Thư bạn đọc

Kính chào các bác trang mạng Boxitvn. Cháu viết bài sau kể về việc Công an làm việc với cháu cách đây gần mười ngày khi cháu về quê. Ở quê cháu không nối mạng nên bây giờ cháu mới viết và gửi được. Nếu các bác thấy hữu ích với mọi người thì đăng lên mạng, còn không thì coi như cháu chia sẻ một chút với các bác. Cháu gửi lời chào kính trọng đến các bác. Xin chúc các bác bình an và luôn kiên tâm trước lẽ phải.

          Cháu – N.T.L.

Công an chính trị đã hỏi tôi về việc ký tên

Vừa rồi tôi về quê nghỉ hè. Mới được vài hôm thì sáng ngày 20/7/2011 có một chú công an tới hỏi: có N.T.L. ở nhà không? Tôi trả lời: “Em là L. đây”. Anh Công an bảo “Vậy thì mời em xuống Công an phường”. Khác với lần đầu tiên làm việc với nhà trường, lần này tôi đoán trước được có lẽ lại làm việc về ký tên chăng? Còn nếu là khen thưởng gì thì thường phải có giấy mời trước chứ!?

Khi tôi xuống tới phường thì không sai, đúng như tôi dự đoán, và bên Công an họ cũng vào thẳng vấn đề  luôn. Họ bảo: Hôm nay chúng tôi mời em lên đây để hỏi về việc em đã ký tên vào bản kiến nghị trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ.

Hỏi chuyện tôi là một anh Trung tá Công an khá trẻ và có thêm một anh ghi biên bản nữa. Sau khi giới thiệu tên và chức vụ, anh Trung tá bảo: Tôi là Công an chính trị ở tỉnh D., được công an ở tỉnh em học gọi điện báo em có ký tên vào bản kiến nghị trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ nên hôm nay tôi mời em lên để làm việc về vấn đề này.

Buổi làm việc có khá nhiều câu hỏi và tôi cũng trả lời khá nhiều. Tuy nhiên chủ yếu tập trung vào mấy vấn đề.

Mới vào anh Công an hỏi những câu mà tôi thấy có vẻ “hơi thừa” vì những tin này công khai và khá nhiều trên mạng mà theo tôi nghĩ là anh đã biết rồi trước khi làm việc với tôi, đó là những câu như: Em ký tên vào thời gian nào? Danh sách ký tên gồm những ai? Em ký bằng hình thức nào? Do ai tổ chức, v.v. ?

Lúc đầu tôi có chút thắc mắc thì anh Công an bảo: Em cứ việc trả lời. Và tất nhiên tôi cũng trả lời những gì tôi làm và tôi biết trên mạng như: Em ký tên vào gần cuối tháng 4 năm 2011, danh sách gần 2000 người, ký tên qua email, do các nhân sĩ trí thức khởi xướng, anh có thể xem danh sách ở trên mạng vì việc ký tên là công khai.

Sau đó anh ấy hỏi về gia đình, thời gian học tập. Rồi việc có ai rủ em ký không và em có rủ ai hay bạn bè nào cùng ký không? Tôi trả lời: Em thì em không rủ ai ký cả, nhưng nếu có việc rủ người khác ký thì cũng là bình thường thôi vì rủ là một chuyện còn họ ký hay không là tùy ý kiến của họ. Tiếp đến anh Công an hỏi: Em thấy những việc làm của ông Cù Huy Hà Vũ là đúng hay sai? Chẳng hạn như đòi kiện Thủ tướng, đòi bỏ điều 4 trong Hiến pháp, v.v. Và tôi trả lời: “Về cơ bản em thấy việc làm của TS luật Cù Huy Hà Vũ không có gì sai. Bởi trong Hiến pháp có ghi rõ mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên việc ông ấy kiện Thủ tướng cũng là chuyện bình thường thôi. Còn ông Vũ nói muốn bỏ điều 4 trong Hiến pháp là ý kiến riêng của ông ta, ông Vũ muốn nhắn gửi cũng như góp ý với Nhà nước Việt Nam, còn Nhà nước có tiếp thu hay không thì đó là quyền của Nhà nước, chứ tại sao lại bắt ông ấy đi bỏ tù? Còn việc có nhiều ý kến phát biểu khác, thì không chỉ ông Vũ mà mọi công dân đều có quyền có những quan điểm và có ý kiến cũng như góp ý riêng của mình. Nếu ý kiến đó là khó nghe, chưa đúng lắm thì những người có trách nhiệm, hiểu biết rộng, các trí thức, hay thậm chí là Quốc hội họp lại phân tích xem ông ấy đúng chỗ nào, sai chỗ nào, lý do vì sao sai? Và công bố cho công luận cũng như mọi người dân được biết. Giả sử nhà nước Việt Nam là đúng còn ý kiến của TS Cù Huy Hà Vũ là sai thì nhà nước việc gì phải sợ? Cứ việc để ông ấy nói bởi “Cây ngay không sợ chết đứng mà!”.

Tiếp theo anh ấy hỏi: Ở trường các bạn em không ký tại sao em lại ký? Tôi trả lời: về việc ký tên này là tùy quan điểm của mỗi người, có  thể  người  này ký người kia không ký là tùy nhận thức của mỗi người thôi.

Rồi anh Công an hỏi: Em có thường xuyên lên mạng không? Tôi trả lời: Vì nhu cầu học tập nên em thường xuyên lên mạng để học và tìm tài liệu cho các môn học, ngoài ra em cũng dành ít thời gian xem các  tin tức, các trang báo mạng khác nhau để có thông tin đa chiều. Bởi vì không như nhiều nước khác trên thế giới, ở Việt Nam toàn bộ báo giấy chịu dưới sự quản lý của Nhà nước nên nhiều tin tức, nhiều vấn đề chỉ đăng mang tính một chiều thôi.

Nghe xong, anh Công an bảo: Từ giờ em không nên vào xem các trang mạng xấu, các trang mạng có tính phản động nữa. Tôi bảo: Nếu trang mạng thật sự như anh nói thì tất nhiên em sẽ không xem, nhưng lên mạng để xem các tin tức, tìm hiểu thông tin đa chiều thì em vẫn làm bình thường thôi.

Anh ấy nói: Tôi khuyên em sau này không nên ký hay làm những việc tương tự như thế này nữa, nó sẽ không có lợi cho em đâu? Tôi trả lời: Không phải vấn đề này mà nhiều vấn đề khác cũng vậy thôi, là khi đứng trước những cái xấu những cái bất công những điều sai trái thì mình phải có ý kiến, đó là lương tâm, trách nhiệm, và quyền lợi của mỗi người. Còn những điều đúng đắn, lẽ phải, điều tốt thì mình ủng hộ đó cũng là chuyện bình thường thôi. Chẳng hạn như có một tên giết người mà vì lý do nào đó tòa xử trắng án, không đúng với pháp luật thì mình cũng có quyền phản đối tòa án.

Sau đó anh Công an hỏi tôi: Em có suy nghĩ gì về việc cho Trung Quốc khai thác bauxite ở Tây Nguyên , việc Trung Quốc cắt cáp tàu thăm dò dầu khí ở Biển đông? Lúc đầu tôi định không trả lời, vì việc này không liên quan tới việc ký tên. Nhưng anh ấy hỏi lần thứ hai và gợi ý với tôi là em có nghĩ khai thác bauxite ở Tây Ngyên sẽ ảnh hưởng tới môi trường hay thiệt hại gì đó không, nên tôi trả lời: Em có học một ít về kinh tế nên em hiểu là không chỉ dự án bauxite, mà bất cứ đầu tư dự án kinh tế nào thường có mặt lợi và mặt hại của nó, do vậy phải xét các mặt lợi và mặt hại xem cái nào nhiều hơn. Cho nên dự án bauxite cũng vậy, tuy nó có một số mặt lợi nhưng theo nhiều chuyên gia, trí thức phân tích thì tác hại của Dự án bauxite là rất lớn, vì vậy em nghĩ là bây giờ không nên khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Còn việc anh Công an hỏi tôi suy nghĩ gì khi tàu Trung quốc xâm phạm Biển Đông Việt Nam và cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Việt Nam thì tôi bảo: Anh hỏi câu này ‘nghe vui’ quá, bởi vì ngay cả Chủ tịch nước Nguyễn MinhTriết – người đứng đầu nhà nước, còn tuyên bố: “Chúng ta hy sinh tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Nên em là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Việt Nam, tất nhiên em phải đứng về Dân tộc Việt Nam và phản đối Trung Quốc rồi.

Anh Công an suy nghĩ một chút rồi bảo: Sau này các việc như khai thác bauxite, tàu Trung Quốc gây hấn Biển Đông hoặc các việc tương tự đã có Đảng và Nhà nước lo, em không nên tham gia vào. Tôi đã trả lời: Em không đồng ý với ý kiến của anh, bởi Nhà nước luôn kêu gọi tham gia giao thông là trách nhiệm của toàn dân, phòng chống ma túy phòng chống tội phạm là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn dân… Thì việc yêu nước, phản đối Trung quốc gây hấn, nêu lên những ý kiến để góp phần xây dựng đất nước được tốt đẹp hơn, không thể là việc của riêng Đảng và Nhà nước được, mà cũng là trách nhiệm và quyền lợi của mọi người dân đều có quyền tham gia.

Anh Công an còn nói với tôi: Em là một trí thức trẻ, mới ra trường, kiến thức của em tỉnh ta đang cần, em có thể làm việc để phục vụ quê hương Đất nước… Thấy không liên quan vấn đề nên tôi không trả lời, và tôi cũng có nói thêm là: Về việc ký tên theo em nghĩ cũng là bình thường thôi, nếu khi gửi Kiến nghị lên các cơ quan chức trách, sau khi xem xét nếu thấy chưa đúng, hoặc không hài lòng thì họ có quyền bác bỏ. Còn các anh cứ gọi người lên tra hỏi, làm hình sự hóa vấn đề, cũng không hay và không có lợi cho các anh đâu…

Và gần cuối buổi làm việc anh Công an bảo tôi ghi một bản tường trình về việc ký tên, về cơ bản, tôi cũng ghi những gì tôi biết tôi làm (như đã có một lần làm việc với nhà trường). Đồng thời anh Công an ghi biên bản, cũng ghi lại những điều tôi làm việc với Công an trong gần hai giờ đồng hồ vào sáng nay, ghi xong thì đưa cho tôi đọc, sau khi đã đọc thấy đúng những gì tôi đã trả lời thì tôi ký vào đúng như anh Công an yêu cầu.

Cuối cùng, anh Công an Trung tá nãy giờ hỏi tôi có vẽ nghiêm mặt lại và nói hơi mạnh là: Tôi khuyên em sau này nếu có những việc tương tự như thế này em không nên tham gia vào, không có lợi cho em, hôm nay chỉ làm việc ‘đơn giản’, nhưng hôm sau nếu gọi em lên sẽ có người khác làm việc và sẽ vất vả cho em hơn nhiều.

Một phần anh Công an Trung tá nói hơi nhanh, một phần những gì cần nói về điều này tôi cũng đã trình bày rồi nên đến đây tôi không nói gì.

Nói xong anh ta bảo: Buổi làm việc của chúng ta là ‘thoải mái’ nhé! Và tới đây là kết thúc, em có thể về nhà.

Tôi tưởng tới đó có lẽ xong. Nhưng bỗng dưng hai hôm sau, một điều tôi không nghĩ tới và không muốn nghĩ tới lại xảy ra, đó là khi tôi đang đến chơi ở nhà một người bà con thì có một người gọi điện thoại xưng là Công an hôm trước đã làm việc với tôi, và hỏi tôi: Địa chỉ email của em là gì? Địa chỉ email mà em thường dùng đó. Tôi trả lời: Địa chỉ email là chuyện riêng tư cá nhân không thể cung cấp cho anh được. Anh ta bảo: Tôi là Công an, em phải đưa địa chỉ email cho tôi. Tôi trả lời: Hộp thư email của em không có gì mờ ám nhưng em cũng không thể đưa, vì đây là những chuyện riêng tư của em, còn các anh cứ nhất quyết đòi email của em, thì việc làm của các anh là sai trái. Anh Công an trả lời với vẻ khó chịu: Được rồi, nếu em không cung cấp email thì chúng tôi sẽ tiếp tục mời em lên làm việc với Công an tỉnh. Nói xong anh ta liền cúp máy.

Trên đây là những gì tôi gặp phải với Công an qua chuyến về quê nghỉ hè. Tôi thấy thật là ‘khó hiểu’! Tại sao chỉ là một việc Công dân  ký tên để bày tỏ một chút ý kiến trước những gì mình cảm thấy chưa hài lòng, để mong xã hội công bằng hơn, văn minh hơn, dân chủ hơn như khẩu hiệu Nhà nước đề ra mà hết nhà trường rồi đến Công an tỉnh lo lắng, phải mất thời giờ, phải tra hỏi…!?

Thật buồn thay!

N.T.L.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn