Lao động Trung Quốc ở Papua New Guinea

Tiến Vĩnh
Trung Quốc cần mẫn cho công nhân của mình chui sâu vào hầm mỏ tưởng đã bỏ đi của nhiều nước khác. Họ mang về nước từng vỉa quặng quý, vắt kiệt tài nguyên của nước sở tại, và để lại một khu phố Trung Quốc đồ sộ, đủ để nước Trung Hoa mai phục ở đó cả một… tiểu bang. Một khi tỉnh ngộ ra, dân chúng nhiều nước bỗng ngạc nhiên thấy mình tự nhiên mất cả chì lẫn chài, mà chẳng hiểu vì sao lại nên cơ sự ấy. Có gì đâu, “thuê đất”, “mượn đất” hay đúng hơn là “thả con săn sắt bắt con cá rô” đã là một quốc sách của các triều đại Trung Quốc kể từ thời Tây Hán, như trong bài viết sau của Nguyễn Lệ ChiBVN xin giới thiệu để bạn đọc cùng xem xét trong một hệ thống, nhằm hiểu rõ hơn tư duy bành trướng có nguồn gốc lâu đời của Trung Hoa. Có điều, ngày nay quốc sách ấy của Trung Nam Hải còn ghê gớm hơn nhiều, từ “mượn đất” đi đến “mượn biển”, mà mượn không được thì ngang nhiên cướp cạn. Nhưng chính sách vừa xoa vừa đấm ấy liệu còn thi hành được bao lâu? Sự phẫn nộ của nhân dân nhiều nước như trong hai bài viết dẫn ở đây cho thấy người ta đã tỉnh ra nhiều, người ta ngày càng cảnh giác với cái gọi là “túi khôn” Trung Quốc.

Bauxite Việt Nam
Bữa trưa trong khung cảnh vội vã là không khí quen thuộc tại mỏ nickel va cobalt Ramu ở vùng đồi heo hút của Papua New Guinea (PNG). Nhóm công nhân Trung Quốc và công nhân bản địa ngồi riêng rẽ.

Những công nhân Trung Quốc của Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (China Metallurgical Group Corp.) tới đây bằng đường biển. Doanh nghiệp nhà nước này từng đầu tư 1,4 tỷ USD vào những mỏ khoáng sản này. Những công nhân này không thể hiểu được cả tiếng Anh lẫn thứ tiếng bồi, hai trong số những ngôn ngữ được sử dụng tại Papua New Guinea. Nhưng người Papua New Guinea (PNG) lại không biết nói tiếng Trung Quốc. Thậm chí không khí trong bữa ăn vẫn diễn ra rất nặng nề ngay cả khi có một hoạt động đòi hỏi sự thận thiện và tính cộng đồng. “Làm sao chúng tôi có thể cùng nhau ăn uống nếu mọi thứ đối với chúng tôi đều rất khác biệt?” Đó là câu hỏi của Shen Jilei, người lần đầu tiên ra nước ngoài, được đưa thẳng từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc tới một quốc gia Nam Thái Bình Dương mà anh ta thậm chí còn không biết là nó có tồn tại.



Những dấu hiệu về sự va chạm văn hóa có vẻ như có ở khắp những nơi trong những khu công trường xây dựng rộng lớn. Một dải rừng nguyên sinh, hoang sơ và những cánh đồng cỏ đang sắp sửa trở thành một trong những công trường khai thác nickel lớn nhất trên thế giới. Ven bờ biển Vịnh Basamuk, nơi nhà máy lọc dầu Ramu sẽ được xây dựng, một Kỹ sư xây dựng gốc Bắc Kinh kể lại rằng: trước khi người Trung Quốc tới đây, “dân bản xứ sống hầu như thiếu mọi tiện nghi văn minh cơ bản nhất”.

Ấn tượng mà người Trung Quốc để lại cho người dân PNG cũng không có gì tốt đẹp hơn. Một địa chủ người địa phương có đất đai do cha ông để lại nằm giữa khu mỏ đã tuyên bố rằng nickel sẽ được sử dụng để cung cấp cho một chương trình sản xuất vũ khí bí mật của Trung Quốc. Không rõ tuyên bố của ông có chắc chắn hay không, nhưng sự không đồng tình với kế hoạch đó có cả ở sự bực tức đối với tác động của người Trung Quốc lan rộng sang cả những cơ quan nhà nước PNG, ngay cả khi khu mỏ Ramu hứa hẹn sẽ bổ sung vào 8% tăng trường cho GDP của nước này.

May rủi đồng hành

Khi Trung Quốc bắt đầu chiến dịch đầu tư trên toàn cầu vào đầu thế kỷ, dòng tiền chảy cuồn cuộn đã được đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt tại những khu vực của châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh từng bị phương Tây bỏ rơi này. Cam kết của Trung Quốc không chính trị hóa viện trợ và đầu tư bằng việc trói buộc các điều kiện rắc rối, chẳng hạn như nhân quyền phải được cải thiện, đã chiều lòng được nhiều chính phủ. Giữa năm 2003 và 2008, mức đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc đã nhảy vọt – từ 75 triệu lên 5,5 tỷ đôla tại châu Phi, 1 tỷ lên 3,7 tỷ đôla tại Mỹ Latinh và nhảy từ 1,5 tỉ lên 43,5 tỷ đôla tại châu Á. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa giờ đây được xếp hạng như là nhà đầu tư số một tại nhiều quốc gia khác nhau, từ Sudan đến Campuchia. Để đổi lấy tài nguyên thiên nhiên cần thiết cung cấp cho cỗ máy kinh tế của Trung Quốc, Bắc Kinh đã bắt đầu một chiến dịch cần mẫn thu phục trái tim và khối óc của các nước, bằng việc cung cấp tài chính xây dựng sân vận động, bệnh viện và những văn phòng chính phủ sang trọng. Trụ sở Bộ Ngoại giao Đông Timor đã được xây dựng trang nhã theo kiểu Trung Quốc, trong khi tòa nhà quốc hội lát đá cẩm thạch Guinea-Bissau là một món quà của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một số nước không còn muốn trải thảm đỏ cho người Trung Quốc đang du ngoạn khắp thiên hạ nữa. Những điều kiện ràng buộc về chính trị có thể không đi kèm với túi tiền của Bắc Kinh, nhưng những cái bẫy kinh tế luôn được giăng sẵn. Các công ty Trung Quốc đầu tư ở nước ngoài có xu hướng vận chuyển bằng đường biển hầu như mọi thứ sử dụng cho việc xây dựng các công trường, từ những gói mì ăn liền đến giấy vệ sinh màu hồng phổ biến của Trung Quốc. Trong vài năm qua, họ hàng của những người công nhân lúc nào cũng muốn biến việc lập các cửa hàng bán đồ ăn giá rẻ của Trung Quốc thành hiện thực, đe dọa kế sinh nhai của các doanh nhân bản xứ. Những người dân địa phương có được việc làm ở những dự án của người Trung Quốc cấp vốn phàn nàn rằng các ông chủ của họ không đoái hoài đến các luật lệ lao động của nước họ, trong việc đảm bảo mức lương tối thiểu hoặc sự bảo vệ của tổ chức công đoàn. Trong ba năm qua, những cuộc phản đối chống người Trung Quốc đã nổ ra ở mọi nơi, từ quần đảo Solomon và Zambia cho tới Tonga và Lesotho. Những căng thẳng cũng đang sục sôi tại Ấn Độ, nơi người Trung Quốc đang tham gia vào một số dự án cơ sở hạ tầng lớn. Thậm chí các quan chức cấp cao còn lên tiếng.

Hòn đảo biệt lập

Ẩn mình ở một trong những nơi lạc hậu nhất của một trong những quốc gia kém phát triển nhất trên thế giới, mỏ Ramu đã nổi lên như là một điển hình rõ nét về thái độ phẫn nộ chống lại các tập đoàn của Trung Quốc. Năm 2004, Thủ tướng PNG Michael Somare từ Bắc Kinh về nước, hân hoan khi giành được dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất nước này cho tới nay. Trạng thái ngây ngất đã nhanh chóng chết yểu. Các chủ đất đã tuyên bố là họ sẽ không chấp nhận để vùng lãnh thổ của bộ lạc bị bòn rút hết khoáng sản, cho dù có bất cứ văn kiện nào đã được ký kết. Những nhà bảo vệ môi trường đã lên án các kế hoạch tập kết chất thải của khu mỏ tại Vịnh Basamuk, trong khi công nhân địa phương phản đối những điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Đối với nhiều người PNG, không có gì ngạc nhiên khi đất nước họ nằm ở tuyến đầu trong chiến dịch toàn cầu của Trung Quốc. Nằm ở nửa phía Đông của hòn đảo lớn thứ hai thế giới, PNG là một vùng có ngôn ngữ khác biệt nhất trên thế giới, 6,5 triệu dân nói ít nhất 800 thứ ngôn ngữ địa phương riêng biệt. Dù cho tính đa dạng sắc tộc như vậy, song đất nước này lại thống nhất trong ít nhất là một khía cạnh: sự hoài nghi về hoạt động khai thác của người nước ngoài đối với nguồn tài nguyên phong phú của họ, từ khí gas và gỗ cho tới thủy hải sản và vàng. Những căng thẳng đã nổ ra vào những năm 1990 trên đảo Bougainville của PNG. Đây là nơi mà những quan ngại về tác động môi trường và kinh tế của một khu mỏ đồng do người Anh-Úc quản lý, đã từng làm nổ ra một cuộc đấu tranh của những người chủ trương ly khai từng đòi quyền khai thác mỏ của 15.000 người dân trong suốt một thập kỷ.

Mỏ Ramu đã nằm im lìm trong bốn thập kỷ, khi một loạt các công ty của Úc tính toán rằng lượng nickel kém giá trị không đáng để trích xuất tại một vùng đất xa xôi như vậy, với những biến đổi phức tạp về mức độ trung thành với chính phủ của dân chúng ở đây. Nhưng Ramu Nico, công ty con của Tập đoàn luyện kim Trung Quốc phụ trách việc khai mỏ, đã cho rằng họ có thể thành công tại nơi mà những công ty khác không dám thử sức. Năm 2007, Ramu Nico đã cử những tiểu đoàn công nhân Trung Quốc, mở đường qua những rừng cây dày đặc và xây nên khu phố người Hoa huyền ảo. Ngày nay, đó là những dải đồi và thung lũng đầy những khu tập thể đồ sộ, văn phòng, nhà máy chế biến nằm rải rác khắp nơi, cùng với một đường ống chuyển vữa dài 135 km uốn khúc từ Ramu cho tới bờ biển Basamuk (Từ Basamuk, những chuyến tàu biển chất đầy nickel và cobal sẽ căng buồm trở về Trung Quốc). Tháng 12/2007, Ramu Nico đã khánh thành cây cầu đầu tiên bắc qua sông Ramu, xóa bỏ nguy hiểm đến từ những chuyến bè ngang sông. Công ty này còn lát một con đường bê tông băng qua rừng, một trong số ít con đường tại một đất nước nhiệt đới mà nhựa đường là của hiếm không khác gì băng tuyết. Mặc dù dự án đã buộc hàng nghìn chủ đất phải di dời nhưng cũng đã cung cấp các cơ sở hạ tầng cần thiết cho vùng này. Quãng đường mà vài năm trước người ta phải đi bộ băng rừng mất 10 tiếng đồng hồ từ khu mỏ ra tới con sông thì giờ đây đã được rút ngắn lại trong một chuyến xe chỉ với 30 phút.

Cho đến hiện giờ những tranh cãi xung quanh những dòng tiền Trung Quốc đầu tư vào Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Á nhưng sự thật là rất nhiều công nhân Trung Quốc làm việc ở nước ngoài vẫn chưa có ý định trở về nhà. Với nhiều công nhân Trung Quốc và Papua New Guine – họ lao động để kiếm sống và gửi tiền về nhà. Nhưng với các công ty Trung Quốc và chính phủ thì đây là một phương cách mà họ cho rằng có thể định hình lại thế giới.

(Theo Time)

TV

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn