Bàn thêm về bản Hiến pháp 1946

Phan Thành Đạt

Lorsqu’un homme rêve, ce n’est qu’un rêve, mais lorsque plusieurs personnes rêvent ensemble, c’est le début de la réalité.

«Khi một người mơ ước đó chỉ là ước mơ, nhưng khi nhiều người cùng mơ, đó là khởi đầu của sự thật».

Trong hai bài viết gần đây, tác giả Mai Thái Lĩnh có trình bày quan điểm của ông về Hiến pháp 1946, ông đưa ra những nhận xét thẳng thắn về bản Hiến pháp này và có ý kiến đánh giá về bài viết của tôi về bản Hiến pháp năm 1946. Trước hết tôi xin chân thành cảm ơn ông về những ý kiến liên quan đến bài viết. Trong hai bài viết rất sâu sắc của ông về bản Hiến pháp năm 1946, một số điểm ông đưa ra trùng hợp với quan điểm của tôi, nhưng một số điểm lại hoàn toàn khác.

Nhân dịp Đảng đang sửa Hiến pháp năm 1992 và nhân dân đang rất mong đợi, mỗi người chúng ta rất hy vọng các quyền tự do dân chủ được Hiến pháp mới công nhận, sẽ trở thành hiện thực.

Tinh thần phản biện cũng như tự do bày tỏ ý kiến là vốn quý của con người, vì các phương thức ấy sẽ thúc đẩy xã hội phát triển theo chiều hướng tích cực.

Tôi xin trình bày thêm một số ý kiến về bản Hiến pháp năm 1946, với mục đích giải đáp thêm những khúc mắc về bản Hiến pháp này. Bài viết gồm 2 phần:

- Phần I: Những nhận xét của tác giả Mai Thái Lĩnh về Hiến pháp năm 1946 và quan điểm của người viết.

- Phần II: Tìm về một điểm tựa để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Tôi hi vọng bài viết sẽ giải đáp thêm một số thắc mắc về bản Hiến pháp năm 1946, đồng thời sáng tỏ những lý do của các nhà luật học, vì sao họ muốn trở lại với tinh thần của Hiến pháp năm 1946.

I. Những nhận xét của tác giả Mai Thái Lĩnh về Hiến pháp năm 1946 và quan điểm của người viết

Tác giả Mai Thái Lĩnh cho rằng: «Hiến pháp năm 1946 là di sản tệ hại nhất mà cả dân tộc phải thừa hưởng từ tinh thần cốt lõi của nó» vì theo ông mọi chính sách đều được Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương quyết định trong bóng tối. Ông cũng đánh giá: «Hiến pháp 1946 suy cho cùng cũng chỉ là công cụ tuyên truyền để biện minh cho những hành động của Đảng cộng sản chứ không có ý nghĩa pháp lý hay tác dụng nào cả».

Phải chăng bản Hiến pháp này là di sản tệ hại nhất? Tôi không cho là như vậy, vì bản Hiến pháp này chỉ được thông báo trước quốc dân đồng bào, rồi sau đó, những nhà lãnh đạo không quan tâm gì đến nó nữa, họ không áp dụng những nguyên tắc được Hiến pháp quy định, Hiến pháp tồn tại cũng như không, vì thế Hiến pháp năm 1946 chưa bao giờ có hiệu lực thực tế vì thế nó không thể là di sản tệ hại được. Ngay cả khi nếu Việt Nam có một bản Hiến pháp tuyệt vời như Hiến pháp Mỹ năm 1787, hay Hiến pháp Pháp năm 1946. Chắc cũng không thay đổi được gì, nếu như các nguyên tắc được Hiến pháp ghi nhận không được vận dụng.

Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp chết yểu, và cái bóng của nó không làm hại ai (Une Constitution morte-née et son spectre ne menace personne). Bản Hiến pháp này đã hợp thức hóa quyền lực của Nghị viện, Chủ tịch nước, Chính phủ… Tuy nhiên tất cả các cơ quan quyền lực này phải tuân theo Hiến pháp và luật pháp, các cá nhân đại diện cho các cơ quan này phải thực hiện đúng trách nhiệm và bổn phận của mình. Việc họ có tôn trọng các nguyên tắc được Hiến pháp quy định hay không, và có cố gắng bảo vệ Hiến pháp không mới là điều đáng bàn, bởi vì các bản Hiến pháp tiến bộ của phương Tây đều ghi nhận trách nhiệm vẻ vang của người đứng đầu Nhà nước chính là nhiệm vụ bảo vệ các giá trị của Hiến pháp. Điều 2, Hiến pháp Mỹ, ngày 17 tháng 09 năm 1787 quy định, trước khi nhận chức, Tổng thống Mỹ tuyên thệ: «Tôi xin thề sẽ luôn hoàn thành những nhiệm vụ của một vị Tổng thống, trong khả năng quyền hạn của mình, tôi sẽ bảo vệ, gìn giữ những giá trị của Hiến pháp». Điều 5, Hiến pháp Pháp ngày 04 tháng 10 năm 1958 cũng nêu rõ: «Tổng thống có vai trò giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, Tổng thống đảm bảo quy chế hoạt động đúng với Hiến pháp của các cơ quan công quyền». Điều thứ 4, Hiến pháp năm 1946 cũng khẳng định công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp. Tất cả những người Việt Nam giữ vai trò lãnh đạo, trước hết phải là những công dân mẫu mực. Chính việc không tôn trọng các nguyên tắc được Hiến pháp 1946 quy định mới là di sản tệ hại.

Lạm quyền từ lâu đã là mối đe dọa của tất cả các thể chế chính trị. Xin lấy một số ví dụ, Staline đưa ra các quyết định mà không bao giờ xem xét và đối chiếu với các giá trị của Hiến pháp.

Hiến pháp Algérie quy định Tổng thống chỉ có hai nhiệm kỳ. Tổng thống Boutéfrica muốn sửa đổi điều 74 trong Hiến pháp để có thể đảm nhiệm thêm một số nhiệm kỳ nữa.

Các nhà lập hiến Mỹ đã có nhận xét rất sáng suốt: «Con người vốn yêu quyền lực, nếu trao quyền cho một nhóm thiểu số, đa số sẽ bị chèn ép, còn nếu quyền lực thuộc về đa số, thiểu số sẽ bị áp bức». Để tránh lạm quyền và gìn giữ được các giá trị ghi trong Hiến pháp, chúng ta chỉ có cách duy nhất học theo Tinh thần luật của Montesquieu, để con người không thể lạm dụng quyền lực, bằng những phương tiện sẵn có, quyền lực phải ngăn chặn quyền lực.

Tôi xin nêu một số ví dụ khác để chứng minh:

- Việc tiến hành cải cách ruộng đất năm 1954 tại Miền Bắc, quyết định quan trọng này có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của rất nhiều người, vì nó liên quan đến những vấn đề trọng đại của quốc gia, đến quyền sở hữu tài sản đất đai (điều thứ 12) nếu như quyết định này được đưa ra bàn thảo cẩn thận hơn, trước Quốc hội và khi đó nếu vẫn có nhiều tổ chức chính trị khác nhau cùng thảo luận để đi đến thống nhất, có thể cải cách vẫn được thông qua, những các phương pháp tiến hành sẽ khác, ví dụ chỉ tịch thu một phần ruộng đất của địa chủ, chia cho những nông dân không có ruộng, cấm tuyệt đối việc áp dụng các biện pháp bạo lực. Nếu tiến hành như vậy có thể tránh được nhiều sai lầm thiệt hại về người và của. Đảng và Nhà nước sau này sẽ không phải sửa sai.

- Công hàm ngoại giao ngày 14 tháng 9 năm 1958 liên quan trực tiếp đến biển đảo của tổ quốc do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, nếu được đưa ra thảo luận trước Quốc hội, rồi được nhân dân phúc quyết theo điều thứ 32 chắc chắn văn bản này sẽ không được thông qua, vì sẽ có những nghị sĩ theo đường lối chủ nghĩa dân tộc can ngăn và nhân dân sẽ không chấp nhận. Như vậy rất có thể Chính phủ đã tránh được một sai lầm ngoại giao đáng tiếc, để lại nhiều hậu quả sau này.

Trong bài «Những khuyết điểm nghiêm trọng của Hiến pháp năm 1946», tác giả viết: «Tất nhiên, trong hoàn cảnh thực tế của nước Việt Nam hiện nay, nếu Đảng cộng sản Việt Nam thật sự có ý muốn cải cách chính trị… Nếu các đảng viên cấp tiến có khả năng đấu tranh để đạt được một Hiến pháp tương tự như Hiến pháp 1946, thì chúng ta cũng có thể hoan nghênh, coi đó như một bước tiến đầu tiên, một bước chuyển tiếp», trong bài «Trao đổi ý kiến về bản Hiến pháp 1946», ông nhận xét: «Tại sao lại phải cố níu kéo một bản Hiến pháp mà ngay cả những người làm ra nó cũng không hề xem trọng, thậm chí còn thẳng tay xé bỏ nó một cách không thương tiếc để thay thế bằng một bản Hiến pháp khác mà họ đánh giá là phù hợp hơn, có giá trị hơn? Tại sao lại phải bám víu vào một bản Hiến pháp nhiều khuyết tật trong khi thế giới có bao nhiêu bản Hiến pháp đáng giá khác mà chúng ta có thể tham khảo học hỏi?».

Câu hỏi đặt ra là vì sao tác giả cho dù biết rằng Hiến pháp năm 1946 có nhiều khuyết điểm, nhưng ông vẫn đồng tình với trào lưu trở lại Hiến pháp năm 1946? Trong bài viết sau, ông lại nhấn mạnh vào các khuyết điểm của Hiến pháp năm 1946, và tiến thêm một bước nữa là phủ nhận bản Hiến pháp này. Phải chăng tác giả có một số mâu thuẫn giữa hai bài viết? Thực ra điều này không hề vô lý mà có nguyên nhân sâu xa của nó, có lẽ ông dựa vào hoàn cảnh lịch sử trong thời điểm năm 1946, khi đó sự nghiệp thiết lập một Nhà nước pháp quyền và xây dựng nền dân chủ ở Việt Nam được thực hiện rất dở dang, kết quả là đến nay Việt Nam vẫn chưa bao giờ được thế giới công nhận là Nhà nước dân chủ, nơi các quyền cơ bản của con người được tôn trọng và bảo vệ. Bản Hiến pháp năm 1946 đã tồn tại nhưng có đem lại lợi ích gì đâu, tốt nhất nên vứt nó đi!

Nhưng chúng ta cũng biết rõ rằng Hiến pháp năm 1946 chưa bao giờ được áp dụng, tinh thần của Hiến pháp năm 1946 chưa bao giờ được phát huy, cơ chế cần thiết để đưa các giá trị tốt đẹp của Hiến pháp vào cuộc sống hàng ngày đều không có (thiếu vắng Tòa bảo hiến ngay từ khi Hiến pháp được công bố đến tận ngày hôm nay, nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền chưa được đặt lên hàng đầu, các quyền cơ bản của công dân chưa được bảo vệ). Như vậy tất cả những thiếu sót đó là do con người, chứ không phải là do chính tinh thần của bản Hiến pháp năm 1946.

Hiến pháp chỉ là phương tiện để giúp giai cấp lãnh đạo đạt được mục tiêu của mình đề ra, nếu các nhà lãnh đạo ý thức rõ trách nhiệm của mình được Hiến pháp quy định, họ phải sống và làm việc theo đúng Hiến pháp và pháp luật, nếu như nguyên tắc tam quyền phân lập được tôn trọng, kèm theo đó là những phương tiện ngăn ngừa lạm quyền như Tòa án, Quốc hội… hoạt động hiệu quả. Hiến pháp sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

Nếu các nhà lãnh đạo không hiểu biết về luật pháp và coi thường Hiến pháp, không thực hiện đúng bổn phận của mình, Hiến pháp sẽ không có tác dụng. Và kết quả là nhiều quyết định vi phạm Hiến pháp vẫn được thông qua.

Tác giả Mai Thái Lĩnh cho rằng Hiến pháp 1946 thiết lập một Nghị viện có quyền lực yếu và cơ quan hành pháp mạnh, vì Chủ tịch nước có rất nhiều quyền lực vừa tham gia vào nhiệm vụ lập pháp, vừa tham gia vào nhiệm vụ hành pháp. Thực tế là nếu xét về lý thuyết theo đúng tinh thần của Hiến pháp 1946, đây vẫn là thế chế nghị viện mạnh và có cơ quan hành pháp yếu, vì nhiều lẽ, Chủ tịch vừa có vai trò nghị sĩ vừa có vai trò lãnh đạo cơ quan hành pháp, theo đúng nguyên tắc của thể chế nghị viện, Chủ tịch nước sẽ được chọn từ đảng phái chiếm nhiều ghế nhất trong Nghị viện, người này thường giữ vai trò lãnh đạo đảng phái đó tại Nghị viện, đương nhiên nhân vật này phải theo các nguyên tắc của đảng mình, và nhân vật này phải cân bằng hài hòa lợi ích giữ đảng chiếm đa số và các đảng phái khác trong Nghị viện. Hơn nữa Hiến pháp 1946 thiết lập thể chế nghị viện mất cân bằng vì Nghị viện có quyền giải tán Chính phủ nhưng Chủ tịch nước không có quyền giải tán Nghị viện, vậy là phần thắng luôn thuộc về Nghị viện.

Hiến pháp 1946 gồm có 70 điều thì có khoảng 30 điều nói về Nghị viện, hơn nữa Hiến pháp khẳng định Nghị viện là cơ quan có quyền lực cao nhất (điều thứ 22). Nghị viện họp mỗi năm hai lần vào tháng 5 và tháng 11 không có nghĩa là Nghị viện sẽ nhóm họp trong hai tuần hay hai tháng, mà ở đây đơn thuần hiểu là Nghị viện họp mỗi năm 2 kì bắt đầu vào tháng 5 và tháng 11 (điều thứ 28), thời gian họp sẽ được quy định bằng luật tổ chức được Nghị viện phê chuẩn. Hơn nữa Ban thường vụ nghị viện tuy nắm giữ một số quyền như quyết định tham chiến hay đình chiến khi có sự đồng thuận của Chính phủ, nhưng quyền lập pháp và các quyền khác vẫn thuộc về Nghị viện.

Những phân tích trên đây dựa theo tinh thần của Hiến pháp 1946, nhưng trên thực tế, các quyền lập pháp và tư pháp đều bị quyền hành pháp lấn át, nguyên tắc tam quyền phân lập chưa bao giờ được đề cập đến trong suốt hơn 60 năm qua. Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh hoàn toàn đúng khi nhận xét đây là thể chế nghị viện yếu và có cơ quan hành pháp mạnh. Hay cụ thể hơn ba quyền này đã hợp nhất làm một. Như vậy nguyên tắc tam quyền phân lập theo các điều thứ 47 và 69 chưa được phát huy. Thực tế vào thời điểm đó chưa có cơ chế bảo hiến, hơn nữa bộ máy nhà nước được tổ chức rất lỏng lẻo, chính vì vậy vách ngăn giữa thể chế dân chủ hay phi dân chủ rất mong manh, những người có chức có quyền chỉ cần đạp vách ngăn đó, nền dân chủ sơ khai sẽ chuyển thành độc tài.

Tác giả Mai Thái Lĩnh nhận định để xây dựng một xã hội dân sự, cần có hai điều kiện:  «Nghị viện phải thực sự đại diện cho dân và có đủ quyền lực trong công tác lập pháp và lập hiến» và «chế độ chính trị đa đảng». Nhưng cái hai điều kiện này đều được Hiến pháp năm 1946 đưa ra. Trong lời giới thiệu của bản Hiến pháp, các nhà lập hiến khẳng định nhờ có tinh thần đoàn kết của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam sẽ tiến kịp theo đà phát triển của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình. Nghị viện không những đại diện cho địa phương mình mà cho toàn thể nhân dân và khi Nghị viện họp nhân dân có quyền vào theo dõi (các điều thứ 25 và 30).

Nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi, vậy thì các nhà luật học sẽ tìm được những gì khi trở về với tinh thần của Hiến pháp năm 1946?

II. Tìm về một điểm tựa để xây dựng một xã hội tốt đẹp

Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp của nhiều tổ chức chính trị, không phải là Hiến pháp do một mình tổ chức Việt Minh biên soạn. Bản dự án Hiến pháp đã được soạn thảo và công bố vào tháng 11 năm 1945, Tiểu ban hiến pháp được Quốc hội bầu ra ngày 2 tháng 3 năm 1946, ban soạn thảo gồm 11 thành viên sau đó ban này được mở rộng thêm 10 thành viên đại diện cho các nhóm và các vùng đồng bảo dân tộc. Các nhà biên soạn đa số đều được tiếp thu nền giáo dục phương tây, như luật sư Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Tôn Quang Phiệt… phần lớn trong số họ đều theo chủ nghĩa dân tộc và có tư tưởng tiến bộ, một số khác là các đảng viên đều có học vấn, ví dụ như Tôn Quang Phiệt.

Việt Minh khi đó chưa có nhiều ảnh hưởng trong Chính phủ liên hiệp, vai trò của Bảo Đại và các tổ chức khác vẫn rất quan trọng. Chính phủ liên hiệp do Nguyễn Tường Tam làm trưởng đoàn đã thương lượng với Pháp tại Hội nghị Đà Lạt, để chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau diễn ra trong vòng từ tháng 6 đến tháng 9 tại Pháp. Khi Hồ Chí Minh sang Pháp họp, ông đã trao quyền Chủ tịch cho nhà nho Huỳnh Thúc Kháng và Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp, đồng thời dặn dò cẩn thận để giữ vững chính quyền trong hoàn cảnh khó khăn. Huỳnh Thúc Kháng có quyền ký các quyết định thay Chủ tịch nước, Võ Nguyên Giáp xây dựng và củng cố lực lượng cho Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ.

Bản Hiến pháp được công bố ngày 09 tháng 11 năm 1946, khi đó Việt Minh đã là tổ chức lãnh đạo chính. Như vậy Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp của nhiều tổ chức chính trị khác nhau, công tác biên soạn Hiến pháp đã bắt đầu từ năm 1945. Việt Minh có các đại diện như Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh trong Ủy ban dự thảo Hiến pháp, còn lại các đại biểu đến từ các tổ chức chính trị khác nhau.

Các nhà luật học chắc đều hiểu rằng sau 66 năm, kể từ ngày công bố bản Hiến pháp đầu tiên đến nay, Việt Nam vẫn là đất nước có nền luật pháp kém phát triển, Việt Nam chưa phải là Nhà nước pháp quyền đúng nghĩa và vẫn luôn luôn bị thế giới phê phán về tình trạng vi phạm nhân quyền. Nhân dân ngày càng đòi hỏi Nhà nước phải đảm bảo các quyền tự do được Hiến pháp công nhận. Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm bất cập, và các nhà luật học tìm thấy nhiều điều hấp dẫn trong bản Hiến pháp năm 1946.

Các đảng viên có tư duy đổi mới và các nhà đấu tranh cho dân chủ có nhiều điểm tương đồng khi họ cùng bàn về Hiến pháp năm 1946. Bản Hiến pháp này không nhắc đến chủ nghĩa Mác - Lê Nin, không khẳng định CNXH là con đường đi của Việt Nam trong tương lai. Chỉ có tiếng nói của dân tộc Việt Nam, tinh thần đoàn kết dưới một thể chế chính trị rộng rãi để tập trung nguồn lực xây dựng đất nước. Cho dù bản Hiến pháp này sơ sài và có nhiều thiếu sót, nhưng đây là một trong những điểm tựa hiếm hoi để viết nên một bản Hiến pháp dân chủ góp phần xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, văn minh và tiến bộ, vì chúng ta cũng không còn lựa chọn nào khác.

Khi đọc các bản Hiến pháp của các nước Châu phi như Algérie, Maroc, Tunisie Sénégal… Chúng ta sẽ nhận thấy các bản Hiến pháp này rất tiến bộ và đầy đủ, vì các nhà luật học sao chép lại các bản Hiến pháp của các nước phương Tây, nhưng các nước này thiếu cơ chế bảo hiến, hoặc cơ chế này chỉ tồn tại hình thức, các giá trị về bình đẳng, tự do chưa được tôn trọng. Do vậy Hiến pháp dù tiến bộ nhưng cũng không phát huy tác dụng gì, cần có các điều kiện kinh tế xã hội phát triển, và trình độ nhận thức của công dân ở mức cao.

Không phải người Việt Nam hôm nay không có khả năng soạn ra một bản Hiến pháp tiến bộ hơn Hiến pháp 1946. Nhưng bản Hiến pháp mới này có được chấp nhận không? Hay chắc chắn nó sẽ lại bị rơi vào quên lãng như những bản kiến nghị của nhiều trí thức yêu nước. Như vậy viết ra một bản Hiến pháp mới có ích gì khi mà Nhà nước không quan tâm đến. Hơn nữa quyền biên soạn và sửa đổi Hiến pháp thuộc về Đảng và Nhà nước, đây không phải là công việc của nhân dân. Người dân chỉ có ý kiến đóng góp, nhưng Đảng và Nhà nước có toàn quyền quyết định theo ý mình, cho dù quyền sửa đổi Hiến pháp của nhân dân đã được nhiều bản Hiến pháp ghi nhận từ rất sớm. Điều thứ 28, Hiến pháp Pháp, ngày 24 tháng 6 năm 1793 nêu rõ: «Nhân dân có quyền xem xét, sửa đổi và viết lại một bản Hiến pháp mới, thế hệ hôm nay không thể lập ra Hiến pháp và các đạo luật bắt các thế hệ mai sau phải tuân theo». Điều thứ 70, Hiến pháp năm 1946 cũng thừa nhận, chỉ có nhân dân mới được quyền sửa đổi Hiến pháp.

Trở lại với Hiến pháp năm 1946 cũng là nhắc nhở với Đảng và Nhà nước hãy bảo đảm các quyền công dân, hãy thực hiện những cam kết của mình trong Hiến pháp. Những điều tốt đẹp như quyền phúc quyết của dân, chế độ dân chủ đa đảng, tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập được ghi trong Hiến pháp năm 1946, nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Đó là «những món nợ lịch sử» của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân.

Nhân dân đòi hỏi các quyền lợi đó, vì Đảng và Nhà nước đã ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946, bây giờ là lúc thực hiện qua đợt sửa đổi Hiến pháp lần này, những đòi hỏi ấy không xa vời nhưng gần gũi vì đã được Hiến pháp công nhận từ 66 năm trước.

Kết luận

Đợt sửa đổi Hiến pháp lần này, chắc chắn Ủy ban sửa đổi Hiến pháp sẽ kết hợp Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1992, đồng thời đưa vào một số nguyên tắc cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Bản Hiến pháp mới rất có thể sẽ tiến bộ hơn Hiến pháp năm 1992, nhưng sẽ thua kém Hiến pháp năm 1946. Bản Hiến pháp mới có thể sẽ có các điều khoản mâu thuẫn nhau. Vì nhiều điều sẽ phải gánh thêm các từ như Nhà nước pháp quyền XHCN. Điều 4, Hiến pháp năm 1992 sẽ được tái khẳng định, nhưng được diễn đạt khác, nguyên tắc tam quyền phân lập sẽ không có, đất đai vẫn thuộc sở hữu toàn dân. Với những nguyên tắc đã được chỉ định từ trước, không biết Ủy ban sửa đổi sẽ xây dựng một bản Hiến pháp mới thế nào? Vì chỉnh sửa Hiến pháp trong nhiều hoàn cảnh còn khó hơn viết một bản Hiến pháp mới.

P.T.Đ.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn