Quan hệ Mỹ - Việt trong bốn năm tới

Nguyễn Quang Dy

Quan hệ Mỹ-Việt trong một năm qua đã được nâng cấp nhảy cóc lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP), cân bằng với quan hệ Trung-Việt mà không gây bất ổn định trong quan hệ với Trung Quốc. Đó là một thành công lớn của “ngoại giao cây tre”, tạo ra một bước ngoặt mới để tái cân bằng tam giác bất đối xứng Mỹ-Trung-Việt trên bản đồ địa chính trị khu vực. Nay dư luận quan tâm đến quan hệ Mỹ-Việt trong bốn năm tới. Chính quyền Trump 2.0 có đặc điểm gì khác với Trump 1.0, và tác động thế nào đến Việt Nam?

Chính quyền Trump 2.0 

Chính quyền Trump 2.0 chắc sẽ theo đuổi chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (FOIP) mà Trump đã công bố tại Đà Nẵng (11/2017). Trump đã mời TBT Nguyễn Phú Trọng đến thăm Mỹ trong dịp gặp cấp cao Trump-Kim tại Hà Nội (2/2019). Chính quyền Biden tiếp tục chiến lược FOIP, và hai nước đã nâng cấp quan hệ lên CSP (9/2023). Mỹ coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực để kiềm chế Trung Quốc. Nói cách khác, chiến lược FOIP và quan hệ CSP với Việt Nam là nhất quán và đồng thuận của cả hai đảng.

Theo Derek Grossman (RAND), Trump 2.0 có thể đem lại cả thuận lợi và rủi ro cho khu vực Đông Nam Á. Một mặt, Trump sẽ tiếp tục chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được ông công bố tám năm trước nhằm đối phó với Trung Quốc. Một số nước khu vực như Việt Nam và Philippines hoan nghênh chủ trương đó. Nhưng mặt khác, họ cũng hoan nghênh chủ trương của Trump không chú ý đến các giá trị dân chủ và nhân quyền, mà coi trọng các giao dịch có lợi để Mỹ có thể cạnh tranh hiệu quả với Trung Quốc ở khu vực.

Quan điểm cứng rắn của Trump đối với Trung Quốc có lợi cho Philippines và Việt Nam. Trái ngược với Rodrigo Duterte, Philippines dưới thời Ferdinand Marcos jr đã củng cố liên minh với Mỹ để đối phó với Trung Quốc đang tăng cường chiến thuật vùng xám tại Biển Đông. Gần đây, tranh chấp gia tăng tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Bãi cạn Scarborough, Bãi Sa Bin (Sabina shoal) và Đảo Thị Tứ (Trump 20 Could Give China a Headache in Southeast Asia, Derek Grossman, Foreign Policy, November 20, 2024).

Khác với Philippines, Việt Nam vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, trong khi được lợi từ sự hỗ trợ quân sự của Mỹ sau khi nâng cấp quan hệ hai nước lên CSP. Tuy Trump cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, nhưng Chính quyền Mỹ chưa bao giờ chính thức phân loại Việt Nam như vậy. Gần đây, trong điện đàm giữa TBT Tô Lâm và ông Donald Trump, hai bên đã thảo luận triển vọng hợp tác kinh tế. Nói cách khác, Trump 2.0 có thể bỏ qua vấn đề thâm hụt thương mại, để hợp tác với Việt Nam nhằm đối phó với Trung Quốc.

Grossman cho rằng Trump 2.0 sẽ tăng cường quan hệ với các nước khu vực nhằm thách thức Trung Quốc ngay tại sân sau của họ. Các khuôn khổ an ninh tập thể như QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) và AUKUS (Mỹ, Anh, Australia) nằm trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Vì vậy, Trump sẽ giữ nguyên các khuôn khổ đó, thậm chí còn có thể tạo ra các cơ chế mới. Trong bốn năm tới, Trump 2.0 chắc sẽ thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi các nước ASEAN vẫn lo ngại cạnh tranh nước lớn gia tăng trong khu vực, và muốn né tránh cuộc cạnh tranh đó.

Theo Giáo sư Joe Nye (Harvard) Donald Trump đã đề cử hai nhân vật diều hâu chống Trung Quốc là TNS Marco Rubio làm Ngoại trưởng và HNS Michael Waltz làm Cố vấn an ninh quốc gia. Theo Scott Bessent (được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Tài chính), “Trump định leo thang để xuống thang”. Ông sẽ hạ thấp vai trò của chủ nghĩa đa phương và đồng minh (Anticipating Trumps foreign policy, Joe Nye, ASPI, 6 December 2024).

Trong khi tranh cử, Trump tuyên bố sẽ “chấm dứt chiến tranh Ukraine trong một ngày”. Tuy điều đó là không khả thi, nhưng chưa biết Trump định đàm phán ngừng bắn như thế nào. Có khả năng Trump sẽ giảm viện trợ cho Ukraine làm suy yếu thế đàm phán của họ để ép phải chấp nhận điều kiện của Nga. Hoặc Trump có thể tạm thời ủng hộ Ukraine trong khi tìm một giải pháp kiểu Triều Tiên. Theo kịch bản đó, chiến tuyến hiện nay sẽ trở thành khu phi quân sự, do lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ hay EU kiểm soát.

Trump 2.0 khác trước là do thắng lớn tại cuộc bầu cử (5/11). Trump giành được 312 phiếu đại cử tri (Harris được 226 phiếu), và giành được 72,9 triệu phiếu phổ thông (Harris được 68,2 triệu phiếu). Không những thế, Đảng Cộng hòa kiểm soát được cả Thượng Viện (52 ghế) và Hạ Viện (218/435 ghế). Nói cách khác, sứ mệnh (mandate) của Trump 2.0 lớn hơn Trump 1.0. Tuy chưa chính thức nhậm chức, nhưng Trump đã hành xử như một tổng thống, bắt tay vào tổ chức chính quyền mới và biến Mar-A-Lago thành Nhà Trắng riêng.

Kế hoạch chuyển giao quyền lực (transition) kéo dài 75 ngày. Các đại cử tri sẽ chính thức bầu Donald Trump làm Tổng thống thứ 47 của Mỹ (17/12). Quốc hội sẽ chính thức công bố kết quả bỏ phiếu của đại cử tri (6/1/2025). Donald Trump sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức tại Capitol Hill (20/1/2025). Nhưng Trump không ngồi chờ. Ông đã đề cử những người trung thành ủng hộ mình vào nội các mới và các vị trí chủ chốt, tuy một số gây tranh cãi và bất ngờ. Nếu “nhân sự là chính sách”, thì danh sách dưới đây mang nhiều hàm ý.

- Bà Susie Wiles được cử làm Chánh Văn phòng Nhà Trắng;

- Ông Stephen Miller được cử làm Phó Văn phòng Nhà Trắng;

- HNS Mike Waltz được cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia;

- Ông Alex Wong được cử làm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia;

- TNS Marco Rubio được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao;

- Tỷ phú Scott Bessent được cử làm Bộ trưởng Tài chính;

- Ông Pete Hegseth được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng;

- Ông Stephen Feinberg được cử làm Thứ trưởng Quốc phòng;

- Ông Howard Lutnick được cử làm Bộ trưởng Thương mại;

- Ông Jamieson Greer được cử làm Đại diện Thương Mại;

- Tỷ phú Elon Musk được cử làm Bộ trưởng Hiệu quả Chính phủ

(cùng với tỷ phú Vivek Ramaswamy phụ trách DOGE);

- Ông Robert Kennedy Jr được cử làm Bộ trưởng Y tế;

- Bà Pamela Bondi được cử làm Bộ trưởng Tư pháp;

- Tỷ phú Linda McMahon được cử làm Bộ trưởng Giáo dục;

- Bà Brooke Rollins được cử làm Bộ trưởng Nông nghiệp;

- Bà Chavez-DeRemer được cử làm Bộ trưởng Lao động;

- Bà Kristi Noem được cử làm Bộ trưởng An ninh Nội địa;

- Ông John Ratcliffe được cử làm Giám đốc CIA;

- Tỷ phú Jared Isaacman được cử làm Giám đốc NASA;

- Ông Kevin Hassett được cử làm Giám đốc NEC;

- TNS Kelly Loeffler được cử làm Giám đốc SBA;

- Ông Lee Zeldin được cử làm Giám đốc EPA;

- Ông Tom Homan được cử phụ trách biên giới;

- Ông David Sacks được cử phụ trách tiền ảo;

- Bà Elise Stefanik được cử làm Đại sứ Mỹ tại LHQ;

- Ông Matthew Whitaker được cử làm Đại sứ Mỹ tại NATO;

- Tỷ phú Warren Stephens được cử làm Đại sứ Mỹ tại Anh;

- Ông Charles Kushner được cử làm Đại sứ Mỹ tại Pháp;

- TNS David Perdue được cử làm Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc;

- Tỷ phú Massad Boulos được cử làm Cố vấn cấp cao về Trung Đông;

Quan hệ Mỹ - Trung 2.0

Khi Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đến thăm Trung Quốc (11/2024), hai nước đã ký Tuyên bố Chung, “thỏa thuận cùng khai thác các khu vực chồng lấn”. Đây là một thay đổi lớn trong lập trường của Indonesia về Biển Đông, có lợi cho Trung Quốc, đặt Indonesia vào vị trí khó xử, làm cho các nước khác phải suy nghĩ. Vai trò của Việt Nam trong khu vực nay càng quan trọng hơn. Bắc Kinh đã lôi kéo được Jakarta đúng lúc họ đang gặp khó khăn kinh tế. Chắc các cố vấn của Prabowo đã không tham vấn Bộ Ngoại giao.

Trong khi các nước khu vực lo ngại rằng Mỹ có thể triệt thoái khỏi Đông Nam Á, Trung Quốc hứa sẽ đầu tư thêm $10 tỷ vào Indonesia. Khi tranh cử, ông Prabowo hứa sẽ làm cho Indonesia phát triển 8%/năm. Đó là một sức ép lớn. Theo một khảo sát về “hiện trạng Đông Nam Á”, 59,5% người Indonesia coi Trung Quốc là cường quốc kinh tế tiềm năng nhất, trong khi chỉ có 14,3% coi Mỹ là cường quốc kinh tế tiềm năng nhất. “Mỹ đang đứng trước một lỗ hổng trong chiến lược Ấn Độ dương-Thái Bình dương” (China baits Indonesia to soften South China Sea stance, Jefferson Ng, EastAsiaForum, 16 December 2024).

Theo Rush Doshi (Học giả về Trung Quốc tại CFR), tuy còn nhiều điều không rõ về quan điểm của Chính quyền Trump 2.0, nhưng thách thức chủ yếu thì đã rõ: phải định vị nước Mỹ để đối phó với Trung Quốc khi cánh cửa cơ hội chính trong cuộc cạnh tranh đang khép lại. Việc đề cử các quan chức cấp cao liên quan đến an ninh quốc gia như Mike Waltz (Cố vấn an ninh quốc gia), Marco Rubio (Ngoại trưởng), Elise Stefanik (Đại sứ tại LHQ), chứng tỏ Trump 2.0 có quan điểm phù hợp với sự đồng thuận ngày càng cao giữa hai đảng.

Quan điểm của Chính quyền Biden là “đầu tư, liên kết, cạnh tranh” (invest, align, compete). Điều đó cũng phù hợp với tầm nhìn của Trump 2.0 là “hòa bình bằng sức mạnh”. Mỹ cần củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng để răn đe Trung Quốc, và nếu cần thiết để chiến thắng một cuộc xung đột tiềm tàng. Mỹ phải bảo vệ cơ sở hạ tầng của mình trước tấn công mạng và phải đầu tư để tái công nghiệp hóa (reindustrialization) (The Trump Administration’s China Challenge, Rush Doshi, Foreign Affairs, November 29, 2024).

Cạnh tranh Mỹ-Trung một phần là do quy mô. Về dân số, Trung Quốc lớn gấp bốn lần Mỹ. Trung Quốc là nước công nghiệp hàng đầu và là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 nước khác. Để tránh “cú sốc Trung Quốc thứ hai” và tạo điều kiện thuận lợi để tái công nghiệp hóa, Mỹ cần tập hợp đồng minh và đối tác để sắp xếp lại thị trường phù hợp với thuế quan và luật lệ, để bảo vệ công nghệ của Phương Tây. Chưa rõ Trump định dùng thuế quan như lá bài để ép Trung Quốc thay đổi và tách khỏi Trung Quốc, hay là cả hai.

Để răn đe ngăn chặn Trung Quốc xâm lược tại eo biển Đài Loan hay Biển Đông, Trump 2.0 cần phát huy thắng lợi của Chính quyền Biden đã hợp tác với khu vực để hình thành khuôn khổ QUAD hay AUKUS. Trung Quốc rất lo ngại khi Trump dọa đánh thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc. Nhưng nếu Trump đánh thuế sớm và không chịu đàm phán, và nếu Trung Quốc cho rằng rủi ro đối với nền kinh tế và uy tín của Tập Cận Bình là khó chấp nhận, thì Bắc Kinh không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải đối phó một cách quyết liệt.

Trung Quốc tiếp tục bắt nạt Philippines tại Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) buộc Mỹ phải gia tăng cam kết quốc phòng, đẩy Biển Đông tới gần khủng hoảng. Đối với các quan chức phụ trách an ninh quốc gia của Trump 2.0, việc đối phó với hành động khiêu khích của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong khi phải dàn xếp xung đột tại Trung Đông và Châu Âu, là một thách thức lớn. Chính quyền Trump 2.0 phải chống lại xu hướng các cuộc xung đột đang xô đẩy Mỹ, và phải ưu tiên phục hưng sức mạnh Mỹ.

Cách khôn ngoan nhất là Trump dùng thuế quan như đun nước để luộc ếch (boil the frog), chứ không áp đặt thuế ngay lập tức làm Trung Quốc phản ứng. Ngoài chiến tranh thương mại, Trung Quốc muốn nắm ngọn cờ lãnh đạo thế giới, và coi Mỹ như một nước đang suy yếu. An ninh quốc gia không phải chỉ về ngoại giao. Mỹ nên nhớ rằng chìa khóa để hóa giải trong thập kỷ này không chỉ là những gì Mỹ phải làm ở nước ngoài. Những gì mà Mỹ phải làm trong nước để cải thiện vị thế cạnh tranh của mình có thể còn quan trọng hơn.

Tatsuya Terazawa (IEEJ CEO) cho rằng sức mạnh của Trung Quốc là tầm nhìn chiến lược. Muốn đối phó với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, Phương Tây cũng phải có tầm nhìn như vậy. Tác giả đề xuất năm nguyên tắc. Một là phải tấn công chứ không chỉ phòng thủ. Hai là phải có quan điểm tập thể. Ba là phải có quan điểm toàn diện. Bốn là phải dựa vào thương mại. Năm là phải có chính sách kinh tế đúng đắn (Five Ways To Counter China’s Economic Might, Tatsuya Terazawa, National Interest, December 17, 2024).

Quan hệ Mỹ - Việt 2.0

Trong khi Donald Trump đang tranh cử thì Robert O’Brien (cố vấn an ninh quốc gia của Trump, 2019-2021) đã viết một bài quan trọng, định hướng chính sách đối ngoại Trump 2.0, dựa trên chủ thuyết “Hòa bình bằng sức mạnh”. Nói cách khác, “Nếu muốn hòa bình thì phải chuẩn bị chiến tranh”. Trump đã tuyên bố chủ thuyết đó tại LHQ (9/2020): “Mỹ đang thực thi sứ mệnh của mình là sứ giả hòa bình, nhưng hòa bình bằng sức mạnh” (The Return of Peace Through Strength, Robert O’Brien, Foreign Affairs, June 18, 2024).

O’Brien là một cố vấn thân cận của Trump. Bài viết khuyến nghị chính sách an ninh quốc gia cho Chính quyền Trump 2.0. Nếu Trump thắng, O’Brien có thể giữ một vị trí chủ chốt. Theo ông, “nước Mỹ trên hết không phải là nước Mỹ một mình”. Có thể hiểu chính xác rằng chính sách đối ngoại và thương mại của Trump nhằm khắc phục những thiếu sót của chủ nghĩa quốc tế và chủ nghĩa toàn cầu theo quan điểm “Tân tự do” (neoliberal). Nói cách khác, Trump 2.0 sẽ quay lại chủ nghĩa hiện thực (realism) theo kiểu Jackson.

Muốn hòa bình bằng sức mạnh, Mỹ phải cạnh tranh với Trung Quốc. O’Brien kêu gọi Bộ Quốc phòng triển khai toàn bộ lực lượng thủy quân lục chiến đến Thái Bình Dương, và điều một tàu sân bay từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc. Mỹ cần gửi cho Philippines các chiến hạm đã hết hạn sử dụng được trang bị lại. Mỹ cần giúp quân đội Indonesia, Philippines, Việt Nam, bằng viện trợ, cho vay, chuyển giao vũ khí, như Mỹ đã từng giúp Israel. “Chi tiêu thông minh hơn sẽ thay thế chi tiêu nhiều hơn”.

Trump đã bắt đầu chính sách tách khỏi Trung Quốc (decoupling) bằng cách áp thuế quan cao hơn cho một nửa hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ. Tuy Washington để ngỏ cửa đối thoại với Bắc Kinh, nhưng Mỹ cần ưu tiên ngoại giao với các đồng minh ở Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines, các đối tác thương mại truyền thống như Singapore, và các đối tác mới nổi như Indonesia và Việt Nam. “Xây dựng liên minh rất quan trọng đối với Chính quyền Trump 2.0 cũng như Chính quyền Trump 1.0”.

Sau khi Trump thắng cử, O’Brien đã viết một bài đề cập đến Việt Nam. “Mỹ và Việt Nam có cơ hội hiếm có để định hình bức tranh kinh tế và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Phải nắm bắt lấy cơ hội đó”. Ông lập luận rằng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung sẽ gia tăng nên Mỹ phải ưu tiên xây dựng quan hệ thương mại với các đối tác chiến lược. Theo O’brien, “Việt Nam là một đối tác thương mại có giá trị” (Vietnam Could Be America’s Next Great Trade Partner, Robert O’Brien, National Interest, December 13, 2024).

O’Brien cho rằng từ lâu Trung Quốc đã đánh cắp bản quyền, thao túng tài chính, áp đặt ngoại giao và làm tình báo kinh tế một cách thiếu trách nhiệm. Mỹ có các biện pháp đối phó với Trung Quốc, nhưng muốn thực sự hiệu quả phải phối hợp hành động với các đối tác cùng chí hướng. Khu vực tư nhân bắt đầu điều chỉnh để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc vì chi phí gia tăng, rủi ro ngày càng lớn. Xu hướng này là một cơ hội để Mỹ xây dựng quan hệ thương mại tốt với các đối tác có tiềm năng kinh tế và chia sẻ tầm nhìn chiến lược.

Việt Nam tuy là một nước độc đảng, nhưng vận hành theo kinh tế thị trường. Lãnh đạo Hà Nội hiểu rõ mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã phải chống chọi lại Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của mình trên đất liền và trên biển. Trong chuyến thăm Việt Nam trước đây của O’Brien với cương vị cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump, Việt Nam đã sẵn sàng chào đón các chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ. Đó là một dấu hiệu tốt để tăng cường hợp tác chiến lược trong tương lai.

Gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một địa chỉ hàng đầu trên thế giới để các công ty đa quốc gia tìm cách dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam có lực lượng lao động lành nghề, chi phí sản xuất khá thấp, và cơ sở hạ tầng đang được mở rộng, hấp dẫn các công ty lớn như Apple, Intel, Foxconn, Samsung, Nike, Adidas,... Vị trí địa lý của Việt Nam rất gần các tuyến đường biển quan trọng, và các hiệp định tự do thương mại làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như một trung tâm sản xuất lớn cho thị trường Mỹ.

Trên nhiều phương diện, Việt Nam có lợi thế về hệ sinh thái sản xuất cũng như Trung Quốc nhưng không có rủi ro tiềm ẩn về địa chính trị như Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đã tích cực theo đuổi chính sách nhằm hội nhập Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ký kết các hiệp định tự do thương mại với Mỹ, Cộng đồng Châu Âu, và các nền kinh tế chủ chốt của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Các nỗ lực này đang biến Việt Nam thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhận thấy rủi ro vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, Chính quyền Trump 1.0 đã có biện pháp quyết liệt để tách khỏi Trung Quốc (decoupling) và khuyến khích đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam đã nhanh chóng nổi lên như một sự lựa chọn khác, với nhiều công ty tăng cường đầu tư vào các nhà máy và trung tâm vận chuyển mới. Sự điều chỉnh do các doanh nghiệp dẫn đầu đã đặt nền móng để đẩy mạnh đối tác kinh tế Việt-Mỹ. Việc dịch chuyển sản xuất sang các nước tin cậy (friend-shoring) là một nhu cầu chiến lược.

Việt Nam hội nhập vào chuỗi cung ứng của Mỹ sẽ làm giảm thiểu rủi ro trong khi làm gia tăng ổn định kinh tế. Tăng cường quan hệ thương mại với Việt Nam còn gửi một thông điệp rõ ràng tới Bắc Kinh rằng chủ trương áp đặt kinh tế của họ chỉ thúc đẩy các chính phủ và doanh nghiệp toàn cầu xích lại gần nhau hơn để chống lại họ. Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc không thể dùng đầu mối các công ty Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ. Điều đó đòi hỏi sự hợp tác chặt hơn giữa Hải quan Mỹ và Việt Nam.

Lời cuối

Mỹ và Việt Nam có cùng lợi ích chiến lược vào một thời điểm quan trọng. Mỹ cam kết hợp tác kinh tế sâu hơn với Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng phải chống lại sức ép của Trung Quốc. Bắc Kinh gây sức ép mạnh hơn với Hà Nội nhằm giảm hợp tác với Mỹ, vì đối tác với Mỹ đe dọa vị thế bá chủ của họ ở khu vực. Nhưng lợi ích lâu dài của Việt Nam là một hệ thống kinh tế cởi mở, dựa trên luật lệ, và đa dạng hóa. Hợp tác với Mỹ, Việt Nam sẽ mạnh hơn về kinh tế, mở rộng thị trường, đảm bảo chuỗi cung ứng thiết yếu cho tương lai.

Đối tác thương mại Mỹ-Việt toàn diện sẽ đem lại lợi ích kinh tế và chiến lược cho cả hai bên. Đối với Mỹ, tăng cường quan hệ với Việt Nam sẽ giảm thiểu rủi ro về chuỗi cung ứng, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tăng cường khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Đối với Việt Nam, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu do Mỹ dẫn đầu sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Vì vậy, bây giờ là lúc Việt Nam phải lựa chọn có muốn làm một đối tác như vậy hay không.

Kinh tế toàn cầu ngày càng nhạy cảm với sức ép địa chính trị. Đổ vỡ ở một khu vực có thể tác động tới toàn cầu. Mở rộng mạng lưới đối tác thương mại tin cậy do Mỹ dẫn đầu là thiết yếu để bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo thịnh vượng lâu dài. Trong thế kỷ 21, thắng thua của cạnh tranh kinh tế không phụ thuộc vào sự biệt lập hay mở cửa, mà phụ thuộc vào quan hệ đối tác chiến lược dựa trên chia sẻ lợi ích, tin tưởng lẫn nhau, và cam kết vào một thị trường tự do rộng mở. Theo Robert O’Brien, đây là một ván cờ lớn của Mỹ.

Tham khảo

1. The Return of Peace Through Strength, Robert O’Brien, Foreign Affairs, June 18, 2024

2. What Will a Post-Xi China Look Like? Kevin Rudd, Foreign Policy, October 25, 2024

3. How Trump Can Build on Biden’s Successes in Asia, Michael Green, Foreign Affairs, November 19, 2024

4. Trump 2.0 Could Give China a Headache in Southeast Asia, Derek Grossman, Foreign Policy, November 20, 2024

5. The Trump Administration’s China Challenge, Rush Doshi, Foreign Affairs, November 29, 2024

6. Anticipating Trump’s foreign policy, Joe Nye, ASPI, 6 December 2024

7. Vietnam Could Be America’s Next Great Trade Partner, Robert O’Brien, National Interest, December 13, 2024

8. China baits Indonesia to soften South China Sea stance, Jefferson Ng, EastAsiaForum, 16 December 2024

9. Five Ways To Counter China’s Economic Might, Tatsuya Terazawa, National Interest, December 17, 2024

10. American Foreign Policy in a Turbulent Age, Antony Blinken, Foreign Affairs, December 18, 2024

N.Q.D.

20/12/2024

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn