đã là nhân tố rất kém thuận lợi, làm cho đất nước và xã hội liên tục rơi vào khủng hoảng, các chuẩn mực rối loạn, khiến cho đạo đức cầm quyền không định hình nổi, các giá trị xã hội biến dạng suy đồi, lương tâm nghề nghiệp, lương tâm lao động, kinh doanh sa sút lệch lạc. Xã hội ta đang ở trong một tình trạng “nói dzậy mà không phải dzậy!” Cả ba nhóm dân: công nhân, nông dân, trí thức phải sống trong tình cảnh nhiều nghịch lý, hầu như bị bần cùng hóa. Tất cả các chính sách đều không tương thích cho sự hình thành một sức mạnh nội lực mới, một vốn xã hội có khả năng sáng tạo, tự lập tự cường của dân tộc. Nhiều người đã nói đến lỗi hệ thống. Thật ra phải nói rõ đó là lỗi của hệ thống chính trị xã hội lỗi thời, lạc hậu bảo thủ trì trệ hoàn toàn không phù hợp với quá trình phát triển mới của dân tộc, hòa nhập trong nhịp sống của nhân loại đương đại.

Không phải là quy lại mà là tiếp tục sự lựa chọn của mùa Thu. Hãy vượt lên tâm thức Quốc - Cộng, rũ bỏ mô hình Xô viết vẫn còn đang ngự trị trên đất nước ta. Mô hình Xô viết thực chất là một thất bại của một kịch bản giáo điều, ấu trĩ, tả khuynh và ngược với trào lưu lịch sử của nhân loại. Hãy làm theo Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối sáng suốt lựa chọn đa nguyên, lựa chọn dân chủ đại nghị, trả quyền sở hữu đất đai cho nông dân. Trả quyền nghiệp đoàn cho công nhân để công nhân bàn với giới chủ về lao động, tiền lương,... Hãy trả quyền tự do ngôn luận, báo chí xuất bản cho xã hội trí tuệ để cho chân trời sáng tạo rộng mở làm nở bừng mọi tài năng văn hóa của dân tộc trên mọi lĩnh vực. Mỗi chính đảng đều có quyền giữ độc nguyên. Nhưng ép dân tộc vào khuôn khổ độc nguyên là phi đạo đức cũng không văn minh mà Hồ Chí Minh thì mong “đảng ta là đạo đức, là văn minh”

Ô Đồng Lầm những ngày vào Thu 2012

N.K.M.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Chú thích:

(1) Nghĩ: chữ Việt cổ nghĩa là ta, là mình. Ở Nghệ Tĩnh nghĩ còn có nghĩa là kẻ ấy, hắn ta. Trong câu thơ này chữ nghĩ nghĩa là ta, mình, đúng hơn.

(2) Viên Chiếu: tên là Mai Trực (999-1091), quê ở Thanh Đàm xưa, nay là Thanh Trì, Hà Nội.

(3) Thơ văn Lý – Trần, T. 1, Nxb Khoa học xã hội, 1988.

(4) Nguyễn Đình Thi- Đất nước (1948)

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn