Cái ác hôm nay… chỉ cần tiếng vo ve của một con muỗi

Thái Hạo

Thạch Lam có một truyện ngắn tên là Sợi tóc, kể về tình huống của nhân vật “tôi”. Bạn anh ta là Bân, một người “giàu có nhưng rất ngốc”. Một hôm Bân rủ “tôi” đi mua đồng hồ, sau đó vào một quán hát. Trong lúc Bân vào phòng với một cô gái, vì nghèo rớt mồng tơi, “tôi” nảy ra ý định lấy những tờ tiền trong ví của hắn. Ở chốn bát nháo ấy, với chiếc áo khoác để quên, chắc chắn không ai nghi ngờ cho “tôi” được. Nhưng vào một giây cuối cùng, "tôi" đã không làm cái việc đã ám ảnh mình suốt cả chuyến đi, là lấy những tờ tiền đầy mê hoặc kia.

Kết thúc truyện, nhân vật chính suy tư: “Tôi nhớ rõ lúc đó không có một ý nghĩ nào về danh dự, về điều phải, điều trái ngăn cản tôi, và khiến tôi đi vào con đường ngay, như người ta vẫn nói. Không, không có một chút gì như thế. Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết... Có lẽ chỉ một lời nói không đâu, một cử chỉ nào đấy, về phía này hay phía kia, đã khiến tôi có ăn cắp hay không ăn cắp. Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên... Tôi có tiếc đã không lấy hay không, hay bằng lòng mình vì đã chống giữ lại cái ý xấu? Tôi cũng không tìm biết rõ hơn. Hình như ý nghĩ ham muốn hay trù trừ tối ấy không phải là của tôi, hình như của ai ấy, của một người nào khác lạ, khác với cái người thường của tôi bây giờ...”.

Thiện và ác, nhất là trong những tình huống nhất thời bộc lộ, thường rất mỏng manh, mỏng manh như một sợi tóc.

Cái mà Thạch Lam bảo rằng “ý nghĩ ham muốn hay trù trừ kia không phải của tôi, hình như của ai ấy, của một người nào khác lạ, khác với cái người thường của tôi bây giờ” chính là một thứ “vô thức”, là những tích lũy huân tập qua dằng dặc đời sống cá nhân, nó không lồ lộ ra nhưng luôn có mặt. Và thường thì hoàn cảnh sống, hoàn cảnh xã hội chính là “kiến trúc sư trưởng” âm thầm nhưng chi phối mãnh liệt đến nhân cách ở chiều sâu ấy của con người. Con người có thể trở nên tốt hay xấu, thiện hay ác, nhiều khi chính họ cũng không hiểu vì sao và không biết cách nào để làm chủ nó một cách hoàn toàn. Sự phi lý, trắc trở, bất an và mong manh này phải khiến chúng ta suy nghĩ và có một tâm thế đối diện rộng rãi, cả với chính mình và người khác.

Ngày nay, sự nóng nảy, dữ tợn “nổi điên” và cái ác đang bùng phát khắp nơi. Có thể chỉ từ những lý do và hoàn cảnh rất bình thường nhưng lại dẫn tới xô xát, đánh nhau, thậm chí chém nhau, giết nhau, hậu quả là bị thương, chết người, tù đày... Đến nỗi, từ lâu người đọc đã gọi các nội dung này trên báo chí là “cướp, giết, hiếp” – như là cái phần nổi bật nhất của các tờ báo. Hiện tượng đó phải được nhìn nhận là một sự bất thường mang tính xã hội, chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề cá nhân. Và môn Tâm lý học cùng các nhà Tâm lý học phải thể hiện vai trò của mình ở đây, vạch ra những nguyên lý và logic để thấy nguồn cội của những hiện tượng bề mặt đang trăm hoa đua nở này.

Có thể do nghèo đói, do cuộc sống quá nhiều áp lực, do sự bất an, do đổ vỡ những giá trị căn bản, v.v, mà tạo thành những vòng xoáy tội lỗi. Con người thường xuyên sống trong lệch lạc, trong căng thẳng, trong kìm nén, trong đau khổ, trong sự kích động..., thì tiếng vo ve của một con muỗi cũng có thể khiến họ “lên cơn điên”, rồi con cái có thể bị chửi lây, vợ/chồng có thể bị mắng oan. Tất cả đều kích động (chỉ vì tiếng kêu của một con muỗi!), và khi mà “ma đưa lối quỷ đưa đường” rồi, chúng ta chỉ còn biết cầu trời cho một thảm kịch không xảy ra.

Tôi nghĩ, trước khi xã hội “thái bình” trở lại trong một nền nếp văn hóa, đạo đức, pháp luật tốt lành, thì mỗi cá nhân phải tự điều hòa lấy bản thân mình, song song với nỗ lực “cải tạo hoàn cảnh sống” để nó có thể “nhân đạo hóa con người”. Tất nhiên, nó khó và đòi hỏi nhiều sự cố gắng hơn gấp bội so với trong một môi trường bình thường.

Tôi mới nói với bạn tôi rằng, để nuôi dưỡng hòa bình và lòng dịu dàng trong nội tâm, ngoài việc đọc nhiều, nghe nhiều, biết nhiều, thì cần đến gần hơn với mọi thứ. Chúng ta sống hàng ngày giữa biết bao con người nhưng ít khi nhìn thấy nhau, thậm chí không bao giờ thấy nhau. Vuốt ve một con chó, âu yếm nó một chút; đừng sợ bẩn tay, rửa là được. Đến gần hơn với một đứa trẻ, đến gần hơn với người thân, tiếp xúc thật sâu với những đồ vật, cây cỏ và cuộc sống quanh mình. Khi thấu hiểu và có thể yêu thương, thì lòng sân hận trong ta sẽ dần lui.

Những ngày cuối năm, chứng kiến bao nhiêu lầm lạc, bi kịch, đau khổ bị gây ra bởi những thứ lãng nhách, tiếc và đau xót. Một cái nhìn nghiêm khắc nhưng bao dung với con người trong “hoàn cảnh bất thường” là điều cần thiết. Có lẽ chỉ khi nào một xã hội tiến bộ đã được thiết định, khiến nhân cách con người được vun bồi một cách lành mạnh, tự nhiên và rộng khắp, thì những tai họa như thế mới được đẩy lùi; sự tế nhị, lòng tôn trọng, tình thương yêu mới mọc lên, thành rừng.

Nghiêm trị cái ác, nhưng đừng quên nguồn cội của cái ác...

T.H.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn