Biển Đông ở Bali

Tranh chấp Biển Đông tiếp tục là trọng tâm thảo luận tại diễn đàn ASEAN

Brian Padden | Jakarta

clip_image001  
Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân (phải) tại hội nghị ASEAN ở Bali, ngày 20/7/2011. Hình: Reuters  

Vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với một số thành viên ASEAN tiếp tục là trọng tâm thảo luận tại hội nghị thường niên về an ninh khu vực của tổ chức này. Các nhà lãnh đạo ASEAN cho biết đã có được tiến bộ trong việc soạn thảo những nguyên tắc hướng dẫn cho việc giải quyết những đòi hỏi chủ quyền chồng chéo nhau ở Biển Đông, nhưng một số nước thành viên cảm thấy bất mãn vì ASEAN không có lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Từ Jakarta, thông tín viên Brian Padden của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Các giới chức ASEAN và Trung Quốc cho biết họ đạt được thỏa thuận về một tập hợp các biện pháp hướng dẫn không có tính chất ràng buộc cho việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà đôi bên đã ký kết năm 2002.

Tiến bộ đạt được ngày hôm nay có thể đưa tới chỗ có được một bộ qui tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý để xử lý những vụ tranh chấp trong khu vực. Một giới chức Trung Quốc tại hội nghị ASEAN ở Bali nói rằng thỏa thuận này là dấu mốc quan trọng của sự hợp tác.

Tuy nhiên một số quốc gia thành viên ASEAN cho biết những biện pháp hướng dẫn này có tính chất mơ hồ và không đầy đủ. Họ than phiền rằng không có khung sườn nào để trực tiếp giải quyết tranh chấp ở khu vực mà nhiều người tin là có nhiều dầu lửa và khí đốt.

4 nước thành viên ASEAN – Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam, tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực gần bờ biển của mình, nhưng Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông. Hồi gần đây, Manila và Hà Nội đã lên tiếng phản đối việc tàu bè Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của họ.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc bao quát đến nỗi nếu được phép xác định như vậy thì việc xây dựng một bộ qui tắc ứng xử với Trung Quốc trở thành một việc vô ích.

Ông Rosario nói: "Họ tuyên bố trên cơ bản là họ có chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông. Vì vậy nếu chúng ta ký kết một hiệp định với Trung Quốc, một hiệp định được cho là một bộ qui tắc ứng xử; nhưng Trung Quốc lại nói rằng họ làm chủ tất cả mọi thứ".

Ông Rosario cho biết ông muốn ASEAN có lập trường cứng rắn hơn, bằng cách công bố những nguyên tắc hướng dẫn để đề ra những tiêu chuẩn rõ ràng nhằm giải quyết các vụ tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Thay vào đó, ông nói, Philippines có phần chắc sẽ phải hành động một mình và đưa vụ này ra trước tòa án của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, gọi tắt là UNCLOS, ngay cả trong trường hợp Trung Quốc không muốn tham gia.

Ông Rosario nói tiếp: "Chúng tôi sẽ ra trước UNCLOS nếu Trung Quốc muốn đi cùng với chúng tôi. Và nếu họ không muốn, như họ đã chứng tỏ như vậy, thì chúng tôi sẽ mưu tìm một phiên tòa trọng tài, dựa theo UNCLOS để có được một sự phân xử vĩnh viễn hoặc là một sự phân xử lâm thời. Và cuối cùng chúng ta cũng có một thủ tục hòa giải có tính chất cưỡng hành để qua đó chúng ta có được một ý kiến tuy không có tính chất ràng buộc pháp lý nhưng ý kiến đó có giá trị về mặt đạo đức."

Ngoại trưởng Rosario cũng nói rằng khu vực có tranh chấp nằm trong khuôn khổ của hiệp ước phòng thủ chung giữa Philippines với Hoa Kỳ. Các vị ngoại trưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tham dự diễn đàn an ninh khu vực ASEAN tại Bali trong tuần này.

Nguồn: voanews.com

–––––––––––––––––––––

Asean-Trung Quốc thống nhất văn bản về Biển Đông

clip_image002

Quan chức ngoại giao các nước Asean và Trung Quốc vừa đạt thống nhất về văn bản hướng dẫn thực hiện Tuyên bố chung về Biển Đông (DOC) tại cuộc họp đang diễn ra ở Bali, Indonesia.

Quá trình đưa ra hướng dẫn Tuyên bố chung của các bên liên quan tại Biển Đông đã bắt đầu từ khi ký DOC năm 2002 mà tới nay mới đi đến được thỏa thuận.

Điều này cho thấy đích đến cuối cùng, một bộ Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý, vẫn còn rất xa vời.

Tuy nhiên, quan chức các nước vẫn lên tiếng ca ngợi bản hướng dẫn vừa đạt được là "bước tiến quan trọng" trong tiến trình hướng tới COC.

Giới chức ngoại giao cao cấp Asean và Trung Quốc đã họp hôm thứ Tư trong khuôn khổ hội nghị Asean hàng năm, trước cuộc họp của các ngoại trưởng vào thứ Năm 21/07.

Sau cuộc họp buổi sáng, đại diện đoàn Việt Nam - trợ lý Bộ trưởng Phạm Quang Vinh, và đ̣ai diện Trung Quốc Lâm Chấn Minh đã xuất hiện trước báo chí để thông báo về kết quả đạt được.

Ông Phạm Quang Vinh, trưởng đoàn quan chức cấp cao SOM của Việt Nam, nói: "Qua thảo luận và đối thoại xây dựng và hiệu quả, chúng tôi đã đạt được ở cấp của chúng tôi một thỏa thuận về dự thảo văn bản hướng dẫn".

'Chung chung'

Ông Vinh ca ngợi: "Đây là bước khởi đầu quan trọng và tích cực cho tất cả chúng ta trong nỗ lực chung để tiếp tục đối thoại và hợp tác nhằm thúc đẩy hơn nữa sự ổn định và tin tưởng lẫn nhau ở trong khu vực".

Tuy nhiên, một số quan chức ngoại giao tham gia cuộc họp cho hay văn bản hướng dẫn này qua thảo luận đã bị gia giảm khá nhiều, và nội dung trở nên chung chung chứ không có gì cụ thể.

Hãng thông tấn AFP trích lời một số người nói các khác biệt vẫn còn tồn tại xung quanh định nghĩa khu vực nào tại Biển Đông được coi là vẫn còn đang tranh chấp vì các nước như Trung Quốc hay Philippines không có cử chỉ gì gọi là nhượng bộ trong tuyên bố chủ quyền của mình.

Thứ trưởng Trung Quốc Lâm Chấn Minh nói các quan chức nay sẽ chuyển văn bản hướng dẫn đạt được cho các bộ trưởng xem xét và thông qua tại cuộc họp thứ Năm.

Tuy nhiên đây chỉ là hành động có tính nghi lễ.

Ông Lâm hết lời ca tụng văn bản vừa đạt được:" Đây là dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa Trung Quốc và Asean".

"Tương lai của chúng ta thật rạng rỡ và chúng tôi trông chờ sự hợp tác tiếp tục trong tương lai."

Nguồn: bbc.co.uk

––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––

ASEAN, TQ đạt thỏa thuận về các biện pháp hướng dẫn thực thi DOC

clip_image003

Tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận tại các cuộc họp của ASEAN trong tuần này tại Bali. Hình: AP

Các quốc gia vùng Đông Nam Á và Trung Quốc đồng ý áp dụng một loạt biện pháp hướng dẫn cho vụ tranh chấp ở Biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.

Hãng thông tấn Reuters trích lời một giới chức Trung Quốc cho biết như thế ngày hôm nay (20 tháng 7) sau cuộc họp trên đảo Bali của Indonesia giữa các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc.

Phái viên của Reuters cho rằng đây là một dấu hiệu hợp tác hiếm có trong vụ tranh chấp đã làm cho các mối quan hệ trong khu vực bị xấu đi trong nhiều năm nay, nhưng việc có được một thỏa thuận rộng lớn hơn về vấn đề nước nào làm chủ những gì trong vùng biển nhiều tài nguyên này vẫn còn là một chuyện xa vời.

Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam đều tuyên bố có chủ quyền ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc là nước đòi chủ quyền nhiều nhất.

Bản tin của Reuters trích lời Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Lưu Chấn Dân nói rằng “Vài phút trước đây, tại hội nghị quan chức cấp cao của các nước ASEAN và Trung Quốc, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về các biện pháp hướng dẫn thực thi DOC” - hay Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc ký kết với Asean năm 2002.

Ông Lưu nói thêm rằng “Đây là một văn kiện quan trọng có tính chất dấu mốc cho sự hợp tác giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.” Ông Lưu cho hay thỏa thuận vừa đạt được sẽ được trình lên cấp Bộ trưởng trong cuộc họp ngày mai (21 tháng 7) để các Bộ trưởng thông qua.

Các biện pháp hướng dẫn này là một tập hợp các bước ban đầu hướng tới một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý, thường được gọi là Bộ Qui tắc ứng xử Biển Đông (COC).

Báo chí Việt Nam trích lời ông Phạm Quang Vinh, Trưởng đoàn quan chức cấp cao của Việt Nam tại hội nghị Bali, nói rằng “Thông qua thảo luận và đối thoại có tính xây dựng và hiệu quả, chúng tôi đã có thể – ở cấp độ của chúng tôi, đi tới thỏa thuận về dự thảo các biện pháp hướng dẫn”.

Một số các nhà ngoại giao đã xem những biện pháp hướng dẫn được ghi trên một trang giấy cho biết văn kiện này không giải quyết những vấn đề khó khăn nhất đang gây căng thẳng ở thủy lộ có tính chất chiến lược và có nhiều tài nguyên dầu khí.

Các nhà ngoại giao nói rằng văn kiện này qui định các nước đòi chủ quyền đạt được đồng thuận trước khi bắt đầu các dự án hợp tác, nhưng các dự án chung chỉ giới hạn trong các lãnh vực như nghiên cứu khoa học và tìm kiếm cứu nạn.

Văn kiện này không đề cập gì tới hoạt động thăm dò dầu khí, là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất. Các nhà ngoại giao cho hay văn kiện hướng dẫn còn qui định việc báo cáo hàng năm cho các Bộ trưởng của Asean và Trung Quốc về tiến bộ đạt được trong các hoạt động vừa kể.

Các giới chức Trung Quốc nói rằng họ cũng đề nghị tổ chức một cuộc hội thảo về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong vài tháng qua Trung Quốc đã tranh cãi với Philippines và Việt Nam về điều mà mỗi nước đều cho là những nước kia xâm phạm vào vùng biển của mình.

Vụ tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận tại các cuộc họp của ASEAN trong tuần này, nhưng Trung Quốc lâu nay vẫn chống đối điều mà họ cho là sự can dự của những nước khác trong các vụ tranh chấp song phương.

Trong lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton chuẩn bị đến dự cuộc họp ASEAN ở Bali, tờ Nhân dân Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay đã lặp lại sự chống đối đó. Bài báo nói rằng “Sự chống đối này không có nghĩa là Trung Quốc sai và dứt khoát không có nghĩa là Trung Quốc sợ hãi điều gì. Chúng tôi muốn giữ lập trường này để ngăn không cho vấn đề bị khuyếch đại hóa hoặc phức tạp hóa”.

Trước đó, Trung Quốc đã mạnh mẽ chỉ trích việc Hoa Kỳ tiến hành những cuộc diễn tập hải quân chung với Việt Nam ở Biển Đông.

clip_image004

Nguồn: voanews.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn