Tác giả Phạm Viết Đào phản biện phát biểu của các ông Nguyễn Thành Liêm, Nguyễn Mạnh Quân, Bùi Cách Tuyến về vấn đề bauxite (*)

1. "BẮT BÀI" 2 ÔNG NGUYỄN THÀNH LIÊM (TKV) VÀ NGUYỄN MẠNH QUÂN (BCT)

clip_image001 clip_image002 clip_image003

Phạm Viết Đào

Nguyễn Mạnh Quân

Nguyễn Thành Liêm


Ông Nguyễn Thành Liêm nhầm hay VietnamNet viết sai: Nhầm alumina nguyên liệu sản xuất nhôm thành uranium-nguyên liệu làm bom nguyên tử trong bài đối thoại trên VietnamNet?

- Giá bán alumina trong năm 2010 là: 235 USD/tấn hay 315 USD/tấn? Hai số liệu đều do ông Nguyễn Thành Liêm cung cấp tại 2 diễn đàn cách nhau 1 ngày?

- Giá thành sản xuất của alumina do ông Nguyễn Thành Liêm tính toán theo kiểu cua trong lỗ là 265 USD/tấn; giá bán theo ông Liêm nói lúc thì 235 USD/tấn khi thì nói là 315 USD/tấn trong năm 2010; còn ông Nguyễn Mạnh Quân lại nói giá alumina trung bình cả năm 2010 là 210 USD/tấn?

Xin hỏi giá bán thấp hơn giá thành như vậy thì lấy đâu ra lãi mà nộp ngân sách đến 940 tỷ/năm như lời ông Quân?

Cho dù bán với giá 315 USD/tấn trừ tiền thuế 20 % nộp nhà nước thì TKV chỉ còn thu về có 252 USD/tấn; chưa đủ chi phí: 265 USD/tấn?

- Hiện nay giá thị trường của alumina năm 2010 theo ông Quân, ông Liêm khi thì 210 USD/tấn, khi thì 235 USD/tấn, khi thì 315 USD/tấn? Giá thành là 265 USD/tấn? Xin hỏi khi giá alumina trên thị trường thế giới sẽ tăng lên 400-500 USD theo như các ông phỏng đoán trong 10 năm tới; vậy liệu giá thành sản xuất trong nước có chịu dừng 265 USD/tấn hay sẽ lên tới 700-800 USD/tấn?
- Xin mở ngoặc thêm, trong Báo cáo 91/BC-CP của Chính phủ  về việc triển khai dự án bauxite gửi các đại biểu Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Huy Hoàng thừa ủy quyền Thủ tướng ký ngày 25/5/2009, BC 91 hiện đang lưu tại địa chỉ: http://www.VietnamNet.vn/chinhtri/2009/05/849417, thì giá thành được tính cho cả đời dự án đối với 1 tấn alumina là 362 USD/tấn. 
Xin hỏi Bộ Công thương và Thủ tướng làm cách nào mà giảm được giá thành từ 362 USD/tấn từ năm 2009 xuống 265 USD/tấn trong năm 2010; trong khi trên thị trường giá cả tất cả đều tăng? Nếu theo giải trình của ông Nguyễn Thành Liêm thì BC 91 ký ngày 25/5/2009 của Bộ trưởng Nguyễn Huy Hoàng là sai sự thật, không đáng tin cậy? Có điểm nào trong BC 91 cần cải chính nữa không và số liệu 265 USD/tấn đã là số liệu cuối cùng chưa về giá thành trên 1 tấn alumina sản phẩm?

Tất cả những đúc kết thành câu hỏi trên để truy bài đều được rút tỉa từ các trả lời sau đây của các ông Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Mạnh Quân với VietnamNetVnexpress trong 2 ngày 27 và 28/10/2010.

Mời bà con chịu khó đọc những ý kiến đã được copy từ 2 cuộc đối thoại trên để kiểm chứng:

1/ Ông Nguyễn Thanh Liêm phát biểu trên VietnamNet ngày 27/10/2010: “Tôi có cung cấp một thông tin như thế này, thứ nhất là về giá thì như ngày hôm qua (tức thứ 3 ngày 26/10/2010) giá của nó (alumina)  là 235 USD, và như tỷ lệ của uranium (không biết do VietnamNet viết nhầm hay ông Nguyễn Thanh Liêm nói sai alumina- nguyên liệu sản xuất nhôm với uranium-nguyên liệu làm bom nguyên tử không?) thì từ 13 đến 16, 20% thì các bạn tính xem giá của nó là bao nhiêu %...
Chúng tôi có một cái nguồn đặc biệt về nghiên cứu thị trường và làm quy hoạch thì chúng tôi đã bỏ 150 triệu để mua đánh giá độc lập này…”.

2/ Những ý kiến trong cuộc đối thoại trên Vnexpress ngày 28/10:

- Ông Nguyễn Thanh Liêm: Dự án Tân Rai với giá bán alumina là 315 USD một tấn , giá thành 265 USD một tấn, thuế suất 20%, trong khi đó các nước khác trên thế giới áp dụng 0%. Phương án đường bộ đã được tập đoàn khảo sát đảm bảo vận tải, dự kiến từ 2011 đến 2015 sản phẩm của Tân Rai sẽ đi về cảng Gò Dầu với cung đường 210 km. Còn địa điểm Nhân Cơ về Gò Dầu sẽ trong khoảng 280 km, nếu đi từ Nhân Cơ qua Biên Hòa về Gò Dầu thì khoảng 260 km.

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Giá alumni bình quân năm nay là 210 USD một tấn. Theo dự báo của tổ chức Metal Bullatin Research mới đây dự đoán giá vào 2015 là 440 USD một tấn và năm 2020 là 650 USD. Đầu vào so với đầu ra thì rõ ràng đầu ra tăng nhiều hơn. Ngoài ra, chúng tôi chỉ hoàn toàn tính cho 30 năm, nhưng chắc chắn dự án sẽ kéo dài trên 50 năm.

- Ông Nguyễn Mạnh Quân: Lợi ích cụ thể của dự án Nhân Cơ như sau:
- Nộp NS: 940 tỷ đồng/năm (trong đó NSTW là 781 tỷ đồng/năm; địa phương là 159 tỷ đồng/năm)
Tính cho cả đời dự án (30 năm) đóng góp vào ngân sách Nhà nước:
+ Phí môi trường (30.000 đ/tấn): 3.210 tỷ đồng.
+ Chi phí phục hồi hoàn thổ: 345 tỷ đồng.
+ Thuế tài nguyên 7%: 187 tỷ đồng.
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp: 4.081,8 tỷ đồng.
+ Thuế xuất khẩu (20%): 22.004 tỷ đồng.
- Tái tạo đất và tăng hiệu quả sử dụng đất: lợi nhuận bình quân khoảng 10,7 tỷ đồng/ha/năm (cà phê 40,0 triệu đồng/ha.năm, nếu tính 5 năm tương ứng thời gian hoàn nguyên đất thì doanh thu cà phê là 400,0 triệu đồng/ha).
- Giải quyết công ăn, việc làm: 1.350 lao động của dự án và trên 12.000 lao động cho các ngành dịch vụ khác.

2. ĐỐI CHẤT VỚI THỨ TRƯỞNG BỘ TN&MT BÙI CÁCH TUYẾN VÀ ÔNG NGUYỄN THANH LIÊM

1/ Về những giải pháp đảm bảo an toàn cho môi trường do ông Bùi Cách Tuyến nêu ra:

Thứ nhất, đã họp với chính quyền địa phương của Lâm Đồng và Đăk Nông và đã tư vấn cho hai sở TN&MT của hai địa phương này thành lập hai dự án với đầy đủ các chi tiết cho việc thành lập hai trung tâm quan trắc và các chỉ tiêu quan trắc đối với môi trường của hai tỉnh nói chung và đối với khu vực sản xuất bô-xít nói riêng. Và kinh phí là do Tập đoàn TKV cung ứng và Tập đoàn TKV cũng đã có những văn bản để gửi UBND các địa phương này về việc cung cấp kinh phí cho việc thực hiện hai hệ thống quan trắc này.
Thứ hai, Bộ TN&MT đã thành lập một tổ giám sát và cử một Phó Tổng cục trưởng làm tổ trưởng, trong đó có rất nhiều thành viên là những chuyên viên của Sở TN&MT địa phương và có người của bên TKV cùng tham dự.
Và tổ giám sát này cho tới bây giờ đã tổ chức giám sát ba lần và đã báo cáo kết quả giám sát nằm đầy đủ trong kết quả hồ sơ mà chúng tôi đã lưu trữ. Và trong ba lần giám sát như vậy đều có biên bản đối với nơi giám sát, và sau đó là có văn bản đối với chủ đầu tư, những khuyến nghị mà tổ giám sát đã quan sát thấy ở trong thời kỳ giám sát.
Như vậy là đối với việc phối hợp với chính quyền địa phương thì có hai nội dung như vậy mà Bộ TN&MT đã hoàn thành đối với trách nhiệm mà Thủ tướng Chính phủ giao…”.

Với 2 giải pháp này: Thành lập Trung tâm quan trắc và Tổ Giám sát, Bộ TN&MM mới hoàn thành trách nhiệm mà Thủ tướng giao, mà Thủ tướng là một chính khách, một nhà quản lý chứ không phải là một khoa học về môi trường; về cơ chế hiện nay, Chính phủ phải dựa vào Bộ TN&MT, ý kiến của Thủ tướng không thể chuyên môn sâu hơn ý kiến của Bộ được. Nhưng những giải pháp mà Bộ TN&MT do ông Thứ trưởng nêu ra nó hoàn toàn mang tính chất duy ý chí, áp đặt hành chính mà không dựa vào thực tế khách quan của đời sống xã hội công nghiệp. Xã hội công nghiệp Việt Nam  là một cái xã hội chịu sự điều hành, vận hành của một guồng máy zig-zag gấp vạn lần một cái đầu tàu hỏa hay ôtô…

Vấn đề mà dư luận lo lắng không phải là mệnh lệnh hành chính của Thủ tướng có được thực thi hay không; đành rằng Thủ tướng thì cũng vì nước vì dân. Vấn đề là ở cái môi trường có bị phá vỡ không khi xây dựng nhà máy khai thác bauxite ở Tây Nguyên?

Về khoa học kỹ thuật, con người đã chế tạo ra được các bộ phận phanh hãm để lúc cần có thể dừng cả một đoàn tàu, một cái ôtô đang chạy với tốc độ cao. Việc Bộ TN&MM thành lập các trung tâm quan trắc cùng với tổ giám sát với chức năng giống như các nhà kỹ thuật chế tạo ra các cái phanh, hãm. Có điều khi gặp sự cố thì lái xe, lái tàu chỉ cần một thao tác nhẹ nhàng là có thể buộc cả đoàn tàu, chiếc xe dừng.

Đối với một nhà máy sản xuất alumina thì cái tổ quan trắc này cho dù có phát hiện ra sự nguy hiểm, liệu có đủ sức phanh hãm cả cái nhà máy đang vận hành không hay lại phải tìm cách hợp thức, bịa ra các báo cáo láo?

Thực tế đã xảy ra điều này trên phạm vi toàn cầu nên mới dẫn đến hậu quả: môi trường đang bị xuống cấp nghiêm trọng do các bộ phận phanh hãm sự tán phá môi trường không có hiệu quả; điều này đã xảy ra ngay ở tại các quốc gia kinh tế đang tăng trưởng và luật pháp nghiêm như Mỹ, các nước Tây Âu và Trung Quốc.

Về giải pháp thứ 3:

“Việc thứ ba là một đề xuất. Thì đề xuất là gì? Đề xuất mà Chính phủ giao là tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường đối với các dự án bô-xít.
Về việc này, trước khi diễn ra cuộc thẩm định, Bộ TN&MT đã cử tất cả là 3 đoàn đi tham quan. Đoàn thứ nhất đi Brazil, vùng South Louis, những vùng mỏ của Bắc Brazil trong vùng Amazon. Ở đó, bô-xít cũng tương tự như ở Việt Nam về tính chất. Bản thân tôi cũng có mặt trong đoàn đó, người thứ hai là Cục trưởng cục Địa chất - Khoáng sản, người thứ ba là Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ của Bộ, người thứ tư là một chuyên viên của cục Địa chất - Khoáng sản, người thứ năm là một người lo về thông tin truyền thông của Bộ. Cùng đi với đoàn là có người của Văn phòng Chính phủ, của Trung ương Đảng, của TKV và một số người khác. Chúng tôi đã khảo sát ở đó.
Đoàn thứ hai đi tây Úc do Cục trưởng Cục Địa chất - Khoáng sản tiến hành nhằm nghiên cứu về chế biến và khai thác bô xít tại đây và một số đoàn khác sang Trung Quốc để tìm hiểu thực tế ở đó.
Chúng tôi làm theo cách thức như là bác sĩ hội chẩn đó, tức là mình khảo sát nhiều nơi, thông tin tập trung có ý kiến, góp ý, đánh giá về lĩnh vực này. Trước khi diễn ra việc thẩm định DTN của Nhân Cơ cũng như bổ sung cho Tân Rai, chúng tôi đã có những chuyến đi khảo sát. Và như vậy, riêng vùng South Louis trong vùng Amazon, Bắc Brazil thì số lượng phim quay và ảnh chụp lên tới mấy chục gigabyte.”

Cái kết quả cụ thể đáng tin cậy mà ông Thứ trưởng nêu ra được trong đoạn này đó là số lượng phim quay và chụp lên tới mấy chục gigabyte, còn những kết quả khảo sát khác mang tính khoa học, kỹ thuật thì còn rất mơ hồ, chung chung, nếu không muốn nói là đáng ngờ?

Thứ nhất không thể lấy tính chất của đoàn đã được cơ cấu theo chính sách “mặt trận”, vừa có: Bộ, Ban, ngành, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng để đứng ra làm vật thế chấp, bảo lãnh cho một dự án khai thác bauxite đầy rủi ro và hiểm họa. 
Ông Thứ trưởng Bộ TN&MT đã dùng những câu chữ lập lờ như: “Ở đó, bô-xít cũng tương tự như ở Việt Nam về tính chất…” là như thế nào? Lời bảo đảm này hoàn toàn vô nghĩa về mặt khoa học- kỹ thuật và vô căn cứ: cùng tính chất là tính chất gì? Điều này khác gì đám lái trâu ở chợ Si ở quê tôi: Bác mua trâu của em đi, cày hay lắm, không tin bác cứ mua về thử...

Trong khi đó mỏ bauxite ở Tây Nguyên nằm trong khu vực có bình độ cao và dốc, đầu nguồn nước của cả một vựa lúa của cả nước và những khu vực dân cư đông đúc?

Địa tầng và chất đất ở Brazil và những nơi mà đoàn tham quan có giống như Tây Nguyên không? Đào sâu 1-2 m là thấy quặng, tầng quặng lại sâu 4-5 m vậy thị lấy đất đâu mà hoàn thổ; không hoàn thổ được thì TKV đã tự đào những cái hố tử thần ở trên ngôi nhà mình. Ý kiến này của ông Nguyễn Thanh Sơn là có lý. Hay lấy bauxite đi rồi đem tiền đi mua cát đất ở sa mạc Gobi Trung Quốc về để lấp vào?

Hiện nay Australia người ta khai thác bauxite trên sa mạc, họ có khai thác tại những nơi cao như Tây Nguyên không? Đề nghị ông Thứ trưởng cho biết? Còn Trung Quốc thì đang chạy làng nhiều dự án kiểu này. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng nhưng sự tàn phá môi trường thiên nhiên thì Trung Quốc đứng vào hàng đầu thế giới cùng với Mỹ? Vậy thì học, rút kinh nghiệm gì ở Trung Quốc?

Còn ông Thứ trưởng lại giơ lập trường bằng cấp của các vị ngồi trong hội đồng thẩm định ra để “cá độ” thì quả là chuyện tày đình: “Bộ TN&MT cũng ý thức được việc đó nên chúng tôi cũng cố gắng hết sức để tìm hiểu, học hỏi để tìm ra những gì hữu ích cho việc này. Đó là những đề xuất. Sau khi nghiên cứu xong, khi về chúng tôi thành lập ra một tổ kỹ thuật để tìm hiểu và đọc trước các đánh giá về tác động môi trường của TKV. Và tổ kỹ thuật này cũng như là hội đồng thẩm định về sau, trên 80% là những nhà khoa học, những nhà quản lý chừng mười mấy %. Chúng tôi có mang theo danh sách các hội đồng kèm theo đây.
Trên 80% là các nhà khoa học đầu ngành có liên quan về vấn đề khai khoáng về hóa học, về môi trường, về địa chất. Danh sách đều có ở đây và ngay cả trong tổ kỹ thuật về môi trường cũng thế và hội đồng thẩm định cũng vậy…”.

Còn ý kiến sau đây của ông Thứ trưởng Bộ TN&MT thì không biết có giống như một thứ chạy làng trách nhiệm không: “Chính phủ giao là chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chế biến, khai thác khoáng sản bô xít thì cái này chưa thể làm được bởi vì trên thực tế là chưa có ở đâu có khai thác và chế biến nên nhiệm vụ chủ trì này là chúng tôi đưa nó vào thì "tương lai" - như là anh Liêm mới nói là cho tới bây giờ chưa có khai thác và chế biến ở đâu cả và tới năm 2011 mới bắt đầu, nên chúng tôi phải chờ đợi…”.

Dự báo, phân tích, bàn bạc thấu đáo đề phòng rủi ro và để ngăn không cho nó xảy ra mới là việc làm của khoa học và quản lý nhà nước; còn không dám chắc việc ngăn ngừa có hiệu quả hay cứ chờ để cho nó xảy ra giống như con sông Thị Vải, như vỡ đập như ở Hungari rồi thì cả cái mớ trung tâm quan trắc, giám sát, hội đồng khoa học, cái “mặt trận” hò nhau moi tiền nhà nước để đi nước ngoài có được cái tích sự gì?!

Câu trả lời sau đây: “Tóm lại, là về một cơ quan chính phủ cấp dưới, chúng tôi phải có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ và giao nhiệm vụ gì thì chúng tôi đã cố gắng hoàn tất những nhiệm vụ có thể làm được…”.

Ông Thứ trưởng Bộ TN&MT lại dùng cái tư chất công chức, đảng viên đế bảo đảm, bảo lãnh cho một nhiệm vụ khoa học? Nếu ông là nhà quản lý khoa học thì ông phải căn cứ vào các dữ liệu khoa học mà mình đưa ra có hội tụ đủ điều kiện để ông khẳng định hay phủ định một nhiệm vụ, một kết quả nghiên cứu khoa học. Không thể vì Bộ Chính trị và Chính phủ đã quyết rồi thì ông phải “ cố gắng” hoàn tất lấy được?!

Ông Thứ trưởng cung cấp thông tin: “Như dự án bô-xít ở Brazil thì hồ bùn đỏ của họ được thiết kế và chính khoảng 10 người của nhóm khảo sát đã chứng kiến những cây đã mọc được hơn 20 tuổi trên hồ bùn đỏ thứ nhất.
Còn hồ thứ 2 là trên đó đã thiết lập một công viên và cây cũng được mười mấy tuổi rồi. Nếu VietnamNet cần tôi sẽ cung cấp toàn bộ hình ảnh và video về việc đó để bất kỳ độc giả nào cần xem thì xem.
Còn hồ bùn đỏ thứ 3 đang sử dụng, chúng tôi chưa được biết đặc tính hồ ở Bungary, nhưng ở Brazil thì họ đào sâu xuống đất từ 15-20 m và bùn đỏ bên trong chịu lực do chính bản thân nền đất và khi họ đổ đến ngang mặt đất rồi thì họ đổ thêm theo hình kim tự tháp, tức là họ bắt đầu dùng các bao chứa vật liệu để nâng cao 2 đến 3 tấc, lớp đất khô đi thì họ bắt đầu co hẹp lại, đổ thêm một lớp nữa.
Sau cùng là họ đổ thêm một lớp đất nước chừng 6-7 m và trồng cây.
Một việc nữa tôi cũng muốn đề cập ở đây là vấn đề hoàn thổ.
Phái đoàn chúng tôi đã đứng sát ngay tại chỗ khu vực mà họ đang khai thác. Bên Brazil thì những điều mà chúng tôi khảo sát thấy là lớp bô-xít không cạn như ở Việt Nam, ở chúng ta chỉ cần 2-3 m là có thể bóc được lớp bô-xít bên dưới rồi. Nhưng Brazil thì phải bào lớp đất phía trên sâu hơn, nó mới lấy lớp bô-xít.
Cách họ làm là họ bào lớp đất ấy sang một bên, họ khai thác hết lớp bô-xít đi, sau đó họ đẩy lớp đất mặt ấy về, sau đó họ mới khai thác đất bên cạnh. Sau đó họ trồng cây lên.
Trước đây tôi là Hiệu trưởng của một trường đại học nông nghiệp, tôi đã đến nhiều Đại học Nông nghiệp rồi nhưng tôi chưa thấy ở đâu có một vườn ươm cây lớn như thế trong Đại học Nông nghiệp Việt Nam.Tại đó người ta làm một vườn cây cực lớn. Họ đã làm một nhà lưu trữ các loại thực vật…”.

Thứ nhất, ông Thứ trưởng với tư cách là một nhà quản lý một dự án khoa học kỹ thuật nhưng ông lại kém đầu óc so sánh. Brazil người ta tạo ra được vườn cây trên hồ chứa bùn đỏ là do người ta có một lớp đất bên trên 6-7 m như ông nói rồi mới tưới nước và trồng cây lên. Còn ở Việt Nam thì bóc lớp đất chỉ dày 2-3 m là đến quặng, vậy có đủ đất lấp lại không. Thứ 2, lượng mưa ở Brazil có giống với ở Tây Nguyên không? Muốn trồng cây phải có đất và nước. Trong khi đó bà con Tây Nguyên hiện nay muốn trồng café, mỗi hecta phải đào 1 cái giếng để tưới trong mùa khô thì cây mới mọc được. Ông không có một tư chất quản lý khoa học và cả thực tiễn nhưng ông lại làm nhiệm vụ tư vấn, quyết đáp cho vấn đề như bauxite thì phải coi ông là một kẻ “điếc không sợ súng”.

Còn ông Nguyễn Thanh Liêm thì cũng liều hơn cả ông Thứ trưởng Bộ TN&MT khi ông quả quyết: “Thứ 3 nữa là về việc đối phó với động đất, theo như các báo cáo của Viện Vật lý địa cầu cung cấp thì phông động đất ở vùng này chỉ ở cấp 5 thôi, chúng tôi thiết kế chống được động đất cấp 7 và hiện nay yêu cầu tư vấn kiếm tra lại xem việc chống động đất này thế nào.
Hơn nữa, hồ bùn đỏ lại được đặt trong thung lũng và mặt thải bùn đỏ thấp hơn so với địa hình xung quanh từ 2-3 m nên việc tràn là khó xảy ra
”.

clip_image004

Khu vực xây dựng hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai-Lâm Đồng. Ảnh Phạm Viết Đào

Đúng là hồ chứa bùn đỏ ở Tân Rai Lâm Đồng mà chủ blog này đã chụp ảnh thì quả trũng thấp hơn những ngọn đồi xung quanh 2-3 m, song nó lại cao hơn con sông cách gần đó 4-5 m và cao hơn đồng bằng Nam bộ, mặt biển hàng trăm mét!

Còn ông nói xây dựng hồ chứa bùn đỏ chống được động đất cấp 7 thì chịu ông! Tôi đã chứng kiến người Nhật xây một trường đại học ở Lai Châu để chống động đất, thép người Nhật bắt cạo sạch rỉ, đêm chưa đổ trần phải che sương, sáng mai phải lau sạch; còn cát thì lấy khăn trắng để nắm cát, nếu khăn bẩn, dính đất người ta không cho vào công trình. Thép đưa vào công trình đều thiết kế cao hơn các công trình của Việt Nam và nếu thanh nào thiếu người ta loại ra ngay. Hồ bùn đỏ làm sao làm được như thế mà chống được động đất cấp 7 độ richter?

Được biết, hồ chứa bùn đỏ đào sâu và rải lớp vải chống thấm, một cái hồ rộng cả chục ha thì dứt khoát vải phải chắp vá; khi có động đất, do chịu tải nặng đất tất yếu sẽ xé ra, chưa cần cấp 7 mà cấp 3, cấp 4 nhiều nhà đã bị rạn…Thế thì làm sao đáy hồ không bị xô, xé nếu xảy ra động đất? Còn làm sao mà đổ bê tông cốt thép cho đáy hồ này được?

Ông Nguyễn Thanh Liêm không chỉ liều lĩnh về kỹ thuật mà còn tiền hậu bất nhất, nói lấy được khi đưa ra các luận chứng chứng minh tính hiệu quả về kinh tế của dự án. Người viết bài này sẽ chờ ý kiến của ông giải trình tại diễn đàn Vnexpress để cùng ông đối chất về các vấn đề liên quan tới chuyên môn hẹp của ông…

P.V.Đ.

Nguồn:

http://phamvietdaonv.blogspot.com/2010/10/xin-co-loi-thua-voi-2-ong-nguyen-thanh.html

http://phamvietdaonv.blogspot.com/2010/10/oi-chat-voi-thu-truong-bo-tnmt-bui-cach.html

(*) Đề bài do BVN đặt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn