TẠI SAO KHÔNG MỜI CÁC NHÀ KHOA HỌC ĐỐI THOẠI VỀ BAUXITE TRUYỀN HÌNH TRỰC TIẾP CHO TOÀN DÂN THEO DÕI?

(Phỏng vấn luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, hiện là Ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ủy viên Hội đồng tư vấn về dân chủ & pháp luật của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó ban thường trực Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị bắt tù đày Việt Nam)

Thuận Thiên thực hiện

clip_image002

- Trong buổi giải trình trước Quốc hội ngày 24/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố về dự án Bauxite như sau: Trước mắt, khẩn trương triển khai thí điểm hai dự án Tân Rai, Nhân Cơ. Nhưng cũng khẳng định: Nếu dự án bảo đảm chặt chẽ môi trường mới triển khai. Là một trong những cựu quan chức cao cấp ký tên vào bản Kiến nghị dừng khai thác Bauxite (bản thứ hai), ông có yên tâm với tuyên bố ấy của Thủ tướng?

Ông Trần Quốc Thuận (TQT): Ngay khi có kiến nghị của Bác Võ Nguyên Giáp và nhiều nhân sĩ trí thức yêu cầu dừng dự án Bauxite, tôi rất đồng tình. Tốt nhất là không triển khai việc khai thác vì có bao nhiêu tác hại rất lớn về môi trường, an ninh, xã hội, nguy cơ đến lợi ích của nhiều thế hệ. Thủ tướng nói phải có giải pháp bảo đảm không xảy ra nguy cơ thì mới tiến hành. Lời tuyên bố chưa làm tôi có niềm tin. Vì nhiều nhà khoa học đã nêu rõ những điều kiện đảm bảo an toàn hết sức khó khăn, thí dụ như xử lý hồ chứa bùn đỏ phải trải mấy tầng đất, cát, rổi xây bờ bao xung quanh đến 120 ha, tính ra hàng triệu mét khối, liệu có làm được không? Kinh phí ra sao? Rồi như thế thì hiệu quả kinh tế thế nào đây? Không ai trả lời được một cách thuyết phục. Rồi thời gian dài bùn đỏ sẽ thấm xuống sâu, thấm ngang, không thấy đặt thành vấn đề. Chưa nói chuyện vận chuyển từ Tây Nguyên xuống bờ biển Bình Thuận, Ninh Thuận…

Những kiểu đảm bảo của các vị có trách nhiệm nghe được trên Quốc hội chỉ là nói để mà nói chứ không khả thi, các vị ấy có ở cương vị của họ suốt đời để xử lý khi bể bạc hay không, thực tế thì nhiều vị cũng sắp nghỉ vi quá tuổi theo qui định? Đến lúc ấy ai chịu? Kỷ luật, bỏ tù ai? Thậm chí có tử hình ai đó thì hàng triệu con người, môi trường, nguồn nước... dưới hạ lưu cũng đã bị tử hình vì bùn đỏ.

- Nhưng Thủ tướng cũng như nhiều quan chức chính phủ vẫn khẳng định: Khai thác bôxit là chủ trương nhất quán từ ĐH IX và X của Đảng. Trong hai nhiệm kỳ vừa qua đã nhiều lần báo cáo vấn đề này. Như thế nghĩa là việc không thể nào khác, có đại biểu Quốc hội dùng hình ảnh “ván đã đóng thuyền”?

TQT: Không phải cứ chủ trương của Đảng là nhất thiết phải làm. Trong lịch sử đã có những chủ trương sau đó phải thay đổi. Nếu không thế thì làm gì có Đổi mới? Như nghị quyết IV chủ trương cải tạo kinh tế tư nhân, dẫn đến bờ vực thì phải Đổi mới ở Đại hội VI. Chẳng lẽ bao giờ Trung ương thấy bùn đỏ tràn ra mới thôi? Trong khi bùn đỏ ở Hungary, mưa bão các ngày qua ở Miền Trung đã chẳng là lời cảnh báo đó sao?

Tôi không mấy thích thú theo dõi các vị trong Chính phủ trả lời Quốc hội, vì thấy nhiều kiểu trả lời “cuội”, hô khẩu hiệu, cứ bí thì đưa ra cái chiêu “làm theo chủ trương của Đảng, theo pháp luật”… Tôi nghĩ trước nhất Bộ Chính trị có trách nhiệm giao cho các cơ quan chuyên môn tập họp hết ý kiến các nhà khoa học về vụ Bauxite trình đầy đủ Ban Chấp hành Trung ương xem xét. Tôi tin rằng Trung ương không phải toàn người vô tâm, còn nhiều người có tâm, nhưng không phải ai cũng hiểu sâu về chuyên môn. Trước mắt, sao ta không tổ chức đối thoại khoa học, mời cả các chuyên gia, trí thức ở nước ngoài, để lãnh đạo ngồi nghe, và công khai truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi. Hơn là một bên cứ nói, một bên cứ làm và dẫn nghị quyết. Nghị quyết đâu phải là chân lý, nghị quyết do con người làm ra, có thể đúng, cũng có thể sai, mà sai thì có thể sửa, đâu phải đinh đóng cột?

Tôi cảm thấy tiến độ làm Bauxite vội vã như là làm lấy rồi, chạy đua thời gian, để mọi người thấy đã bỏ ra mấy ngàn tỷ đồng thì xót ruột cho làm luôn. Thà chịu mất mấy ngàn tỷ bây giờ, đất nước cũng không nghèo đi, còn hơn rồi ra lại như Vinashin, cứ làm, vỡ nợ rồi phá sản, vẫn tái cơ cấu. Khi vụ Bauxite nổ ra, TPHCM có hội nghị các cán bộ cao cấp về hưu, nhiều người quyết liệt phản đối dự án. Có vị nói thẳng đã lỡ ký kết thì cũng phải bỏ hợp đồng, đền người ta, coi như học phí. Tôi đặc biệt quan tâm: Bauxite là ta cam kết với một nước lúc nào cũng tuyên bố “16 chữ vàng” mà thực tế thì luôn thù địch, nào Biển Đông, nào Hoàng Sa, Trường Sa, nào bắt bớ, phạt vạ, bắn giết ngư dân ta… Vậy sao ta phải khăng khăng làm chứ?

- Vụ Bauxite cũng bộc lộ mâu thuẫn giữa lý thuyết quyền lực cao nhất thuộc về Quốc hội như hiến pháp khẳng định với thực tế là Đảng quyết định hết. Chủ trương khai thác Bauxite Tổng Bí thư ký với nước ngoài trước, rồi Đại hội Đảng đưa vào nghị quyết, trong khi Quốc hội chưa hề bàn bạc. Là một quan chức Quốc hội, ông suy nghĩ gì về cách điều hành đất nước như thế?

TQT: Người ta đã nói rất nhiều về chuyện này. Khi bàn về Hiến pháp 1992, tôi, lúc ấy là Thư ký Hội đồng Nhân dân TPHCM (chức danh hiện nay là Ủy viên Thường trực Hội đồng Nhân dân) tổng hợp đã có nhiều ý kiến: phải luật hoá sự lãnh đạo của Đảng. Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, chủ trương đúng thì dân hoan nghênh, chủ trương sai thì sao? Đồng ý là Đảng lãnh đạo, nhưng lãnh đạo tới đâu, quyền hạn tới đâu? Phải luật hóa. Quốc hội có luật Quốc hội, Chính phủ có luật Chính phủ, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sáy Nhân dân tối cao đều có luật, sao Đảng là cơ quan lãnh đạo lại không bị ràng buộc bởi luật, không bị quản lý bằng luật? Vấn đề phải đặt trên bàn Đại hội Đảng kỳ này.

Quốc hội khóa VIII, thời Chủ tịch Lê Quang Đạo đã đặt vấn đề này. Chủ tịch Nguyễn Văn An đã gợi ý: Quốc hội bàn trước chủ trương, rồi Đảng bàn, cuối cùng Quốc hội kết luận. Đảng quyết vấn đề gì còn Quốc hội được quyết vấn đề gì chứ không phải vấn đề gì Đảng cũng quyết hết. Nhưng trên thực tế vấn đề gì Đảng cũng quyết hết: Đảng bàn rồi, Quốc hội phải nghe theo. Như chuyện bỏ phiếu mở rộng Hà Nội, khi Quốc hội bỏ phiếu thăm dò thì số phản đối nhiều hơn, nhưng sau đó Đảng triệu tập trưởng đoàn đại biểu các tỉnh, nêu ra nghị quyết Đảng, thế là khi bỏ phiếu bấm nút, kết quả ngược lại. Kỳ đó tôi không đồng tình. Có người nói với tôi: Tôi cũng đồng ý với anh, nhưng anh phải thông cảm vì tôi còn đang làm việc (!!!). Như vậy thì Hiến pháp, Luật qui định Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất còn có ý nghĩa gì trên thực tế?

Thế đấy! Bác Hồ nói: Trước hết phải dân chủ thật rộng rãi trong Đảng, Dân chủ là để người dân mở miệng. Cán bộ cao cấp của Đảng còn không được mở miệng, không được thể hiện ý kiến của mình, thì rất nguy hiểm!

Ở đây có sự lạm dụng tập trung dân chủ. Người ta nói phải dân chủ tập trung chứ không phải tập trung dân chủ. Phải coi lại.

Cái sai lớn nhất là ở thiết kế bộ máy nhà nước, tổ chức Đảng. Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói: Đã đến lúc phải đưa ra Đại hội mổ xẻ bộ máy Đảng, bô máy nhà nước. Phải mổ xẻ như Đại hội VI, may ra đất nước mới khá lên được.

Trí tuệ của cả dân tộc phải hơn trí tuệ của một nhóm người, phải lấy ý kiến của nhân dân, phải trưng cầu ý kiến nhân dân những vấn đề quan trọng của đất nước. Ý nguyện của dân tộc đã thể hiện rõ qua phát biểu của Bác Hồ, qua Hiến pháp 1946. Sau Độc lập thì Tự do Dân chủ là khát vọng lớn nhất của dân tộc. Trong khi đó, qua các Đại hội Đảng, chữ Dân chủ được đưa vào nghị quyết một cách rất dè dặt, chậm chạp. Mãi đến Đại hội X mới đưa vào (xã hội công bằng, dân chủ, văn minh), bây giờ người ta đòi hỏi quá thì dân chủ mới được đưa lên trước một chút (dân chủ, công bằng, văn minh), nhưng dân chủ phải có nội hàm, cần có lộ trình rõ ràng cụ thể, thực hiện dân chủ trên mọi lĩnh vực đời sống chính trị của nhân dân,công khai để nhân dân biết, giám sát.

Đảng phải xác định là Đảng của dân tộc, Đảng phải phục vụ dân tộc, không thế đứng trên dân tộc.

- Ông đã phát biểu rất thẳng thắn, rõ ràng về dự án Bauxite và hệ thống chính trị. Ngoài ra ông còn muốn gửi gắm những gì qua mạng Bauxite Việt Nam?

TQT: Theo dõi chất vấn của Quốc hội trong 2 ngày rưỡi qua, tôi có cái mừng: Nhiều Đại biểu Quốc hội như Nguyễn Minh Thuyết, Phạm Thị Loan, Lê Văn Cuông, Lê Quang Bình, Dương Trung Quốc… rất trí tuệ, thẳng thắn, dũng cảm, nói được ý nguyện của dân. Đặc biệt về những vấn đề nóng bỏng như Vinashin, Bauxite. Nhưng buồn là những người đứng đầu Nhà nước không thấy trách nhiệm của mình, trả lời quanh co, hoặc dựa vào “chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Chủ trương của Đảng đâu? Pháp luật đâu? Vinashin là rõ nhất. Đảng chủ trương phải có công nghiệp đóng tàu là đúng, nhưng làm sai tòe loe, tiền đổ vào như nước mà không kiểm soát, mà buông lỏng. Có những quyết định, nghị định của Thủ trong về cơ chế đặc thù này, Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không thể viện dẫn luật Doanh nghiệp để biện minh sự tự tung tự tác của Vinashin. Ở đây là những văn bản đặc thù, không căn cứ theo luật Doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phần lớn là công ty cổ phần, còn Vinashin là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải… không kiểm soát được mà lại nói không chịu trách nhiệm?

Dầu sao kết luận của Thủ tướng cũng hé ra một chút hy vọng: Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng phải kiểm điểm đến nơi đến chốn, không làm qua loa. Tôi chờ Bộ Chính trị, BCH TƯ phản ứng thế nào cho hợp lòng dân, bảo vệ được tiền của, tài sản của nhân dân, của nhà nước. Thế giới người ta xử lý các vụ tương tự thế nào ta đều biết.

Những trả lời về Bauxite cũng không đáp ứng sự mong đợi. Không trả lời được cụ thể vào các băn khoăn của đại biểu, của dân, chỉ cam kết chung chung.

Tôi đánh giá những trả lời của thành viên Chính phủ không xứng với tầm trí tuệ của nhân dân, không thể hiện phẩm giá của một dân tộc có ngàn năm lịch sử, có nền văn hiến riêng biệt.

Nhân đây tôi cũng xin hoan nghênh mạng Bauxite Việt Nam, hoan nghênh các bài đăng tải trên mạng. Chúng ta cần công khai giới thiệu mạng Bauxite cho nhiều người đọc.

Tôi kiến nghị mạng Bauxite tổng hợp các bài viết về vấn đề Bauxite, nhất là những bài của các nhà khoa học kỹ thuật, có các số liệu khoa học chứng minh cách tính toán thiếu khoa học, không khả thi của những người chủ trương dự án; làm thành một tài liệu tổng quan, in ra để giúp các cơ quan có trách nhiệm. Nếu kịp thì gửi ngay cho kỳ họp Ban Chấp hành TƯ tới, trễ thì gửi tới Đại hội XI để các đại biểu và mọi người biết rõ.

Mạng Bauxite đã vào cuộc, đã nhảy ra nói tiếng nói của nhân dân thì xin đi đến nơi đến chốn: tổng hợp cả vấn đề Vinashin gửi các cơ quan trách nhiệm, không “để lâu cứt trâu hóa bùn”, không để chìm xuống.

- Xin cảm ơn ông.

T. T.

Người phỏng vấn trực tiếp gửi cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn