Hai đại học đầu tiên bị tạm ngừng tuyển sinh?!

Tiến Dũng - Trà Bang

Ngày càng có nhiều bằng chứng về các cấp lãnh đạo CP chỉ thích loại cán bộ cấp dưới biết xoay xở cống nạp thật nhiều cho mình hơn là loại cán bộ có tài đức, bản lĩnh, thật tâm muốn góp phần đưa đất nước tiến lên. Hai câu chuyện dưới đây ở Bộ GD & ĐT đủ lý giải tất cả mọi bê bối khác ở bất kỳ Bộ ngành nào hiện nay. Chừng nào chưa diệt tận gốc những con sâu cỡ bự ngồi tít trên cao thì mỗi bước chuyển động ỳ ạch của đất nước vẫn kèm theo một cái giá không sao tưởng tượng nổi và hết Vinashin này sụm sẽ lại có Vinashin khác sụm theo đố có cách gì tránh khỏi. Xin mời bạn đọc đọc bài này cùng với hai phụ lục soi sáng cho nó và sau đó đọc tiếp bài “Sự thật về việc tháo chạy của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa” tại Trường đại học Phan Châu Trinh ở Hội An kế theo bài này.

Bauxite Việt Nam

"Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với trường đại học, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt kỷ cương của ngành" (Tiến Dũng - Trà Bang - Vnexpress)

Nhưng đó là 2 ĐH nào? Và lý do thực sự là gì? Có thực là do trường đào tạo kém chất lượng ko? Hãy xem đó là 2 trường ĐH nào:
1. ĐH Công nghệ Đông Á (Xin xem hai bài báo đính kèm trong mục Về ĐH Đông Á bên dưới): Là ĐH mà HĐQT đang tố cáo các quan chức của Bộ GD ĐT nhận hối lộ.
2. ĐH Phan Châu Trinh - ĐH có Chủ  tịch HĐQT là nhà văn Nguyên Ngọc. - Người nhiều lần lên tiếng chỉ trích các chủ trương sai trái của Nhà nước về Tây Nguyên, về dự án bauxite.

Hai đại học đầu tiên bị tạm ngừng tuyển sinh

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã ký quyết định tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 đối với ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) và ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) do nhiều vi phạm.

Ngày 5/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa vừa ký quyết định tạm ngừng tuyển sinh năm 2010 đối với ĐH Công nghệ Đông Á. Lý do bị tạm ngừng tuyển sinh là vì trường vi phạm Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học tư thục.

Theo đó, trường được thành lập từ cuối năm 2008 theo quyết định của Thủ tướng, hơn một tháng sau Hội đồng quản trị của trường được Bộ GD&ĐT công nhận. Năm 2009, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được Quy chế tổ chức và hoạt động. Hội đồng quản trị mất đoàn kết, ảnh hưởng đến uy tín của ngành, địa phương và nhà trường.

Phụ huynh, học sinh vẫn là những người thiệt thòi nhất khi lỡ theo học những trường đại học kém chất lượng. Ảnh: Hoàng Hà.

Tháng 5 vừa qua, ĐH Công nghệ Đông Á đã khởi công xây dựng 2 khối nhà đầu tiên tại làng đại học ở thành phố Bắc Ninh phục vụ 4.000 sinh viên. Các ngành học của trường gồm: Kinh tế, Ngoại ngữ, Công nghệ thông tin, Kiến trúc, Cơ khí và các khóa liên kết với các trường đại học tại Pháp, Mỹ, Australia...

Năm 2009 - 2010, trường tuyển sinh khóa đầu tiên với 500 sinh viên cho 3 ngành Kế toán, Tài chính Ngân hàng và Quản trị kinh doanh. Năm nay, trường được giao 1.400 chỉ tiêu ĐH, CĐ; hơn 1.000 chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông; và 700 chỉ tiêu TCCN.

Cùng ngày, Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc với lãnh đạo ĐH Phan Châu Trinh, có sự tham gia của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Hội An. Phó thanh tra Phạm Ngọc Trúc đã đọc quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với ĐH Phan Châu Trinh trong năm học này.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2007, ĐH Phan Châu Trinh đã tuyển sinh khi chưa được sự đồng ý của Bộ, có nhiều sai sót trong khâu ra đề, chấm thi, xét tuyển; tự ý tăng điểm giãn cách giữa các khu vực ưu tiên không đúng quy định; một số ngành xét tuyển thí sinh không đúng khối thi vào học. Sau hơn 2 năm thành lập, Hiện trường chưa có Hội đồng cổ đông, không họp Hội đồng quản trị, chưa có Ban kiểm soát...

Để đảm bảo chất lượng đào tạo đối với khóa tuyển sinh năm 2007 của ĐH Phan Châu Trinh, Bộ GD&ĐT đã gửi công văn tới ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng đề nghị hỗ trợ giảng viên, tài liệu học tập, điều kiện vật chất phục vụ thí nghiệm thực hành, hướng dẫn luận văn, thi tốt nghiệp và đánh giá tốt nghiệp cho sinh viên trường này.

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Minh Cả cho rằng, những vấn đề riêng tư nội bộ của trường cần sớm giải quyết dứt điểm, các thành viên trong Hội đồng quản trị của trường cần nhóm họp và tìm cách tháo gỡ những vướng mắc.

Trong khi đó, đại diện ĐH Phan Châu Trinh đã lên tiếng phản đối và trả lại quyết định cho đoàn công tác của Bộ, đồng thời đề nghị được làm việc gặp trực tiếp Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận.

Đây là lần đầu tiên Bộ GD&ĐT quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với trường đại học, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, siết chặt kỷ cương của ngành.

TD - TB

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/Giao-duc/2010/08/3BA1EE0F/

Phụ lục 1:

Trải thảm đỏ cho Việt kiều như thế này sao!

Đào Tuấn

“Những lời hứa, những cam kết của các bậc nguyên thủ khi kêu gọi kiều bào về nước có ý nghĩa gì khi những kiều bào tâm huyết nhất trở về quê hương lại bị hành hạ, bị làm khó, bị đối xử bất công bằng những hành động phi đạo lý và bất chấp pháp luật của một số quan chức cấp dưới!” – Ông Đoàn Minh Tuấn, một Việt kiều 74 tuổi, một nhà giáo vừa có một bức tâm thư gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Vũ Luận phản ánh “những bất công mà những Việt kiều, với tư cách là những nhà đầu tư, nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của đất nước đang phải gánh chịu”.

Ông Đoàn Minh Tuấn, Việt kiều định cư tại Pháp, từng là bộ đội thời kỳ chống Pháp, từng giảng dạy ở một số trường đại học của Việt Nam. Năm 2007, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ đối với Việt kiều, ông về nước cùng với GS TS Hoàng Kỳ, người đã soạn những cuốn sách đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, PGS TS Nguyễn Văn Gia, GS TS Nguyễn Văn Hữu và nhiều bạn bè trong ngành giáo dục cùng nhau xây dựng Trường Đại học Công nghệ Đông Á.

Theo trình bày của ông Tuấn, năm 2008, sau khi vị Chủ tịch HĐQT đầu tiên, GS VS Vũ Tuyên Hoàng qua đời, HĐQT đã bầu ông Phạm Ngọc Thăng làm Chủ tịch HĐQT. Ông Tuấn tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên, ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Thăng đã kéo bè cánh, gây mất đoàn kết nghiêm trọng trong nội bộ và đặc biệt là vấn đề tài chính hoàn toàn được giữ kín với những biểu hiện hết sức bất minh. Trong suốt một năm đó, ông Thăng tìm mọi cách để Quy chế tổ chức và hoạt động của trường không được thông qua, 4 đại hội cổ đông “chỉ toàn là câu chuyện cãi vã, đấu đá, thậm chí không ra nổi một văn bản, một nghị quyết nào”.

Trước những biểu hiện bất minh trong chi tiêu tài chính, các cổ đông sáng lập trường đã tổ chức đại hội vào ngày 20-12-2009. Tại đại hội này, ông Phạm Ngọc Thăng đã bị các cổ đông chiếm 92,43% cổ phần của Trường dự họp bỏ phiếu miễn nhiệm. HĐQT sau đó, với 7/10 phiếu thuận cũng đã đề nghị Bộ GD và ĐT cách chức Chủ tịch HĐQT của ông Thăng. Tuy nhiên, trong một động thái hoàn toàn bất ngờ, Bộ GD và ĐT đã không chấp nhận việc miễn nhiệm vì cho rằng Đại hội cổ đông họp không hợp lệ. Trong khi ông Tuấn và HĐQT cho rằng họ đã thực hiện đúng theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục”, ban hành kèm theo quyết định 61/2009/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ.

“Chúng tôi thiết nghĩ ông Phạm Ngọc Thăng là do HĐQT chúng tôi bầu và quyền miễn nhiệm là thuộc HĐQT của Đại học Công nghệ Đông Á, đại diện cho 92,43% cổ phần đồng ý, chứ không phải thuộc Bộ GD và ĐT. Việc Bộ cho rằng đại hội của chúng tôi không hợp lệ là cưỡng từ đoạt lý, thậm chí, là xâm phạm vào công việc không thuộc thẩm quyền, chuyên môn của quý Bộ. Những bất thường của Bộ GT và ĐT còn ở chỗ trong khi bác tính hợp pháp của Đại hội cổ đông thì họ lại không hề có ý kiến về tính hợp pháp của cuộc họp HĐQT mà theo đó, 7/10 thành viên đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ HĐQT đối với ông Phạm Ngọc Thăng. Sự việc đã được Bộ GD và ĐT đẩy đi xa hơn nữa khi hai ngày trước đại hội cổ đông của trường chúng tôi dự định tổ chức vào hôm 14-5-2010, Bộ GD và ĐT ra một quyết định kỳ cục là cấm họp. Bộ biết rằng đại hội sẽ ra nghị quyết bất lợi cho ông Thăng? Và Bộ quyết bảo vệ ông Thăng một cách bất chấp pháp luật?” – Ông Tuấn viết trong thư.

Theo ông Tuấn, sự việc quá mù ra mưa khi Bộ GD và ĐT thành lập tổ thanh tra để cắt chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí đe dọa trình Chính phủ giải tán ĐH Công nghệ Đông Á.

Sau khi bãi miễn chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Thăng, HĐQT trường ĐH Công nghệ Đông Á đã quyết định mời cơ quan thanh tra về để kiểm tra, một cách độc lập, toàn bộ các hoạt động tài chính của trường. Kết quả kiểm tra sau đó đã lộ sáng những sự thật kinh hoàng: Không có quy định chế độ chi tiêu. Không có định mức tài chính, kế hoạch tài chính. 13 tỷ đồng đã được chi tiêu hàng năm mà không có quyết toán, không tổ chức phê duyệt. 650 triệu đã được chi thêm cho Ban quản lý Dự án…

HĐQT, Ban Giám hiệu và đặc biệt kiều bào Đoàn Minh Tuấn đã sửng sốt trước những khoản chi quá bất minh, quá bí hiểm. Theo báo cáo của thanh tra có tới 1,4 tỷ đã được chi cho việc… tư vấn thành lập trường (trong khi theo quy định, chi phí tư vấn nhiều nhất chỉ 5 triệu đồng). Bảng kê chi tiền cho thấy người nhận rất nhiều là quan chức của Bộ GT và ĐT. Vô lý đến mức chỉ một buổi họp thẩm định của Bộ GD và ĐT, ông Thăng đã quyết chi tới gần 80 triệu đồng, trong đó một Vụ trưởng được kê trong danh sách đã nhận tới 20 triệu đồng, chỉ cho một buổi họp.

Theo những chứng từ, bảng kê còn lưu lại, Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Thăng đã chi tới 1,8 tỷ để quà cáp, biếu xén cho quan chức của đủ các ban ngành, nhiều nhất đương nhiên vẫn là Bộ GD và ĐT.

“Những khoản quà cáp, biếu xén, phong bì này có thể gọi khác hơn chăng ngoài việc gọi chúng là những khoản hối lộ? Và phải chăng đây chính là lý do mà Bộ GD và ĐT cố gắng bảo vệ bằng được ông Thăng, dù họ bảo vệ bằng những việc làm của họ là vi phạm pháp luật?” – Ông Tuấn, thay mặt HĐQT viết trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GD và ĐT.

“Phát biểu với kiều bào đêm 23 tháng chạp Kỷ Sửu vừa rồi, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ trân trọng mọi sự đóng góp của kiều bào, coi đồng bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chính ngài Thủ tướng, trong buổi gặp gỡ kiều bào tại Texas năm 2008 cũng đã cam kết trách nhiệm với kiều bào.

Nhưng những lời hứa, những cam kết của các bậc nguyên thủ có ý nghĩa gì khi những kiều bào tâm huyết nhất trở về quê hương lại bị hành hạ, bị làm khó, bị đối xử bất công bằng những hành động phi đạo lý và bất chấp pháp luật của một số quan chức cấp dưới?!”.

PS: Thư ông Tuấn gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn có đoạn: Chúng tôi được biết ngài là cháu đời thứ tư của Tam nguyên Thám hoa Vũ Phạm Hàm – vị Tam khôi cuối cùng có tên trong văn bia Văn Miếu, được chép trong sách Bách khoa toàn thư. Ngay sau khi nhậm chức Bộ trưởng, ngài đã về quê hương Đôn Thư kính cáo với tổ tiên dòng họ Vũ Phạm – Phạm Vũ. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự chí công vô tư của ngài cũng như kính ngưỡng cụ Vũ Phạm Hàm với những giai thoại còn truyền trong sử sách. Tuanddk bình rằng: Đúng là một cụ “Việt kiều hồi hộp”, ngây thơ đến tội nghiệp.

Bài tới sẽ là những nhân vật có tên trong danh sách nhận tiền với những cá mập còn cao cấp hơn cả Bộ trưởng

Địa chỉ ông Đoàn Minh Tuấn dành cho những đồng nghiệp quan tâm đến vụ việc:

Tel: 0902218446

Email: doanminhtuan1937@yahoo.com

Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=3021&prev=3051&next=3005

Phụ lục 2:

Về việc tố cáo rồi thanh tra Đại học Phan Châu Trinh: Thư kháng nghị của Trường Đại học Phan Châu Trinh (bài đăng trên BVN ngày 05/04/2010)

BVN nhận được Thư kháng nghị dưới đây vào ngày hôm qua 3-4-2010, đang phân công Biên tập viên viết Lời đề dẫn trước khi đăng thì đã thấy lá thư xuất hiện trên các mạng Viet-studiesDiễn đàn. Đồng cảm với các bạn đồng nghiệp trong cách nhìn nhận vấn đề này nó là một bằng chứng soi tỏ thêm tình trạng thoái hóa nghiêm trọng của giáo dục Việt Nam hiện nay, dưới sự thao túng của những kẻ lấy đồng tiền làm mục đích mà bất kỳ những ai từng “sống chung với lũ” đều không khỏi đau lòng và chán nản – chúng tôi xin đăng lại Lời giới thiệu của Diễn đàn và lá thư của các ông Phan Ngọc Thu và Nguyên Ngọc.

Bauxite Việt Nam

Ngày 2.4.2010, một số báo trong nước đã đưa tin về những “sai phạm” của Trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam):

* Đất Việt : Đại học Phan Châu Trinh vừa thành lập đã đầy sai phạm

* Lao Động : Trường ĐH Phan Châu Trinh : Số thí sinh tuyển không đúng quy chế năm 2007 sẽ bị xử lý

* Diễn đàn Doanh nhân :  Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam) : Hàng loạt sai phạm

Các bài báo này chỉ trình bày sự việc của “nhóm tố cáo” và đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng dưới đây lá thư kháng nghị của các ông Phan Ngọc Thu, Hiệu trưởng, và Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Qua các tài liệu này, người ta có thể thấy rõ tình thế hết sức khó khăn của một dự án như Trường đại học Phan Châu Trinh, ngay từ đầu phải nằm trên đe của những nhà đầu tư chỉ nhắm kiếm lời và dưới búa của bộ máy Bộ GD - ĐT, một tổ chức phản động, ngăn cản mọi cuộc cải tổ đích thực.

Diễn đàn

Hội An, ngày 01 tháng 4 năm 2010

Kính gửi : Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

Đồng kính gửi : Ông Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo,

Chúng tôi đã nhận được Công văn số 108/KL-BGĐT ngày 12 tháng 3 năm 2010 về việc “Kết luận Nội dung tố cáo đối với ông Nguyên Ngọc, Chủ tịch HĐQT và ông Phan Ngọc Thu, Hiệu trưởng trường Đại học Phan Châu Trinh” (sau đây gọi là Kết luận) do ông Chánh thanh tra Nguyễn Văn Chiến, thừa ủy quyền của Bộ trưởng ký.

Sau khi nghiên cứu kỹ Kết luận trên, chúng tôi thấy Kết luận đó là hoàn toàn không thỏa đáng, và sau đây là Thư Kháng nghị của chúng tôi đối với Kết luận đó.

Chúng tôi hiểu công việc của thanh tra là khi có sự việc được tố cáo thì xem xét cụ thể sự việc đó ra sao, vì sao có sự việc đó, do những nguyên nhân và điều kiện trực tiếp, gián tiếp nào gây ra, hệ quả thế nào, ai chịu trách nhiệm về sai phạm nếu có, đặc biệt động cơ dẫn đến những sự việc ấy là gì… để cuối cùng đi đến tìm ra sự thật, và đề xuất cách xử lý.

Chúng tôi thấy cách làm việc của Đoàn Thanh tra của Bộ, đặc biệt thể hiện rõ trên văn bản Kết luận được ông Chánh thanh tra ký, là hoàn toàn ngược lại, chỉ hết sức đơn giản đi thu nhặt và kể ra các hiện tượng, rồi từ đó cũng đơn giản đi ngay đến kết luận.

Cụ thể :

1. Đối với trách nhiệm của Chủ tịch HĐQT trong việc không tổ chức đại hội cổ đông và không tổ chức đều các cuộc họp HĐQT theo quy định:

Kết luận kê ra một dãy lịch các cuộc họp, ngày nào tháng nào, cách nhau dài ngắn bao lâu, cuộc họp nào đến nay chưa được tổ chức…, và kết luận như vậy thư tố cáo là “đúng”. Chúng tôi xin lỗi, nhưng quả thật chúng tôi không thể không ngạc nhiên, và không thể không nghĩ rằng một việc làm như vậy chắc hẳn không cần đến những cán bộ của một Bộ nổi tiếng có học và có trách nhiệm chăm lo việc học cho cả xã hội. Tuyệt nhiên Kết luận không hề thể hiện một chút suy nghĩ, một thoáng câu hỏi tại sao lại có tình hình đó? Thực chất là gì, sự thật ở đâu?

Trong khi đó, trong quá trình làm việc với đoàn Thanh tra, chúng tôi đã tập trung trình bày rõ về chính điều ấy. Chúng tôi đã báo cáo rõ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua Thông báo của Văn phòng Thủ tướng số 167/TB-VPCP ngày 25/8/2004 đối với Tỉnh Quảng Nam và Ban Sáng lập trường, khi đồng ý chủ trương cho phép thành lập trường, nhấn mạnh yêu cầu từng bước xây dựng một trường đại học chất lượng cao; chúng tôi cũng trình bày rõ nguyện vọng và yêu cầu của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng như thành phố Hội An về tôn chỉ và phương hướng của trường, do đó đã tạo mọi điều kiện cho trường ra đời và hoạt động; đồng thời cũng thống thiết nói rõ với đoàn thanh tra tâm huyết của những người sáng lập về tôn chỉ và phương hướng giáo dục mà chúng tôi mong muốn theo đuổi ở trường này… Từ đó chúng tôi đã chỉ rõ với đoàn thanh tra rằng vừa qua không phải chúng tôi không triệu tập các cuộc họp theo đúng quy định, mà là không thể họp được. Do chính sự khống chế của “nhóm tố cáo” (gồm ông Trần Văn Chính hiện là Giám đốc Trung tâm Hợp tác chuyên gia và Kỹ thuật với nước ngoài của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mặc dầu ông không đứng tên trong đơn, nhưng thực tế đã tham gia mọi cuộc họp và mọi công việc liên quan, và là người chủ xướng việc tố cáo này, nấp dưới tên con gái là Trần Thu Lan, học ở nước ngoài, mãi đến gần đây mới về và mới xuất hiện duy nhất một lần trong họp HĐQT), cùng với ông Nguyễn Gia Chiến, và bà Trần Thị Thịnh, cho nên đến nay tất cả các cuộc họp HĐQT chưa bao giờ bàn được một câu về giáo dục, về phương hướng và nội dung xây dựng và phát triển trường, chỉ chằm chằm vào mỗi việc: “Tiền”. Làm thế nào để họ có thể có lãi nhanh nhất và nhiều nhất, từ năm sáu tỷ họ đã góp có thể đem bán ngay thành nhiều chục tỷ… Nhiều cuộc họp đã tan vỡ vì mỗi lý do đó. Chúng tôi đã nói rất rõ với đoàn thanh tra về điều này. Đương nhiên từ đó cũng không thể họp Đại hội đồng cổ đông được (vả chăng, số lượng cổ đông cũng chỉ có ông Chính và 5 thành viên trong Hội đồng quản trị mà thôi). Nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là do sự mâu thuẫn sâu sắc về quan điểm giáo dục: họ quyết dùng nhà trường này làm một cuộc buôn bán giáo dục lớn và trắng trợn. Chúng tôi tôn trọng quyền lợi chính đáng và hợp lý của các nhà đầu tư, nhưng chúng tôi quyết không buôn bán giáo dục. Kết luận của Thanh tra ủng hộ những tố cáo của họ, chỉ kê ra mấy lịch họp một cách hiện tượng, máy móc, thô thiển và cho là “đúng”, “đúng”, “đúng”… thực tế là ủng hộ, nếu không nói là tiếp tay cho cuộc buôn bán giáo dục bẩn thỉu đó. Chúng tôi không nghĩ đó là quan điểm của Bộ.

Nhiều lần cuộc họp HĐQT đã tan vỡ còn vì những lý do thủ tục rất vô lý mà nhóm tố cáo khăng khăng áp đặt. Một việc rất thông thường là cử cán bộ của Trường làm thư ký các cuộc họp, họ nhất định không chịu, đòi biểu quyết đuổi thư ký ra khỏi phòng họp, bao giờ ông Trần Văn Chính cũng giành tự mình làm thư ký, biến HĐQT thành như một thứ hội kín kỳ quặc chưa hề thấy ở đâu.

2. Về công tác tuyển sinh năm 2007:

Chúng tôi đã có báo cáo số 210/CTTS, ngày 30 tháng 12 năm 2009 gửi Bộ giải trình và cũng đã trình bày cặn kẽ trước đoàn Thanh tra của Bộ. Trong đó đã nói rõ vì sao Trường đã tổ chức kỳ thi này.

Đó là, sau gần 4 năm hoàn tất các thủ tục Trường Đại học Phan Châu Trinh được thành lập ngày 06 tháng 8 năm 2007 theo Quyết định số 989/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 15 tháng 10 năm 2007, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có Quyết định số 6589/QĐ-BGDĐT về việc giao cho trường đào tạo trình độ đại học hệ chính quy với 6 ngành : Công nghệ thông tin, Công nghệ điện tử - viễn thông, Tài chính -Ngân hàng, Việt Nam học, Tiếng Trung Quốc và Tiếng Anh. Nhưng mãi đến 07/11/2007, Bộ GD&ĐT mới có Công văn số 11759-ĐH&SĐH giao cho Trường 700 chỉ tiêu đào tạo trình độ Đại học theo hình thức xét tuyển. Thời điểm ấy đã cách quá xa kỳ thi tuyển sinh năm 2007 và các đợt xét tuyển; mặt khác, suốt trong hai tháng 10 và 11 các tỉnh miền Trung và nhất là Quảng Nam phải gánh chịu liên tiếp những trận lũ lụt rất nặng nề. Nhà trường đã thông báo và có hơn 1.200 thí sinh đăng ký dự tuyển, nhưng trong số đó có nhiều em quê ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung khác rơi vào hoàn cảnh trôi cả nhà cửa, sách vở, bằng tốt nghiệp, giấy báo điểm, chỉ còn lấy giấy xác nhận của địa phương. Không thể vô cảm trước hoàn cảnh đó, là trường trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, lãnh đạo trường đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã yêu cầu để đảm bảo chất lượng đầu vào, trường cần tổ chức ôn tập miễn phí cho thí sinh và ngày 14/12/2007 tỉnh đã có Công văn số 4024/UBND-VX đề nghị Bộ GD&ĐT “cho phép Trường đại học Phan Châu Trinh được tổ chức thi tuyển trong năm học 2007-2008”.

Điều đáng nói là chính những người làm đơn tố cáo cũng rất nóng lòng mong muốn nhà trường được tuyển sinh kịp thời trong năm học đầu (vì trước đó, trong năm 2006, nhiều công trình đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường đã bị bão lụt tàn phá, nếu kéo dài đến kỳ thi tuyển sinh năm 2008, ai cũng lo lại phải hứng chịu những trận thiên tai khác). Ông Trần Văn Chính, là nhà đầu tư, vừa là người thay mặt con gái ông là cô Trần Thu Lan trong Hội đồng Quản trị, vừa đảm nhiệm vai trò cố vấn cho Hội đồng quản trị vì theo ông nói, ông đã từng là Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức của Bộ GD&ĐT phụ trách các trường ngoài công lập, đã từng đi tham quan hơn 200 trường đại học và cao đẳng ở nước ngoài, sẽ trực tiếp gặp Bộ xin phép cho trường thi tuyển. Trong lúc chờ đợi ý kiến phản hồi của Bộ, nhà trường được ông Chính báo tin Bộ đã đồng ý cho trường đại học Phan Châu Trinh thi tuyển; và ông Chính đã cùng bà Trần Thị Thịnh bay từ Hà Nội vào Hội An trực tiếp tham gia tổ chức kỳ thi. Sau khi thi xong, ông Chính cũng đã tự tay mình làm bản kê khai để nhận các khoản tiền chi phí, trong đó có chi phí vé máy bay, chi phí để xin cấp chỉ tiêu, chi phí xin đề nghị thi tuyển v.v. (những chứng từ này nhà trường hiện vẫn lưu giữ). Tuy nhiên, đến ngày 07/01/2008, (tức là sau 26 ngày từ lúc Tỉnh gửi công văn xin Bộ) Trường lại nhận được công văn số 13677/BGD&ĐT-ĐH&SĐH ngày 31/12/2007 của Bộ gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc giữ nguyên ý kiến chỉ cho phép trường tuyển sinh theo hình thức xét tuyển.

Trước một quá trình sự việc đã diễn ra như vậy, thế mà ông Trần Văn Chính lại xúi con mình và những người khác làm đơn tố cáo để chỉ đổ lỗi cho người khác. Một sự tráo trở như vậy không biết nhằm mục đích gì? Chúng tôi cũng đã trình bày trong quá trình làm việc với đoàn thanh tra, sao không được đề cập đến trong bản kết luận? Mặt khác, sau khi thanh tra xong, chúng tôi cũng chỉ được mời họp thông báo miệng vội vàng để đoàn kịp ra sân bay, không có một văn bản nào của Đoàn Thanh tra gửi lại để Nhà trường có thể giải trình thêm trước khi có kết luận chính thức của Bộ; như vậy có đảm bảo dân chủ, khách quan không? Trong thực tế kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, có sự giám sát từ đầu đến cuối của Tỉnh qua PA25, trong Bản kết luận cũng không hề đề cập, đó là chưa nói đến có những kết luận thêm vào mà khi họp tổng kết không hề nói đến. Còn có cả những kết luận không thỏa đáng khác; chúng tôi xin đơn cử như: Bản kết luận của Thanh tra Bộ cho rằng, Trường Đại học Phan Châu Trinh đã tự ý vận dụng điều 33 của quy chế tuyển sinh với khoảng cách 1,5 điểm ưu tiên khu vực cho các đối tượng dự thi mà không báo cáo, xin phép Bộ. Điều ấy, mãi đến ngày 08 tháng 8 năm 2008, trong Thông báo số 7158/TB-BGDĐT mới quy định, còn Điều 33 trong quy chế tuyển sinh chưa đề cập đến.

3. Về người tố cáo:

Một điều đáng ngạc nhiên nữa là qua thanh tra, những người có trách nhiệm không hề nhận ra và chú ý đến một nhân vật đã tự bộc lộ rất rõ trong chính vụ việc này: ông Trần Văn Chính, vai trò của ông Trần Văn Chính trong việc tổ chức thi tuyển sinh năm 2007, và hành vi tố cáo hung hăng của ông bây giờ cũng như trong việc liên quan đến tổ chức các cuộc họp của Hội đồng quản trị. Chính ông Trần Văn Chính là người đã chủ trương làm việc thi tuyển lúc bấy giờ, và ông cũng đã trực tiếp đi xin ở Bộ cho Trường PCT được tổ chức thi, thúc giục Hiệu trưởng tổ chức thi, và cùng với bà Trần Thị Thịnh trực tiếp vào tham gia tổ chức thi, cả hai đều nhận tiền đầy đủ của Trường về những công việc này. Chúng tôi có đủ bằng chứng, sẽ xin trình bày với Bộ nếu Bộ cần (mà chắc Bộ hẳn cần đề hiểu thêm về một cán bộ của mình). Cho nên thật đáng kinh tởm khi trong đơn tố cáo, ông Trần Văn Chính – nấp sau tên con gái Trần Thu Lan, cùng với bà Trần Thị Thịnh trắng trợn và tráo trở viết rằng “ông Thu đã tự ý tổ chức kỳ thi không có phép của Bộ GD&ĐT mà chúng tôi không được biết, nay các cán bộ trong trường tố cáo chúng tôi mới biết”.

Cũng xin nói rõ: tất cả những điều này, chúng tôi cũng đã trình bày với đoàn thanh tra, xin hỏi tại sao lại hoàn toàn bị bỏ qua, đó lại là những vấn đề về một cán bộ đang phụ trách một cơ quan quan trọng của Bộ?

Kính thưa ông Bộ trưởng,

Kính thưa ông Chánh Thanh tra,

Vì những lý do theo chúng tôi là rất quan trọng trên, chúng tôi không thể chấp nhận Kết luận do ông Chánh Thanh tra ký. Đồng thời chúng tôi cũng tố cáo những việc làm sai trái, nguy hiểm của chính “nhóm tố cáo”. Chúng tôi chờ phản hồi của Bộ.

Để kịp thời ổn định tình hình nhà trường đã bị ảnh hưởng do những sự tố cáo có tính chất vu khống đối với nhà trường, chúng tôi đang khẩn trương chuẩn bị đại hội cổ đông trong thời gian ngắn sắp đến. Trân trọng kính mời có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ, lãnh đạo địa phương và các cơ quan hữu quan.

Do Kết luận của thanh tra đã bị tiết lộ cho báo chí trong khi chưa có ý kiến phản hồi của nhà trường, gây hiểu lầm trong xã hội, nên chúng tôi dù không hề muốn, nay buộc phải giữ quyền đưa công khai Thư Kháng nghị này trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm rõ sự thật.

Xin kính chúc các ông sức khoẻ.

HIỆU TRƯỞNG
PHAN NGỌC THU

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
NGUYÊN NGỌC

Nơi nhận :
- Bộ trưởng (Báo cáo)
- TTTT. Phạm Vũ Luận (Báo cáo)
- TT. Nguyễn Thị Nghĩa (Báo cáo)
- UBND tỉnh Quảng Nam (Báo cáo)
- UBND thành phố Hội An
- Vụ TCCB, Vụ GDĐH, Vụ KHTC
- Công an tỉnh Quảng Nam (PA 25)
- Lưu VT

Nguồn: BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn